2011
Đi Tàu Trực Chỉ đến Quần Đảo Marshall
Tháng Tư năm 2011


Đi Tàu Trực Chỉđến Quần Đảo Marshall

Khi chúng ta lái tàu ngang qua chỗ nước cạn lổn ngổn đá ngầm của cuộc đời, mỗi người chúng ta được lợi ích từ sự hướng dẫn của các tín hữu trung thành để giúp chúng ta được trở về nhà thiên thượng.

Các thủy thủ thời xưa hành trình trên biển đã được hướng dẫn bởi vị trí của mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao. Ban đêm, họ chăm chú nhìn vào Ngôi Sao Bắc Đẩu, vị trí cố định của nó cung ứng một nguồn tin cậy trên trời cho các thủy thủ, giúp họ đi đúng hướng đến điểm tới của họ.

Trong Quần Đảo Marshall của Thái Bình Dương, các thủy thủ khám phá ra một kỹ thuật khác nữa. Ở nơi đó, sóng nhồi hoặc thủy triều lên xuống theo một mẫu mực đều đặn trong đại dương giữa đảo san hô vòng và các quần đảo. Một người thủy thủ lão luyện có thể đi hằng trăm kilômét bằng cách đi theo một chuỗi thủy triều phức tạp chằng chịt—mỗi cơn thủy triều giống như con đường một chiều—từ một hòn đảo hoặc một đảo san hô vòng này đến một hòn đảo hoặc một đảo san hồ vòng khác. Những người nào biết những cơn thủy triều ở đâu và tràn lên đến đâu đều có thể đưa du khách đến điểm tới an toàn.

Cũng như vậy, Chúa Giê Su Ky Tô là tấm gương hoàn hảo của chúng ta, mà ánh sáng chân chính của Ngài hướng dẫn chúng ta. Các luật pháp và giáo lễ của Ngài, giống như những cơn thủy triều trong đại dương, có thể hướng dẫn chúng ta trở về căn nhà thiên thượng của mình một cách an toàn. Tuy vậy đối với tất cả chúng ta, còn có những người khác mà sự phục vụ và hỗ trợ của họ phối hợp với vai trò của Người Hoa Tiêu Bậc Thầy. Trong những câu chuyện sau đây, ba tín hữu người Marshall chia sẻ cách mà những người khác đã giúp họ vượt qua những chông gai và sóng gió của cuộc đời để đưa họ đến cùng Đấng Ky Tô.

Ảnh Hưởng của Một Phụ Nữ Ngay Chính

Hirobo Obeketang ngồi trên cái ghế dài của mình và mỉm cười. Anh và vợ của anh, Linda, với bốn đứa con của họ mới vừa kết thúc buổi họp tối gia đình cùng với các chị truyền giáo. Họ cũng đãi những người truyền giáo một bữa ăn tối có cá, kể cả mắt và đuôi cá—một phong tục ở Majuro, thủ đô của Quần Đảo Marshall. Trong khi Hirobo mô tả cuộc sống của mình, anh bày tỏ lòng biết ơn biết bao đối với Giáo Hội, phúc âm, và gia đình của anh, nhất là đối với vợ của anh.

Đó là vào tháng Sáu năm 2009. Một ngày trước khi Giáo Khu Majuro Marshall Islands được thành lập, và Hirobo được kêu gọi phục vụ với tư cách là thư ký chấp hành của giáo khu đầu tiên. Vị chủ tịch giáo khu mới Arlington Tibon mô tả Hirobo là một trong những người lãnh đạo trung tín “rất vững mạnh” của đảo.

Nhưng Hirobo là người đầu tiên nêu lên rằng điều đó không đúng như vậy cho đến gần đây. Thật ra, anh công nhận rằng vợ của anh mới là một người vững mạnh—chính là người đã tạo ra điều khác biệt trong cuộc sống của anh. Anh giải thích: “Tôi chịu phép báp têm lúc tám tuổi, nhưng khi tôi 16 tuổi, tôi trở nên kém tích cực.”

Một vài năm sau, anh và Linda bắt đầu sống chung với nhau, mặc dù họ không kết hôn với nhau. Linda không phải là tín hữu của Giáo Hội. Vào năm 2000, ngay sau khi Linda khám phá ra rằng Hirobo đã chịu phép báp têm khi còn nhỏ, thì chị trở nên quan tâm đến Giáo Hội và bắt đầu họp với các chị truyền giáo.

