2021
Phục Sự Những Người có Thử Thách về Sức Khỏe Thể Chất
Tháng Bảy năm 2021


Các Nguyên Tắc Phục Sự

Phục Sự Những Người có Thử Thách về Sức Khỏe Thể Chất

Chúng ta có thể là công cụ của Đấng Cứu Rỗi để an ủi và giúp đỡ.

Hình Ảnh
man delivering groceries

Bệnh tật, bệnh dị ứng, khuyết tật hoặc tuổi tác có thể ảnh hưởng đến khả năng thờ phượng hoặc phục vụ của một tín hữu. Nếu những người anh em và chị em phục sự nhạy cảm với những nhu cầu này, thì có nhiều cách để giúp đỡ các tín hữu nào có thử thách về thể chất để vui hưởng nhiều hơn các phước lành của phúc âm.

Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, một người mẹ trẻ đã cảm thấy cô đơn và lòng đầy sợ hãi. Nhưng khi tin tức về bệnh tình của chị lan truyền khắp tiểu giáo khu của chị, chị đã sớm được bao bọc bởi tình yêu thương và mối quan tâm của các chị em phụ nữ tín hữu của chị. Khi những đợt điều trị khó khăn của chị bắt đầu, các chị em phụ nữ đã chở chị đến các buổi hẹn và ngồi cùng chị trong những đợt hóa học trị liệu rất lâu dài. Họ cầu nguyện với chị, khuyến khích chị, mang đến cho chị một vài món ăn vặt mà chị có thể ăn, và mang các bữa ăn đến cho gia đình chị tuần này qua tuần khác. Những chị em phụ nữ khác đã dành ra thời gian từ cuộc sống bận rộn của mình để dọn dẹp nhà cửa của chị. Một chị phụ nữ biết một số phương pháp điều trị sẽ làm cho khó ngủ vì vậy chị này hoạch định đến thăm lúc đêm khuya để xem phim hài. Thay vì nằm trằn trọc trong giường, người mẹ trẻ đã có thể nguôi ngoai nỗi sợ hãi trong một thời gian và cảm nhận được quyền năng chữa lành của tiếng cười và tình bạn. Qua những việc phục sự này, các phước lành của chức tư tế, và những lần tiểu giáo khu nhịn ăn, chị ấy đã vượt qua một thời kỳ vô cùng khó khăn, và mối dây yêu thương bền chặt gia tăng giữa tất cả những người liên quan.

Việc phục sự những người có thử thách về sức khỏe không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nhưng chúng ta có thể noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi khi tìm đến giúp đỡ các anh chị em của mình trong tình yêu thương khi những thử thách về sức khỏe xảy ra. Chúng ta có thể là công cụ của Ngài để an ủi và giúp đỡ những người xung quanh chúng ta, kể cả những người mà những thử thách của họ không thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường của chúng ta.

Các Ý Kiến để Cân Nhắc

1. Tôn trọng quyền riêng tư của họ. Một số người cảm thấy ngượng nghịu về vấn đề sức khỏe mà có thể không làm cho anh chị em lo lắng chút nào. Luôn luôn hỏi xem liệu có thể chia sẻ tình trạng của họ với người khác trước khi anh chị em làm điều đó không.

2. Khuyến khích việc chăm sóc y tế tiêu chuẩn. Tránh giới thiệu các sản phẩm hoặc dịch vụ y tế mà chưa được chứng minh hoặc ở ngoài dịch vụ chăm sóc y tế tiêu chuẩn. Chia sẻ ý tưởng và kinh nghiệm khi anh chị em cảm thấy được thúc giục để làm như vậy, nhưng khuyến khích người khác tự nghiên cứu tìm hiểu và hội ý với các chuyên gia y tế đã được huấn luyện.

Hình Ảnh
adult woman helps her mother put on clothing

Hình ảnh minh họa của Getty Images

3. Phục vụ họ và cầu nguyện cho họ. Khi người ta trải qua các vấn đề sức khỏe ngắn hạn không thường xuyên hoặc các tình huống có thể đoán trước được như là sinh con hay phẫu thuật, thì sự phục vụ, bữa ăn, lòng tử tế và những lời cầu nguyện của anh chị em cho thấy là anh chị em quan tâm. Trong một trường hợp khẩn cấp, sự sẵn lòng giúp đỡ ngay lập tức của anh chị em có thể là vô giá.

4. Giúp khuyến khích và hỗ trợ họ. Đặc biệt khi người ta trải qua vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hoặc lâu dài thì họ cần nhiều điều hơn là sự giúp đỡ hoặc sự phục vụ của anh chị em, cũng quan trọng như những vấn đề đó. Họ cũng có thể cần sự giúp đỡ để học cách tự làm những điều sau đây:

  1. Nhận ra các nhu cầu của họ. Cho đến nay họ biết gì về tình trạng của họ? Họ cảm thấy như thế nào về tình trạng đó? Những lo lắng và nhu cầu trước mắt và tương lai của họ là gì? Lắng nghe với lòng trắc ẩn và không phán xét để giúp họ đối phó một cách thẳng thắn với những gì có thực.

  2. Ghi nhớ những điểm mạnh của họ. Hỏi về những loại nghịch cảnh khác mà họ đã trải qua và những gì họ đã học được từ những kinh nghiệm đó. Chỉ ra những đức tính, giá trị và kỹ năng tích cực mà anh chị em đã nhận thấy là họ đã có. Hỏi về các giá trị cá nhân nào là quan trọng nhất đối với họ để sống theo trong hoàn cảnh mới này. Làm thế nào họ có thể sống theo những giá trị đó?

  3. Tạo ra một kế hoạch. Những quyết định nào cần được đưa ra sớm và họ cần thêm thông tin nào để đưa ra những quyết định đó? Họ cần sự giúp đỡ hoặc nguồn lực tức thời nào và trong dài hạn họ sẽ cần gì? Họ thấy những lựa chọn nào? Những lợi và hại của mỗi lựa chọn là gì?

  4. Tổ chức nhóm của họ. Ai có thể giúp đỡ? Gia đình trực hệ có trách nhiệm đầu tiên phải giúp đỡ, nhưng thân quyến, bạn bè, các tín hữu khác trong tiểu giáo khu, các chuyên gia y tế, các dịch vụ công cộng có sẵn, anh chị em và người bạn đồng hành cùng Đức Thánh Linh đều có thể là một phần của nhóm họ. Nếu thích hợp và với sự cho phép của họ, hãy mời chủ tịch Hội Phụ Nữ và chủ tịch nhóm túc số các anh cả giúp họ khám phá cách anh chị em, các tín hữu khác và các nguồn lực của Giáo Hội có thể giúp ích một cách thực tế.

  5. Mời Thánh Linh đến. Cầu nguyện với họ và cho họ cùng mời Chúa xác nhận và hướng dẫn các quyết định của họ và giúp họ cảm nhận được tình yêu thương của Ngài.