2009
Dùng Phương Pháp của Quá Khứ để Đối Phó với Tương Lai
Tháng Mười Một năm 2009


Dùng Phương Pháp của Quá Khứ để Đối Phó với Tương Lai

Những bài học của quá khứ chuẩn bị cho chúng ta đối phó với thử thách trong tương lai.

Hình Ảnh
Elder L. Tom Perry

Mùa hè năm nay, vợ chồng tôi có được đặc ân tham dự buổi trình diễn ngoài trời Mormon Miracle Pageant ở Manti, Utah. Một buổi tối, trước khi buổi trình diễn đó bắt đầu, chúng tôi trò chuyện với các diễn viên. Vì có rất đông diễn viên nên chúng tôi phải nói chuyện với họ làm hai đợt. Buổi trình diễn về hoạt cảnh lịch sử ngoài trời có hơn 800 diễn viên, 570 người trong số họ dưới 18 tuổi. Năm nay với thêm 100 diễn viên tham dự, các chị em phụ trách về kho quần áo của diễn viên được đòi hỏi phải may thêm trang phục trình diễn—và họ đã làm như vậy. Thật là một sự soi dẫn khi thấy buổi trình diễn được tổ chức rất hữu hiệu và chú ý đến từng chi tiết.

Bối cảnh của buổi trình diễn ngoài trời là một sườn đồi xinh đẹp ở ngay dưới chân Đền Thờ Manti. Vào đêm chúng tôi xem buổi trình diễn, đã có 15.000 người tham dự. Chúng tôi rất xúc động khi xem nhóm thanh niên thiếu nữ trình diễn với sự hiểu biết sâu sắc câu chuyện về Sự Phục Hồi với tinh thần nhiệt tình như vậy.

Một điều mà chúng tôi rất thích làm khi đến thăm Manti là tham dự một phiên lễ đền thờ. Những ngôi đền thờ cổ xưa này chứa đựng một tinh thần đặc biệt và được xây cất với sự hy sinh lớn lao của những người tiền phong đầu tiên.

Việc tham dự một phiên lễ đền thờ trong Đền Thờ Manti là một kinh nghiệm vô cùng xúc động đối với tôi. Điều này mang lại những kỷ niệm quý báu trong ký ức tôi về Đền Thờ Logan trước khi được tân trang và hiện đại hóa. Khi chúng tôi tiến hành phiên lễ đền thờ, trong mỗi phòng, tôi đã có thể nghe những người tiền phong đầu tiên đó nói: “Hãy nhìn vào công trình này chúng tôi đã xây cất bằng chính đôi tay của mình. Chúng tôi không hề có máy móc bằng điện, cũng như không có người thầu khoán và đội ngũ thi công trong công trình này, chúng tôi cũng không có cần trục hiện đại để nâng lên các tảng đá nặng. Chúng tôi làm việc này với khả năng của mình.”

Đền thờ là một di sản vinh quang do những người tiền phong đầu tiên ở Hạt Sanpete để lại cho chúng ta.

Cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald Reagan có lần đã nói: “Tôi không muốn trở lại với quá khứ xa xưa; tôi muốn trở lại theo cách xưa để đối phó với tương lai.”1 Lời khuyên dạy này của ông vẫn còn văng vẳng trong tôi. Việc ôn lại các bài học của quá khứ chuẩn bị cho chúng ta đối phó với những thử thách của tương lai. Đó là một di sản vinh quang về đức tin, lòng can đảm và sự chân thật mà những người tiền phong Mặc Môn đầu tiên cao quý đó để lại cho chúng ta để làm nền tảng cho chúng ta xây đắp. Ngày nào tôi còn sống thì lòng ngưỡng mộ của tôi đối với họ còn gia tăng thêm.

Việc chấp nhận phúc âm đưa đến một lối sống thay đổi hoàn toàn của họ. Họ bỏ lại sau lưng mọi thứ—nhà cửa, công việc kinh doanh, nông trại, thậm chí cả những người thân trong gia đình của họ—và hành trình đến nơi hoang dã. Khi Brigham Young loan báo “Chính là nơi này đây,”2 thì chắc hẳn là một cú sóc lớn đối với họ. Trước mắt họ là một sa mạc hoang vu, khô cằn không có đồi xanh, cây cối và bãi cỏ xinh đẹp là nơi những người tiền phong đầu tiên đó từng biết đến. Với đức tin vững mạnh nơi Thượng Đế và các vị lãnh đạo của họ, những người tiền phong đầu tiên đã đi làm việc nhằm dựng lên những cộng đồng xinh đẹp cạnh bên các dải núi.

