2019
Làm Cho Việc Phục Sự Trở Nên Thú Vị
Tháng Tư năm 2019


Các Nguyên Tắc Phục Sự

Làm Cho Việc Phục Sự Trở Nên Thú Vị

Sự phục vụ với tình yêu thương mang lại niềm vui cho cả người cho lẫn người nhận.

Hình Ảnh
Jesus with the leper

THE LEPER WHO SAID THANK YOU (NGƯỜI ĐÀN ÔNG BỊ BỆNH PHONG NÓI LỜI TẠ ƠN), TRANH DO JOHN STEEL HỌA

Đôi khi việc chúng ta tìm kiếm hạnh phúc trong cuộc sống này có thể như là đang chạy trên cái máy chạy bộ. Chúng ta chạy liên tục nhưng cảm thấy như vẫn ở nguyên tại chỗ. Đối với một số người, ý nghĩ về việc phục sự người khác chỉ là cảm thấy giống như có thêm nhiều việc phải làm.

Nhưng Cha Thiên Thượng muốn chúng ta cảm nhận được niềm vui và đã phán bảo chúng ta rằng “loài người có sinh tồn thì mới hưởng được niềm vui” (2 Nê Phi 2:25). Và Đấng Cứu Rỗi đã dạy rằng việc phục sự những người khác là một phần thiết yếu của cách chúng ta mang niềm vui vào cuộc sống của mình và cuộc sống của người khác.

Niềm Vui Là Gì?

Niềm vui đã được định nghĩa là “một cảm giác vui thích và hạnh phúc lớn lao.”1 Các vị tiên tri ngày sau đã giải thích rõ về niềm vui từ đâu đến và cách đạt được niềm vui. Chủ Tịch Russell M. Nelson nói: “Niềm vui mà chúng ta cảm thấy không tùy thuộc vào hoàn cảnh sống của chúng ta mà mọi điều đều tùy thuộc vào điểm tập trung của cuộc sống chúng ta. … Niềm vui đến từ và nhờ vào [Chúa Giê Su Ky Tô]. Ngài là nguồn gốc của tất cả mọi niềm vui.”2

Việc Phục Sự Mang Đến Niềm vui

Khi Lê Hi ăn trái cây sự sống thì tâm hồn của ông chan hòa “một niềm hân hoan cực độ” (1 Nê Phi 8:12). Ước muốn đầu tiên của ông là chia sẻ trái cây này với những người mà ông yêu thương.

Sự sẵn lòng của chúng ta để phục sự người khác có thể mang lại niềm vui này cho chúng ta và cho họ. Đấng Cứu Rỗi dạy các môn đồ của Ngài rằng trái mà chúng ta sản sinh khi được kết nối với Ngài giúp mang lại một niềm vui trọn vẹn cho chúng ta (xin xem Giăng 15:1–11). Việc làm công việc của Ngài bằng cách phục vụ và tìm cách mang những người khác đến với Ngài có thể là một kinh nghiệm vui sướng (xin xem Lu Ca 15:7; An Ma 29:9; Giáo Lý và Giao Ước 18:16; 50:22). Chúng ta có thể cảm nhận niềm vui này ngay cả khi trải qua sự chống đối và nỗi đau khổ (xin xem 2 Cô Rinh Tô 7:4; Cô Lô Se 1:11).

Đấng Cứu Rỗi đã cho chúng ta thấy một tấm gương hoàn hảo mà một trong những nguồn vui đích thực lớn lao nhất trong cuộc sống trần thế được tìm thấy qua sự phục vụ. Khi chúng ta phục sự các anh chị em của mình giống như Đấng Cứu Rỗi, với tình bác ái và yêu thương trong lòng mình thì chúng ta có thể cảm nhận được niềm vui vượt quá hạnh phúc đơn giản.

Chị Jean B. Bingham, Chủ Tịch Trung Ương Hội Phụ Nữ dạy: “Khi sẵn lòng chấp nhận [phục sự], thì chúng ta sẽ … tiến gần hơn đến việc trở thành dân Si Ôn và sẽ cảm thấy niềm vui khác thường với những người chúng ta đã giúp đỡ dọc trên con đường làm môn đồ.”3

Làm Thế Nào Chúng Ta Có Thể Làm Cho Việc Phục Sự Trở Nên Thú Vị Hơn?

