2019
Bob và Lori Thurston—Phái Bộ Truyền Giáo Cambodia Phnom Penh
Tháng Tư năm 2019


Những Tấm Gương về Đức Tin

Bob và Lori Thurston

Đã phục vụ ở Phái Bộ Truyền Giáo Cambodia Phnom Penh

Hình Ảnh
senior missionary couple

“Khi biết là mình được kêu gọi phục vụ ở Phái Bộ Truyền Giáo Cambodia Phnom Penh, chúng tôi đã khóc.” Chúng tôi rất phấn khởi!” Anh Bob Thurston nói. “Chúng tôi sẽ không chọn phục vụ ở Campuchia, nhưng đó thật là một sự ban cho bất ngờ! Đó thật là một phước lành lớn!” Chị Thurston nói.

Hình Ảnh
senior missionary hugging Cambodian woman

Anh Chị Thurston cảm thấy một mối quan hệ đặc biệt với người dân Campuchia. Chị Thurston nói: “Chúng tôi yêu thương họ và chúng tôi đã cảm nhận tình yêu thương đó trở lại.” “Người dân Campuchia đã cho chúng tôi thấy sự tử tế tuyệt vời.”

Hình Ảnh
senior couple visiting members

Trong tất cả các trách nhiệm mà Anh Chị Thurston đã có trong công việc truyền giáo của họ thì họ trân quý nhất cơ hội đi thăm các tín hữu tại nhà.

Hình Ảnh
senior missionary with Cambodian woman

Chị Thurston nhớ lại đã nhìn những người chị đã phục vụ ở Campuchia và nghĩ rằng: “Tôi nóng lòng muốn gặp lại anh chị em trong cuộc sống mai sau, rồi tôi sẽ có thể nói cho anh chị em biết tất cả những điều tôi cảm thấy dành cho anh chị em và tình yêu thương tôi có cho anh chị em.”

Trong công việc truyền giáo đầu tiên chung với nhau của họ, Bob và Lori Thurston học được rằng việc phục sự có ý nghĩa có thể xảy ra bất kể các rào cản ngôn ngữ và những khác biệt về văn hóa vì chúng ta đều là con cái của Thượng Đế.

Les Nilsson, nhiếp ảnh gia

Hình Ảnh
Sister Thurston hugging grieving girl

Bob:

Trước khi Lori và tôi kết hôn, chúng tôi đã nói chuyện về việc phục vụ truyền giáo khi chúng tôi về hưu. Cả hai chúng tôi đều đã phục vụ truyền giáo trước đây. Lori phục vụ ở Kobe, Nhật Bản và tôi đã phục vụ ở Brisbane, Úc. Cuối cùng, khi đã sẵn sàng chuẩn bị về hưu, thì chúng tôi nói với mấy đứa con của chúng tôi là chúng tôi muốn có nhiều cơ hội phục vụ truyền giáo.

Chúng tôi may mắn có thể nghỉ hưu khi còn trẻ. Khi nghe nói rằng một số cặp vợ chồng cao niên không thể phục vụ ở một số nơi như các nước đang phát triển vì vấn đề sức khỏe và các mối quan tâm khác, thì chúng tôi nghĩ rằng: “Chúng tôi còn chưa tới 60 tuổi mà. Chúng tôi khỏe mạnh, vậy xin cho chúng tôi phục vụ ở những nơi đó!”

Tôi nghỉ hưu chỉ hai ngày sau sinh nhật lần thứ 56 của mình. Chúng tôi thực sự đã nhận được sự kêu gọi đi truyền giáo khi tôi vẫn còn làm việc. Khi mở thư kêu gọi đi truyền giáo của mình và biết rằng chúng tôi được kêu gọi phục vụ ở Phái Bộ Truyền Giáo Cambodia Phnom Penh, chúng tôi đã khóc. Chúng tôi rất phấn khởi!