Nhiều người tiền phong mệt mỏi mới chỉ bắt đầu vui hưởng một số tiện nghi khiêm tốn của cuộc sống thì Brigham Young kêu gọi họ rời bỏ nhà cửa một lần nữa và hành trình về miền đông, tây, nam và bắc để khai khẩn vùng Great Basin. Đây là cách họ thiết lập các cộng đồng của Hạt Sanpete County—Fairview, Ephraim, Manti, Moroni và Mt. Pleasant.

Khi trở về sau chuyến tham quan Hạt Sanpete, tôi cảm thấy có ước muốn học biết thêm về những người tiền phong đầu tiên của hạt này. Tôi quyết định dành ra một vài giờ trong Thư Viện Lịch Sử mới của Giáo Hội và đọc một ít về lịch sử của họ.

Đó là năm 1849, chỉ hai năm sau khi họ đến Thung Lũng Salt Lake, thì Brigham Young, là người đi khai hoang đại tài của Miền Tây Hoa Kỳ, kêu gọi một nhóm Thánh Hữu hành trình về phía nam và bắt đầu xây cất nhà cửa cùng cộng đồng của họ một lần nữa trong vùng sa mạc hoang vu khác. Một thời gian ngắn sau khi họ ổn định ở Sanpete, Chủ Tịch Heber C. Kimball, một cố vấn của Chủ Tịch Brigham Young, đến thăm cộng đồng Manti và hứa với họ rằng, từ ngọn đồi nhìn xuống thung lũng, một ngôi đền thờ sẽ được xây cất bằng đá lấy ra từ núi ở phía đông.

Nhiều năm trôi qua sau chuyến viếng thăm của Chủ Tịch Heber C. Kimball thì những người dân bắt đầu lo lắng vì không có điều gì được thực hiện để xây cất một ngôi đền thờ cho họ sử dụng. Một người dân tuyên bố: “Chúng ta phải có một ngôi đền thờ trong cộng đồng của mình. Chúng ta đã chờ đợi cho phước lành này đủ rồi.” Một người khác nói: “Nếu chúng ta muốn có đền thờ thì chúng ta cần phải khởi công xây cất thôi.” Và đó chính là điều họ đã làm.

Viên đá nền được đặt xuống vào thứ Hai ngày 14 tháng Tư năm 1879, khoảng 30 năm sau khi họ đến Thung Lũng Sanpete. Nhiều câu chuyện có thể được kể về lòng chuyên cần của những người dồn hết nỗ lực vào việc xây cất ngôi đền thờ xinh đẹp này. Cách đây vài năm, tại lễ tái cung hiến Đền Thờ Manti, Chủ Tịch Hinckley nói: “Tôi đã ở trong nhiều tòa nhà vĩ đại của thế giới nhưng không có tòa nhà nào tôi có được cảm tưởng như đi vào đền thờ của Thượng Đế do những người tiền phong xây cất.”3 Gia đình Hinckley có một mối liên hệ rất đặc biệt với Đền Thờ Manti. Ông nội của Chị Marjorie Hinckley đã bị thiệt mạng vì một vết thương gây ra trong lúc xây cất Đền Thờ Manti.

Để hiểu rõ hơn về việc làm thế nào quá khứ có thể giúp đối phó với tương lai một cách tốt hơn, tôi xin chia sẻ một câu chuyện về việc xây cất Đền Thờ Manti. Sau đó, tôi muốn chia sẻ điều mà câu chuyện này dạy tôi về các nguyên tắc chân chính.

Một số người thợ mộc tài giỏi từ Na Uy đến định cư ở Manti, rồi được giao cho nhiệm vụ xây cất nóc của đền thờ. Họ chưa bao giờ xây cấu trúc của cái nóc, nhưng họ có nhiều kinh nghiệm trong nghề đóng tàu. Họ không biết làm thế nào để thiết kế cái nóc. Rồi một ý nghĩ đến với họ: “Tại sao chúng ta không đóng một chiếc tàu? Rồi khi chiếc tàu được đóng xong một cách mỹ mãn, chắc chắn và an toàn rồi, nếu chúng ta lật ngược sơ đồ lại, thì chúng ta sẽ có một cái nóc an toàn.” Họ bắt đầu lên kế hoạch đóng một chiếc tàu, và khi đóng xong, họ lật ngược sơ đồ lại, và nó trở thành sơ đồ cho cái nóc của Đền Thờ Manti.

