2009
Cương Vị Quản Lý—Một Sự Tin Cậy Thiêng Liêng
Tháng Mười Một năm 2009


Cương Vị Quản Lý—Một Sự Tin Cậy Thiêng Liêng

Chúng ta phục vụ đồng bào mình vì tin rằng đó là điều Thượng Đế muốn chúng ta phải làm.

Hình Ảnh
Elder Quentin L. Cook

Chúng ta đang sống trong thời kỳ nguy hiểm vì có nhiều người tin rằng chúng ta không chịu trách nhiệm đối với Thượng Đế và không có trách nhiệm hay khả năng quản lý bản thân mình hoặc những người khác. Nhiều người trên thế gian tập trung vào việc hài lòng với bản thân, đặt mình lên trên hết, và thích vui chơi hơn là yêu mến sự ngay chính. Họ không tin rằng họ là người chăm sóc cho anh em mình. Tuy nhiên, trong Giáo Hội, chúng ta tin rằng cương vị quản lý này là một sự tin cậy thiêng liêng.

Mới đây có một nhóm những người lãnh đạo và các giáo sĩ khả kính người Do Thái đến tham quan các cơ sở của Giáo Hội ở Thung Lũng Salt Lake kể cả Khuôn Viên An Sinh, Trung Tâm Nhân Đạo, Thư Viện Lịch Sử Gia Đình và lễ khánh thành Đền Thờ Oquirrh Mountain Utah. Sau chuyến tham quan, một trong số các giáo sĩ lỗi lạc nhất người Do Thái ở Hoa Kỳ đã bày tỏ cảm nghĩ về điều vị ấy thấy và cảm nhận.1

Vị ấy trích dẫn khái niệm của những nhà tư tưởng người Do Thái bắt nguồn từ các văn bản cổ về luật và truyền thống Do Thái Talmud2 cùng nêu lên rằng có hai lý do rất khác biệt khiến người ta có hành động tử tế và rộng lượng. Một số người đi thăm người bệnh, phụ giúp người nghèo và phục vụ đồng bào mình vì họ tin rằng đó là điều đúng để làm còn những người khác sẽ đền đáp lại và làm giống như vậy đối với họ khi họ gặp hoạn nạn. Vị ấy giải thích rằng mặc dù điều này là tốt, xây dựng các cộng đồng chăm sóc cho nhau, và nên được xem là một lý do cao quý , nhưng có một động cơ cao hơn khi chúng ta phục vụ đồng bào mình vì tin rằng đó là điều Thượng Đế muốn chúng ta phải làm.

Vị ấy nói rằng nhờ chuyến tham quan đó, nên vị ấy tin rằng Các Thánh Hữu Ngày Sau đảm nhận những nỗ lực an sinh và nhân đạo cùng công việc cứu rỗi trong đền thờ của chúng ta để làm điều mà Thượng Đế muốn chúng ta làm.

Cảm tưởng này về việc chịu trách nhiệm nằm trong giáo lệnh lớn thứ nhất dạy là phải yêu mến Thượng Đế, đã được một số người mô tả là “tuân theo điều mà không bị ép buộc phải làm.”3 Chúng ta cố gắng làm điều đúng vì chúng ta yêu thương và muốn làm hài lòng Cha Thiên Thượng chứ không phải vì một người nào đó ép buộc chúng ta phải tuân theo.

Cuộc Chiến trên Trời đã được mở màn sau khi Sa Tan nói rằng nó sẽ ép buộc mọi người tuân theo ý kiến của nó. Kế hoạch đó bị khước từ. Do đó, chúng ta có được quyền tự quyết về mặt đạo đức và tự do chọn hướng đi của mình trong cuộc sống này. Nhưng chúng ta cũng chịu trách nhiệm về quyền tự quyết đó. Chúa đã phán rằng chúng ta sẽ “chịu trách nhiệm về tội lỗi của mình vào ngày phán xét.”4 Các nguyên tắc chịu trách nhiệm và cương vị quản lý có một ý nghĩa quan trọng trong giáo lý của chúng ta.5

