2002
Các Trẻ Em
THÁNG BẢY NĂM 200


Các Trẻ Em

Được tìm thấy trong những gì chúng ta tin tưởng, trong những gì chúng ta giảng dạy là lời khuyên nhũ, các lệnh truyền, ngay cả những lời cảnh cáo chúng ta phải bảo vệ, yêu thương, chăm sóc và “dạy [con em mình] đi vào những con đường ngay thật.”

Cách đây nhiều năm tại Cuzco, trên dải núi cao Andes Mountains ở Peru, Anh Cả A. Theodore Tuttle và tôi tổ chức một buổi lễ Tiệc Thánh trong một căn phòng dài và hẹp với chỉ một cửa mở ra đường. Đó là lúc ban đêm và rất lạnh.

Trong khi Anh Cả Tuttle đang nói chuyện, một đứa bé trai, khoảng sáu tuổi, xuất hiện trước khung cửa. Em chỉ mặc độc một cái áo sơ mi rách rưới dài đến đầu gối.

Bên trái chúng tôi là một cái bàn nhỏ với dĩa đựng bánh cho Tiệc Thánh. Đứa trẻ mồ côi xốc xếch đầu đường xó chợ này thấy dĩa bánh và đi chậm dọc theo bức tường để đến đó. Nó sắp đến gần cái bàn thì một chị phụ nữ đứng trong lối đi trông thấy nó. Chị nghiêm khắc ra dấu bằng đầu đuổi nó đi ra ngoài đêm tối. Tôi than thầm trong bụng.

Sau đó đứa bé trở lại. Nó bò dọc theo bức tường, lướt nhìn từ dĩa bánh đến tôi. Nó sắp đến gần nơi mà chị phụ nữ lại sẽ thấy nó. Tôi giơ tay mình ra và nó chạy lại tôi. Tôi ôm nó đặt vào lòng mình.

Rồi, như một biểu tượng nào đó, tôi đặt nó vào ghế ngồi của Chủ Tịch Tuttle. Sau lời cầu nguyện kết thúc, tôi thấy buồn nhiều khi nó phóng mình ra ngoài đêm tối.

Khi trở về nhà, tôi kể cho Chủ Tịch Spencer W. Kimball nghe về nó. Ông lấy làm cảm động nhiều và đề cập đến điều đó trong một bài nói chuyện đại hội. Ông kể cho những người khác nghe về câu chuyện đó và hơn một lần nói cùng tôi: “Kinh nghiệm đó có ý nghĩa sâu xa hơn mà anh chưa biết được.”

Tôi không bao giờ quên được đứa trẻ mồ côi lang thang đầu đường xó chợ đó. Nhiều lần ở Nam Mỹ tôi đã đi tìm nó nơi gương mặt của những người dân nơi đó. Khi tôi nhớ đến nó, tôi lại nhớ đến những người như nó.

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, vào một đêm giá lạnh trong ga xe lửa ở miền nam nước Nhật, tôi nghe một tiếng gõ trên cửa sổ xe lửa. Ngoài đó là một đứa bé trai cũng mặc chiếc áo rách rưới, một miếng dẻ rách cột chung quanh cái hàm sưng, đầu nó đầy ghẻ chốc. Nó đang cầm một cái lon rỉ sét và một cái muỗng, hình ảnh của đứa bé mồ côi ăn xin. Khi tôi cố gắng mở cánh cửa ra để cho nó tiền, thì xe lửa bắt đầu chạy. Tôi sẽ không bao giờ quên được đứa bé đói khát đó đứng trong lạnh giá giơ lên chiếc lon trống không của nó.

Có một đứa bé học lớp một đang bị sốt và sổ mũi trong nhà thương tại trường học của chính phủ dành cho người dân Da Đỏ. Tôi mở gói đồ của mẹ nó gửi đến, qua hằng trăm dặm từ nơi khu dành cho bộ lạc người dân Da Đỏ. Gói trong một hộp giấy nhỏ với nhãn hiệu đồ phụ tùng xe hơi mà chắc là bà có được từ nơi trạm trao đổi buôn bán, là ổ bánh mì chiên dòn và những miếng thịt trừu—một món quà Giáng Sinh cho đứa con trai nhỏ của bà.

Tôi thấy trên tin tức gần đây những hàng dài quen thuộc của người tị nạn. Với họ, trẻ em bồng bế trẻ em thì rất thường. Một đứa trẻ đang ngồi trên một đống đồ to mà mẹ nó đang vác đi. Khi họ chậm chạp và yên lặng bước ngang qua, thì đứa bé nhìn vào ống kính. Gương mặt nhỏ nhắn đen đúa bình dị đó và đôi mắt to đen đó dường như muốn hỏi: “Tại sao?”

