2017
“Chúng Ta Hãy Tự Lực Cánh Sinh và Tự Lập”
October 2017


“Chúng Ta Hãy Tự Lực Cánh Sinh và Tự Lập”

Khi Các Thánh Hữu Ngày Sau trên khắp thế giới chấp nhận các nguyên tắc và giáo lý về sáng kiến tự lực cánh sinh của Giáo Hội thì họ đang gặt hái các phước lành của “sự hy vọng, bình an và tiến bộ lớn lao hơn.”

Hình Ảnh
violin maker in workshop

Trước khi trở thành tín hữu của Giáo Hội, Peter đã dành phần lớn cuộc đời trưởng thành của mình theo đuổi sự thành công về tài chính. Nhìn bề ngoài thì dường như anh đã tìm được tất cả. Xét cho cùng, anh đã làm chủ và điều hành vài doanh nghiệp.

Khi một vị lãnh đạo Giáo Hội địa phương ở West Midlands, Anh, mời Peter gia nhập một nhóm tài chính cá nhân được đưa ra qua sáng kiến tự lực cánh sinh của Giáo Hội, anh không tin rằng khóa học này có thể giảng dạy cho anh bất cứ điều gì. Tuy nhiên, khi Peter bắt đầu tham gia vào nhóm này thì anh nhanh chóng nhận ra mình vẫn còn phải học hỏi biết bao nhiêu nữa.

Anh nói: “Khóa học này không phải hoàn toàn là về tài chính; mà chỉ có một phần khóa học là dạy về tài chính thôi. Điều quan trọng nhất đối với tôi là học cách có đức tin nơi Cha Thiên Thượng—cách mà Ngài ban cho tất cả chúng ta các phước lành vật chất và làm cho chúng ta có thể đạt được sự tự lực cánh sinh nếu chúng ta tuân theo sự hướng dẫn thiêng liêng của Ngài.”

Là thành viên của nhóm tài chính cá nhân, Peter đã học được những kỹ năng thực tiễn như theo dõi chi tiêu của gia đình, lập ra và sống theo một ngân sách, giảm nợ nần, và dành dụm cho tương lai. Bằng cách sử dụng những kỹ năng này, cùng với việc thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và làm việc siêng năng, vợ chồng Peter đã trả được một món nợ lớn.

Anh nói: “Tôi cảm thấy nhẹ nhõm và tự do hơn một cách đáng kể mà không còn nỗi sợ hãi liên quan tới nợ nần và xáo trộn tài chính. Tôi cảm nhận được các phước lành dồi dào của Cha Thiên Thượng theo một cách mà tôi chưa bao giờ cảm nhận như vậy trước đây. Tôi đã học được cách cầu khẩn Ngài và lắng nghe những sự đáp ứng của Ngài khi tôi cần được giúp đỡ về những vấn đề vật chất của mình.”

Sáng Kiến về Sự Tự Lực Cánh Sinh

Sự tự lực cánh sinh không phải chỉ là có việc làm tốt, dự trữ thực phẩm, hoặc tiền trong ngân hàng. Đúng hơn, đó là “khả năng, sự cam kết và nỗ lực để lo liệu những thứ cần dùng về mặt tinh thần và vật chất của cuộc sống cho bản thân và gia đình. Khi các tín hữu [Giáo Hội] trở nên tự lực cánh sinh, thì họ cũng có thể phục vụ và chăm sóc cho người khác tốt hơn”1 khi họ đặt việc làm thành nguyên tắc chỉ đạo trong cuộc sống của họ.

Chủ Tịch Thomas S. Monson đã dạy: “Sự tự lực cánh sinh là kết quả của việc làm chúng ta và hỗ trợ tất cả các chương trình an sinh khác của chúng ta. Đó là một phần thiết yếu của sự an lạc thuộc linh lẫn thế tục của chúng ta. … ‘Chúng ta hãy làm điều gì mà chúng ta cần đến. Chúng ta hãy tự lực cánh sinh và tự lập. Sự cứu rỗi không thể nhận được qua bất cứ nguyên tắc nào khác. Sự cứu rỗi là một vấn đề cá nhân, và chúng ta phải tự làm nên sự cứu rỗi của riêng mình trong các điều thế tục lẫn thuộc linh.’”2

Dưới sự hướng dẫn của các vị lãnh đạo chức tư tế địa phương, có hơn 500.000 Thánh Hữu Ngày Sau trong hơn 100 quốc gia đã tham gia vào sáng kiến tự lực cánh sinh từ năm 2014. Giáo Hội hiện đang giới thiệu sáng kiến này trên khắp Bắc Mỹ.

