2007
Phép Lạ của Kinh Thánh
Tháng Năm năm 2007


Phép Lạ của Kinh Thánh

Chúng ta là các tín đồ chân chính và tin tưởng hoàn toàn nơi Chúa Giê Su Ky Tô và nơi lời mặc khải của Ngài qua Kinh Thánh.

Hình Ảnh

Thưa các anh chị em, Kinh Thánh là một phép lạ! Nó là một phép lạ vì lịch sử 4000 năm thiêng liêng và thế tục của Kinh Thánh đã được ghi chép và gìn giữ bởi các vị tiên tri, sứ đồ và những người đi nhà thờ đầy soi dẫn.

Nó là một phép lạ vì chúng ta có được giáo lý , các nguyên tắc, thơ văn và những câu chuyện. Nhưng hơn hết, nó là một phép lạ kỳ diệu vì chúng ta có câu chuyện về cuộc sống, giáo vụ, và những lời của Chúa Giê Su mà đã được bảo vệ suốt Thời Kỳ Tăm Tối và qua những cuộc xung đột của vô số thế hệ để chúng ta có thể có được Kinh Thánh ngày nay.

Nó là một phép lạ vì Kinh Thánh thật sự chứa đựng trong các trang của nó Thánh Linh cải đạo và chữa lành của Đấng Ky Tô, là Đấng đã thay đổi tấm lòng của loài người trong nhiều thế kỷ , dẫn dắt họ cầu nguyện, chọn con đường đúng và tìm kiếm Đấng Cứu Rỗi của họ.

Kinh Thánh được đặt tên thật đúng. Quyển kinh đó thiêng liêng vì nó giảng dạy lẽ thật, thiêng liêng vì nó cảnh cáo chúng ta với tinh thần của nó, thiêng liêng vì nó dạy cho chúng ta biết Thượng Đế và hiểu những việc làm của Ngài với loài người, và thiêng liêng vì nó làm chứng trong suốt các trang của nó về Chúa Giê Su Ky Tô.

Abraham Lincoln đã nói về Kinh Thánh: “Quyển Kinh Tuyệt Vời này … là món quà quý báu nhất mà Thượng Đế đã ban cho loài người. Tất cả những điều tốt lành mà Đấng Cứu Rỗi ban cho thế gian đã được ghi chép trong suốt quyển kinh này. Nếu không có quyển kinh đó, chúng ta sẽ không biết được điều đúng với điều sai”(Speeches and Writings, 18591865 [1989], 628).

Không phải là điều tình cờ hay trùng hợp ngẫu nhiên mà chúng ta có được Kinh Thánh ngày nay. Những người ngay chính được Thánh Linh thúc giục để ghi chép những sự việc thiêng liêng mà họ đã thấy lẫn những lời nói đầy soi dẫn mà họ đã nghe và nói ra. Những người tận tâm khác được thúc giục để bảo vệ và gìn giữ các biên sử này. Những người như John Wycliffe, William Tyndale và Johannes Gutenberg đầy lòng can đảm đã được thúc giục để chống lại sự phản đối việc phiên dịch Kinh Thánh ra ngôn ngữ mà dân chúng có thể hiểu được và xuất bản thành kinh sách để dân chúng có thể đọc được. Tôi tin rằng ngay cả các học giả của Vua James cũng có những thúc giục của Thánh Linh trong công việc phiên dịch của họ.

Thời Kỳ Tăm Tối đầy bóng tối vì ánh sáng của phúc âm bị giấu khỏi dân chúng. Họ không có các sứ đồ hoặc các vị tiên tri, cũng như họ không được tiếp cận với Kinh Thánh. Giới giáo sĩ giữ bí mật thánh thư và dân chúng không được sử dụng. Chúng ta mang ơn rất nhiều đối với nhiều người tuẫn đạo và những người chủ trương cải cách dũng cảm như Martin Luther, John Calvin, và John Huss là những người đã đòi hỏi sự tự do thờ phượng và sự sử dụng các quyển thánh thư.

William Tyndale đã hy sinh mạng mình vì ông tin tưởng sâu xa vào quyền năng của Kinh Thánh. Ông nói: “Chức năng tự nhiên của lời Thượng Đế là bất cứ ai đọc hoặc nghe lời này được lý luận và được bàn luận trước mặt người ấy, thì nó sẽ bắt đầu ngay lập tức làm cho người ấy càng ngày càng tốt hơn, cho đến khi người ấy trở thành con người toàn hảo.” (trong S. Michael Wilcox, Fire in the Bones, William TyndaleMartyr, Father of the English Bible [2004], xv).