Lori:

Campuchia thực sự không phải là nơi mà chúng tôi nghĩ sẽ đến phục vụ. Tôi nghĩ là chúng tôi sẽ đi châu Phi hay một nơi nào đó. Chúng tôi bắt đầu tự hỏi: “Được rồi, những cuộc phiêu lưu nào đang chờ đợi mình đây?” Chúng tôi sẽ không chọn phục vụ ở Campuchia, nhưng đó thật là một sự ban cho bất ngờ! Đó thật là một phước lành lớn! Chúa thông minh hơn chúng tôi. Ngài gửi chúng tôi đến nơi nào chúng tôi cần phải đến.

Chúng tôi đã phục vụ một sứ mệnh nhân đạo. Chúng tôi đã làm việc về các dự án dành cho Các Tổ Chức Từ Thiện Thánh Hữu Ngày Sau, điền vào các báo cáo và yêu cầu các dự án mới. Chúng tôi cũng kiểm tra các dự án trước đây như những giếng nước đã được khoan cách đây hai năm. Chúng tôi cũng đã phục vụ theo những cách khác.

Chúng tôi đã tham dự các đại hội giáo khu và giáo hạt để giúp huấn luyện những người lãnh đạo và những người truyền giáo, chúng tôi đi kiểm tra các căn hộ của người truyền giáo và đi thăm các tín hữu trong nhà của họ. Chúng tôi đã làm đủ thứ để giúp phái bộ truyền giáo điều hành một cách hữu hiệu và hiệu quả.

Không có ngày nào là giống nhau trong nhiệm vụ của chúng tôi. Một số ngày chúng tôi đi ra ngoài khu vực định cư thưa thớt, nước hoặc bùn ngập lên tới đầu gối. Những ngày khác chúng tôi ở trong văn phòng phái bộ truyền giáo. Với những người truyền giáo thuộc Phòng Công Vụ, chúng tôi đi thăm Bộ Giáo Phái và Tôn Giáo. Ở Campuchia, từ “giáo phái” không nhất thiết là một điều xấu. Tôn giáo chính thức là Phật Giáo—mọi tôn giáo khác đều được coi là một giáo phái. Chúng tôi đã đi thăm Bộ đó để giúp thiết lập tiền lệ rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là một tổ chức tốt và có thể tin cậy được.

Chúng tôi đã phát triển một mối quan hệ tốt đẹp với họ và họ đã nhanh chóng yêu cầu được trợ giúp. Họ gọi và nói: “Chúng tôi đã bị một trận lụt, và chúng tôi cần thức ăn cho 200 gia đình đã tản cư.” Họ biết rằng họ có thể trông cậy vào Giáo Hội để nhận được đồ gửi nhanh đến nơi nào cần đồ đó và phụ thêm vào những thứ họ đã không có.

Chúng tôi đã kinh nghiệm được điều gì ở Campuchia? Bất cứ điều gì anh chị em có thể nghĩ đến thì có lẽ chúng tôi đều đã trải nghiệm qua! Chúng tôi đã ngồi trên những sàn nhà nghèo nàn nhất—thường chỉ là bằng đất hay bằng tre—trong những ngôi nhà nghèo nàn nhất. Chúng tôi cũng đã đến những ngôi nhà lộng lẫy nguy nga của các viên chức chính phủ. Thậm chí Bob còn phục vụ trong một chủ tịch đoàn chi nhánh trong một thời gian.

Bob:

Chủ tịch phái bộ truyền giáo gọi điện thoại cho tôi và nói: “Này, tôi muốn anh làm đệ nhị cố vấn trong một chi nhánh.” Một năm rưỡi sau, tôi đang ở trong phòng làm lễ gắn bó của Đền Thờ Hong Kong China với chủ tịch chi nhánh mà tôi đã phục vụ cùng. Anh ấy mới đi đền thờ lần đầu tiên! Anh ấy và gia đình anh ấy đã dành dụm tiền và cố gắng bảy lần để đi đền thờ, nhưng thường có một tai nạn hoặc một người nào đó bị bệnh. Luôn luôn có một việc gì đó mà làm cho họ không thể đi đền thờ. Sau bảy năm, họ đã dành dụm chỉ được 40 đô la.

