2002
Những Cái Nêm Được Giấu Kín
THÁNG BẢY NĂM 200


Những Cái Nêm Được Giấu Kín

Đừng truyền lại cho thế hệ mai sau những nỗi bất bình, sự tức giận của thế hệ mình. Hãy loại bỏ bất cứ cái nêm được giấu kín nào mà không thể làm điều gì ngoài việc hủy hoại.

Vào tháng Tư năm 1966, tại đại hội trung ương thường niên của Giáo Hội, Anh Cả Spencer W. Kimball đã đưa ra một bài nói chuyện đáng ghi nhớ. Ông trích dẫn câu chuyện do Samuel T. Whitman viết có tựa đề là “Những Cái Nêm Bị Bỏ Quên.” Hôm nay, tôi, cũng thế, xin chọn trích dẫn từ Samuel T. Whitman, tiếp theo với các ví dụ từ cuộc sống của chính tôi.

Whitman đã viết: “Trận bão tuyết [lúc mùa đông năm ấy] nói chung không gây thiệt hại nhiều. Thật vậy, một vài dây điện bị đứt rớt xuống, và con số tai nạn dọc theo quốc lộ thình lình gia tăng… .Thường thường, cây bồ đào lớn có thể dễ dàng chịu đựng sức nặng của tảng băng đóng trên các cành trải rộng của nó. Chính cái nêm bằng sắt nằm ở trong thân cây đã tạo ra thiệt hại.

“Câu chuyện của cái nêm bằng sắt bắt đầu cách đây nhiều năm khi người nông dân tóc bạc trắng [giờ đây đang ở trên miếng đất có trồng cây bồ đào đó] còn là một đứa bé sống trên miếng đất của cha mình. Lúc bấy giờ nhà máy cưa mới vừa được chuyển đến từ thung lũng, và những người đến lập nghiệp vẫn còn đang tìm kiếm những dụng cụ và các đồ trang bị đang nằm rải rác… .

“Vào ngày đặc biệt đó, đứa bé tìm đuợc ở … bãi cỏ phía nam một cái nêm để đốn cây—nó rộng, bằng phẳng và nặng, dài khoảng ba mươi phân hay hơn nữa, và bị méo mó vì đã được dùng nhiều lần để bửa mạnh. [Một cái nêm dùng để đốn cây được chèn vào một nhát cưa và rồi đập xuống với một cây búa tạ để làm nhát cưa rộng ra.]… Bởi vì đã bị trễ bửa ăn tối rồi, nên cậu bé đặt cái nêm xuống… giữa các cành của cây bồ đào nhỏ mà cha cậu đã trồng gần cổng trước. Cậu nghĩ sẽ mang cái nêm vào nhà kho chứa đồ ngay sau khi ăn tối xong, hay một lúc nào đó cậu có đi ngang qua đó.

“Cậu thực sự có ý định đó nhưng cậu đã không bao giờ thực hiện. [Cái nêm] nằm nơi đó giữa các cành, hơi chật chội, khi cậu bé đến tuổi trưởng thành. Cái nêm nằm đó, giờ đây bị kẹp chặt vào thân cây, khi người thanh niên lập gia đình và trông coi nông trại của cha mình. Cây đã mọc cao quá nửa vào ngày mà nhóm thợ gặt ăn tối dưới tàng cây… . Cây mọc cao thêm và được lành lặn với cái nêm vẫn còn nằm trong thân cây vào mùa đông khi trận bão tuyết thổi đến.

“Trong cảnh yên lặng lạnh lẽo của cái đêm ảm đạm đó… một trong ba cành lớn bị tách ra khỏi thân cây và đổ xuống đất. Điều này làm cho những cành còn lại trên ngọn cũng bị tách lìa và gẫy. Sau khi trận bão chấm dứt, không một nhánh con nào của cái cây từng có thời to lớn uy nghiêm mà được tồn tại.

“Sáng sớm hôm sau, người nông dân đi ra để xem xét sự mất mát của mình… .

“Rồi ông trông thấy một vật gì đó trong cảnh đổ nát tan hoang. Ông càu nhàu với giọng trách móc: ’Cái nêm. Cái nêm mà tôi đã tìm thấy ở bãi cỏ phía nam.’ Một cái nhìn thoáng qua cho ông biết lý do tại sao cái cây đã bị đổ. Cái cây đã mọc lên với cạnh sắc của cái nêm chỉa thẳng lên trong thân cây, cái nêm đã ngăn chặn các thớ của cành cây đan lại với nhau như thường lệ.”1

Thưa các anh chị em thân mến của tôi, có những cái nêm được giấu kín trong cuộc sống của nhiều người mà chúng ta biết—vâng, có lẽ trong chính gia đình của mình.