Có nhiều cách để mang lại niềm vui lớn lao hơn cho việc phục sự của chúng ta. Đây là một vài ý kiến:

  1. Hiểu mục đích của anh chị em trong việc phục sự. Có rất nhiều lý do để phục sự. Cuối cùng, những nỗ lực của chúng ta phải phù hợp với các mục đích của Thượng Đế “để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người” (Môi Se 1:39). Khi chấp nhận lời mời của Chủ Tịch Russell M. Nelson để giúp đỡ những người khác trên con đường giao ước, chúng ta có thể tìm thấy niềm vui khi tham gia vào việc làm của Thượng Đế.4 (Để biết thêm về mục đích phục sự, xin xem “Ministering Principles: The Purpose That Will Change Our Ministering,” trong Liahona tháng Một năm 2019.)

  2. Làm cho việc phục sự là về con người chứ không phải là nhiệm vụ. Chủ Tịch Thomas S. Monson thường nhắc nhở chúng ta rằng: “Đừng bao giờ để cho một vấn đề sẽ được giải quyết trở nên quan trọng hơn một người cần được yêu thương.”5 Việc phục sự là về việc yêu thương người khác chứ không phải là về những việc cần làm. Khi phát triển tình yêu thương như Đấng Cứu Rỗi đã làm, chúng ta sẽ sẵn sàng hơn để đón nhận niềm vui đến từ việc phục vụ người khác.

  3. Làm cho việc phục sự trở nên giản dị. Chủ Tịch M. Russell Ballard, Quyền Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, nói với chúng ta rằng: “Những điều lớn lao có thành được là nhờ vào những điều nhỏ nhặt tầm thường. … Những hành động nhân từ và phục vụ nhỏ nhặt, tầm thường của chúng ta sẽ tích lũy thành một cuộc sống tràn đầy tình yêu mến Cha Thiên Thượng, lòng tận tụy đối với công việc của Chúa Giê Su Ky Tô, cùng một cảm giác bình an và vui sướng mỗi lần chúng ta tìm đến giúp đỡ một người khác.”6

  4. Hãy gạt bỏ sự căng thẳng ra khỏi việc phục sự. Không phải là trách nhiệm của anh chị em để giải quyết sự cứu rỗi của một người nào đó. Đó là giữa cá nhân của người này và Chúa. Trách nhiệm của chúng ta là yêu thương họ và giúp họ trở về với Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của họ.

Hình Ảnh
Jesus with children

CHRIST AND THE BOOK OF MORMON (ĐẤNG KY TÔ VÀ CÁC TRẺ EM TRONG SÁCH MẶC MÔN), TRANH DO DEL PARSON HỌA

Đừng Trì Hoãn Niềm Vui Phục Vụ

Đôi khi người ta ngần ngại yêu cầu được giúp đỡ, vì vậy sự phục vụ của chúng ta có thể đúng là điều họ cần. Nhưng việc bắt buộc người khác cũng không phải là giải pháp. Việc xin phép trước khi phục sự là một ý kiến hay.

Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã kể về một người mẹ độc thân bị bệnh thủy đậu—và rồi con cái của người ấy cũng bị bệnh. Ngôi nhà thường xuyên sạch sẽ bóng láng nay đã trở nên bừa bãi và bẩn thỉu. Chén dĩa và quần áo bẩn chất đống.

Vào khoảnh khắc người ấy cảm thấy hoàn toàn quá sức chịu đựng, thì các chị Hội Phụ Nữ đã gõ cửa nhà người ấy. Họ không nói: “Xin cho chúng tôi biết là chúng tôi có thể giúp đỡ gì không.” Khi nhìn thấy tình hình, họ đã bắt tay hành động.

“Họ dọn dẹp căn nhà bừa bãi, làm cho căn nhà sáng sủa và sạch sẽ, và gọi cho một người bạn mang lại thực phẩm rất cần thiết. Cuối cùng khi đã hoàn thành công việc của mình và nói lời tạm biệt, họ ra về trong nước mắt—những giọt nước mắt biết ơn và yêu thương.”7

Cả người cho lẫn người nhận đều cảm thấy được niềm vui nồng ấm.