Trong Giáo Hội, cương vị quản lý không giới hạn vào một sự tin cậy hay trách nhiệm vật chất. Chủ Tịch Spencer W. Kimball dạy: “ Chúng ta là những người quản lý trông nom thân thể, trí óc, gia đình và tài sản của mình … Một người quản lý trung tín là người sử dụng quyền cai trị ngay chính, chăm sóc cho gia đình mình cùng quan tâm đến người nghèo khó và túng thiếu.”6

Mặc dù có nhiều lãnh vực về cương vị quản lý , tôi đã chọn để nói về hai lãnh vực. Lãnh vực đầu tiên là quản lý cùng chăm sóc bản thân và gia đình mình. Lãnh vực thứ hai là quản lý cùng chăm sóc người nghèo khó và túng thiếu.

Chúa thường sử dụng chuyện ngụ ngôn về đất đai trong việc giảng dạy về việc chịu trách nhiệm và cương vị quản lý . Khi còn nhỏ, vào mùa hè tôi thường đi thăm ông bà nội của tôi tại nông trại của họ. Nơi đó không có điện, nước máy hay ống dẫn nước trong nhà. Tuy nhiên, có một suối nước cạnh bên căn nhà trong trại chăn nuôi của họ. Con suối tạo ra một cái ao nước trong trẻo, tinh khiết mà vài lần một ngày tôi giúp bà nội mang nước vô nhà để uống, nấu ăn, tắm rửa và giặt đồ. Ông bà nội tôi rất thích con suối mang đến nguồn sống này và đặc biệt bảo vệ nó rất kỹ.

Nhiều năm về sau, ông nội tôi đã hơn 90 tuổi và không còn sống ở đó nữa; ông không thể bảo tồn và trông nom con suối được. Tôi lái xe chở ông để cho ông thấy nông trại mà ông yêu mến. Khi nhìn thấy nông trại, kỳ vọng cao của ông biến thành nỗi thất vọng khi thấy hàng rào bảo vệ quanh con suối đã ọp ẹp ngã xuống và các con bò đã làm hư hại con suối, và dòng nước quý báu tinh khiết bị ô nhiễm nặng. Ông rất khó chịu trước tình trạng hư hại và ô nhiễm. Đối với ông, đó là vi phạm lòng tin cậy mà ông đã tuân thủ suốt cuộc đời làm việc của mình. Không hiểu sao, ông cảm thấy mình đã không bảo vệ con suối mang đến nguồn sống đó mà có ý nghĩa rất nhiều đối với ông.

Cũng giống như dòng suối tinh khiết đã bị ô nhiễm khi không được bảo vệ, chúng ta sống trong thời kỳ mà đức hạnh và sự trinh khiết không được bảo vệ.7 Ý nghĩa vĩnh cửu của đạo đức cá nhân đã không được tôn trọng. Cha Thiên Thượng nhân từ đã ban cho chúng ta phương tiện để mang con cái linh hồn của Ngài xuống thế gian này nhằm làm tròn mục đích tạo dựng. Ngài đã dạy cho chúng ta biết rằng nguồn sống phải được giữ cho tinh khiết cũng giống như dòng suối xinh đẹp trong nông trại cần được bảo vệ nhằm duy trì sự sống. Đây là một trong những lý do tại sao đức hạnh và sự trinh khiết lại rất quan trọng trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng.

Nhờ vào phản ứng của ông nội tôi đối với con suối bị ô nhiễm nên con suối đã được cải tiến và bảo tồn nhằm mang trở lại vẻ đẹp và sự tinh khiết nguyên thủy của nó.

Là các tôi tớ của Chúa Giê Su Ky Tô, trách nhiệm thiêng liêng của chúng ta là giảng dạy về tiêu chuẩn đạo đức của Ngài mà đều giống nhau đối với tất cả con cái của Ngài. Khi ý nghĩ hoặc hành động của chúng ta vẩn đục thì chúng ta đã phạm vào tiêu chuẩn đạo đức của Ngài. Chúa đã phán: “Ta … chẳng nhìn tội lỗi với một mảy may chấp nhận.”8 Một số người cố gắng biện minh cho hạnh kiểm của mình.

