2009
Lời Kêu Gọi cho Thế Hệ Đang Vươn Lên
Tháng Mười Một năm 2009


Lời Kêu Gọi cho Thế Hệ Đang Vươn Lên

Không có sự kêu gọi nào lớn hơn việc “dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp têm cho họ”

Hình Ảnh
Elder Brent H. Nielson

Sau khi giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi kết thúc trên trần thế, Ngài hiện đến cùng Các Sứ Đồ với tư cách là Đấng phục sinh. Lệnh truyền của Ngài ban cho họ cũng là lời kêu gọi Ngài đưa ra cho các em là thế hệ đang vươn lên ngày nay: “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp têm cho họ” (Ma Thi Ơ 28:19).

Vào ngày 6 tháng Tư năm 1974, Giáo Hội tán trợ một vị tiên tri mới là Chủ Tịch Spencer W. Kimball. Cũng vào ngày đó, tôi được kêu gọi phục vụ với tư cách là người truyền giáo toàn thời gian ở Phần Lan. Lúc bấy giờ, tôi không biết rằng Chủ Tịch Kimball mới vừa đưa ra một bài nói chuyện lịch sử vào tuần đó cho Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương và các vị đại diện giáo vùng của Giáo Hội. Về sau, tôi biết được rằng trong bài nói chuyện đó, với tầm nhìn xa của ông, Chủ Tịch Kimball tiên tri rằng chúng ta với tính cách là một giáo hội, sẽ hoàn thành lệnh truyền của Đấng Cứu Rỗi để “dạy dỗ muôn dân” như thế nào. Trong bài nói chuyện của ông, Chủ Tịch Kimball mời gọi các tín hữu Giáo Hội cố gắng nhiều hơn và nới rộng tầm nhìn của mình. Ông yêu cầu mỗi thanh niên xứng đáng nên chuẩn bị phục vụ truyền giáo toàn thời gian và đầy vinh dự. Ông khuyến khích các tín hữu trong mỗi quốc gia nên chuẩn bị lo liệu cho những người truyền giáo của mình và ông cũng kêu gọi “những người có khả năng hãy phụ giúp Mười Hai Vị [Sứ Đồ] đi khắp thế giới mở cửa mọi quốc gia” (“When the World Will Be Converted,” Ensign, tháng Mười năm 1974, 10).

Trong bài nói chuyện của ông vào năm 1974, Chủ Tịch Kimball cũng nói có 3,3 triệu tín hữu của Giáo Hội; 18.600 người truyền giáo toàn thời gian và 633 giáo khu. Ông yêu cầu chúng ta làm tốt hơn và thay đổi cách nhìn cùng nâng cao tầm nhìn của chúng ta (“When the World Will Be Converted” Ensign, tháng Mười năm 1974).

Để đáp lại, với tư cách là tín hữu của Giáo Hội, chúng ta bắt đầu cầu nguyện thường xuyên trong gia đình, trong các buổi lễ Tiệc Thánh và các đại hội giáo khu của mình để các nhà lãnh đạo quốc gia được mềm lòng và cửa sẽ mở cho những người truyền giáo. Các tín hữu bắt đầu thấy rõ hơn trách nhiệm của họ để chia sẻ phúc âm. Các thanh niên của chúng ta chấp nhận dấn thân và một đạo quân hùng mạnh gồm những người truyền giáo được quy tụ lại. Chúng ta chứng kiến tầm nhìn xa của Chủ Tịch Kimball bắt đầu trở thành hiện thực.

Trong khi đang phục vụ ở Phần Lan, tôi biết được rằng vợ của vị chủ tịch phái bộ truyền giáo của tôi, Chị Lea Mahoney, là người Phần Lan. Khi còn nhỏ, chị lớn lên ở miền đông Phần Lan trong một thành phố tên là Viipuri. Khi cảnh tàn phá của chiến tranh tràn ngập Phần Lan và các nước khác trong Đệ Nhị Thế Chiến, bà và gia đình bà rời bỏ quê hương rồi Viipuri trở thành một phần của Liên Xô và được đặt tên lại là Vyborg. Trong các đại hội khu bộ truyền giáo của chúng tôi, Chị Mahoney thường kể cho chúng tôi biết về những người còn ở lại Viipuri và về ước muốn của chị rằng phúc âm sẽ được mang đến cho họ. Tiếp theo lời yêu cầu của Chủ Tịch Kimball, chúng tôi cùng nhau cầu nguyện để các vị lãnh đạo quốc gia đó được mềm lòng để cho phúc âm có thể được những người truyền giáo của chúng ta mang đến Liên Bang Xô Viết.