Trẻ em trong quá khứ, hiện tại và tương lai vẫn luôn như thế. Chúng thật toàn hảo và quý báu. Mỗi khi một đứa trẻ sinh ra thì thế gian được tái lập lại tình trạng vô tư.

Tôi thường nghĩ về và cầu nguyện cho các trẻ em và giới trẻ và cha mẹ chúng.

Mới đây, tôi tham dự một buổi lễ Tiệc Thánh được thực hiện bởi các em có khuyết tật. Mỗi em đều bị phế tật nơi thính giác hay thị giác hay phần phát triển trí óc. Mỗi em thiếu niên được chỉ định làm người đồng bạn cho mỗi em có khuyết tật. Các em hát và chơi nhạc cho chúng tôi nghe. Đối diện với chúng tôi trong dải ghế đằng trước là một em thiếu nữ, đang đứng và dùng ngôn ngữ ra dấu cho những người ngồi ngoài sau chúng tôi mà không thể nghe được.

Jenny đưa ra một chứng ngôn ngắn. Rồi từng người cha mẹ của em nói chuyện. Họ kể về nỗi sầu khổ não nề mà họ đã biết được khi họ hay rằng con của họ sẽ không bao giờ có được một cuộc sống bình thường. Họ kể về những thử thách vô tận, mỗi ngày theo sau đó. Khi những người khác nhìn chòng chọc hay cười nhạo, thì các anh em của Jenny choàng vòng tay che chở lên em. Rồi người mẹ cho chúng tôi biết về tình yêu thương và niềm vui hoàn toàn mà Jenny đã mang đến cho gia đình.

Các bậc cha mẹ đó đã học biết được rằng “sau nhiều nỗi thống khổ, phước lành sẽ đến” (GLGƯ 103:12). Tôi đã nhìn thấy họ kết hợp với nhau qua nghịch cảnh và thay đổi thành những người tốt hơn—là Các Thánh Hữu Ngày Sau chân chính.

Họ cho chúng tôi biết là Jenny thích làm thân với các người cha. Vậy nên khi tôi bắt tay em, tôi nói: “Tôi là một người ông.”

Em nhìn lên và nói: “Ồ, cháu có thể hiểu lý do tại sao!”

Không có điều nào trong thánh thư, không có điều nào trong các ấn phẩm của chúng ta, không có điều nào trong những gì chúng ta tin tưởng hay giảng dạy mà cho phép cha mẹ hay bất cứ người nào được xao lãng, ngược đãi hay hành hung con cái mình hay con cái của người khác.

Được tìm thấy trong thánh thư, trong các ấn phẩm của chúng ta, trong những gì chúng ta tin tưởng, trong những gì chúng ta giảng dạy là lời khuyên nhũ, các lệnh truyền, ngay cả những lời cảnh cáo chúng ta phải bảo vệ, yêu thương, chăm sóc và “dạy [con em mình] đi vào những con đường ngay thật” (Mô Si A 4:15). Nếu làm ngược lại thì là một điều hoàn toàn không chấp nhận được.

Trong số những lời cảnh cáo nghiêm khắc nhất và những hình phạt nặng nề nhất trong các mặc khải là những điều liên quan đến các trẻ nhỏ. Chúa Giê Su đã phán: “Song, nếu ai làm cho một đứa trong những đứa nhỏ này đã tin ta sa vào tội lỗi, thì thà buộc cối đá vào cổ, mà quăng nó xuống đáy biển còn hơn” (Ma Thi Ơ 18:6).

Trong thời của Tiên Tri Mặc Môn, một số người không hiểu rằng các trẻ nhỏ “được xét thấy là vô tội trước mặt Thượng Đế” (Mô Si A 3:21) và được “sống trong Đấng Ky Tô” (Mô Rô Ni 8:12) thì lại muốn làm báp têm cho các trẻ nhỏ. Mặc Môn nói rằng họ “chối bỏ những sự xót thương của Đấng Ky Tô, và xem sự cứu chuộc của Ngài cùng quyền năng cứu chuộc của Ngài như không có vậy” (Mô Rô Ni 8:20).

Mặc Môn đã nghiêm khắc khiển trách họ, khi nói: “Kẻ nào cho rằng trẻ con cần phải được báp têm, thì kẻ đó phải chịu sự đắng cay và phải ở trong vòng trói buộc của sự bất chính, vì kẻ đó chẳng có đức tin, hy vọng hay lòng bác ái gì cả; vậy nên, nếu kẻ đó chết đi trong khi đang có tư tưởng như vậy, thì hắn phải xuống ngục giới… .

“Kìa, cha mạnh dạn nói ra như vậy, vì cha đã được Thượng Đế ban cho đủ thẩm quyền” (Mô Rô Ni 8:14, 16).

Chỉ khi nào đứa trẻ đến tuổi chịu trách nhiệm, đã được Chúa quy định là tám tuổi thì mới cần làm báp têm cho chúng (xin xem GLGƯ 68:27). Trước tuổi đó, thì chúng còn vô tội.