Trong bài thơ của John Holmes có tựa đề “Nói Chuyện,” về một người già bị điếc sống ở New England làm nghề đóng tàu đã dạy cho một thanh niên về sự biện minh. Để mô tả một trong số các bài học mà mình đã học được, người thanh niên đó giải thích: “Tôi không hề biết rằng dù ta có đóng chiếc tàu đó theo cách gì đi nữa, thì chiếc tàu đó phải chạy; ta không thể biện minh với đại dương nếu chiếc tàu không chạy.”9

Có người nói rằng điều gì xảy ra ở đâu thì ở lại đó. Tôi thích tấm biển ở Hạt Sevier, Utah có ghi rằng: “Điều gì xảy ra ở Hạt Sevier … thì bạn có thể chia sẻ với bạn bè của bạn!!!” Khi chúng ta biết rằng chúng ta chịu trách nhiệm đối với Thượng Đế, thì chúng ta thấy việc biện minh có thể là rồ dại biết bao. Những người biện minh nhắc chúng ta nhớ về các trẻ nhỏ lấy tay bịt mắt mình lại vì tin rằng nếu chúng không thể thấy chúng ta thì chúng ta cũng không thể thấy chúng. Tôi đề nghị rằng nếu chúng ta nghĩ đến việc giải thích các hành động của mình với Đấng Cứu Rỗi, thì lời biện minh của chúng ta sẽ được thấy rõ trong ánh sáng thật sự của chúng.

Chúng ta biết rằng có những người đã có hạnh kiểm trái với tiêu chuẩn đạo đức thiêng liêng này. Xin hiểu rằng nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, tất cả đều có thể hối cải và quay trở lại giống như con suối trở lại tình trạng trong trẻo và tinh khiết. Thật là khó để hối cải; điều đó đòi hỏi một tâm hồn đau khổ và một tấm lòng thống hối.10 Nhưng khi những bước dẫn đến hối cải được làm theo một cách ngay chính, thì những lời của tiên tri An Ma nói với con trai của ông, Cô Ri An Tôn, là người đã phạm giới về mặt đạo đức, thì rất thích hợp: “Và giờ đây, hỡi con trai của cha, cha mong rằng con không nên để những điều này làm băn khoăn con nữa, mà chỉ nên để cho những tội lỗi của mình làm băn khoăn mình, với sự băn khoăn mà sẽ đưa con đến sự hối cải.”11 Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Này kẻ nào biết hối cải những tội lỗi của mình, thì kẻ đó sẽ được tha thứ, và ta, là Chúa, sẽ không còn nhớ tới những tội lỗi đó nữa.”12

Về cương vị quản lý của chúng ta đối với gia đình mình, một số người đã dạy rằng khi chúng ta báo cáo với Đấng Cứu Rỗi và Ngài bảo chúng ta phải giải trình trách nhiệm của mình trên trần thế, thì hai câu hỏi quan trọng sẽ là về gia đình của chúng ta. Mối quan hệ đầu tiên sẽ là mối quan hệ của chúng ta với người phối ngẫu của mình và mối quan hệ thứ nhì sẽ là về mỗi đứa con của chúng ta.13

Thật là dễ dàng để chúng ta làm đảo lộn những ưu tiên của mình. Chúng ta có bổn phận để bảo đảm sự an toàn thể chất và hạnh phúc của con cái mình. Tuy nhiên, một số cha mẹ lại đặt ưu tiên thái quá vào của cải vật chất thế gian. Một số người khác thì không siêng năng trong nỗ lực giảng dạy con cái sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.14 Hãy nhớ rằng việc tuân giữ đạo trong nhà thì cũng quan trọng như việc cung cấp thức ăn, quần áo và chỗ trú ngụ. Cha mẹ cũng có thể giúp con cái khám phá và phát huy tài năng của chúng. Chúng ta có trách nhiệm về các tài năng mình nhận được. Nếu con cái không được giảng dạy rằng chúng phải chịu trách nhiệm về thời giờ và tài năng của riêng mình thì sẽ chịu sự rồ dại và bất chính đang lan tràn khắp nơi trên thế gian.15 Bản tuyên ngôn gia đình cảnh cáo rằng những người “không làm tròn các trách nhiệm gia đình, một ngày kia sẽ đứng chịu trách nhiệm trước mặt Thượng Đế.”16