Tôi xin được chia sẻ với các anh chị em câu chuyện của một người bạn lâu năm, giờ đã qua đời. Tên của ông là Leonard. Ông không phải là tín hữu của Giáo Hội, mặc dù vợ con ông đều là tín hữu Giáo Hội. Vợ của ông phục vụ với tư cách là chủ tịch Hội Thiếu Nhi; con trai ông phục vụ công cuộc truyền giáo đầy vinh dự. Con gái ông và con trai ông đã kết hôn với những người bạn đời trong các nghi thức trọng thể của đền thờ và đã có gia đình riêng của họ.

Mọi người quen biết Leonard đều thích ông, và tôi cũng vậy. Ông ủng hộ vợ con ông trong những công việc chỉ định của Giáo Hội. Ông tham dự với họ nhiều sinh hoạt do Giáo Hội bảo trợ. Ông sống một cuộc sống tốt lành và trong sạch, ngay cả một cuộc sống phục vụ và nhân từ. Gia đình của ông, và thực vậy nhiều người khác nữa, đã muốn biết lý do tại sao Leonard đã sống trên thế gian và không nhận các phước lành mà phúc âm mang đến cho các tín hữu của Giáo Hội.

Trong những năm về già của Leonard, sức khỏe của ông suy yếu. Cuối cùng ông vào bệnh viện và cuộc đời của ông sắp kết thúc. Trong lần nói chuyện cuối cùng của tôi với Leonard, ông đã nói: “Tom, tôi đã biết anh từ khi anh còn bé. Tôi tin rằng tôi phải giải thích cho anh biết lý do tại sao tôi chưa bao giờ gia nhập Giáo Hội.” Rồi ông kể lại một kinh nghiệm về cha mẹ ông mà đã xảy ra nhiều, rất nhiều năm về trước. Gia đình ông đã miễn cưỡng đi đến quyết định mà họ cảm thấy việc bán nông trại của họ là cần thiết, và có người đã trả giá mua nông trại. Rồi một người nông dân bên cạnh hỏi mua nông trại—mặc dù với giá thấp hơn—khi nói thêm rằng: “Chúng ta là những người bạn thật thân thiết. Với cách này, nếu tôi sở hữu miếng đất , tôi sẽ có thể trông coi nó thật chu đáo.” Cuối cùng cha mẹ của Leonard cũng ưng thuận và nông trại được bán. Người mua—chính là người hàng xóm—nắm giữ một chức vụ quan trọng trong Giáo Hội, và việc tin tưởng vào chức vụ này của ông đã giúp thuyết phục gia đình đó bán nông trại cho ông, mặc dù họ không biết rằng họ nhận được bao nhiêu tiền nhiều hơn nếu họ bán nông trại cho người ướm mua đầu tiên. Chẳng bao lâu sau khi nông trại đã được bán rồi, người hàng xóm bán cả nông trại của mình lẫn nông trại đã mua được từ gia đình Leonard gộp lại thành một mẫu đất có giá trị và giá bán cũng rất cao. Câu hỏi được đặt ra từ lâu về lý do mà Leonard đã không bao giờ gia nhập Giáo Hội đã được giải đáp. Ông luôn cảm thấy rằng gia đình ông đã bị người hàng xóm lừa gạt.

Ông đã tâm sự với tôi tiếp theo cuộc chuyện trò của chúng tôi rằng ông cảm thấy cuối cùng gánh nặng đã được nâng nhẹ trong khi ông chuẩn bị để gặp Đấng Sáng Tạo của mình. Thảm kịch là cái nêm được giấu kín đã ngăn giữ không cho Leonard nhận được các phước lành cao quý .

Tôi có quen một gia đình nọ đến Mỹ Châu từ nước Đức. Anh ngữ quả thật là khó khăn đối với họ. Họ không có nhiều tiền của nhưng mỗi người được ban phước với ý chí làm việc và với tình yêu mến Thượng Đế.