Sáng kiến này bao gồm các khóa học và các nguồn tài liệu “để giúp các tín hữu của Giáo Hội học hỏi và thực hành các nguyên tắc về đức tin, giáo dục, làm việc siêng năng, và tin cậy nơi Chúa. Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn nói: “Việc chấp nhận và sống theo các nguyên tắc này sẽ làm cho [chúng ta] nhận được tốt hơn những phước lành vật chất đã được Chúa hứa.”3

Hình Ảnh
fisherman

Vui Mừng và Hy Vọng

Maria Edilene Romão đã mất hy vọng. Chị ấy đã không thể tìm được việc làm, chị là một người mẹ độc thân, và chị phải nuôi ăn vài đứa con.

Chính lúc đó có hai tín hữu trong tiểu giáo khu của chị ở Santa Catarina, Brazil, đã mời chị đến tham dự một buổi họp đặc biệt devotional về sự tự lực cánh sinh. Vào cuối buổi họp devotional, Maria gia nhập một nhóm người để giúp chị tìm việc làm.

Chị nhớ lại: “Lần đầu tiên trong đời, tôi đã tin tưởng nơi một tương lai mà tôi có thể lo liệu cho gia đình mình. Tôi đã tin rằng nhóm tự lực cánh sinh sẽ giúp tôi thay đổi cuộc đời của mình.”

Quả thật là như vậy.

Trong 12 tuần tiếp theo, Maria đã tận tâm đối với nhóm của mình, những công việc học tập, và những cam kết của mình. Chị đã cố gắng với nghị lực mới mẻ hướng tới các mục tiêu của chị. Chị thực tập các kỹ thuật phỏng vấn cho việc làm. Trong vòng hai tuần, chị đã có được một cuộc phỏng vấn đầy triển vọng về việc làm. Chị đã có một việc làm nhờ vào cuộc phỏng vấn đó.

Maria, đã không còn phải vất vả để nuôi ăn gia đình mình, nói: “Cuộc đời của tôi đã thay đổi vĩnh viễn. Giờ đây, tôi hạnh phúc, phấn khởi, kiên nhẫn và đầy hy vọng. Tôi tin rằng Cha Thiên Thượng hằng sống và yêu thương tôi. Tôi biết rằng khi thực hành đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô, thì tôi được ban phước.”

“Công Cụ Tuyệt Diệu Nhất”

Hình Ảnh
seamstresses

Anh Cả Robert D. Hales thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ nói rằng sự tự lực cánh sinh là phương tiện để đạt được những điều quan trọng hơn: “Mục tiêu tột bậc của chúng ta là trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi, và mục tiêu đó được nâng cao bởi sự phục vụ vô vị kỷ của chúng ta đối với người khác. Khả năng phục vụ của chúng ta được gia tăng hoặc giảm bớt bởi mức độ tự lực cánh sinh của chúng ta.”

Anh Cả Hales nói thêm: “Chỉ khi nào trở nên tự túc rồi thì chúng ta mới có thể noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi trong việc phục vụ và ban phước cho những người khác.”4

Sergio Galbuchi đã tự mình học được lẽ thật đó khi bắt đầu công việc kinh doanh ngay sau khi chủ tịch đoàn giáo khu kêu gọi anh với tư cách là một chuyên gia về chương trình tự lực cánh sinh. Được chuẩn bị với đức tin, kỹ năng và sự hiểu biết mà anh đã đạt được với tư cách là thành viên của ủy ban, Sergio và vợ của anh là Silvia, đã mở một cửa hàng ở Buenos Aires với “các đồ thủ công và thực phẩm đặc biệt” của Argentina.

Sergio nói: “Tôi nghĩ rằng việc trở nên tự lực cánh sinh là một cách để áp dụng đức tin.” Ban đầu, anh và Silvia đã không được thành công như họ hy vọng, nên đức tin vẫn là trọng tâm của nỗ lực của họ. Nhưng trong khi chờ đợi kết quả tài chính mà họ hy vọng thì họ đã làm việc siêng năng và giúp ích cho khách hàng của họ bằng những sản phẩm những nỗ lực truyền giáo của họ.