Không được bỏ mặc hay xao lãng con cái. Tuyệt đối không được ngược đãi hay hành hung chúng. Không được bỏ phế hay lơ là con cái bởi vì chuyện ly dị. Cha mẹ có trách nhiệm nuôi nấng con cái.

Chúa đã phán: “Tất cả các trẻ thơ đều có quyền được cha mẹ nuôi dưỡng cho đến ngày trưởng thành” (GLGƯ 83:4).

Chúng ta phải nhận trách nhiệm chăm sóc các nhu cầu vật chất, tinh thần và tình cảm của chúng. Sách Mặc Môn dạy rằng: “Các người sẽ không để cho con cái mình phải đói rách, và cũng không để cho các con mình phạm luật của Thượng Đế, gây gổ, kình chống nhau, và thuần phục quỷ dữ, vốn là chủ của tội lỗi, là linh hồn tà ác, là kẻ thù của mọi điều ngay chính, như tổ tiên chúng ta đã từng nói tới” (Mô Si A 4:14).

Không có điều gì mà so sánh được với một người cha có trách nhiệm và sau đó giảng dạy trách nhiệm cho con cái mình. Không có điều gì mà so sánh được với một người mẹ ở bên cạnh chúng để an ủi chúng và cho chúng sự đảm bảo. Tình yêu thương, sự che chở và sự dịu dàng có giá trị tuyệt hảo.

Chúa đã phán: “Ta truyền lệnh cho các ngươi phải nuôi nấng con cái mình trong sự sáng và lẽ thật” (GLGƯ 93:40).

Rất thường khi một người cha hay mẹ bị bỏ mặc một mình phải nuôi con. Chúa đã có cách thức của Ngài củng cố người cha hay mẹ đó để một mình đáp ứng những gì phải là trách nhiệm của người cha và người mẹ. Bởi vì người cha hay mẹ nào mà cố tình bỏ phế con cái họ thì là một lỗi lầm nặng nề.

Tôi thường nghĩ về một đứa bé trai khác. Chúng tôi gặp nó ở buổi lễ tốt nghiệp lớp giáo lý trong một thành phố xa xôi ở Á Căn Đình. Nó ăn mặc đẹp đẻ và được nuôi nấng tử tế.

Các học sinh bước xuống lối đi và bước lên khán đài. Nơi đó có bậc tam cấp khá cao. Nó không thể bước lên bậc tam cấp thứ nhất bởi vì chân nó quá ngắn. Nó là người lùn.

Chừng đó chúng tôi thấy đi sau lưng nó là hai thiếu niên lực lưỡng tiến lên, mỗi người một bên, và đỡ nó lên bục giảng một cách lịch sự. Khi buổi lễ chấm dứt, họ đỡ nó xuống và rồi bước đi với nó. Họ là bạn của nó và chăm sóc nó. Nó không thể leo lên bậc tam cấp thứ nhất nếu không được hai người bạn của nó đỡ nó lên.

Những người mà vào Giáo Hội đến như các trẻ con về phương diện thuộc linh. Họ cần một người nào đó—một người bạn nào đó—để nâng đỡ họ.

Nếu chúng ta thiết kế những bậc thang sau phép báp têm chỉ để vừa vặn cho những người có đôi chân dài và khỏe thì chúng ta đã làm ngơ với điều mà Chúa đã phán trong các điều mặc khải. Các tiên tri đã bảo chúng ta rằng chúng ta “đáng lẽ… đã làm thầy từ lâu rồi, nay còn cần người ta lấy những điều sơ học của lời Đức Chúa Trời mà dạy [cho họ]; [họ] cần ăn sữa thay vì đồ ăn đặc… .

“Nhưng đồ ăn đặc là để cho kẻ thành nhơn, cho kẻ hay dụng tâm tư luyện tập mà phân biệt điều lành và dữ” (Hê Bơ Rơ 5:12, 14).

Sứ Đồ Phao Lô đã viết: “Tôi lấy sữa nuôi anh em, chớ chẳng lấy đồ ăn cứng, vì anh em không chịu nổi” (1 Cô Rinh Tô 3:2).

Trong một điều mặc khải ban ra năm 1830, ngay trước khi Giáo Hội được tổ chức, Chúa đã cảnh cáo: “Bây giờ họ chưa tiêu hóa nổi thịt, họ chỉ mới uống được sữa; vậy nên họ không nên biết những điều này, kẻo họ sẽ phải chết” (GLGƯ 19:22).

Chúng ta phải cẩn thận kẻo chúng ta bước lên bậc tam cấp thứ nhất quá cao hay thiết kế nó cho những người với đôi chân khỏe, dài và để mặc những người khác mà không có ai nâng đỡ họ.

