2011
Nỗi Đau Khổ của Ngài làm cho Nỗi Đau Khổ của Chúng Ta Được Vơi Nhẹ
Tháng Tư năm 2011


Nỗi Đau Khổ của Ngài làm cho Nỗi Đau Khổ của Chúng Ta Được Vơi Nhẹ

Barbara Winter, Arizona, Hoa Kỳ

Là y tá trong khoa điều trị tích cực cho trẻ sơ sinh, tôi chăm sóc cho các đứa bé bị bệnh, đôi khi các đứa bé rất nhỏ. Một đêm nọ, tôi được chỉ định chăm sóc một bé trai sinh sớm 17 tuần và chỉ cân nặng hơn nửa kilôgram. Đôi tay của nó rất nhỏ, đôi chân nhỏ bé của nó to khoảng bằng ngón tay của tôi, và đôi bàn chân của nó to khoảng bằng ngón tay cái của tôi. Vì nó có vấn đề về hô hấp nghiêm trọng nên các bác sĩ không trông mong nó sẽ sống sót qua đêm.

Một bầu không khí yên lặng bao trùm toàn khoa khi một bé sơ sinh đang chống chọi để sống. Mọi người đều cảm thấy càng lúc càng căng thẳng, nhất là y tá của đứa bé đó và đêm nay tôi là người y tá đó. Cha mẹ của nó đã ở với nó gần cả ngày rồi nhưng họ đã kiệt sức. Mẹ nó đã trở về phòng để nghỉ ngơi.

Căn phòng riêng của đứa bé gồm có một cái lồng ấp, những cái máy theo dõi các chức năng sống cơ bản, máy hô hấp nhân tạo, và máy tiêm truyền tĩnh mạch, là các thiết bị giữ cho đứa bé được sống. Vì nó bệnh rất nặng và cần được chăm sóc đặc biệt nên tôi đã không được chỉ định chăm sóc cho các bệnh nhân khác trong đêm đó. Tôi sẽ túc trực bên nó suốt đêm, bận rộn với việc cho thuốc, theo dõi, trị liệu, và các xét nghiệm.

Tàn đêm, tôi cố gắng tưởng tượng ra cảm nghĩ của mình nếu tôi là mẹ của đứa bé đó. Nỗi đau khổ chắc hẳn không thể chịu đựng được.

Tôi nhẹ nhàng lau mặt nó, sờ vào đôi bàn tay và đôi chân nhỏ bé của nó, thận trọng xoay trở thế nằm của nó trong tấm mền mới mẻ êm ái. Tôi tự hỏi mình có thể làm gì khác nữa cho bệnh nhân nhỏ bé của mình. Mẹ nó sẽ làm gì? Cha Thiên Thượng muốn tôi phải làm gì?

Linh hồn nhỏ bé quý báu và vô tội này chẳng bao lâu sẽ trở về với Cha Thiên Thượng của nó. Tôi tự hỏi nó có sợ không. Tôi nghĩ tới mấy đứa con của mình. Khi chúng còn nhỏ và sợ hãi, tôi đã hát cho chúng nghe. Bài “Tôi Là Con Đức Chúa Cha” là bài hát ưa thích của chúng. Cố ngăn dòng nước mắt, tôi hát cho đứa bé nghe.

Là y tá, tôi thấy những cái ống nghiệm và máu, đếm nhịp thở của đứa bé, lắng nghe nhịp tim của nó và nhìn các con số trên máy theo dõi các chức năng sống cơ bản. Là Thánh Hữu Ngày Sau, tôi thấy một linh hồn trên thiên thượng và kinh ngạc trước kế hoạch cứu rỗi.

Càng về đêm, sức khỏe của nó càng yếu. Cuối cùng nó tiến đến tình trạng mà làm cho máu của nó chảy vào phổi.

Vào buổi sáng, người bệnh nhân nhỏ bé của tôi lặng lẽ qua đời. Nó rời vòng tay của mẹ nó và “được đem trở về với Thượng Đế là Đấng đã cho [nó] sự sống” (An Ma 40:11).

Đêm đó, tôi đã đến gần Đấng Cứu Rỗi và Cha Thiên Thượng hơn. Tôi phát triển một sự hiểu biết lớn lao hơn về tình yêu thương của Chúa dành cho nhân loại—và tình yêu thương của Ngài dành cho tôi. Tôi được nhắc nhở, ngay cả ngạc nhiên, bởi tình yêu thương sâu đậm tôi cảm thấy đối với Ngài. Và tôi cảm thấy có ước muốn được nhân từ, dịu dàng hơn, biết tha thứ hơn, có lòng trắc ẩn hơn—giống như Ngài hơn—một ngày và một nhịp tim mỗi lần.