Sergio nói: “Chúng tôi quen biết được nhiều người. Và chúng tôi đã có cơ hội để biếu tặng các quyển Sách Mặc Môn.”

Ban đầu, ủy ban tự lực cánh sinh của giáo khu đã nhận ra 10 tín hữu trong giáo khu của Sergio, là những người cần sự giúp đỡ để được tự lực cánh sinh. Nhưng rồi các vị giám trợ tham gia.

Sergio nói trong khi nỗ lực này gia tăng: “Bây giờ chúng tôi biết có 35 cá nhân đang cần được giúp đỡ để được tự lực cánh sinh. Các vị giám trợ của họ đã mời từng người họ tham gia vào các nhóm.”

Đức tin của họ phát triển, họ đã có những thay đổi cần thiết, và họ đã sử dụng các kỹ năng mới.

Sergio nói thêm: “Mỗi lần nói chuyện với các vị lãnh đạo chức tư tế, tôi đều cố gắng nói với họ rằng đây là công cụ tuyệt diệu nhất mà chúng ta đã nhận được từ Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Công cụ này còn tốt hơn bất cứ số tiền nào có thể được đưa ra để giúp đỡ một người nào đó, và những lời giảng dạy của công cụ này là rõ ràng hơn nhiều so với tài liệu tôi đã học được khi còn là một sinh viên đại học.”

Quan trọng hơn hết, những người hoàn tất các khóa học tự lực cánh sinh trong 12 tuần đều trở thành các môn đồ tốt hơn của Chúa Giê Su và học cách sử dụng các kỹ năng của họ để xây đắp vương quốc của Thượng Đế.

Sergio nói: “Nhóm [tự lực cánh sinh] này không chỉ tập trung vào công việc kinh doanh của chúng tôi không thôi mà còn tập trung vào mối quan hệ của chúng tôi với Thượng Đế và những người khác nữa. Chúng tôi trở thành các môn đồ tốt hơn của Chúa Giê Su Ky Tô trong ba tháng chúng tôi ở trong nhóm này. Có lẽ một công việc kinh doanh sẽ giúp chúng tôi trở nên tự lực cánh sinh hơn, nhưng thực sự, mục tiêu tột bậc vẫn là phục vụ.”

Sự Tăng Trưởng và Hành Động

Hình Ảnh
mother with sons

Chủ Tịch Joseph F. Smith (1838–1918) nói: “Luôn luôn có một lời giảng dạy cơ bản cho Các Thánh Hữu Ngày Sau rằng một tôn giáo mà không có quyền năng cứu rỗi con người về mặt vật chất và làm cho họ thịnh vượng và hạnh phúc ở nơi đây, thì không thể nào được trông mong để cứu rỗi họ về mặt thuộc linh, để tôn cao họ trong cuộc sống mai sau.”5

Vậy thì, chúng ta chớ ngạc nhiên khi thấy rằng bằng cách củng cố phần vật chất của một người, thì chúng ta cũng củng cố phần thuộc linh của người ấy nữa. Anh Cả David và Chị Theresa Nish, là hai người phục vụ với tư cách là những người truyền giáo trong nỗ lực tự lực cánh sinh ở Quần Đảo Solomon, đã thấy được sự tương quan trực tiếp đó giữa các tín hữu của Giáo Hội ở đó.

“Sự tăng trưởng về mặt thuộc linh và việc tham dự đền thờ rõ ràng là nhờ vào các nguyên tắc, kỹ năng và thói quen được giảng dạy trong My Foundation (Nền Tảng của Tôi) và nhờ vào điều giải thích toàn diện trong My Path to Self-Reliance (Con Đường của Tôi dẫn đến Sự Tự Lực Cánh Sinh),” họ nói về các cuốn sách nhỏ của sáng kiến đó. “[Các cuốn sách này] đang giúp đỡ mọi người tiến bộ về mặt thuộc linh cũng như về mặt vật chất, dẫn đến sự tự lực cánh sinh về mặt thuộc linh và vật chất.”