Chúng tôi thường đi đến biên giới giữa Phần Lan và Liên Bang Xô Viết, thấy những cái tháp canh với hàng rào rồi chúng tôi tự hỏi ai sẽ là các thanh niên và thiếu nữ dũng cảm đó và khi nào thì họ sẽ vượt qua biên giới để mang phúc âm đến cho người dân ở đó. Tôi phải thú nhận rằng vào lúc ấy dường như đó là một nhiệm vụ không thể thực hiện được.

Cách đây ba năm, con trai của chúng tôi là Eric được kêu gọi đi truyền giáo ở Nga, Phái Bộ Truyền Giáo St. Petersburg. Trong lá thư đầu tiên gửi về nhà nó viết như sau: “Mẹ Cha yêu dấu, con đã được chỉ định đến thành phố đầu tiên ở Nga. Cha ơi, có lẽ cha đã nghe điều này trước đây rồi. Thành phố này tên là Vyborg, nhưng trước đây là một thành phố Phần Lan tên là Viipuri.”

Mắt tôi nhòa lệ khi tôi hiểu rằng Eric đang ở ngay trong thành phố mà chúng tôi đã cầu nguyện khoảng 32 năm trước. Eric tìm ra một giáo đường và chi nhánh của Các Thánh Hữu trung tín nơi đó. Nó đang sống và phục vụ ở một nơi mà đối với tôi khi còn thanh niên thì dường như không thể nào vào được.

Cách đây nhiều năm, tôi không biết rằng khi chúng tôi cầu nguyện cho biên giới mở cửa và những người truyền giáo được phép đi vào thì tôi đang cầu nguyện cho con trai của chúng tôi. Quan trọng hơn hết, đối với các em thuộc thế hệ đang vươn lên, thì Eric, con trai của chúng tôi, không biết rằng nó và những người bạn đồng hành của nó là sự đáp ứng cho những lời cầu nguyện được dâng lên bởi hằng ngàn Người Thánh Hữu trung tín cách đây rất nhiều năm. Các em thuộc vào thế hệ đang vươn lên là sự ứng nghiệm của lời tiên tri rằng trong thời kỳ của chúng ta, “lẽ thật của Thượng Đế sẽ thẳng tiến một cách mạnh dạn, cao quý và độc lập, cho đến khi nó thấm nhuần vào mỗi lục địa, đến mỗi xứ sở, lan tràn trong mỗi quốc gia, thấu đến tai của mỗi người, cho đến khi các mục đích của Thượng Đế được hoàn thành, và Đức Giê Hô Va Vĩ Đại sẽ nói công việc đã hoàn tất” (Joseph Smith, trong History of the Church, 4:540).

Kể từ khi Chủ Tịch Kimball đưa ra lời tiên tri chỉ dẫn cách đây 35 năm, con số các tín hữu của Giáo Hội đã tăng lên đến 13 triệu rưỡi. Hiện có 52.000 người truyền giáo và hơn 2.800 giáo khu Si Ôn. Ai là những người lao nhọc trong vườn nho đã phụ giúp trong việc tiến hành công việc lạ lùng và kỳ diệu này? Chắc chắc họ chính là các vị tiên tri và sứ đồ đang ngồi trước mặt chúng ta hôm nay. Họ là các chủ tịch giáo khu và giám trợ tuyệt diệu phục vụ thật trung tín. Nhưng họ cũng là cha mẹ của các em—những người cha, mẹ—cô, dì và chú bác cùng các anh chị em đang ngồi bên cạnh các em, là thế hệ đang vươn lên ngày nay. Tuy nhiên, điều then chốt nhất là khi chúng ta cố gắng mang phúc âm đến với tất cả các quốc gia, chúng ta mới chỉ bắt đầu hoàn thành công việc này mà thôi.