Nuôi Dưỡng Niềm Vui trong Cuộc Sống của Anh Chị Em

Chúng ta càng có thể nuôi dưỡng thêm niềm vui, sự bình an và mãn nguyện trong cuộc sống của mình thì chúng ta càng sẽ có thể chia sẻ với những người khác khi chúng ta phục sự. Niềm vui đến qua Đức Thánh Linh (xin xem Ga La Ti 5:22Giáo Lý và Giao Ước 11:13). Đó là điều mà chúng ta có thể cầu nguyện (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 136:29) và mời vào cuộc sống của mình. Sau đây là một vài ý kiến để nuôi dưỡng niềm vui trong cuộc sống của chính mình:

  1. Đếm các phước lành của anh chị em. Khi anh chị em xem xét cuộc sống của mình, hãy viết trong nhật ký của mình những điều mà Thượng Đế đã ban phước cho anh chị em.8 Hãy chú ý đến những điều tốt đẹp xung quanh anh chị em.9 Hãy lưu ý đến điều có thể ngăn cản anh chị em không cảm thấy vui sướng và viết xuống những cách giải quyết hoặc hiểu rõ chúng hơn. Trong mùa lễ Phục Sinh này, hãy dành thời gian ra để tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Đấng Cứu Rỗi (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 101:36).

  2. Tập thiền định. Niềm vui có thể tìm thấy anh chị em dễ dàng hơn trong khoảnh khắc yên lặng trầm tư mặc tưởng.10 Hãy lắng nghe kỹ điều đang mang đến cho anh chị em niềm vui (xin xem 1 Sử Ký 16:15). Thời gian tránh dùng phương tiện truyền thông đôi khi có thể là cần thiết để tập thiền định.11

  3. Tránh so sánh bản thân mình với người khác. Người ta nói rằng việc so sánh mình với người khác sẽ tước đoạt đi niềm vui của mình. Phao Lô cảnh cáo rằng những người nào “lấy mình đo mình, lấy mình so sánh với mình, thì họ tỏ ra ít trí khôn” (2 Cô Rinh Tô 10:12).

  4. Tìm kiếm sự mặc khải cá nhân. Đấng Cứu Rỗi đã dạy: “Nếu các ngươi cầu xin thì các ngươi sẽ nhận được điều mặc khải này đến điều mặc khải khác, sự hiểu biết này đến sự hiểu biết nọ, để các ngươi có thể hiểu được những điều kín nhiệm và những điều bình an—là những điều đem lại sự vui mừng và đem lại cuộc sống vĩnh cửu” (Giáo Lý và Giao Ước 42:61).

Lời Mời để Hành Động

Làm thế nào anh chị em có thể gia tăng niềm vui mà anh chị em tìm thấy trong cuộc sống của mình qua việc phục sự?

Ghi Chú

  1. “Joy,” en.oxforddictionaries.com

  2. Russell M. Nelson, “Niềm Vui và Sự Sống Còn của Phần Thuộc Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 82).

  3. Jean B. Bingham, “Phục Sự giống như Đấng Cứu Rỗi,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 107.

  4. Xin xem Russell M. Nelson, “Khi Chúng Ta Tiếp Tục Cùng Nhau Tiến Bước,” Liahona, tháng Tư năm 2018, trang 4–7.

  5. Thomas S. Monson, “Tìm Ra Niềm Vui trong Cuộc Sống,” Liahona, tháng Mười Một năm 2008, trang 86.

  6. M. Russell Ballard, “Tìm Được Niềm Vui bằng Sự Phục Vụ với Tình Thương,” Liahona, tháng Năm năm 2011, trang 49.

  7. Xin xem Dieter F. Uchtdorf, “Vui Sống theo Phúc Âm,” Liahona, tháng Mười Một năm 2014, trang 120–123.

  8. Xin xem Henry B. Eyring, “Ôi Hãy Ghi Nhớ, Hãy Ghi Nhớ,” Liahona, tháng Mười Một năm 2007, trang 67.

  9. Xin xem Jean B. Bingham, “Hầu Cho Sự Vui Mừng của Các Ngươi Được Trọn Vẹn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 87.

  10. Xin xem Dieter F. Uchtdorf, “Về Những Điều Quan Trọng Hơn Hết,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, trang 21.

  11. Xin xem Gary E. Stevenson, “Nhật Thực về Phần Thuộc Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 46.