2018
Những Điều mà Mỗi Vị Giám Trợ Muốn Các Tín Hữu Tiểu Giáo Khu Biết Được
Tháng Mười năm 2018


Những Điều mà Mỗi Vị Giám Trợ Muốn Các Tín Hữu Tiểu Giáo Khu Biết Được

Tác giả hiện sống ở Utah, Hoa Kỳ.

Đây là tám lẽ thật tôi đã học được trong suốt sự phục vụ của mình với tư cách là một giám trợ.

Tôi đã có cơ hội tuyệt vời để phục vụ với tư cách là một giám trợ. Trong suốt những năm đó, tôi đã học hỏi được nhiều bài học hơn cả những gì tôi có thể kể ra. Nhưng tôi quả đã học được tám lẽ thật mà tôi tin là áp dụng cho mọi vị giám trợ. Mặc dù bản liệt kê này không bao quát hết, nhưng tôi sẽ cố gắng chia sẻ những điều mà mỗi vị giám trợ hy vọng các tín hữu tiểu giáo khu của mình biết được.

1. Vị giám trợ yêu thương mỗi tín hữu trong tiểu giáo khu của ông theo một cách rất chân thật.

Hình Ảnh
family

Tình yêu thương mà vị giám trợ có cho tiểu giáo khu ông kết nối với tình yêu thương mà Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô dành cho mỗi người chúng ta. Khi một giám trợ nhìn vào các tín hữu trong một buổi lễ Tiệc Thánh, lòng trắc ẩn và cảm thông ở cùng ông trong một cách thức không giống với bất cứ điều gì ông từng trải qua. Khi một giám trợ đứng lên và chia sẻ ông yêu thương các tín hữu tiểu giáo khu của ông đến mức nào, thì những cảm nghĩ của ông là từ đáy lòng và chân thật. Hãy tin rằng giám trợ của anh chị em yêu mến anh chị em, lo lắng cho anh chị em, và quan tâm về anh chị em nhiều hơn những gì anh chị em biết.

2. Vị giám trợ được tán trợ về mặt thể xác, tình cảm, và tinh thần bởi đức tin và những lời cầu nguyện của các tín hữu.

Hình Ảnh
man standing at the pulpit

Một giám trợ dành vô số giờ đồng hồ để phục vụ. Ông sẽ thường dành nhiều tiếng đồng hồ tại nhà thờ vào ngày Chủ Nhật và thêm những buổi tối trong tuần sau giờ làm việc để thăm viếng, phỏng vấn, và chăm sóc cho các tín hữu trong tiểu giáo khu của mình.

Vị giám trợ có thể làm điều này từ tuần nay qua tuần khác bởi đức tin và những lời cầu nguyện của các tín hữu tiểu giáo khu. Khi còn là một giám trợ mới được kêu gọi, những giọt nước mắt cứ vô tình chảy ra mỗi lần tôi nghe một người tín hữu cầu nguyện “xin ban phước cho vị giám trợ.” Những lời cầu nguyện bởi đức tin của anh chị em thật sự được đáp ứng, và vị giám trợ nhận được và cảm thấy được ảnh hưởng tán trợ của những lời cầu nguyện đó. Chúa đáp ứng những lời cầu nguyện đầy đức tin đó trên những vị giám trợ của Giáo Hội.

3. Vị giám trợ thường cảm thấy rất không thích hợp cho sự kêu gọi này (thậm chí sau ba hoặc bốn năm phục vụ).

Hình Ảnh
man with head in his hands

Tôi biết rất ít giám trợ cảm thấy rằng họ thật sự “sẵn sàng” cho sự kêu gọi này. Tuy nhiên, tôi quả thật biết rằng “người mà Chúa kêu gọi, Chúa sẽ làm cho đủ tư cách.”1 Trong khi một giám trợ biết mình đang trở nên đủ tư cách, thì ông cũng phải vật lộn với cảm nghĩ là mình sẽ chẳng bao giờ làm tốt được sự kêu gọi này. Ông sẽ làm tốt nhất trong khả năng của mình để đưa ra lời khuyên nhủ khôn ngoan khi cần, để không xúc phạm người ta, và để hòa hợp với Thánh Linh, nhưng ông sẽ vẫn nhiều lần cảm thấy nghi ngờ là liệu ông có đang làm tròn sự kêu gọi của mình một cách chấp nhận được không.