Vậy nên trách nhiệm bây giờ được giao lại cho một thế hệ mới. Đấng Cứu Rỗi, qua vị tiên tri của Ngài ngày nay, là Chủ Tịch Thomas S. Monson, đã lặp lại sự kêu gọi khi ông nói:

“Nguyên tắc chính yếu của chúng ta đã được Chúa Cứu Rỗi truyền lệnh, là Đấng đứng đầu đạo quân truyền giáo hùng mạnh trên khắp toàn cầu. Sau khi phục sinh, Ngài đã hiện đến cùng 11 môn đồ của Ngài. Ngài có thể ban cho họ bất cứ lời dạy bảo, bất cứ lời cảnh cáo nào Ngài chọn để ban cho. Nhưng Ngài phán bảo điều gì? Lời này được ghi lại trong Ma Thi Ơ 28:18–20. Ngài phán như sau:

“Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp têm cho họ.

“Dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và này, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.”

Chủ Tịch Monson nói tiếp:

“Thật là một lời hứa tuyệt vời! Nếu chúng ta đồng ý đáp ứng sự kêu gọi thiêng liêng đó, thẩm quyền ràng buộc đó, thì Chúa hứa ‘ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.’ Tôi không nghĩ ra một lời hứa lớn lao nào hơn” (“The Five M’s of Missionary Work,” New Era, tháng Ba năm 2007, 42).

Trong Sách Mặc Môn, Gia Cốp, khi trích dẫn lời Giê Nốt, đã nói đến nhiệm vụ của chúng ta ngày nay trong chuyện ngụ ngôn về cây ô liu lành và cây ô liu dại:

“Vậy nên, hãy đi gọi các tôi tớ lại đây, để chúng ta cùng làm việc cần mẫn với tất cả sức lực của chúng ta trong vườn, để chúng ta có thể chuẩn bị đường lối, ngõ hầu ta lại có được trái thiên nhiên, là trái tốt lành và quý báu hơn hết thảy mọi trái khác.

“Vậy nên, chúng ta hãy đi và làm việc tận lực một lần chót, vì này, sự cuối cùng đã gần kề, và đây cũng là lần chót mà ta xén tỉa vườn cây của ta” (Gia Cốp 5:61–62).

Lời kêu gọi của Đấng Cứu Rỗi là đưa ra cho các em thuộc thế hệ đang vươn lên. Ngài đang phán bảo các thanh niên và thiếu nữ xứng đáng, sẵn sàng và trung tín là những người lưu tâm đến tiếng nói của vị tiên tri; là những người sẽ dấn thân và nói như chính Đấng Cứu Rỗi đã nói: “Tôi đây, xin phái tôi đi” (Áp Ra Ham 3:27). Chưa bao giờ cần thiết như thế. Cánh đồng chưa bao giờ trắng xóa như vậy. Các em được kêu gọi để ra đi “lần sau cùng này” (Gia Cốp 5:62). Không có công việc nào trọng đại hơn; không có sự kêu gọi nào lớn hơn việc “dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp têm cho họ” (Ma Thi Ơ 28:19).

Tôi long trọng tuyên bố và làm chứng rằng thiên thượng đang rộng mở, Thượng Đế không những phán bảo thời xưa mà Ngài còn phán bảo thời nay. Vị Nam Tử của Ngài là Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống và đang mời gọi các em, cũng như Ngài đã mời gọi Các Vị Sứ Đồ thời xưa, Phi E Rơ và Anh Rê: “Các ngươi hãy theo ta, ta sẽ cho các ngươi nên tay đánh lưới người” (Ma Thi Ơ 4:19). Cầu xin cho các em đáp ứng như họ đã đáp ứng, bằng cách bỏ ngay lưới và đi theo Ngài.

Tôi cầu nguyện rằng các em thuộc thế hệ đang vươn lên này sẽ đứng lên bênh vực cho lẽ thật và sự ngay chính, cùng thấu hiểu sự kêu gọi thiêng liêng của các em để đi giảng dạy tất cả các quốc gia, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.