Đứa con thứ ba của họ được sinh ra, chỉ sống được hai tháng và rồi chết. Người cha là một người thợ mộc và đã đóng một cái hòm thật đẹp cho thi thể đứa con yêu quý của ông. Ngày tang lễ thật là ảm đạm, như thế đã phản ảnh nỗi buồn phiền mà họ cảm thấy về sự mất mát của họ. Khi gia đình họ bước vào giáo đường, với người cha ôm cái hòm nhỏ bé, một số ít bạn bè nhóm lại. Tuy nhiên, cánh cửa của giáo đường bị khóa lại. Vị giám trợ đầy bận rộn đã quên ngày tang lễ. Những cố gắng để kiếm ra ông thì vô hiệu quả. Không biết làm gì, người cha ôm cái hòm trong tay mình và, với gia đình đi bên cạnh ông, mang cái hòm trở về nhà, bước đi trong cơn mưa to.

Nếu gia đình đó thiếu suy xét, có lẽ họ đã trách cứ vị giám trợ và đã nuôi dưỡng nhiều bất mãn. Khi vị giám trợ biết được thảm cảnh đó, ông đã đi thăm gia đình ấy và xin lỗi. Với nỗi đau còn hiển hiện trên vẻ mặt của mình, nhưng với lệ trong mắt mình, người cha đã chấp nhận lời xin lỗi và cả hai người ôm nhau trong một tinh thần thông cảm. Không còn cái nêm được giấu kín để gây thêm những cảm nghĩ tức giận. Tình yêu thương và sự chấp nhận đã thắng.

Những bất mãn và những ý nghĩ xấu mà chúng ta giấu trong lòng không để cho cuộc sống nâng đỡ tâm hồn được thảnh thơi. Lòng tự ái bị tổn thương và việc không sẵn lòng tha thứ đã xảy ra trong nhiều gia đình. Bất luận nguyên nhân nào thì cũng không quan tr. Không thể và không nên để cho nó gây thêm tai hại. Lời trách mắng càng đào sâu vào vết thương. Chỉ có sự tha thứ mới chữa lành được. George Herbert, một thi sĩ vào đầu thế kỹ 17, đã viết những giòng chữ này: “Người mà không thể tha thứ những người khác thì đã chặt cái cầu mà trên đó người ấy đang phải bước qua nếu người ấy muốn đi đến thiên đàng, bởi vì ai cũng cần được tha thứ.”

Những lời của Đấng Cứu Rỗi thật tuyệt luân khi Ngài sắp chết trên cây thập tự nghiệt ngã. Ngài đã phán: “Lạy Cha, xin tha cho họ; vì họ không biết mình làm điều gì.”2

Có một số người khó thể tự tha thứ cho mình và luôn nghĩ đến tất cả những khuyết điểm được thấy của mình. Tôi hoàn toàn ưa thích câu chuyện về một vị lãnh đạo tôn giáo đã đến bên một phụ nữ đang nằm chờ chết, với ý định an ủi bà—nhưng đã không thành công. Bà nói: “Tôi đã bị thất bại. Tôi đã làm hỏng đời tôi và những người chung quanh tôi. Không còn hy vọng gì cho tôi.”

Người đàn ông để ý thấy một khung ảnh của một cô gái diễm kiều trên mặt tủ. Ông hỏi: “Ai vậy?”

Người đàn bà vẻ mặt rạng rỡ: “Đó là con gái tôi, một điều tuyệt mỹ trong cuộc sống của tôi.”

“Vậy bà có giúp cho chị ấy nếu chị ấy gặp rắc rối hay làm lỗi lầm không? Bà có tha thứ cho chị ấy? Bà vẫn sẽ yêu thương chị ấy chứ?”

Người phụ nữ ấy kêu lên: “Dĩ nhiên là tôi có chứ. Tôi sẽ làm bất cứ điều gì cho con gái tôi. Tại sao ông lại đặt ra câu hỏi như thế?”

Người đàn ông nói: “Bởi vì tôi muốn bà biết rằng điều đó có thể so sánh như Cha Thiên Thượng có bức hình của bà trên mặt tủ của Ngài. Ngài yêu mến bà và sẽ giúp bà. Hãy cầu khẩn Ngài.”

Một cái nêm được giấu kín trong hạnh phúc của bà đã được lấy đi.

