2008
Những Truyền Thống Ngay Chính
Tháng Năm năm 2008


Những Truyền Thống Ngay Chính

Các truyền thống mà chúng ta tạo ra trong gia đình mình có làm dễ dàng cho con cái của chúng ta noi theo các vị tiên tri tại thế không?

Hình Ảnh
Cheryl C. Lant

Tôi còn nhớ cha tôi đeo một chiếc nhẫn hồng ngọc ở bên tay trái của ông. Chiếc nhẫn được giao lại cho người anh duy nhất của tôi. Tôi nghĩ rằng nó sẽ là một truyền thống trong gia đình chúng tôi—một di sản chuyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Đó sẽ là một truyền thống hay, với những kỷ niệm tuyệt vời liên kết với chiếc nhẫn đó.

Mỗi người chúng ta đều có truyền thống trong gia đình mình. Một số truyền thống này là vật chất. Một số khác thì có ý nghĩa sâu xa. Những truyền thống quan trọng nhất liên kết với lối sống của chúng ta và sẽ tồn tại sau khi chúng ta giã từ thế gian này khi cuộc sống của con cái chúng ta có được ảnh hưởng và được định hướng. Trong Sách Mặc Môn, chúng ta đọc về dân La Man mà đã bị ảnh hưởng sâu xa bởi các truyền thống của tổ phụ họ. Vua Bên Gia Min nói rằng họ là một dân tộc không hề biết gì về các nguyên tắc phúc âm: “hay dù cho họ có được giảng dạy những điều này, thì họ cũng không tin, vì những truyền thống của tổ phụ họ là những truyền thống sai lầm” (Mô Si A 1:5).

Chúng ta có loại truyền thống nào? Một số truyền thống có thể đến từ các tổ tiên của chúng ta và giờ đây chúng ta đang truyền lại cho con cái của mình. Các truyền thống này có phải là các truyền thống mà chúng ta muốn không? Các truyền thống này có dựa vào những hành động ngay chính và đức tin không? Các truyền thống này phần lớn có mang tính chất vật chất hay vĩnh cửu không? Chúng ta có chủ ý tạo ra những truyền thống ngay chính, hay chúng ta chỉ thờ ơ chấp nhận bất cứ điều gì xảy ra cho chúng ta trong cuộc đời? Các truyền thống của chúng ta được sáng tạo để đáp ứng những cám dỗ mãnh liệt của thế gian, hoặc chúng được ảnh hưởng bởi tiếng nói êm nhẹ của Thánh Linh? Các truyền thống mà chúng ta tạo ra trong gia đình mình có làm dễ dàng cho con cái của chúng ta noi theo các vị tiên tri tại thế hay các truyền thống này sẽ làm khó khăn cho chúng không?

Chúng ta cần phải quyết định các truyền thống của chúng ta sẽ như thế nào? Thánh thư mang đến cho chúng ta một mẫu mực tuyệt diệu. Trong Mô Si A 5:15 có nói: “Vậy nên, tôi mong rằng các người hãy vững vàng và cương quyết, luôn luôn làm những việc tốt lành.”

Tôi yêu thích điều này vì chúng tôi biết rằng các truyền thống được thiết lập theo thời gian khi chúng ta lặp đi lặp lại các hành động giống nhau. Khi chúng ta kiên định và không thay đổi trong việc làm điều thiện, các truyền thống của chúng ta sẽ bám rễ sâu vào sự ngay chính. Nhưng tôi có một câu hỏi. Làm thế nào chúng ta xác định được điều gì tốt, hoặc quan trọng hơn nữa, là điều gì vừa đủ tốt? Một câu thánh thư khác mang đến cho chúng ta thêm một ít thông tin nữa được tìm thấy trong 3 Nê Phi 6:14. Câu này nói về những người “được cải đạo theo tín ngưỡng chân thật; và họ không từ bỏ nó, vì họ vững chắc, bền bỉ, bất di bất dịch và hết lòng chuyên tâm tuân giữ những lệnh truyền của Chúa.”

Chúng ta biết rằng sự cải đạo của mình theo “tín ngưỡng chân thật” đi trước khả năng của chúng ta vẫn luôn được vững vàng, kiên định và không lay chuyển trong việc tuân giữ các giáo lệnh. Sự cải đạo này là một lòng tin vững chắc nơi Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Một bằng chứng về điều này được tìm thấy trong Sách Mặc Môn, tức là một chứng thư khác về Chúa Giê Su Ky Tô. Sách này đi song song với Kinh Thánh trong việc rao giảng thiên tính và sứ mệnh của Chúa Giê Su Ky Tô cũng như sự xác thật của Cha Thiên Thượng hằng sống. Mỗi vị tiên tri được nói đến trong các quyển thánh thư này đều đưa ra lời chứng cá nhân của họ về những điều này, cũng như những lời giảng dạy về cách mà chúng ta cần phải sống cuộc sống của mình để dự phần vào Sự Chuộc Tội và tìm ra sự bình an và hạnh phúc cá nhân.