Cương vị quản lý thứ hai là chăm sóc người nghèo khó và túng thiếu, tức là áp dụng cho hầu hết tất cả chúng ta vào dịp này hay dịp khác. Lời khuyên của Chúa rằng chúng ta là người chăm sóc đối với những người đang gặp hoạn nạn chứa đựng lời lẽ mạnh mẽ nhất trong tất cả các câu thánh thư: “Nếu có kẻ nào lấy quá nhiều những vật ta đã làm ra, mà không chia bớt phần của mình … cho người nghèo khổ và túng thiếu, thì kẻ đó sẽ phải cùng với kẻ tà ác đưa mắt nhìn lên trong ngục giới, trong khi đang bị đau đớn.”17 Chúng ta đều chịu trách nhiệm với tư cách là người quản lý các phước lành trên trần thế được Chúa ban cho.

Các vị lãnh đạo người Do Thái mà tôi đề cập trước đây đều vô cùng cảm kích trước nguyên tắc nhịn ăn và rồi đóng góp của lễ nhịn ăn một cách rộng lượng. Họ nghĩ rằng việc các tín hữu Giáo Hội trên khắp thế giới thường nhịn ăn hằng tháng và rồi tự nguyện hiến tặng vì lợi ích của những người túng thiếu thật là một điều phi thường.

Khi các giáo sĩ Do Thái đến tham quan Khuôn Viên An Sinh, họ đều rất cảm động khi biết rằng ngay cả trong những lúc kinh tế khó khăn, các tín hữu của chúng ta, vì quan tâm đến thử thách của nhiều người khác, vẫn tiếp tục rộng lượng hiến tặng để giúp người nghèo khó và túng thiếu.

Tôi còn nhớ khi tôi được kêu gọi với tư cách là một giám trợ, người tiền nhiệm của tôi, Giám Trợ Russell Johnson, đã dặn trước rằng tôi sẽ phải rất thận trọng về điều tôi yêu cầu các tín hữu phải làm. Ông nói: “Một số người sẽ đáp ứng với mọi lời đề nghị dù phải hy sinh rất nhiều.” Ông đề cập đến một góa phụ trong tuổi 80 đã chăm sóc cho người chồng lẫn đứa con trai trong suốt căn bệnh trầm kha trước khi họ qua đời. Giám Trợ Johnson nói rằng mặc dù có ít của cải, nhưng bà luôn luôn cố gắng hưởng ứng. Tôi thấy điều này là đúng. Mỗi lần tôi đề cập đến nhu cầu phải đóng góp hay phục vụ để ban phước cho những người khác, Sarah thường là người đầu tiên hưởng ứng.

Vào một ngày thứ Bảy nọ, một chị phụ nữ khác gọi điện thoại cho tôi và nói: “Giám trợ ơi, hãy đến nhanh để cứu Sarah!” Chị phụ nữ này báo cáo rằng bà Sarah 80 tuổi đang ở trên đầu thang dọn dẹp máng xối của người láng giềng này. Chị phụ nữ này sợ rằng Sarah sẽ ngã xuống và muốn vị giám trợ phải can thiệp.

Tôi không đề nghị mọi người bắt chước Sarah. Một số người cảm thấy có tội vì họ không thể đáp ứng mỗi nhu cầu ngay lập tức. Tôi thích câu trích dẫn của Anne Morrow Lindbergh mà Anh Cả Neal A. Maxwell thường sử dụng: “Trong cuộc đời mình, tôi không thể nào giúp đỡ hết tất cả mọi người tôi muốn giúp đỡ.”18 Vua Bên Gia Min dạy: “Hãy chú tâm làm tất cả những việc ấy một cách sáng suốt và có trật tự: vì không bắt buộc con người phải chạy mau hơn sức mình có thể chạy được.”19 Nhưng ông thêm vào rằng chúng ta nên chuyên tâm.