Trong trường hợp này, họ sử dụng bài học từ kinh nghiệm đã qua của mình—các nguyên tắc đóng tàu—để giúp họ đáp ứng với thử thách. Họ lý luận đúng rằng cũng các nguyên tắc mà họ đã áp dụng để đóng một chiếc tàu có thể chịu đựng được sóng gió thì cũng sẽ áp dụng để xây cất một cái nóc chắc chắn. Ví dụ, cả hai cấu trúc này đều cần phải không thấm nước. Tình trạng cơ bản của công trình kiến trúc sẽ không bị ảnh hưởng bởi vị trí của nó—cho dù ở vị trí thẳng đứng hay lộn ngược. Điều quan trọng nhất là có được kiến thức làm việc với các nguyên tắc cơ bản cần thiết để xây dựng bất cứ công trình nào tồn tại lâu dài.

Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô bao gồm các nguyên tắc vĩnh cửu và lẽ thật mà sẽ tồn tại lâu dài hơn các nguyên tắc đóng tàu cũng như xây nóc nhà. Các anh chị em và tôi, với tư cách là các tín hữu trong Giáo Hội chân chính của Chúa, có được sự tiếp cận và hiểu biết đặc biệt về những nguyên tắc và lẽ thật vĩnh cửu này, nhất là khi chúng ta nghe theo Thánh Linh để được hướng dẫn cho bản thân, cũng như nghe theo tiếng nói của vị tiên tri khi ông tuyên bố lời của Thượng Đế với tất cả các tín hữu của Giáo Hội. Các anh chị em và tôi đều biết rằng các nguyên tắc và lẽ thật vĩnh cửu này quan trọng biết bao trong cuộc sống của mình. Tôi không chắc rằng những người tiền phong đầu tiên đã có thể đối phó với tương lai đầy nguy hiểm và bấp bênh nếu không có các nguyên tắc và lẽ thật này, chúng ta cũng thế. Các nguyên tắc và lẽ thật này là con đường chân chính và vĩnh cửu duy nhất để đối phó với tương lai, nhất là trong thời kỳ đầy nguy hiểm và bấp bênh càng ngày càng gia tăng mà chúng ta hiện đang sống.

Những người Na Uy đóng tàu này mang theo mình những kỹ năng cơ bản của nghề nghiệp của họ mà có thể biến việc đóng tàu thành xây cất đền thờ. Điều gì khiến cho họ hoàn toàn thay đổi những ưu tiên của mình? Chỉ có một câu trả lời để giải thích sự sẵn lòng của họ để hy sinh mọi thứ nhằm trở thành những người xây đắp vương quốc của Thượng Đế. Họ được giảng dạy và chấp nhận các nguyên tắc cũng như lẽ thật vĩnh cửu trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Họ ý thức rằng sứ mệnh của họ là không những giúp xây cất đền thờ mà còn đóng góp vào việc gây dựng những người khác bằng cách chia sẻ sự hiểu biết của họ về phúc âm. Khi chúng ta đọc tiết 50 của sách Giáo Lý và Giao Ước: “Người thuyết giảng và người nhận hiểu được nhau và cả hai được gây dựng và cùng nhau vui vẻ” (câu 22).

Khi chúng ta nhận được phước lành đặc biệt về sự hiểu biết phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và mang lấy danh của Đấng Ky Tô bằng cách bước vào nước báp têm, thì chúng ta cũng chấp nhận nhiệm vụ phải chia sẻ phúc âm với những người khác. Mới đây, để hoàn thành trọn vẹn hơn trách nhiệm đã được chia sẻ để rao giảng phúc âm, Giáo Hội đã đảo ngược chương trình truyền giáo. Cách đây vài năm, chúng ta đã loại bỏ chương trình truyền giáo của giáo khu và tập trung nỗ lực vào tổ chức truyền giáo của tiểu giáo khu. Vì kế hoạch truyền giáo tiểu giáo khu được mỗi hội đồng tiểu giáo khu trong Giáo Hội khai triển, nên sự tiến bộ đang được thấy ở tốc độ gia tăng. Hầu hết thành công đạt được là do những người truyền giáo toàn thời gian làm việc chặt chẽ với các hội đồng tiểu giáo khu, những người lãnh đạo truyền giáo tiểu giáo khu và các tín hữu của Giáo Hội.