Cheryl Redd, người điều giải chương trình tự lực cánh sinh ở Utah, Hoa Kỳ, giải thích về các nguyên tắc thuộc linh của sáng kiến đã giúp chị tiến bộ như thế nào về mặt vật chất: “Tôi nhận ra rằng những nguyên tắc và nền tảng này có thể áp dụng cho tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta. Những buổi hội thảo này đã giúp tôi trở nên tập trung hơn vào các trách nhiệm của tôi với vai trò làm mẹ và làm vợ. Giờ đây tôi có các công cụ để hiểu rõ hơn về tài chính của gia đình. Tôi thấy cách làm việc chung với những người phối ngẫu của chúng ta để quản lý tài chính giống như là một công việc kinh doanh. Chúng ta cần những công cụ này cho gia đình của chúng ta thành công.”

Trong khắp Giáo Hội, sự hiểu biết gia tăng này đang dẫn đến sự gia tăng lòng trung tín và sức mạnh thuộc linh. Do đó, các tín hữu đã gia tăng sự cam kết của họ để tham dự nhà thờ, đóng tiền thập phân, và vẫn xứng đáng đi đền thờ.

George Echevarría, một tín hữu mới, nói về sáng kiến tự lực cánh sinh: “Sáng kiến đó đã làm cho tôi chú ý.” George, người lái xe taxi ở Peru, nói rằng sáng kiến này đã giúp anh ta đạt được chứng ngôn về phúc âm trong khi làm cho anh ta mong muốn cải thiện bản thân mình. Bây giờ anh hy vọng sẽ trở thành một người thợ điện, sửa các loại xe taxi nhỏ mà anh đã lái trong nhiều năm.

Anh nói: “Chúng ta không nên ngồi thụ động chờ đợi cho những sự việc xảy đến với chúng ta. Chúng ta nên chủ động.”

“Cuộc Sống của Anh Chị Em Sẽ Được Ban Phước”

Hình Ảnh
woman kneeling in prayer

Các Thánh Hữu Ngày Sau trên khắp thế giới đang gặt hái những phước lành đã được hứa của Chúa khi họ siêng năng học hỏi, sống theo và áp dụng các nguyên tắc tự lực cánh sinh về mặt thuộc linh lẫn vật chất. Mặc dù mọi người đều có thể được hưởng lợi, nhưng sáng kiến này đã đặc biệt ban phước cho những người thiếu hoặc cần được củng cố nơi khả năng tự lực cánh sinh về mặt vật chất lẫn thuộc linh. Quỹ Giáo Dục Luân Lưu hỗ trợ sáng kiến tự lực cánh sinh bằng cách giúp đỡ những người có kế hoạch học hành để tiếp cận các nguồn phương tiện cần thiết.

Thánh thư hứa rằng chúng ta sẽ nhận được sự giúp đỡ của Chúa khi chúng ta cố gắng hướng tới khả năng tự lực cánh sinh. Ngài đã phán: “Mục đích của ta là lo liệu cho các thánh hữu của ta” (GLGƯ 104:15).

Khi nói về mục đích đó, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã tuyên bố: “Điều mặc khải này là lời hứa của Chúa rằng Ngài sẽ ban cho các phước lành vật chất và cung cấp một cách thức để đạt được khả năng tự lực cánh sinh, tức là khả năng cho chúng ta cung cấp những nhu cầu thiết yếu của đời sống cho bản thân mình và cho những người trong gia đình của chúng ta.”

Trong khi chúng ta học hỏi, áp dụng và giảng dạy các nguyên tắc này cho những người trong gia đình, thì Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn hứa rằng “cuộc sống của anh chị em sẽ được phước. Anh chị em sẽ học cách hành động trên con đường hướng tới sự tự lực cánh sinh hữu hiệu hơn. Anh chị em sẽ được ban phước với nhiều hy vọng, bình an và tiến bộ hơn.”6

Ghi Chú

  1. Sách Hướng Dẫn 2: Điều Hành Giáo Hội (2010), 6.1.1.

  2. Thomas S. Monson, “Guiding Principles of Personal and Family Welfare,” Ensign, tháng Chín năm 1986, 3; xin xem thêm Marion D. Romney, trong Welfare Services Meeting Report, ngày 2 tháng Mười năm 1976, 13.

  3. Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, trong My Foundation: Principles, Skills, Habits (cuốn sách nhỏ, 2015), 2.

  4. Robert D. Hales, “A Gospel Vision of Welfare: Faith in Action,” trong Basic Principles of Welfare and Self-Reliance (cuốn sách nhỏ, 2009), 2.

  5. Teachings of Presidents of the Church: Joseph F. Smith (1998), 164.

  6. Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, trong My Foundation, 2.