Việc học Kinh Thánh chân thành, siêng năng thật sự làm cho chúng ta càng ngày càng tốt hơn, và chúng ta phải luôn luôn nhớ đến vô số kẻ tuẫn đạo là những người đã biết quyền năng của Kinh Thánh và hy sinh mạng sống của họ để chúng ta có thể tìm được trong những dòng chữ của quyển kinh đó con đường dẫn đến hạnh phúc và bình an của Vương Quốc của Cha Thiên Thượng.

Mặc dù những người Ky Tô hữu đầu tiên chủ trương cải cách đồng ý về nhiều điều nhưng cuối cùng họ cũng bất đồng ý kiến về nhiều điểm giáo lý . Điều này đưa đến việc tổ chức vô số giáo phái Ky Tô hữu. Roger Williams, một nhà vô địch đầu tiên về sự tự do tôn giáo, đã kết luận rằng: “không có một Giáo Hội được thiết lập một cách thích đáng trên thế gian, cũng như không có bất cứ người nào được phép thực hiện bất cứ giáo lễ nào của Giáo Hội; cũng như không thể nào có cho đến khi các sứ đồ mới được gửi đến bởi Đấng Đứng Đầu Giáo Hội mà người ta đang tìm kiếm sự giáng lâm của Ngài” (xin xem William Cullen Bryant, xuất bản, Picturesque America; or, the Land We Live In, 2 tập [1872–74], 1:502).

Hằng chục triệu người đã tiến đến một đức tin nơi Thượng Đế và nơi Chúa Giê Su Ky Tô qua việc tìm kiếm lẽ thật nơi Kinh Thánh. Nhiều người trong số họ chỉ có Kinh Thánh để nuôi dưỡng và hướng dẫn đức tin của họ.

Nhờ vào nỗ lực của những người chủ trương cải cách này mà “Kinh Thánh đã trở thành vật sở hữu trong nhà. Lời của Thượng Đế được đọc quanh lò sưởi của gia đình thấp hèn lẫn trong nhà của người giàu có” (John A. Widtsoe, trong Conference Report, tháng Tư năm 1939, 20).

Hằng triệu gia đình đã cùng nhau tìm kiếm Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô qua việc học Kinh Thánh của họ. Một trong các gia đình đó, vào đầu thập niên 1800, ở miền Bắc New York, là gia đình của Joseph Smith Sr. Một trong số các con trai của ông là Joseph Smith Jr., người đã tra cứu Kinh Thánh, tìm cách để biết giáo phái nào trong số rất nhiều giáo phái là giống như Giáo Hội mà Chúa Giê Su Ky Tô đã thiết lập.

Ông được thúc giục bởi những lời của Kinh Thánh để cầu xin có được thêm ánh sáng và sự hiểu biết thuộc linh từ Thượng Đế. Quyết tâm tìm kiếm sự thông sáng đã được hứa trong thánh thư, Joseph đã quỳ xuống trong lời cầu nguyện khiêm nhường vào đầu xuân năm 1820. Ôi, thật kỳ diệu biết bao ánh sáng và lẽ thật đã được ban cho ông vào ngày đó khi ông nhìn thấy sự biểu hiện vinh quang của Thượng Đế Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su Ky Tô! Một lần nữa Thượng Đế đã kêu gọi một vị tiên tri như Ngài đã làm trong thời kỳ của Nô Ê, Áp Ra Ham và Môi Se.

Chúng ta biết ơn Kinh Thánh biết bao. Trong Kinh Thánh, chúng ta học không những về cuộc sống, những lời giảng dạy và các giáo lý của Đấng Ky Tô, mà chúng ta còn học về Giáo Hội của Ngài và chức tư tế của Ngài và về tổ chức mà Ngài đã thiết lập và đặt tên là Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô trong thời xưa. Chúng ta tin nơi Giáo Hội đó, và chúng ta tin rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là cùng một Giáo Hội đó đã được phục hồi trên thế gian, trọn vẹn với cùng một tổ chức và chức tư tế đó.

Nếu không có Kinh Thánh, thì chúng ta sẽ không biết về Giáo Hội của Ngài trong thời xưa, cũng như chúng ta sẽ không có phúc âm trọn vẹn của Ngài bây giờ.