Hirobo thuật lại: “Cô ấy tìm hiểu hai năm và quyết định là muốn chịu phép báp têm.” “Trước hết chúng tôi phải kết hôn, nhưng tôi không thích kết hôn. Tôi rất bối rối; tôi thật sự đang sa vào những cám dỗ của thế gian. Tôi không hiểu rõ tầm quan trọng của gia đình và tôi không thật sự quan tâm đến ai hoặc lắng nghe ai cả.”

Mặc dù chưa được báp têm nhưng Linda đã nuôi dạy con cái của họ trong Giáo Hội. Mỗi năm, chị đều yêu cầu Hirobo kết hôn với chị để chị có thể được làm phép báp têm; mỗi lần như vậy, anh đều nói không. Theo năm tháng, hai trong số mấy đứa con gái của họ chịu phép báp têm, nhưng Hirobo không tham dự lễ báp têm của chúng.

Rồi đến năm 2006, đứa con trai chín tuổi của họ, Takao, qua đời vì một cơn co giật và sốt nặng. Khoảng 300 tín hữu từ giáo hạt Majuro đến dự tang lễ để hỗ trợ gia đình của anh.

Hirobo nói: “Sự hỗ trợ của họ là một điều thật sự quan trọng đối với tôi.” “Tôi bắt đầu nghĩ rằng có lẽ Thượng Đế đang phán bảo với tôi một điều gì đó.”

Anh bắt đầu suy nghĩ về việc anh chính là lý do mà vợ anh không thể được làm phép báp têm, mặc dù anh là một tín hữu của Giáo Hội. Anh kể lại: “Cô ấy càng ngày càng vững mạnh hơn. Cô ấy thật sự soi dẫn cho tôi.”

“Vậy nên, tôi ngồi xuống và suy nghĩ về nửa đời người của mình. Tôi tự hỏi: ‘Tôi sẽ tiếp tục làm điều tôi đang làm chăng? Tôi có cơ hội để làm việc cho Thượng Đế trong nửa cuộc đời còn lại của mình không?’ Tôi bắt đầu cầu nguyện và suy nghĩ về cách trở lại giáo hội để bắt đầu làm việc cho Thượng Đế.”

Hirobo bắt đầu học với những người truyền giáo và học lại giáo lý. Chủ Tịch Nelson Bleak của Phái Bộ Truyền Giáo Marshall Islands Majuro, cũng như các tín hữu khác, làm bạn với anh, kể cả chủ tịch giáo hạt lúc đó là Arlington Tibon. Cuối cùng, Hirobo cam kết trở lại, và chẳng bao lâu, anh tham dự không những lễ Tiệc Thánh mà còn buổi họp Trường Chúa Nhật và chức tư tế. Cuối cùng, Hirobo quyết định.

“Khi tôi trở lại, tôi nói: “Đây là quyết định của tôi. Đây là điều tôi sẽ làm.’ Và điều đó hoàn toàn thay đổi cuộc sống của tôi.”

Hirobo và Linda kết hôn vào ngày 30 tháng Tám năm 2008. Chẳng bao lâu, anh nhận được Chức Tư Tế A Rôn và làm phép báp têm cho vợ của anh. Hai tháng sau Hirobo nhận được Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và được kêu gọi với tư cách là thư ký chấp hành của giáo hạt.

Hirobo nhìn vợ mình và mỉm cười. Anh nói: “Cô ấy không thể tin được tôi là người làm phép báp têm cho cô ấy.” “Hãy tưởng tượng—cô ấy đã mất tám năm, từ năm 2000 đến 2008. Cô ấy thật là kỳ diệu.”

Tấm Gương của một Người Cha Ngay Chính

Đôi khi người hướng dẫn chúng ta, giống như một thủy thủ, làm việc sát cánh với chúng ta, giảng dạy chúng ta điều chúng ta cần biết để có thể sống thành công trong cuộc đời. Trong nhiều trường hợp, người thủy thủ thực hiện điều này bằng cách nêu gương cho chúng ta noi theo. Đó là trường hợp của cha của Patricia Horiuchi, tên là Frank.