Ba lần trong công việc phục vụ truyền giáo của chúng tôi, chúng tôi đã có thể giúp Các Thánh Hữu Ngày Sau ở Campuchia tham dự đền thờ. Chúng tôi đã mang rất nhiều chủ tịch chi nhánh đi đền thờ. Họ là những người đã thực hiện các cuộc phỏng vấn để giới thiệu đi đền thờ nhưng lại chưa bao giờ chính mình đi đền thờ cả. Ít nhất là ở Campuchia, một cặp vợ chồng cao niên thường trợ giúp những gia đình này đi đền thờ. Họ cần phải có một người nào đó với họ vì họ không biết đi máy bay. Thậm chí, nhiều người còn chưa hề đi xe buýt nữa! Và giờ đây họ phải bay đến Hồng Kông và đi đền thờ. Thật khó cho họ để làm điều đó một mình. Chúng tôi biết ơn Quỹ Phụ Giúp Người Đi Đền Thờ mà đã giúp lo liệu cho họ được đi đền thờ.

Lori:

Việc làm một tín hữu của Giáo Hội ở Campuchia có thể là rất khó khăn. Campuchia là một quốc gia không tuân thủ ngày Sa Bát. Mọi người đến nhà thờ đều phải hy sinh để được có mặt ở đó.

Ngoài ra, Campuchia gồm có sáu phần trăm người Hồi giáo và chỉ có hai phần trăm Ky Tô hữu—phần còn lại là Phật tử. Việc chuyển đổi từ lối sống Phật giáo sang lối sống Ky Tô giáo là rất khó khăn. Một số người vẫn còn mất việc làm, và rất nhiều lần họ bị những người khác trong khu xóm xa lánh.

Tiền thập phân cũng là một vấn đề nan giải. Các nhà sư Phật giáo sẽ đến mỗi buổi sáng và xin gạo hoặc một số tiền, và mọi người đều quen thuộc với điều đó. Nhưng việc lấy tiền lương của mình và lấy một phần của tiền lương đó để đóng tiền thập phân là một vấn đề nan giải.

Nhiều người đã thực sự đau khổ rất nhiều trong cuộc sống. Vì nạn Khmer Đỏ, một chế độ cộng sản cai trị Campuchia vào cuối thập niên 70, nên mọi người trên 40 tuổi đều có một câu chuyện kinh hoàng cá nhân. Tôi không gặp một người nào mà lại không bị ảnh hưởng bởi điều đó. Mọi người đều có người trong gia đình bị giết chết. Mặc dù họ đã trải qua quá nhiều đau khổ nhưng tôi không thể tin được là họ đã kiên cường biết bao, họ sẵn lòng cố gắng biết bao. Nhưng đằng sau sự kiên cường của họ, nhiều người vẫn có lòng tự trọng thấp. Nhiều người không cảm thấy là họ quan trọng hoặc có giá trị gì cả.

Thật kinh ngạc khi thấy cách phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã giúp họ thăng hoa như thế nào. Khi họ biết được rằng họ không những là tuyệt vời mà còn là con của Thượng Đế nữa thì họ nói: “Bạn nói đùa đấy à? Bây giờ tôi có một cái gì đó để đóng góp.”

Giáo Hội sẽ thực sự tăng trưởng ở Campuchia. Những người phi thường đã được dẫn dắt đến Giáo Hội. Các Thánh Hữu có những người tiền phong và những người thực sự chấp nhận phúc âm đều được ban phước theo nhiều cách vì họ biết được Đấng Cứu Rỗi. Điều đó là thực sự tuyệt vời.