Tôi yêu thích Kinh Thánh. Tôi yêu thích những lời giảng dạy và các bài học và tinh thần của Kinh Thánh. Tôi yêu thích các câu chuyện đầy sức thuyết phục, uyên thâm của Sách Cựu Ước và các vị tiên tri cao trọng trong Sách Cựu Ước đã làm chứng về sự giáng lâm của Đấng Ky Tô. Tôi yêu thích những cuộc hành trình và phép lạ của các sứ đồ trong Sách Tân Ước và các bức thư của Phao Lô. Hơn hết tôi yêu thích các câu chuyện làm chứng về những lời và tấm gương và Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô của chúng ta. Tôi yêu thích viễn cảnh và sự bình an có được từ việc đọc Kinh Thánh.

Thưa các anh chị em, tôi chắc rằng nhiều anh chị em đã có được kinh nghiệm khi nghe người ta nói rằng “những người Mặc Môn không phải là Ky Tô hữu vì họ có Kinh Thánh riêng của họ, Sách Mặc Môn.” Đối với bất cứ ai nuôi dưỡng quan niệm sai lầm này thì chúng ta nói rằng chúng ta tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, và là Tác Giả của kế hoạch cứu rỗi của chúng ta, và rằng chúng ta tin, kính trọng và yêu thích Kinh Thánh. Chúng ta thật sự có thánh thư bổ túc kể cả Sách Mặc Môn, nhưng thánh thư này hỗ trợ chứ không hề thay thế Kinh Thánh.

Chúa Giê Su dạy rằng chúng ta cần phải “dò xem Kinh Thánh; vì … Kinh Thánh làm chứng về ta vậy” (Giăng 5:39). Những lời này cung ứng sự hiểu biết và sự soi dẫn cho tất cả những người chân thành tìm cách biết và hiểu lẽ thật về Chúa Giê Su Ky Tô. Thánh thư đầy dẫy lịch sử, giáo lý , câu chuyện, bài thuyết giảng và chứng ngôn, tất cả những điều này cuối cùng đều chú trọng đến Đấng Ky Tô vĩnh cửu và sứ mệnh thể chất và thuộc linh của Ngài cho con cái của Cha Thiên Thượng.

Các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô tin rằng “cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích” (2 Ti Mô Thê 3:16). Chúng ta yêu thích Kinh Thánh và các thánh thư khác. Lời phát biểu đó có thể làm ngạc nhiên một số người mà có thể không biết về sự tin tưởng của chúng ta nơi Kinh Thánh tức là lời mặc khải của Thượng Đế. Đó là một trong những nền tảng của đức tin chúng ta, một chứng thư mạnh mẽ về Đấng Cứu Rỗi và về ảnh hưởng liên tục của Đấng Ky Tô trong cuộc sống của những người thờ phượng và noi theo Ngài. Chúng ta càng đọc và học Kinh Thánh và những lời giảng dạy của Kinh Thánh thì chúng ta càng thấy rõ hơn nền tảng giáo lý của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta có khuynh hướng yêu thích thánh thư mà chúng ta đã bỏ thời giờ ra để đọc. Chúng ta có lẽ cần làm cho việc học của chúng ta được cân bằng để yêu thích và hiểu được tất cả thánh thư.

Nhất là các em trẻ tuổi, đừng coi thường hay xem nhẹ Kinh Thánh. Kinh Thánh là biên sử thánh, đầy thiêng liêng về cuộc sống của Chúa chúng ta. Kinh Thánh chứa đựng cả trăm trang nhiều hơn tất cả các thánh thư khác của chúng ta hợp lại. Kinh Thánh là nền tảng của tất cả Ky Tô giáo. Chúng ta không chỉ trích hoặc coi thường tín ngưỡng của bất cứ người nào. Trách nhiệm lớn của chúng ta với tư cách là Ky Tô hữu là chia sẻ tất cả những gì Thượng Đế đã mặc khải với tất cả các con trai và các con gái của Ngài.

Những người gia nhập Giáo Hội này thì không từ bỏ đức tin của họ nơi Kinh Thánh—họ củng cố đức tin đó. Sách Mặc Môn không làm giảm bớt giá trị hoặc tranh chấp với Kinh Thánh. Trái lại, Sách Mặc Môn bành trướng, nới rộng và tôn cao Kinh Thánh. Không có sự bất đồng giữa Kinh Thánh với Sách Mặc Môn. Sách Mặc Môn làm chứng về Kinh Thánh, và cả hai quyển đều làm chứng về Đấng Ky Tô.

