2017
Họ Đã Trông Thấy Ngài
April 2017


Họ Đã Trông Thấy Ngài

Những cá nhân này thực sự trông thấy Đấng Cứu Rỗi phục sinh, nhưng anh chị em cũng có thể làm nhân chứng của Đấng Ky Tô theo cách riêng của mình.

Hình Ảnh
Jesus and Mary in front of the tomb

Ngài Phục Sinh, tranh do Greg K. Olsen họa, không được phép sao chép

Anh chị em nghĩ việc trông thấy Đấng Cứu Rỗi phục sinh sẽ như thế nào? Đối với hàng trăm người trong thời Chúa Giê Su, họ không phải tưởng tượng về điều đó—mà họ đã thực sự trông thấy Ngài. Thánh thư cho biết về ít nhất một chục trường hợp được ghi lại trong Kinh Tân Ước và một số người khác trong Sách Mặc Môn khi Chúa phục sinh hiện đến cùng dân chúng. Những cá nhân này đã chứng kiến một trong những phép lạ vĩ đại nhất trong lịch sử: Chúa Giê Su Ky Tô khắc phục cái chết và làm cho mỗi người chúng ta có thể sống lại. Điều đó khá lạ lùng, phải không?

Vì vậy, làm nhân chứng của Đấng Ky Tô có nghĩa chính xác là gì? Hãy xem xét một vài khoảnh khắc này trong thánh thư và suy nghĩ xem làm thế nào chúng ta, thậm chí không trông thấy Ngài bằng xương bằng thịt, lại có thể là nhân chứng của Đấng Ky Tô.

Ma Ri Ma Đơ Len

Ma Ri Ma Đơ Len là nhân chứng đầu tiên. Vào sáng chủ nhật sau khi Chúa bị đóng đinh, bà đã đến mộ với một vài phụ nữ khác để xức dầu cho xác của Chúa. Khi Ma Ri khám phá ra một ngôi mộ trống thì bà khóc. Một người nào đó tiến đến gần từ phía sau bà và hỏi: ″Hỡi đàn bà kia, sao ngươi khóc?” Hãy tưởng tượng nỗi ngạc nhiên của bà khi khám phá ra rằng đó chính là Chúa Giê Su, sống lại từ cõi chết. (Xin xem Giăng 20:1-18.)

Hai Môn Đồ trên Đường Đi đến Em Ma Mút

Hình Ảnh
Christ on the road to Emmaus

Đường Đi đến Em Ma Út, tranh do Jon McNaughton họa

Cơ Lê Ô Ba và một môn đồ khác đang đi trên đường đến Em Ma Út thì họ được một người lạ mặt tháp tùng. Họ không nhận ra người bạn đồng hành mới của họ, nhưng trong bữa ăn tối cùng với nhau, người lạ mặt đã bẻ bánh. Mắt họ được mở ra, và họ nhận biết rằng họ đã đi cùng với Đấng Cứu Rỗi suốt cả chặng đường. Họ hỏi nhau, cùng suy ngẫm về sự xác nhận mà họ cảm thấy rằng Ngài đã thực sự ở với họ: “Lòng chúng ta há chẳng nóng nảy sao … ?” (Xin xem Lu Ca 24:13–34.)

Mười Vị Sứ Đồ

Hình Ảnh
Resurrected Christ with Apostles

Này Đây Là Tay Chân Ta, tranh do Harry Anderson họa

Hai môn đồ đã đi đến Em Ma Út với Đấng Ky Tô trở lại Giê Ru Sa Lem và kể cho mười người trong số Các Sứ Đồ về kinh nghiệm của họ. Trong khi họ đang nói, thì chính Đấng Cứu Rỗi đã hiện ra cùng họ mà phán rằng: “Hãy xem tay chân ta: Thật chính ta. Hãy rờ đến ta, và hãy xem: thần thì không có thịt xương, mà các ngươi thấy ta có.” (Xin xem Lu Ca 24:36–41, 44–49.)

Sứ Đồ Thô Ma

Hình Ảnh
Christ with Thomas

hình Thô Ma do Brian Call họa

Sứ Đồ Thô Ma đã không có mặt khi Đấng Cứu Rỗi hiện đến lần đầu cùng Các Sứ đồ khác, vì vậy ông không tin rằng Đấng Ky Tô đã phục sinh. Một tuần sau đó, Đấng Ky Tô hiện ra cùng Các Sứ Đồ một lần nữa. Lần này Thô Ma đã có mặt ở đó, và vì đã trông thấy Đấng Ky Tô, nên ông tin rằng Ngài đã phục sinh. Đấng Cứu Rỗi đã cảnh báo Thô Ma về việc chỉ tin sau khi đã thấy: “Vì ngươi đã thấy ta, nên ngươi tin. Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy!” (Xin xem Giăng 20:24–29.)