Chúng tôi khám phá ra rằng công việc truyền giáo trong cấp tiểu giáo khu được các tín hữu tham gia nhiều hơn để tìm kiếm và giảng dạy những người tầm đạo. Những người tầm đạo thường được mời tiếp nhận các bài học truyền giáo trong nhà của tín hữu. Các tín hữu trong tiểu giáo khu trở nên phấn khởi hơn để chia sẻ sự hiểu biết quý báu của họ về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô khi họ trực tiếp kinh nghiệm các phước lành tuyệt vời của việc phục vụ truyền giáo và họ được các vị lãnh đạo tiểu giáo khu của mình nhắc nhở thường xuyên hơn. Các tín hữu trở nên hiểu biết hơn khi suy ngẫm và cầu nguyện về việc chia sẻ phúc âm với bạn bè, láng giềng và những người trong gia đình họ thuộc tín ngưỡng khác.

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley dạy: “Nhiều người chúng ta xem công việc truyền giáo như là chỉ cần tìm kiếm người tầm đạo. Những ai quen thuộc với công việc này đều biết rằng có một cách tốt hơn. Cách đó là qua các tín hữu của Giáo Hội. Bất cứ lúc nào có một tín hữu giới thiệu một người tầm đạo, thì phải có ngay một hệ thống hỗ trợ. Người tín hữu đó chia sẻ chứng ngôn về lẽ thật của công việc này. Người ấy lo lắng về hạnh phúc của người bạn tầm đạo của mình. Người ấy phấn khởi khi người bạn đó có tiến bộ trong việc học hỏi phúc âm.”4

Những người truyền giáo toàn thời gian sẽ tiếp tục làm hầu hết công việc giảng dạy thật sự cho người tầm đạo nhưng các tín hữu sẽ có nhiều cơ hội để trả lời những thắc mắc và chia sẻ chứng ngôn của mình. Chúng ta cần lưu tâm đến tiếng nói của vị tiên tri một cách trọn vẹn hơn bằng cách tự chuẩn bị để giảng dạy các nguyên tắc phúc âm cơ bản. Việc chuẩn bị cất bỏ nỗi sợ hãi, và cũng sẽ đơn giản hóa cũng như củng cố điều các tín hữu làm để hỗ trợ những người truyền giáo toàn thời gian. Có ba bài học rất cơ bản được những người truyền giáo toàn thời gian giảng dạy: Sự Phục Hồi, kế hoạch cứu rỗi và phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Các anh chị em đã sẵn sàng như thế nào để làm chứng và chia sẻ chứng ngôn về lẽ trung thật của những bài học cơ bản này? Hãy sử dụng sách học đầy soi dẫn của người truyền giáo Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta để nghiên cứu và tự chuẩn bị nhằm đóng một vai trò hỗ trợ cho những người truyền giáo toàn thời gian khi họ giảng dạy ba bài thảo luận phúc âm căn bản này.

Cầu xin cho chúng ta đều học được cả hai bài học quan trọng được giảng dạy bởi những người đóng tàu từ Na Uy là những người xây nóc Đền Thờ Manti. Trước hết là bài học sử dụng các nguyên tắc và lẽ thật của quá khứ để giúp chúng ta đối phó với tương lai. Thứ nhì, chúng ta học được từ ước muốn của mình để chia sẻ điều họ biết với những người khác nhằm phụ giúp xây đắp vương quốc của Thượng Đế. Trong bài học thứ nhì này, nếu chúng ta học được thấu đáo, thì sẽ giúp nhiều anh chị em khác của chúng ta, cũng là các con trai và con gái của Thượng Đế, đối phó với một tương lai bấp bênh cùng với một sự đảm bảo vĩnh cửu mà chúng ta có.

Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là chân chính, đã được phục hồi để ban phước cho cuộc sống của chúng ta trong những ngày sau này. Phúc âm này chứa đựng tất cả các lẽ thật, nguyên tắc và giáo lễ trong kế hoạch hạnh phúc vĩ đại của Cha Thiên Thượng, tức là kế hoạch cho chúng ta để trở lại sống với Ngài vĩnh viễn trong vương quốc vĩnh cửu trên cao. Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là con đường thiêng liêng của Ngài dành cho chúng ta để có được tương lai vinh quang, là chứng ngôn của tôi cho các anh chị em. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. Được trích dẫn trong George F. Will, “One Man’s America,” Cato Policy Report, tháng Chín–tháng Mười năm 2008, 11.

  2. Được trích dẫn trong Wilford Woodruff, “Celebration of Pioneers’ Day,” The Utah Pioneers (1880), 23.

  3. Được trích dẫn trong “Manti Temple Rededicated,” Ensign, tháng Tám năm 1985, 73.

  4. Gordon B. Hinckley, “Find the Lambs, Feed the Sheep,” Liahona, tháng Bảy năm 1999, 119.