Trong một ngày gặp nguy hiểm hay một lúc thử thách, sự hiểu biết như thế, hy vọng như thế, sự thông cảm như thế sẽ mang lại sự an ủi cho tâm trí bối rối và tấm lòng phiền muộn. Toàn thể sứ điệp của Kinh Thánh Tân Ước đem đến một tinh thần nhận thức cho tâm hồn con người. Bóng tuyệt vọng bị những tia hy vọng xua tan, nỗi buồn phiền nhường chỗ cho niềm vui, và cảm tưởng bị chìm mất trong cuộc đời tan biến với sự hiểu biết chắc chắn rằng Cha Thiên Thượng của chúng ta quan tâm đến mỗi người chúng ta.

Đấng Cứu Rỗi đã cung ứng sự bảo đảm về lẽ thật này khi Ngài dạy rằng ngay cả con chim sẻ khi rớt xuống đất cũng được Cha của chúng ta biết. Rồi Ngài kết luận ý nghĩ tuyệt luân này bằng cách phán rằng: “Đừng sợ chi hết, vì các ngươi quý trọng hơn nhiều con chim sẻ.”3

Cách đây một thời gian, tôi đã đọc bản tin Associated Press sau đây được đăng trên nhật báo. Một người đàn ông lớn tuổi đã tiết lộ tại tang lễ của anh mình, là người mà ông đã cùng chia sẻ từ thời thơ ấu một túp lều nhỏ có một phòng ở gần Canisteo, Nữu Ước, mà tiếp theo một cuộc cãi lộn, họ đã chia căn phòng ra nửa với một đường phấn vạch và không ai vượt qua lằn ranh hay nói một lời với người kia kể từ ngày đó—62 năm trước đó. Thật là một cái nêm được giấu kín đầy mãnh liệt và có sức hủy hoại.

Như Alexander Pope đã viết: “Sự phạm lỗi lầm là bản tính của con người, còn việc tha thứ là từ Thượng Đế.”4

Đôi khi chúng ta có thể dễ dàng phật lòng. Vào những dịp khác, chúng ta quá ngoan cố không chấp nhận một lời xin lỗi chân thành. Chúng ta hãy từ bỏ bản ngã, tính kiêu ngạo và sự phật lòng—mà bước lên với lời nói: “Tôi thành thật xin lỗi! Hãy trở lại làm bạn như trước. Đừng truyền lại cho thế hệ mai sau những nỗi bất bình, sự tức giận của thế hệ mình.” Hãy loại bỏ bất cứ cái nêm được giấu kín nào mà không thể làm điều gì ngoài việc hủy hoại.

Những cái nêm được giấu kín bắt nguồn từ đâu? Một số đến từ những cuộc cãi cọ bất phân thắng bại, mà đưa đến những bất mãn, tiếp theo sau là sự hối tiếc và nỗi ân hận. Những người khác thấy bắt đầu với nỗi thất vọng, lòng ganh ghét, sự tranh cãi và óc tưởng tượng là tự ái bị xúc phạm. Chúng ta phải giải quyết chúng—dẹp bỏ chúng và không để cho chúng làm xoi mòn, làm ray rứt và cuối cùng thì hủy diệt.

Một người phụ nữ đáng yêu hơn 90 tuổi đời đến thăm tôi một ngày nọ và đã bất chợt kể lại một vài hối tiếc. Chị nói rằng nhiều năm trước đây một người nông dân hàng xóm, mà chị và chồng chị đã thỉnh thoảng bất đồng ý kiến với ông, đã yêu cầu xin cho ông có thể đi tắt ngang miếng đất của bà để đến khu đất của ông. Chị ngừng kể và, giọng rung rung nói: “Tommy, tôi đã không để cho ông ấy đi ngang qua miếng đất của chúng tôi mà bắt ông ấy phải đi vòng xa—bằng đường bộ—để đến khu đất của ông. Tôi đã sai lầm và tôi hối tiếc cho điều đó. Ông ấy giờ đây đã qua đời, nhưng ôi, tôi ước tôi có thể nói với ông: ’Tôi thật lấy làm tiếc,’ Ôi tôi ước gì tôi có được cơ hội thứ nhì.”