Mười Một Sứ Đồ ở Biển Ti Bê Ri Át

Hình Ảnh
Apostles on the Sea of Tiberias

Đấng Ky Tô Phục Sinh ở Biển Ti Bê Ri Át, tranh do David Lindsley họa

Một ngày nọ, chẳng bao lâu sau khi Chúa phục sinh, vài Sứ Đồ đi đánh cá ở Biển Ti Bê Ri Át nhưng không được may mắn lắm. Sáng hôm sau, Đấng Cứu Rỗi hiện đến và phán bảo họ thả lưới bên hữu thuyền. Khi họ làm theo, thì lưới của họ bắt nhiều cá đến nỗi họ hầu như không thể kéo lưới vào được! Sau khi ngồi ăn với nhau, Đấng Cứu Rỗi đã dạy về tầm quan trọng của việc phục sự những người khác và phán rằng: “Hãy chăn chiên ta.” Các Sứ Đồ sẽ dành cuộc sống còn lại của họ để chỉ làm điều đó—giảng dạy dân chúng về Đấng Ky Tô—và trong một số trường hợp, họ còn hy sinh mạng sống của họ cho chính nghĩa nữa. (Xin xem Giăng 21:1–22.)

Dân Nê Phi ở Châu Mỹ

Hình Ảnh
Christ among the Nephites

Một Đấng Chăn, ranh do Howard Lyon họa

Trong lúc Chúa bị đóng đinh, đất ở châu Mỹ đã bị tàn phá bởi những trận động đất, hỏa hoạn, các thiên tai khác, và ba ngày tối tăm để đánh dấu cái chết của Đấng Cứu Rỗi. Về sau, Đấng Ky Tô giáng xuống từ trời và đến thăm đám đông có 2.500 người quy tụ gần đền thờ ở xứ Phong Phú. Ngài mời mọi người đến sờ tay vào các dấu vết thương ở tay chân và hông của Ngài, đưa ra một một bài giảng, và ban phước cho con cái của dân Nê Phi, từng đứa trẻ một. Thậm chí còn có nhiều người hơn quy tụ vào ngày hôm sau, và Đấng Cứu Rỗi đã đến thăm và giảng dạy cho họ. Cuối cùng, các môn đồ thành lập Giáo Hội của Đấng Ky Tô, và dân Nê Phi nhận được một lời chứng hùng hồn đến nỗi họ và dân La Man cũng trở nên được cải đạo theo Chúa. (Xin xem 3 Nê Phi 11–18; xin xem thêm 3 Nê Phi 8–10; 4 Nê Phi 1.)

Các Nhân Chứng Thời Đó và Bây Giờ

Đấng Ky Tô cũng hiện đến cùng nhiều người khác, kể cả vài phụ nữ đã đến mộ để giúp Ma Ri Ma Đơ Len xức dầu cho xác của Đấng Ky Tô, một nhóm có hơn 500 người, Gia Cơ, và Phao Lô. (Xin xem Ma Thi Ơ 28:9; Công Vụ Các Sứ Đồ 9:4–19; 1 Cô Rinh Tô 15:6–7; xin xem thêm 3 Nê Phi 19; 26:13.)

Chúng ta có thể không có cơ hội để trông thấy Đấng Cứu Rỗi như các nhân chứng này đã trông thấy, nhưng anh chị em cũng vẫn có thể làm nhân chứng của Đấng Ky Tô. Anh chị em có thể đích thân tìm kiếm Đấng Cứu Rỗi, giống như Ma Ri đã làm khi bà đi đến ngôi mộ, bằng cách học hỏi thêm về Ngài. Hoặc anh chị em có thể thực hành đức tin nơi Ngài bằng cách tuân giữ các lệnh truyền và tuân theo lời khuyên dạy của các vị tiên tri. Hoặc anh chị em có thể nhận ra các phước lành của Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống của mình, như hai môn đồ trên đường đi đến Em Ma Út đã nhận ra. Mùa lễ Phục Sinh này, hãy suy nghĩ về ý nghĩa của việc làm nhân chứng của Đấng Ky Tô. Những người này đúng là các nhân chứng đã thực sự trông thấy Đấng Ky Tô phục sinh—nhưng đó không phải là cách duy nhất mà anh chị em có thể trông thấy Ngài trong cuộc sống của mình.