4. Thánh Linh của Thượng Đế có thể làm việc qua vị giám trợ khi ông đưa ra lời khuyên nhủ cho các tín hữu tiểu giáo khu.

Hình Ảnh
two men talking

Khi được hỏi điều tôi nhớ nhất lúc phục vụ với tư cách là một giám trợ, tôi nói với mọi người rằng tôi nhớ ảnh hưởng mạnh mẽ của Thánh Linh kèm theo thẩm quyền của một giám trợ. Cho dù là đang an ủi người vừa mất đi người thân yêu, đang trò chuyện với những ai gặp vấn đề với người phối ngẫu không chung thủy, hoặc kêu gọi người ta hối cải, thì Thánh Linh có sẵn cho một vị giám trợ trung tín là Thánh Linh của Thượng Đế và tinh thần mặc khải.

Tôi vừa có một tín hữu cũ trong tiểu giáo khu yêu cầu tôi giúp giải quyết một số vấn đề cá nhân. Chị ấy vừa dọn đến một tiểu giáo khu mới và không chắc là liệu chị muốn xin lời chỉ dẫn từ vị giám trợ mới của mình không. Tôi chia sẻ với chị ấy điều tôi đã chia sẻ nhiều lần kể từ khi được giải nhiệm, đó là dù tôi vui vẻ để giúp đỡ, tôi không còn nắm giữ các chìa khóa mà một vị giám trợ nắm giữ và các chìa khóa đó có thể quan trọng cho việc cung ứng sự hỗ trợ mà chị ấy cần. Tôi đề nghị chị ấy nói chuyện với vị giám trợ của chị. Tôi đến thăm chị hai tuần sau đó, và chị nói rằng chị đã gặp vị giám trợ của chị và giống như là ông ấy đã biết các vấn đề của chị là gì và cách tốt nhất để giúp chị. Trong khi vị giám trợ chắc chắn vẫn mắc sai lầm, Chúa soi dẫn ông, hướng dẫn ông, và ban phước cuộc sống của người khác qua lời của ông.

5. Vị giám trợ là con người; đôi khi ông mắc lỗi lầm và đôi khi ông làm sai.

Hình Ảnh
man falling

Những giám trợ, cuối cùng thì, vẫn là những con người trần thế. Họ có những khiếm khuyết, nhược điểm, định kiến, và các vấn đề riêng cá nhân của họ. Thánh Linh làm cho người nắm giữ chức phẩm giám trợ trở nên đủ tư cách, nhưng vị giám trợ vẫn là một con người phải chịu cùng những vấn đề và nhược điểm mà tất cả chúng ta đều đang đối mặt.

Thực tế này không nên làm giảm lòng kính trọng chúng ta bày tỏ đối với chức vụ kêu gọi của ông hoặc sự chú ý của chúng ta đối với lời khuyên nhủ của ông. Một giám trợ nhận thức rõ các nhược điểm của mình và nỗ lực khắc phục chúng hoặc ít nhất giữ chúng không ảnh hưởng đến sự phục vụ của mình với tư cách là một giám trợ. Mặc dù ông cố gắng nhiều thế nào đi nữa, thì ông cũng sẽ luôn luôn không toàn hảo.

6. Vị giám trợ cảm thấy rằng ông không bao giờ gặp các tín hữu tiểu giáo khu đủ nhiều hoặc làm đủ tốt.

Hình Ảnh
people talking

Mỗi ngày vị giám trợ tự hỏi có ai khác ông đã có thể hoặc đã nên giúp đỡ trong ngày hôm đó không. Tôi rất thích đi thăm mỗi tín hữu thường xuyên, nhưng tôi có một công việc làm toàn thời gian, gia đình tôi, chương trình giới trẻ, và một số các tín hữu tiểu giáo khu có những nhu cầu lớn. Thời gian chỉ là không đủ để gặp mọi tín hữu một cách thường xuyên.

Tuy vậy, với tư cách là một giám trợ, Thánh Linh thỉnh thoảng thúc giục tôi đến thăm một tín hữu nào đó mà đang gặp vấn đề. Nhiều lần, những chuyến thăm đó bắt đầu khi họ nói: “Tôi biết ông sẽ đến.” Thánh Linh mà chúng tôi đã cảm thấy thường vô cùng mạnh mẽ khi cả hai chúng tôi nhận ra rằng chuyến thăm đó là bằng chứng cho thấy Thượng Đế đáp ứng nhũng lời cầu nguyện.