Sau khi gặp những người truyền giáo, Frank bắt đầu mời họ đến nhà ăn tối thường xuyên. Chẳng bao lâu, ông bắt đầu nhận các bài học. Nhưng không một ai khác trong gia đình của ông muốn dính dáng đến Giáo Hội. Patricia nói: “Khi thấy những người truyền giáo đến, chúng em đều tránh mặt—em và các em trai em gái của em.”

Rồi Frank được chủ tịch phái bộ truyền giáo Nelson Bleak làm phép báp têm vào tháng Bảy năm 2007. Đó là một giây phút có tính cách quyết định đối với Patricia và các em của nó.

Nó nói: “Em thấy cha mình bắt đầu thay đổi.” “Em biết rằng nếu phúc âm có thể làm cảm động lòng của cha em thì phúc âm cũng có thể làm cảm động lòng của em và thay đổi cuộc sống của em. Vậy nên, em quyết định học với các chị truyền giáo và họ đã yêu cầu em học Sách Mặc Môn và Kinh Thánh. Em trai của em và em từng cãi nhau trước đó, và em đã không bao giờ tha thứ cho nó. Rồi em đọc trong thánh thư rằng nếu ta tha thứ cho những người khác, thì Thượng Đế sẽ tha thứ cho ta.” (Xin xem 3 Nê Phi 13:14–15.)

Patricia nhận biết rằng nó phải tha thứ cho em trai mình để bắt đầu thay đổi cuộc sống của mình, được trong sạch và được bình an. Nó đã làm như vậy.

Nó nói: “Sau khi em từ bỏ thái độ xấu xa của mình và thay đổi thành một con người mới tuân giữ các lệnh truyền, thì em rất phấn khởi. Em biết mình phải được làm phép báp têm để em có thể được ở trong Giáo Hội chân chính.” “Giáo Hội đặt em ở trên con đường đúng. Giáo Hội tách em ra khỏi những ảnh hưởng xấu xa. Giáo Hội dạy cho em biết kính trọng cha mẹ mình, đi học và tiếp tục đi trên con đường đúng.”

Ảnh Hưởng của một Người Đàn Ông Ngay Chính

Lydia Kaminaga, cũng giống như Hirobo Obeketang, sinh ra trong Giáo Hội nhưng trở nên kém tích cực trong thời niên thiếu. Nhưng câu chuyện trở lại của chị thật là phi thường lẫn khác biệt.

Lydia và chồng của chị, Kaminaga Kaminaga, đều lớn lên trong Giáo Hội. Kaminaga nói: “Tôi chưa bao giờ nghi ngờ về những điều giảng dạy của Giáo Hội.” “Tôi luôn luôn tin vào những lời giảng dạy đó.”

Nhưng cuộc sống của Lydia thì rẽ về hướng khác. Khi chị đang học lớp bảy, chị nói: “Tôi là người Mặc Môn duy nhất trong trường mình, và tôi cảm thấy bị bỏ rơi. Tôi làm điều các bạn tôi đang làm. Tôi đặt sai các ưu tiên của mình.”

Cha mẹ của Lydia gửi chị đến Provo, Utah, Hoa Kỳ, để sống với gia đình, với hy vọng rằng ảnh hưởng của họ có thể soi dẫn cho Lydia để sống theo phúc âm. Mặc dù chị đã học được những điều giúp đỡ chị về sau trong cuộc sống, nhưng vào lúc ấy, chị không quan tâm đến sinh hoạt trong Giáo Hội.

Lydia dọn trở lại Quần Đảo Marshall vào tháng Giêng năm 2002, chỉ một tháng sau khi Kaminaga trở về từ công việc phục vụ truyền giáo ở Nhật Bản. Chẳng bao lâu sau đó họ gặp nhau. Mặc dù Lydia không sống theo các tiêu chuẩn của Giáo Hội, nhưng Kaminaga vẫn tiếp tục đến nhà chị lấy cớ rằng anh muốn đến thăm cháu của chị là Gary Zackious.