Khi một số môn đồ khiển trách những người mang các trẻ nhỏ lại, “song Đức Chúa Giê Su phán rằng: Hãy để [để có nghĩa là cho phép] con trẻ đến cùng ta, đừng ngăn trở; vì nước thiên đàng thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy” (Ma Thi Ơ 19:14).

Khi các môn đồ của Ngài hỏi họ phải là loại người nào, thì Chúa Giê Su để một trẻ nhỏ ở giữa họ (xin xem Ma Thi Ơ 18:2–3). Trừ phi chúng ta “trở thành như trẻ nhỏ, bằng không, thì [chúng ta] chẳng có cách nào khác để thừa hưởng vương quốc của Thượng Đế” (3 Nê Phi 11:38).

Một mối quan tâm sâu xa về các trẻ nhỏ và cha mẹ của chúng luôn hiển hiện trong tâm trí và tâm hồn tôi.

Qua nhiều năm tháng, tôi tự hỏi Chủ Tịch Kimball đã muốn nói gì khi ông nhắc tôi về đứa bé mồ côi đầu đường xó chợ đó ở Cuzco và lặp lại: “Kinh nghiệm đó có ý nghĩa sâu xa hơn mà anh chưa biết được.” Một ngày nọ, ông nói thêm: “Anh đã ôm cả một dân tộc vào lòng anh.”

Giờ đây tôi đã gần 78 tuổi, tôi hiểu điều mà Chủ Tịch Kimball đã nhìn thấy; tôi biết ông đã muốn nói gì. Đứa bé ở Cuzco và đứa bé ở nước Nhật và các trẻ em khác trên thế giới có ảnh hưởng sâu xa đến những gì tôi suy nghĩ và cách thức tôi cảm nhận và những gì tôi cầu xin khẩn thiết nhất. Tôi thường nghĩ về các trẻ nhỏ và cha mẹ của chúng là những người đang vất vả để nuôi nấng chúng trong những thời điểm luôn đầy hiểm họa.

Cũng giống như các Anh Em của tôi trong Giới Thẩm Quyền Trung Ương, tôi đã hành trình khắp nơi trên thế giới. Cũng giống như các Anh Em của tôi trong Giới Thẩm Quyền Trung Ương, tôi đã nắm giữ những chức vụ có uy tín trong giáo dục, trong kinh doanh, trong chính quyền và trong Giáo Hội. Tôi đã viết sách, và cũng giống như họ, tôi đã nhận được nhiều vinh dự, bằng cấp, chứng chỉ và bằng tưởng thưởng. Những vinh dự này được tưởng thưởng cho sự phục vụ của chúng tôi trong các chức vụ và chúng tôi không xứng đáng để nhận lãnh.

Khi thẩm định giá trị của những điều đó, một điều mà tôi trân quý hơn bất cứ điều nào trong những điều đó—hơn hẵn tất cả những điều đó gộp chung lại—điều mà có giá trị nhất đối với tôi là lối đối xử của các con trai và các con gái của chúng tôi và chồng và vợ của chúng với các con cái của chúng và, tiếp theo, là cách thức mà các cháu chúng tôi đối xử với con cái chúng.

Khi bắt đầu hiểu biết về mối quan hệ của chúng ta với Cha Thiên Thượng của chúng ta, những điều mà vợ tôi và tôi học được với tư cách là cha mẹ và ông bà là những điều đáng để hiểu biết nhất, chúng tôi đã học hỏi từ con cái mình.

Phước lành này đã đến với tôi là một món quà từ người vợ của tôi. Chúa đã phán về những người phụ nữ như thế: “[Một người vợ được ban cho một người nam] để sinh sản thêm nhiều và làm cho dẫy đầy đất, theo như lệnh truyền của ta, và để thực thi đầy đủ lời hứa của Cha ta đã ban trước khi thế gian được tạo dựng, và vì sự tôn cao của họ trong thế giới vĩnh cửu là họ được sinh sản những linh hồn con người; vì nhờ đó mà công việc của Cha ta mới được tiếp nối, để Ngài được vinh quang” (GLGƯ 132:63).

Với những người phụ nữ như thế là người mẹ của các con cái, chúng ta thấy lý do tại sao Chúa đã mặc khải “để những công việc lớn lao chỉ cần đòi hỏi ở bàn tay của ông cha chúng mà thôi” (GLGƯ 29:48).

Tôi làm chứng rằng phúc âm là chân chính và quyền năng của phúc âm là nhằm ban phước cho các trẻ nhỏ. Tôi thiết tha cầu nguyện rằng các trẻ em và giới trẻ và cha mẹ chúng sẽ nhận được ân tứ Đức Thánh Linh, và ân tứ này sẽ là sự hướng dẫn và bảo vệ cho họ, để nó sẽ làm chứng trong lòng họ rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế, Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.