Tôi cũng luôn luôn thích sự tiếp đón tôi nhận được ở cửa nhà của các tín hữu tích cực và “không gặp vấn đề”. Những con người tử tế này đi nhà thờ mỗi tuần, phục vụ trung tín trong những sự kêu gọi, không có thử thách dữ dội bề ngoài, và nói chung, không thường được các vị lãnh đạo chức tư tế đến thăm. Họ biết ơn để có một ít thời giờ gặp gỡ riêng tư với vị giám trợ của họ. Đối với tất cả các tín hữu đó tôi xin ngỏ lời: “Cảm ơn! Hãy tiếp tục! Hãy biết rằng vị giám trợ của anh chị em yêu thương anh chị em và sẽ đến thăm nhiều hơn nếu ông ấy có thể làm vậy.”

7. Vị giám trợ của anh chị em vô cùng, thật sự, thành thật cần anh chị em phục sự lẫn nhau.

Hình Ảnh
man on the phone

Với tư cách là một giám trợ, bất cứ khi nào tôi được cho biết về một tín hữu tiểu giáo khu đang gặp vấn đề, tôi luôn luôn hỏi: “Ai là các thầy giảng tại gia và giảng viên thăm viếng của người đó?” Đây là một cách đánh giá xem các nhu cầu của người tín hữu đó sẽ được đáp ứng cả bây giờ lẫn trong tương lai. Vị giám trợ, khi hành động mà không có sự giúp đỡ từ các tín hữu khác của tiểu giáo khu và giáo khu, có những nguồn lực hạn chế. Ông chắc chắn có thể—và sẽ—đến thăm người ta trong cơn khủng hoảng. Nhưng với các nguồn lực trong chức tư tế và Hội Phụ Nữ có sẵn cho ông, thì ảnh hưởng giúp đỡ của ông có thể được rộng khắp hơn.

Đây chính là ý nghĩa của công việc phục sự. Có những khi một số chúng ta quên đi lý do tại sao chúng ta phục sự lẫn nhau: Chúa đã truyền lệnh cho chúng ta phải “yêu nhau” (Giăng 13:34). Hãy biết rằng vị giám trợ của anh chị em sử dụng việc phục sự làm một cách đầy soi dẫn để trở nên sẵn sàng giúp đỡ hơn trong cuộc sống của các tín hữu tiểu giáo khu.

8. Vị giám trợ ước ông có thể làm mọi điều cho đàn chiên của ông.

Hình Ảnh
man walking up

Bất cứ lúc nào, ngày hay đêm, dù là một phước lành chức tư tế, lời khuyên một đứa con bướng bỉnh, hoặc vội vàng chạy đến hiện trường của một vụ tai nạn, thì ông sẽ làm bất cứ điều gì tín hữu cần. Ông không thể luôn luôn tự mình làm tất cả mọi điều, và ông có thể không phải là người phù hợp trong mọi tình huống, nhưng hãy đừng e ngại để yêu cầu sự giúp đỡ khi anh chị em cần. Hãy biết rằng vị giám trợ ở đó để phục vụ trong những lúc đó và rằng anh chị em sẽ được ban phước dồi dào vì cùng nhau làm việc.

Tôi khiêm nhường bởi cơ hội thiêng liêng tôi đã có để phục vụ trong sự kêu gọi thánh này. Trong sự phục vụ của tôi, tôi đi từ niềm tin đến sự hiểu biết. Tôi không còn tin rằng phúc âm là chân chính nữa; tôi biết phúc âm là chân chính. Tôi không còn tin rằng Thượng Đế biết tôi; tôi biết rằng Thượng Đế biết vô tận về mỗi người chúng ta, về cuộc sống hằng ngày cùng những vấn đề cá nhân của chúng ta. Hơn nữa, tôi biết rằng Ngài làm việc qua các tôi tớ của Ngài, đặc biệt là những người nắm giữ các chìa khóa chức tư tế. Tôi biết rằng tôi không thể phục vụ được với tư cách là một giám trợ mà không có sự quan tâm của Thượng Đế cho công việc này. Chính là lẽ trung thực của phúc âm và tình yêu thương của Thượng Đế dành cho con cái Ngài giúp cho mỗi vị giám trợ có khả năng để phục vụ.

Ghi Chú

  1. Thomas S. Monson, “Duty Calls,” Ensign, tháng Năm năm 1996, trang 44.