Cuối cùng, Kaminaga quyết định thưa chuyện với cha mẹ của chị về việc đi chơi hẹn hò với Lydia—tham gia những sinh hoạt lành mạnh, trong sạch—. Mặc dù thoạt đầu, họ cố gắng can ngăn anh nhưng Kaminaga nói rằng anh “cuối cùng đã thưa với họ rằng: ‘Vẫn còn cơ hội cho cô ấy thay đổi. ’ Khi tôi nói ra điều đó thì mọi ý nghĩ trong căn phòng đã thay đổi. Cha của chị khóc và nói: ‘Bác luôn luôn muốn nó trở lại Giáo Hội. Cháu có thể thử xem.’”

Thoạt tiên, Lydia không nghĩ Kaminaga là nghiêm túc. Xét cho cùng, anh là một người truyền giáo giải nhiệm trở về nhà với tác phong trong sáng, còn chị thì không tích cực.

Lydia giải thích: “Nhưng anh ấy thấy điều mà tôi không thấy.” Vì chị không đi chơi hẹn hò với ai nên chị đồng ý đi chơi với anh. “Anh ấy đã mang tôi trở lại. Là bạn gái của anh ấy, tôi đã phải điều chỉnh lại các tiêu chuẩn của mình. Anh ấy nhắc nhở tôi về các giao ước tôi đã lập khi chịu phép báp têm. Anh ấy nhắc nhở tôi về tất cả mọi điều tôi đã thật sự không làm nhiều, như đọc thánh thư và tham dự buổi họp tối gia đình. Kaminaga và tôi thực hiện những dự án phục vụ chung với nhau. Chúng tôi đọc Sách Mặc Môn. Chúng tôi đi đến các buổi họp đặc biệt fireside. Anh chỉ cho tôi thấy cách sống khác biệt. Đi nhà thờ là không những tham dự lễ Tiệc Thánh mà còn Trường Chúa Nhật và Hội Phụ Nữ nữa.”

Khi họ cùng nhau dành ra thời giờ để đi chơi hẹn hò một cách lành mạnh và nâng cao tinh thần, thì cuộc sống của Lydia bắt đầu thay đổi và chứng ngôn của chị tăng trưởng. Tuy nhiên, chị vẫn có một số điều phải giải quyết.

Chị thừa nhận: “Rất khó để trở lại.” “Sự hối cải không phải là dễ dàng, nhưng tôi có một chứng ngôn thật vững mạnh về sự hối cải. Trong nhiều cách, việc hẹn hò của chúng tôi là bắt đầu tìm hiểu nhau thêm và giúp tôi trở lại giáo hội, để thấy sự việc một cách khác.”

Kaminaga nói thêm: “Đó là về mối quan hệ.”

Lydia và Kaminaga kết hôn vào ngày 28 tháng Mười Một năm 2002. Một năm sau, họ được làm lễ gắn bó trong Đền Thờ Laie Hawaii và theo học trường Brigham Young University–Hawaii. Giờ đây, họ sống ở Quần Đảo Marshall với ba đứa con của họ. Lydia phục vụ với tư cách là giảng viên Trường Chúa Nhật trong tiểu giáo khu của họ cho các thiếu niên và thiếu nữ, và Kaminaga phục vụ với tư cách là chủ tịch Hội Thiếu Niên.

Như Hirobo, Patricia, và Lydia đã làm chứng, khi chúng ta sử dụng lòng kiên nhẫn và kiên trì cùng tìm kiếm các phước lành của Chúa, thì nhiều điều có thể xảy ra. Những người nào tuân theo Đấng Cứu Rỗi và lắng nghe theo những thúc giục của Đức Thánh Linh thì có thể làm cho cuộc sống của một người khác thay đổi hoàn toàn, giống như người thủy thủ thời xưa đang hướng dẫn du khách trở về nhà.

Trên, bên trái: Hirobo Obeketang (cũng được cho thấy với gia đình của anh ở các trang trước) làm việc với tư cách là quản lý khách sạn. Dưới: Patricia Horiuchi là một người lãnh đạo cho đại hội giới thành niên trẻ độc thân đầu tiên của Quần Đảo Marshall vào tháng Sáu năm 2009 (ở dưới, bên phải).

Lydia Kaminaga, được cho thấy ở đây với chồng của chị là Kaminaga, và con gái của họ là Wellisa nói: “Tôi có chứng ngôn mạnh mẽ về sự hối cải.”

Ảnh do Joshua J. Perkey chụp, trừ phi được ghi khác; ảnh chiếc thuyền buồm © Getty Images