Chứng thư thứ nhất về Đấng Ky Tô là Sách Cựu Ước của Kinh Thánh, đã đoán trước và tiên tri về sự giáng lâm của Đấng Cứu Rỗi, cuộc sống siêu việt của Ngài và Sự Chuộc Tội tự nguyện của Ngài.

Chứng thư thứ nhì trong Kinh Thánh về Đấng Ky Tô là Sách Tân Ước, ghi chép sự giáng sinh, cuộc sống, giáo vụ, phúc âm, Giáo Hội, Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh của Ngài cũng như chứng ngôn của Các Sứ Đồ của Ngài.

Chứng thư thứ ba về Đấng Ky Tô là Sách Mặc Môn, cũng báo trước sự giáng lâm của Đấng Ky Tô, xác nhận câu chuyện trong Kinh Thánh về Sự Chuộc Tội cứu rỗi của Ngài, và rồi tiết lộ cuộc viếng thăm của Chúa phục sinh đến tây bán cầu của trái đất. Tiểu đề của Sách Mặc Môn, lời phát biểu rõ ràng về mục đích được in trên bìa của mỗi quyển sách, là “Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô.”

Mỗi một chứng thư trong ba chứng thư này đều là một phần của tất cả lời mặc khải kỳ diệu và gắn bó của Chúa cho con cái của Ngài. Ba chứng thư này chứa đựng những lời của Đấng Ky Tô mà chúng ta đã được khuyên nhủ để nuôi dưỡng là một cách thức để hội đủ điều kiện cho cuộc sống vĩnh cửu (xin xem 2 Nê Phi 31:20). Những người nghĩ rằng một chứng thư là quan trọng hơn hoặc chân chính hơn hai chứng thư kia thì đang thiếu vẻ xinh đẹp và sự trọn vẹn của thánh thư đã được chính thức chấp nhận.

Và những người nghĩ rằng các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô không tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô hoặc nơi Kinh Thánh thì cần phải bỏ thời giờ ra để hiểu Giáo Hội, ý nghĩa của tên Giáo Hội và quyền năng sứ điệp của Giáo Hội.

Tôi không hiểu được khi có bất cứ người nào thắc mắc về sự tin tưởng của Giáo Hội này nơi Kinh Thánh và vị thế của chúng ta với tư cách là Ky Tô hữu. Tên của Giáo Hội là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Trong đại hội trung ương lần trước, nơi đây trong tòa nhà này, các vị lãnh đạo Giáo Hội của chúng ta đã trích dẫn gần 200 lần từ Kinh Thánh. Giáo Hội này được tổ chức và hoạt động giống như Giáo Hội mà Đấng Ky Tô và Các Sứ Đồ của Ngài đã thiết lập trong Sách Tân Ước. Ngồi trên bục chủ tọa hôm nay là vị tiên tri và các sứ đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôi long trọng làm chứng rằng chúng ta là các tín đồ chân chính và tin tưởng hoàn toàn nơi Chúa và Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô, và nơi lời mặc khải của Ngài qua Kinh Thánh. Chúng ta không những tin Kinh Thánh—mà chúng ta còn cố gắng tuân theo các lời giáo huấn của Kinh Thánh và giảng dạy sứ điệp của Kinh Thánh. Sứ điệp của những người truyền giáo của chúng ta là Đấng Ky Tô và phúc âm cùng Sự Chuộc Tội của Ngài, và thánh thư là đoạn trích của sứ điệp đó. Chúng ta nói cùng tất cả mọi người: “Chúng tôi gửi tình yêu thương của mình đến các anh chị em và mời gọi các anh chị em hãy đến. Hãy để cho chúng tôi chia sẻ tất cả những gì Thượng Đế đã mặc khải.”

Thưa các anh chị em, chúng ta cần phải giúp tất cả mọi người, kể cả các tín hữu của chúng ta, thấu hiểu quyền năng và tầm quan trọng của Kinh Thánh. Kinh Thánh là thánh thư mà hướng dẫn chúng ta và tất cả nhân loại để chấp nhận Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Cầu xin Thượng Đế ban cho chúng ta ước muốn và khả năng để chấp nhận và sống theo những lời giảng dạy của Ngài là lời cầu nguyện khiêm nhường của tôi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.