2011
Hối Cải, Tìm đến Chúa và Được Chữa Lành
Tháng Tư năm 2011


Chúng Ta Nói về Đấng Ky Tô

Hối Cải, Tìm đến Chúa và Được Chữa Lành

“Kẻ nào biết hối cải những tội lỗi của mình, thì kẻ đó sẽ được tha thứ, và ta, là Chúa, sẽ không còn nhớ tới những tội lỗi đó nữa.” (GLGƯ 58:42).

Mới gần đây, có một phụ nữ tốt lành và trung tín mà tôi biết bị thương nặng trong một tai nạn xe hơi. Thương tích của chị là bị gãy xương sườn và xương sống. Một phần chương trình phục hồi chức năng của chị đòi hỏi chị phải đeo một cái nẹp chống đỡ lưng và cổ của chị để chị không thể động đậy lưng và cổ. Cái nẹp chống đỡ trông bất tiện. Nhưng lại rất cần thiết. Nó cung ứng điều kiện cần thiết mà qua đó lưng và cổ của chị có thể được chữa lành.

Sự hối cải cũng giống như cái nẹp chống đỡ. Khi phạm tội, chúng ta làm tổn thương linh hồn của mình và cần có sự điều trị thiêng liêng để làm cho chúng ta được lành lặn lại. Sự hối cải cung ứng điều kiện cần thiết để cho Đấng Cứu Rỗi, qua quyền năng của Sự Chuộc Tội, chữa lành chúng ta (xin xem 3 Nê Phi 9:13). Nếu có một phần hối cải nào đó không được thoải mái—giống như cái nẹp chống đỡ ở trên cái lưng bị gãy—thì dù thế nào đi nữa chúng ta cũng cần phải hối cải.

Chủ Tich Dieter F. Uchtdorf, Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, dạy: “Sự hối cải chân thành mang chúng ta trở lại với việc làm điều đúng. Để thật sự hối cải, chúng ta phải nhận ra các tội lỗi của mình và cảm thấy hối hận, hoặc buồn rầu theo ý Chúa và thú nhận các tội lỗi đó với Thượng Đế. Nếu các tội lỗi của chúng ta nghiêm trọng thì chúng ta cũng phải thú nhận những tội lỗi đó với vị lãnh đạo chức tư tế có thẩm quyền của mình. Chúng ta cần phải cầu xin Thượng Đế tha thứ và làm hết khả năng của mình để sửa đổi bất cứ điều tai hại nào mà những hành động của chúng ta có thể đã gây ra. Sự hối cải có nghĩa là thay đổi tâm trí—chúng ta ngừng làm những điều sai trái và bắt đầu làm những điều đúng. Điều đó mang đến cho chúng ta một thái độ mới mẻ đối với Thượng Đế, đối với bản thân và cuộc sống nói chung.”1

Khi chúng ta thành công trong việc hoàn tất tiến trình hối cải, kết quả sẽ là sự chữa lành, khuây khỏa và hạnh phúc. Dorothy J. R. White viết:

Hãy nghĩ đến những giọt lệ rơi xuống bên ngoài,

Nhưng thanh tẩy bên trong tâm hồn.2

Chúa tha thiết khẩn nài, với tình yêu thương và thuyết phục rằng chúng ta phải hối cải, vì Ngài muốn chữa lành cho chúng ta. Ngài chịu đau khổ trong thể xác và linh hồn của Ngài để trả hình phạt vì tội lỗi của chúng ta nếu chúng ta hối cải. Ngài giải thích:

“Vì này, ta, Thượng Đế, đã chịu những nỗi đau khổ ấy cho mọi người, để họ khỏi đau khổ nếu họ chịu hối cải;

“Nhưng nếu họ không chịu hối cải thì họ sẽ phải đau khổ như ta đã chịu vậy;

“Nỗi đau khổ ấy đã khiến cho ta dù là Thượng Đế, Đấng vĩ đại hơn hết, cũng phải run lên vì đau đớn, và phải rớm máu từng lỗ chân lông, và phải chịu sự đau khổ cả thể xác lẫn linh hồn—và ta mong muốn khỏi phải uống chén đắng cay ấy, và co rúm—

“Tuy nhiên, vinh quang là thuộc về Đức Chúa Cha, và ta đã tham dự và hoàn tất những việc chuẩn bị của ta cho con cái loài người” (GLGƯ 19:16–19).

“Vậy nên, một lần nữa, ta truyền lệnh cho ngươi phải hối cải

Cầu xin cho chúng ta hối cải, tìm đến Chúa và được chữa lành.

Ghi Chú

  1. Dieter F. Uchtdorf, “Điểm Trở Về An Toàn,” Liahona, tháng Năm năm 2007, 100.

  2. Dorothy J. R. White, “Repentance,” Ensign, tháng Bảy năm 1996, 27.

Đứa con trai hoang phí đã khiêm nhường trở lại với cha mình và nói: “Cha ơi, tôi đã đặng tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con của cha nữa” (Lu Ca 15:21). Cha nó đã chào đón nó trở về nhà. Cha Thiên Thượng cũng chào đón chúng ta khi chúng ta hối cải.

Sự Trở Về của Đứa Con Trai Hoang Phí, tranh do James Tissot họa