Tôi rất vui mừng khi quan sát Các Thánh Hữu ở khắp Giáo Hội đang làm mọi điều họ có thể làm để mang đến sự phục vụ giống như Đấng Ky Tô bất cứ nơi nào có nhu cầu. Nhờ việc đóng góp của các tín hữu mà Giáo Hội có thể đáp ứng một cách lặng lẽ và nhanh chóng, không phô trương ầm ỹ đối với những nhu cầu trên khắp thế giới.20 Giáo Hội đã đáp ứng với những thiên tai ở Philippine, ở các quần đảo Thái Bình Dương và ở Indonesia.

Năm ngoái các tín hữu của chúng ta đáp ứng nhu cầu trợ giúp khi xảy ra Cơn Bão Gustav. Giáo Hội cộng tác chặt chẽ với tổ chức nhân đạo do Martin Luther King, III lãnh đạo. Sau đó, Ông King đến thăm Salt Lake City và nói: “Lúc đầu tôi đến để bày tỏ lòng biết ơn đối với Giáo Hội về việc hỗ trợ nhân đạo, nhưng tôi biết ngay rằng bản thân quý vị có tấm lòng sâu sắc và rộng lượng hơn. Qua Trung Tâm Nhân Đạo, Khuôn Viên An Sinh và lễ khánh thành đền thờ, bây giờ tôi biết ơn nhiều hơn về lý do tại sao quý vị làm điều quý vị đang làm.”

Trong tất cả các nỗ lực quản lý của mình, chúng ta đều noi theo Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta cố gắng thi hành điều Ngài phán bảo chúng ta phải làm, qua những lời giảng dạy lẫn tấm gương của Ngài. Chúng tôi hết lòng biết ơn các tín hữu của Giáo Hội về những đóng góp rộng lượng và sự phục vụ giống như Đấng Ky Tô của họ.

Khi nói về sự nhịn ăn và việc cung cấp cho người đói khát, tặng quần áo cho người thiếu mặc, với những lời lẽ đầy cảm động, Ê Sai đã hứa: “Bấy giờ ngươi cầu, Đức Giê Hô Va sẽ ứng.”21 Ê Sai nói tiếp: “Nếu ngươi mở lòng cho kẻ đói, và làm no kẻ khốn khó; … Đức Giê Hô Va sẽ cứ dắt đưa ngươi … ngươi sẽ như … nước chẳng hề khô vậy … [và] ngươi sẽ lập lại cái nền của nhiều đời trước.”22

Hy vọng của tôi là mỗi người chúng ta sẽ xem xét lại riêng bản thân và chung với gia đình mình cương vị quản lý mà chúng ta phải có trách nhiệm và chịu trách nhiệm. Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ làm như vậy và biết rằng cuối cùng thì chúng ta sẽ là người chịu trách nhiệm với Thượng Đế và rằng trong cuộc sống này, chúng ta sẽ ủng hộ điều không ép buộc.

Tôi biết ơn về lời chỉ dạy của một vị tiên tri đầy tình yêu thương và trung tín để phục vụ và cứu giúp những người đang gặp hoạn nạn. Khi chúng ta tuân theo lời chỉ dạy của Ngài, tôi biết rằng chúng ta sẽ hội đủ điều kiện để nhận được lời hứa của Chúa: “Và kẻ nào được xét thấy là một quản gia trung thành, công bình, và khôn ngoan, thì sẽ được hưởng niềm vui của Chúa mình, và sẽ thừa hưởng cuộc sống vĩnh cửu.”23

Tôi làm chứng về lẽ thật thiêng liêng này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. Giáo Sĩ Haskel Lookstein, cựu chủ tịch New York Board of Rabbis, chủ tịch Synagogue Council of America và chủ tịch National Rabbinic Cabinet of UJA.