Chỉ có một cách duy nhất để có được sự cải đạo cá nhân. Điều này có được nhờ vào sự làm chứng của Thánh Linh khi chúng ta nghiên cứu chính các thánh thư này mà đã làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô. Điều này có được khi chúng ta cầu nguyện và khi chúng ta nhịn ăn. Điều này chỉ có được khi chúng ta có một ước muốn sâu xa để biết lẽ thật. Động cơ thúc đẩy của chúng ta cần phải là thẳng thắn tìm kiếm lẽ thật hơn là biện minh cho các hành động của chúng ta bằng cách phê phán thánh thư, những lời giảng dạy của các vị tiên tri, hoặc chính Giáo Hội. Nỗ lực của chúng ta cần phải hướng về việc lắng nghe những lời giải thích của Thánh Linh thay vì lưu tâm đến sự hiểu biết của thế gian. Chúng ta cần phải sẵn lòng mở rộng tâm trí của mình, chấp nhận đường lối của Chúa, và nếu cần, thì thay đổi cuộc sống của mình. Sự cải đạo cá nhân của chúng ta có được khi chúng ta bắt đầu sống theo đường lối mà Chúa muốn chúng ta phải sống theo—kiên trì và vững vàng—trong việc tuân giữ tất cả các giáo lệnh, chứ không phải chỉ các giáo lệnh nào thuận tiện mà thôi. Rồi điều này trở thành một tiến trình gạn lọc, khi chúng ta cố gắng làm cho mỗi ngày được tốt hơn một chút cho đến ngày cuối cùng. Như thế thì các truyền thống của chúng ta mới trở thành các truyền thống ngay chính.

Tôi xin mời tất cả chúng ta hãy dành ra một giây lát để suy ngẫm về những truyền thống trong cuộc sống của mình và cách mà chúng có thể ảnh hưởng đến gia đình mình. Các truyền thống của chúng ta về việc tuân thủ ngày Sa Bát, việc cầu nguyện chung gia đình, việc học hỏi thánh thư chung gia đình, sự phục vụ và sinh hoạt trong Giáo Hội, cũng như các mẫu mực kính trọng và chung thủy trong nhà sẽ có một ảnh hưởng lớn đối với con cái của chúng ta và tương lai của chúng. Nếu việc dạy dỗ con cái của chúng ta dựa vào những lời giảng dạy của thánh thư và của các vị tiên tri ngày sau, thì chúng ta không thể nào đi sai đường. Nếu mỗi lần có một thử thách thì lòng của chúng ta trước tiên sẽ và luôn luôn hướng đến Cha Thiên Thượng để nhận được sự hướng dẫn, thì chúng ta sẽ được ở một nơi an toàn. Nếu con cái của chúng ta biết điều mà chúng ta tin tưởng mãnh liệt và chúng ta luôn luôn tán trợ công việc và ý muốn của Chúa, thì chúng ta biết rằng chúng ta đang ở nơi mà chúng ta cần phải ở.

Giờ đây, điều quan trọng là chúng ta kiên trì làm những việc này. Chúng ta sẽ không hoàn hảo đối với những việc này, và gia đình của chúng ta sẽ không phải lúc nào cũng đáp ứng một cách thuận lợi, nhưng chúng ta sẽ xây đắp một nền tảng vững mạnh của các truyền thống ngay chính mà con cái của chúng ta có thể tin cậy được. Chúng có thể nắm chặt lấy nền tảng đó khi gặp những điều khó khăn, và chúng có thể trở về với nền tảng đó nếu chúng có đi sai đường trong một thời gian.

Vào cuối đời của cha tôi, ông đã truyền lại cho chúng tôi, các con cái của ông, nhiều hơn là một chiếc nhẫn hồng ngọc. Cơ thể của ông đã kiệt sức, nhưng thực ra, ông là một nguồn sức mạnh, một tấm gương ngay chính và lẽ thật. Chính cuộc sống của ông đã nắm giữ các truyền thống mà hiện đang củng cố chúng tôi ngày nay, cho dù ông không còn sống với chúng tôi nữa. Ông đã “vững chắc, bền bỉ, bất di bất dịch và hết lòng chuyên tâm tuân giữ những lệnh truyền của Chúa.”

Chúng ta có thể làm điều này cho con cái của mình không? Di sản mà chúng ta cho chúng ngày nay là gì? Sẽ là điều gì ngày mai? Di sản này có thể bắt đầu với chúng ta. Tâm hồn và cuộc sống của chúng sẽ tràn đầy truyền thống mà làm cho chúng dễ dàng chấp nhận và tuân theo Chúa và các vị tiên tri ngày sau không? Với tư cách là gia đình, chúng ta sẽ có thể thỉnh cầu các phước lành đã được hứa rằng “Đấng Ky Tô, Đức Chúa Trời Vạn Năng, có thể gắn bó với các người, ngõ hầu các người có thể được đưa lên trời và được hưởng sự cứu rỗi vĩnh viễn và cuộc sống vĩnh cửu” (Mô Si A 5:15) không?

Thưa các anh chị em, tôi biết rằng chúng ta có thể làm điều đó! Tôi biết rằng Thượng Đế yêu thương chúng ta và đang chờ giúp chúng ta đến cùng Ngài. Mỗi chúng ta có thể biết rằng những điều này là chân chính. Tôi biết rằng những điều này là chân chính! Tôi biết rằng Thượng Đế hằng sống; Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Ngài và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là chân chính; thánh thư chứa đựng và làm chứng về phúc âm đó. Và chúng ta có một vị tiên tri chân chính và tại thế ngày nay—Chủ Tịch Thomas S. Monson. Ông đã được chuẩn bị và được đưa ra ngày nay để hướng dẫn Giáo Hội của Chúa.

Khi trở nên “vững chắc, bền bỉ, bất di bất dịch” trong việc tuân giữ các lệnh truyền của Chúa, thì chúng ta sẽ có được các phước lành của thiên thượng cho bản thân và gia đình mình.

Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ cảm nhận được điều này ở tận đáy sâu trong tâm hồn mình và trong cuộc sống mình, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.