Khi tôi lắng tai nghe bà ta, những lời do John Greenleaf Whittier đến với ý nghĩ của mình: “Trong tất cả những điều đáng buồn của lời nói hay lời viết ra, /Điều đáng buồn nhất là: “Đáng lẽ là!‘”5

Từ 3 Nê Phi trong Sách Mặc Môn có lời khuyên dạy đầy soi dẫn này: “Và sẽ không còn sự tranh luận nào giữa các ngươi… . Vì quả thật, quả thật, ta nói với các ngươi rằng, kẻ nào còn tinh thần tranh chấp thì kẻ đó không thuộc về ta mà thuộc về quỷ dữ, vì quỷ dữ là cha của sự tranh chấp, nó khích động trái tim loài người để họ tức giận tranh chấp lẫn nhau. Này, đó không phải là giáo lý của ta, giáo lý của ta không khích động trái tim loài người để họ tức giận tranh chấp lẫn nhau.”6

Tôi xin kết luận với một câu chuyện về hai người đàn ông mà tôi xem là anh hùng. Hành động can đảm của họ không được thực hiện cho cả nước mà đúng hơn là trong một thung lũng yên tĩnh được biết là Midway, Utah.

Cách đây nhiều năm, Roy Kohler và Grant Remund đã cùng phục vụ trong nhiều chức vụ của Giáo Hội. Họ là những người bạn thân thiết. Họ làm nghề nông và bán sữa. Rồi một sự hiểu lầm xảy ra và đến một mức độ nào đó trở thành sự chia rẻ giữa họ.

Sau này, khi Roy Kohler mắc bệnh ung thư nặng và chẳng còn sống được bao lâu, vợ của tôi là Frances và tôi đến thăm Roy và vợ anh, và tôi ban cho anh một phước lành. Sau đó, trong khi chúng tôi trò chuyện, Anh Kohler nói: “Tôi xin được kể cho anh nghe về một trong những kinh nghiệm tuyệt diệu nhất mà tôi có trong cuộc sống của mình.” Rồi anh kể lại cho tôi nghe về sự hiểu lầm của anh với Grant Remund và sự bất hòa xảy ra sau đó. Anh nhận xét rằng: “Chúng tôi không thân thiện với nhau nữa.”

Roy tiếp tục: “Rồi, tôi phải trử cỏ khô cho mùa đông sắp tới, thì một đêm nọ, vì hỏa hoạn tự bộc phát, nên đám cỏ khô bắt lửa, bốc cháy tiêu cỏ khô, kho thóc và mọi thứ bên trong đó. Tôi bị bàng hoàng chấn động.” Roy nói: “Tôi không biết phải làm gì nữa. Bóng tối của màn đêm buông xuống, ngoại trừ đám tro sắp tàn. Rồi tôi thấy đi về phía tôi từ ngoài đường, nơi hướng nhà của Grant Remund, ánh đèn của chiếc máy kéo và đồ trang bị nặng. Đám người đến giúp quẹo đến đường vào nhà chúng tôi và gặp tôi mắt đầy lệ. Grant nói: “Roy, đồ đạc của anh bừa bộn quá cần phải dọn dẹp. Các con trai tôi và tôi đến đây rồi. Chúng ta hãy bắt tay vào việc.” Họ cùng nhau bắt tay vào việc. Cái nêm bị giấu kín mà đã chia rẻ họ trong một thời gian ngắn giờ đã bị lấy đi vĩnh viễn. Họ làm việc suốt đêm thâu và vào ngày kế tiếp, với nhiều người khác trong cộng đồng đến phụ giúp.

Roy Kholer đã qua đời, và Grant Remund thì đã già cả. Các con trai của họ cùng phục vụ trong giám trợ đoàn của cùng một tiểu giáo khu. Tôi thực sự trân quý tình bằng hữu của hai gia đình tuyệt diệu này.

Cầu xin cho chúng ta luôn nêu gương trong gia đình mình và trung tín trong việc tuân giữ tất cả các giáo lệnh, để chúng ta không còn giữ những cái nêm được giấu kín mà thay vì thế nhớ đến lời khuyên nhủ của Đấng Cứu Rỗi: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta.”7

Đây là lời nài xin và lời cầu nguyện của tôi, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi chú

  1. Trong Conference Report, tháng Tư năm 1966, 70.

  2. Lu Ca 23:34.

  3. Ma Thi Ơ 10:31.

  4. An Essay on Criticism (1711), phần 2, giòng 525.

  5. “Maud Muller,” The Complete Poetical Works of Whittier (1892), 48.

  6. 3 Nê Phi 11:28–30.

  7. Giăng 13:35.