2013
Sự Tăng Trưởng trong Vùng Đất Màu Mỡ: Giới Trẻ Trung Tín ở Uganda
Tháng Tư năm 2013


Sự Tăng Trưởng trong Vùng Đất Màu Mỡ: Giới Trẻ Trung Tín ở Uganda

Cindy Smith đã sống ở Uganda trong khi chồng của chị làm việc ở đó, và họ hiện đang sống ở Utah, Hoa Kỳ.

Khi họ chấp nhận và sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô thì giới trẻ ở Uganda đang thấy đức tin và hy vọng tăng trưởng xung quanh mình.

Hình Ảnh

Quốc gia xinh đẹp Uganda nằm ở vùng trung tâm của Đông Phi, quốc gia này được ban phước với những dãy đồi trải dài với mía và cây chuối—và với những người trẻ tuổi sẵn sàng chấp nhận và sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Giáo khu đầu tiên ở Uganda được tổ chức vào năm 2010. Giáo Hội phát triển rất nhanh, với nhiều thiếu niên và thiếu nữ trong mỗi tiểu giáo khu và chi nhánh.

Phất Cao Ngọn Cờ, Nêu Gương

Các thiếu nữ trong một tiểu giáo khu đã được soi dẫn về đức hạnh nhờ những lời giảng dạy của Chị Elaine S. Dalton, chủ tịch trung ương Hội Thiếu Nữ: “Giờ đây là lúc để mỗi người chúng ta đứng dậy và phất cao ngọn cờ cho thế gian để kêu gọi sự trở lại với đức hạnh.”1 Các thiếu nữ leo lên một ngọn đồi nhìn xuống thị trấn và phất cao những ngọn cờ màu vàng biểu tượng cho lời hứa của họ để nêu gương đức hạnh. Họ cùng hát bài “Cao Trên Đỉnh Núi” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 30).

Các thiếu nữ này đã nâng cao tiêu chuẩn ngay chính của họ. Sự vâng lời của họ đã củng cố chứng ngôn của họ và ảnh hưởng đến những người khác. Chị Dalton đã nói: “Các em đừng bao giờ đánh giá thấp quyền năng của ảnh hưởng ngay chính của mình.”2 Và giống như một ngọn cờ, tấm gương của các thiếu nữ này vẫy gọi mọi người trên thế gian.

Hình Ảnh

Sandra

Giống như nhiều thiếu nữ ở Uganda, Sandra đi bộ hơn một dặm đường để tới nhà thờ, giúp dọn dẹp nhà hội vào những ngày thứ Sáu, và tham dự lớp giáo lý vào những ngày thứ Bảy. Trong tuần, em thức dậy trước 5 giờ sáng để đọc bài vở nhà trường, và rồi em đi bộ tới trường, trở về nhà sau 6 giờ. Em nghỉ học một năm vì những khó khăn tài chính nhưng đối phó với những thử thách của mình với một thái độ lạc quan: “Phúc âm đã thật sự giúp tôi luôn luôn được vững chắc và bền bỉ.”

Sandra là tín hữu duy nhất của Giáo Hội trong gia đình mình, nhưng cha mẹ của em ủng hộ em trong việc phục vụ Giáo Hội, chẳng hạn như giúp đỡ khi tiểu giáo khu dọn dẹp đất đai vườn tược của một cô nhi viện ở địa phương. Gia đình của em thấy phúc âm đã giúp em được vững mạnh như thế nào, ngay cả khi đương đầu với các vấn đề không giải quyết được. Khi nhớ lại nguồn gốc của sức mạnh đó, Sandra nói: “Khi đi nhà thờ, tôi cảm thấy giống như khoác lên bộ áo giáp của Thượng Đế” (xin xem Ê Phê Sô 6:11–17).

Là một người mới cải đạo, Susan yêu mến Giáo Hội. Nguyên quán ở South Sudan, gia đình của em trốn thoát khỏi cảnh gian khổ và được phước để tiếp nhận những người truyền giáo ở Uganda. Là người tị nạn, em đã tìm thấy bình an và sự bảo vệ trong phúc âm. Vào những ngày Chủ Nhật em thường mang mấy đứa em của mình đến nhà thờ, cũng như có khi lên tới 10 đứa trẻ khác không phải là tín hữu của Giáo Hội. Sau cái chết bất ngờ của một người trong gia đình, em trở lại South Sudan, ở đó em chờ cho Giáo Hội được thiết lập trong khu vực của mình. Cả Susan lẫn Sandra đều đương đầu với những thử thách, nhưng họ trông cậy vào Thượng Đế và vui hưởng những kết quả của việc sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem An Ma 32:6–8, 43).

Hy Sinh để Phục Vụ Truyền Giáo

Các thiếu niên ở Uganda bắt đầu chơi bóng đá từ khi còn bé, bằng cách sử dụng các cành cây buộc chặt lại làm bóng để đá. Kể từ khi còn rất nhỏ, Dennis đã có năng khiếu về môn thể thao đó, và trường trung học của em đã tặng cho em một học bổng để chơi cho đội của họ. Sau khi em tốt nghiệp trung học, một đội bóng chuyên nghiệp đã đề nghị trả tiền, cho ăn ở. Đó là ước mơ trở thành sự thật, nhưng Dennis biết rằng điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của em để đi truyền giáo vào cuối năm nay.