Chúng ta có rất nhiều tín hữu và các tiểu giáo khu rất vững mạnh ở xung quanh một nơi gọi là “Núi Rác,” tức là một bãi rác công cộng nơi mọi người sinh sống. Các tín hữu ở đó là những người đi lượm và thu nhặt rác. Họ kiếm tiền từ việc tái chế nhựa và nhôm mà họ thu nhặt từ bãi rác. Họ sống trong những ngôi nhà nhỏ bé mà chúng tôi đã đến thăm hàng chục lần rồi.

Bob:

Một ngày nọ chúng tôi có thể nghe tiếng nhạc ầm ĩ và chúng tôi thấy một cái lều đang được dựng lên. Ở Campuchia, điều đó có nghĩa là một người nào đó đang kết hôn hoặc một người nào đó đã qua đời.

Lori:

Chúng tôi biết được rằng một người mẹ có năm hoặc sáu đứa con vừa qua đời. Không có người chồng bên cạnh. Mấy đứa con mới thức dậy và nhận biết rằng mẹ của chúng đã qua đời.

Một đứa con gái thổn thức khóc. Qua lời của một thông dịch viên, nó nói: “Con là đứa lớn nhất. Đây là các em của con. Con không biết sẽ làm gì.”

Tôi ôm chặt nó vào lòng. Làm sao tôi không thể làm điều đó được chứ? Đứa con gái này vừa mất mẹ. Tôi nói với nó bằng tiếng Anh: “Tôi biết em không hiểu lời tôi nói nhưng tôi hứa với em là em sẽ gặp lại mẹ em. Em sẽ không sao đâu. Em sẽ không bị bỏ mặc một mình đâu.”

Vì vậy, nhiều kinh nghiệm như vậy đã mang đến cho chúng tôi một mối quan hệ đặc biệt với người dân Campuchia.

Chúng tôi đã cảm nhận tình yêu thương đó trở lại. Người dân Campuchia đã cho chúng tôi thấy sự tử tế tuyệt vời. Chúng tôi yêu thương họ vì họ là con cái của Thượng Đế. Họ là anh chị em của chúng tôi.

Với một số người, tôi nhớ đã nghĩ rằng: “Tôi nóng lòng muốn gặp lại anh chị em trong cuộc sống mai sau, rồi tôi sẽ có thể nói cho anh chị em biết tất cả những điều tôi cảm thấy dành cho anh chị em và tình yêu thương tôi có cho anh chị em và điều tôi ngưỡng mộ nơi anh chị em vì tôi không thể nói được bây giờ.”

Công việc truyền giáo của chúng tôi đã ban phước cho chúng tôi trong rất nhiều cách. Một số người nói: “Tôi không biết liệu mình có thể phục vụ truyền giáo hay không. Tôi không thể xa mấy đứa cháu của tôi.” Chúng tôi có năm đứa cháu trai nhỏ năm tuổi, bốn tuổi, ba tuổi, hai tuổi, một tuổi. Hai đứa cháu gái ra đời khi chúng tôi vắng nhà. Tôi sẽ để dành hai tấm thẻ tên truyền giáo của Campuchia và tặng cho hai cháu gái của tôi để chúng biết rằng Bà không có ở nhà vì Bà đang làm điều mà Chúa cần Bà làm.

Bob:

Có rất nhiều cách để phục vụ Chúa với tư cách là người truyền giáo. Chúng tôi thật lòng tin điều mà Anh Cả Jeffrey R. Holland đã nói về sự phục vụ truyền giáo của người cao niên. Ông nói: “Tôi hứa rằng anh chị em sẽ làm những điều cho [gia đình mình] trong sự phục vụ Chúa mà trong những thế giới vô tận anh chị em không bao giờ có thể làm nếu anh chị em ở nhà để ấp ủ họ. Các ông bà nội ngoại không thể nào tặng cho con cháu của mình món quà quý báu nào hơn là nói bằng hành động cũng như bằng lời nói: “Trong gia đình này, chúng ta đều phục vụ truyền giáo!’ [“Tất Cả Chúng Ta Đều Tham Gia,” Liahona, tháng Mười Một năm 2011, trang 46.]”