  2. “Talmud là tập hợp những văn bản cổ điển từ hằng ngàn năm về sự thông sáng của người Do Thái, và khẩu luật … tìm ra từ ngữ trong đó” (Adin Steinsaltz, The Essential Talmud [2006], 4).

  3. John Fletcher Moulton, được trích dẫn trong Clayton M. Christensen, “The Importance of Asking the Right Questions” (bài diễn văn được đưa ra vào buổi lễ trao bằng tại trường Southern New Hampshire University, ngày 16 tháng Năm năm 2009), 3; xin xem thêm Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:4–7.

  4. GLGƯ 101:78.

  5. Xin xem GLGƯ 20:71. Tất cả những người chịu trách nhiệm cần phải hối cải và chịu phép báp têm (xin xem GLGƯ 18:42). Những người nào chết trước khi đến tuổi chịu trách nhiệm thì được cứu vào thượng thiên giới (xin xem GLGƯ 137:10; xin xem thêm GLGƯ 29:46–47, 50).

  6. Spencer W. Kimball, “Welfare Services: The Gospel in Action,” Ensign, tháng Mười Một năm 1977, 78.

  7. Xin xem Gregory Katz, “U.K. Health Booklet’s Message: Teen Sex Can Be Fun,” Deseret News, ngày 15 tháng Bảy năm 2009, A9.

  8. GLGƯ 1:31.

  9. “Talk,” trong Collected Poems của John Holmes, http://hdl.handle.net/10427/14894.

  10. Xin xem GLGƯ 20:37; 2 Nê Phi 2:7; An Ma 39; 3 Nê Phi 9:20. Chủ Tịch Ezra Taft Benson định nghĩa tấm lòng đau khổ và tâm hồn thống hối như sau: “Nỗi buồn phiền theo ý Thượng Đế … là một nhận thức sâu xa rằng những hành động của chúng ta đã xúc phạm đến Đức Chúa Cha và Thượng Đế. Đó là một ý thức buốt nhói và sắc bén mà … các tội lỗi của chúng ta khiến cho Ngài [Đấng Cứu Rỗi] phải rướm máu ở mỗi lỗ chân lông. Nỗi thống khổ về tâm thần và thuộc linh này rất thực tế là điều mà thánh thư nói đến là có ‘một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối’ ” (“A Mighty Change of Heart,” Tambuli, tháng Ba năm 1990, 5).

  11. An Ma 42:29.

  12. GLGƯ 58:42.

  13. Xin xem Robert D. Hales, “Understandings of the Heart,” trong Brigham Young University 1987((‘01‘))õ88 Devotional and Fireside Speeches (1988), 129; xin xem thêm 2 Nê Phi 9:41.

  14. Xin xem Joseph Fielding Smith, Take Heed to Yourselves! do Joseph Fielding Smith Jr. biên soạn (1971), 221.

  15. Xin xem Mác 7:20–23.

  16. “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười năm 2004, 49; xin xem thêm Russell M. Nelson, “Sắp Xếp Nhà Mình cho Có Trật Tự,” Liahona, tháng Giêng năm 2002, 80–83.

  17. GLGƯ 104:18.

  18. Anne Morrow Lindbergh, được trích dẫn trong Neal A. Maxwell, “Wisdom and Order,” Liahona, tháng Mười Hai năm 2001, 20.

  19. Mô Si A 4:27.

  20. Hơn 10 năm qua, Giáo Hội đã cung ứng hơn 900 triệu đô la về tặng dữ và vật liệu phụ giúp cho việc viện trợ nhân đạo và vô số giờ phục vụ của nhiều người nam nữ. Ví dụ, đối với Trận Bão Katrina, có hơn 330.000 giờ phục vụ khó nhọc, tận tâm (báo cáo của Anh Cả John S. Anderson, Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng, là người trông coi nỗ lực trợ giúp).

  21. Ê Sai 58:9.

  22. Ê Sai 58:10–12.

  23. GLGƯ 51:19; xin xem thêm Ma Thi Ơ 25:34–46.