Hình Ảnh

Dennis

Ước muốn của Dennis để làm điều mà Cha Thiên Thượng muốn em làm mạnh mẽ đến nỗi em còn không muốn bị cám dỗ để ở lại với đội bóng đá khi đến lúc em phải đi phục vụ truyền giáo. Nhiều người thắc mắc về sự lựa chọn của em, nhưng Dennis chắc chắn là em đã quyết định đúng—cho bản thân em và những người khác. Em nói: “Hai đứa em trai và em gái của tôi vừa mới chịu phép báp têm. “Tôi đã không bao giờ nghĩ rằng em gái tôi sẽ chịu nghe phúc âm. Khi tôi thấy Thượng Đế làm những phép lạ trong gia đình tôi, điều đó mang đến cho tôi một hy vọng sáng lạn về tương lai của tôi.”

Trong tiểu giáo khu của Dennis, mỗi tuần các thiếu niên học sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Họ đã trở thành giống như một đội, làm việc chặt chẽ với những người truyền giáo toàn thời gian và mang bạn bè đến các buổi họp ngày Chủ Nhật và các sinh hoạt khác, kể cả những trận thi đấu bóng rổ và bóng đá trong tuần. Các thầy tư tế đã làm phép báp têm cho bạn bè và những người khác mà họ đã giúp giảng dạy với những người truyền giáo. Trong nhiều năm, đội các thiếu niên này đã củng cố toàn thể tiểu giáo khu và bốn người họ, kể cả Dennis, đã được kêu gọi đi phục vụ ở Phái Bộ Truyền Giáo Kenya Nairobi.

Họ đã tuân theo lời khuyên bảo của Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ để “trở thành những người truyền giáo từ lâu trước khi các em nộp giấy tờ xin đi truyền giáo của mình.”3 Họ đã làm như vậy bằng cách cùng nhau làm việc với tư cách là một nhóm túc số, một đội tốt hơn bất cứ đội nào khác.

Tất cả bốn người truyền giáo đã khắc phục những thử thách để phục vụ. Wilberforce giải thích: “Tôi hầu như mất hết hy vọng về việc đi truyền giáo [bởi vì các chi phí], nhưng sau đó tôi đọc Ma Thi Ơ 6:19–20: ‘Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất … nhưng phải chứa của cải ở trên trời.’ Vì vậy, với sự siêng năng và cam kết, tôi đã có thể hoàn thành mục tiêu của tôi để phục vụ truyền giáo toàn thời gian. Tôi yêu thích công việc truyền giáo. Không có việc gì tốt hơn việc tìm kiếm nước Đức Chúa Trời trước hết.”

Hy Vọng cho Tương Lai

Giới trẻ ở Uganda đang giúp xây đắp vương quốc của Thượng Đế ở nơi đây, với hy vọng lớn lao cho tương lai. Mặc dù không có đền thờ ở Đông Phi nhưng giới trẻ trông chờ lúc mà họ sẽ kết hôn trong một ngôi đền thờ xa xôi. Một sinh hoạt giáo khu nọ đã tập trung vào việc chuẩn bị để đi vào đền thờ, và vào lúc kết thúc, một thành viên trong chủ tịch đoàn giáo khu đã chia sẻ chứng ngôn của ông: “Thượng Đế yêu thương các em. Các em là tương lai của Giáo Hội ở Uganda.” Những người trẻ tuổi ngay chính này đang có nhiều ảnh hưởng.

Các thiếu niên và thiếu nữ ở Uganda đang hy sinh những vật chất của thế gian để có được phước lành mà sẽ tồn tại vĩnh viễn. Họ đã gieo hạt đức tin và tận tình chăm sóc nuôi dưỡng đức tin ấy (xin xem An Ma 32:33–37). Giống như một cái cây cho nhiều trái (xin xem An Ma 32:42), giới trẻ chia sẻ niềm vui về phúc âm trong vùng đất mầu mỡ.

Ghi Chú

  1. Elaine S. Dalton, “Sự Trở Lại với Đức Hạnh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2008, 80.

  2. Elaine S. Dalton, Liahona, tháng Mười Một năm 2008, 80

  3. David A. Bednar, “Trở Thành một Người Truyền Giáo,” Liahona, tháng Mười Một năm 2005, 45.

Trên: Giới trẻ cùng nhau tham dự một buổi họp đặc biệt fireside của giáo khu.

Trên: Susan (ở giữa), một người tị nạn ở Uganda, tìm được bình an trong phúc âm và đã mang các anh chị em ruột và các trẻ em khác đến nhà thờ.

Giữa: Các thiếu nữ của tiểu giáo khu này thích làm việc với chương trình Sự Tiến Triển Cá Nhân.

Phải: Dennis từ bỏ một vị trí trong một đội bóng chuyên nghiệp để đi thuyết giảng phúc âm. Em và các thiếu niên khác trong nhóm túc số chức tư tế của mình hy sinh và khắc phục những thử thách để phục vụ truyền giáo.

Hình do Cindy Smith chụp