2007
Sự Phục Vụ
Tháng Mười Một năm 2007


Sự Phục Vụ

Hãy tìm kiếm những cách thức để ban phước cho cuộc sống của những người khác qua những hành động phục vụ có vẻ là giản dị.

Hình Ảnh

Chủ Tịch David O. McKay có lần đã trích dẫn lời của Abraham Lincoln nói rằng: “Tôi được như thế này hay hy vọng sẽ được thành công là đều nhờ vào người mẹ tuyệt vời của tôi.”1 Những lời này giải thích rõ những cảm nghĩ của tôi về người mẹ của mình. Viola Jean Goates Snow, mọi người đều gọi bà là Jeanie, sinh vào năm 1929 và chết không bao lâu sau sinh nhật thứ 60 của bà vào năm 1989. Bà dạy dỗ tôi và bà khích lệ tôi. Bà thật sự thuyết phục tôi rằng tôi có thể hoàn thành được bất cứ điều gì tôi muốn. Bà cũng thi hành kỷ luật đối với tôi. Cũng giống như mấy đứa con trai của tôi khi nói về mẹ của chúng: “Mẹ rất giỏi trong việc làm cho chúng con cảm thấy có tội hoặc xấu hổ khi chúng con làm điều gì sai.” Mẹ tôi là một người mẹ tuyệt vời, một mẫu người tiêu biểu, và hầu như mỗi ngày, tôi đều nghĩ đến bà và nhớ bà.

Một vài năm trước khi bà qua đời, bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, một căn bệnh mà bà chống chọi với lòng can đảm vô biên. Gia đình chúng tôi học được một cách khá lạ kỳ rằng ung thư là một căn bệnh yêu thương. Nó mang đến những cơ hội để củng cố mối quan hệ gia đình, nói lời giã biệt và bày tỏ tình yêu thương. Một vài tuần trước khi mẹ tôi từ trần, chúng tôi trò chuyện trong căn phòng gia đình của ngôi nhà thời niên thiếu của tôi. Mẹ tôi có óc xét đoán tài tình và thích những đồ vật xinh đẹp. Bà cũng thích đi du lịch nhưng gia đình chúng tôi sống với một ngân sách khiêm tốn và những giấc mơ này không thực hiện được. Biết được điều này, tôi hỏi mẹ tôi có tiếc nuối gì không. Tôi hoàn toàn nghĩ rằng tôi sẽ nghe bà nói rằng bà luôn luôn muốn có một ngôi nhà rộng hơn và xinh hơn; hoặc có lẽ một sự biểu lộ buồn phiền của bà vì chưa bao giờ được đi du lịch. Bà ngẫm ngĩ về câu hỏi của tôi trong một chốc lát và đáp: “Mẹ ước gì đã phục vụ nhiều hơn.”

Tôi chưng hửng trước câu trả lời của bà. Mẹ tôi luôn luôn chấp nhận những sự kêu gọi của Giáo Hội. Bà đã phục vụ với tư cách là chủ tịch Hội Phụ Nữ của tiểu giáo khu, giảng viên Trường Chúa Nhật, giảng viên thăm viếng và trong Hội Thiếu Nhi. Khi còn nhỏ, chúng tôi luôn luôn mang giao thức ăn, mứt và trái cây đóng hộp cho những người hàng xóm và các tín hữu của tiểu giáo khu. Khi tôi nhắc mẹ tôi nhớ đến tất cả những điều này thì bà cũng không nao núng. Bà chỉ nói: “Đáng lẽ mẹ phải làm nhiều hơn nữa.” Mẹ tôi đã sống một cuộc sống gương mẫu và trọn vẹn. Bà đã được gia đình và bạn bè yêu thương. Bà đã hoàn thành nhiều điều trong một cuộc sống mà thường đầy khó khăn và ngắn ngủi vì bệnh tật và đau ốm. Mặc cho tất cả những điều này, sự nuối tiếc lớn nhất của bà là bà đã phục vụ không đủ. Giờ đây, tôi tin chắc rằng sự hy sinh của mẹ tôi trên trần thế đã được Chúa chấp nhận và bà đã được Ngài chào đón. Nhưng tại sao điều đó lại đứng đầu trong tâm trí của bà chỉ vài ngày trước khi bà qua đời? Sự phục vụ là gì và tại sao nó lại quan trọng đến thế trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô?

Trước hết, chúng ta được truyền lệnh phải phục vụ lẫn nhau. Giáo lệnh đầu tiên là yêu mến Thượng Đế. “Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình.”2

Chúng ta cho thấy tình yêu của mình khi chúng ta giúp đỡ và phục vụ lẫn nhau.

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã nói: “Không một người nào có thể là một Thánh Hữu Ngày Sau chân chính mà lại không tử tế, thân thiện, không tìm đến phụ giúp và giúp đỡ những người khác. Đó là đặc điểm trong tính chất thật của phúc âm là chúng ta phải tử tế, thân thiện. Thưa các anh chị em, chúng ta không thể sống ích kỷ .”3

Đấng Cứu Rỗi đã dạy các môn đồ của Ngài nguyên tắc quan trọng này trong sách Ma Thi Ơ:

“Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đói, mà cho [Ngài] ăn? hoặc khát mà cho [Ngài] uống?

“Lại khi nào chúng tôi đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước [Ngài]? hoặc trần truồng mà mặc cho [Ngài]?

“Hay là khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đau, hoặc bị tù, mà đi thăm viếng Chúa?

“Vua sẽ trả lời rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn này của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy.”4

Sự phục vụ này phải được thực hiện một cách vị tha, không hề mơ tưởng đến lợi lộc cá nhân hoặc phần thưởng. Sự phục vụ này phải được thực hiện khi được cần đến, chứ không phải khi thuận tiện. Những cơ hội để phục vụ có thể dường như không luôn luôn hiển nhiên, vì bản tính con người thì lo lắng về những điều chúng ta muốn và những điều chúng ta cần. Chúng ta cần phải chống lại những khuynh hướng như vậy và tìm kiếm cơ hội để phục vụ. Khi chúng ta đi thăm viếng những người đang bị bệnh, có người thân qua đời, hoặc nỗi đau lòng khác, thì việc chỉ nói: “Hãy gọi điện thoại cho tôi nếu có bất cứ điều gì tôi có thể làm” thì không đủ. Thay vì thế, hãy tìm kiếm những cách để ban phước cho cuộc sống của những người khác qua những hành động phục vụ có vẻ là giản dị. Làm những điều không quan trọng lắm còn tốt hơn là không làm gì cả.

Thứ nhì, chúng ta có một bổn phận với tư cách là các tín hữu của Giáo Hội là chấp nhận những sự kêu gọi để phục vụ trong việc xây đắp vương quốc của Thượng Đế trên thế gian. Khi phục vụ trong nhiều sự kêu gọi khác nhau của mình, chúng ta ban phước cho cuộc sống của những người khác. Trong công việc truyền giáo, có những cuộc đời đã được thay đổi khi người ta học hỏi về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và nhận được một chứng ngôn về lẽ thật của phúc âm đó. Qua công việc thiêng liêng trong đền thờ, chúng ta ban phước cho cuộc sống của những người đã qua đời khi họ nhận được tất cả các giáo lễ của phúc âm. Trong sự phục vụ phúc âm, chúng ta có đặc ân để giảng dạy những người khác, củng cố giới trẻ, và ban phước cuộc sống của các trẻ nhỏ khi chúng học hỏi những lẽ thật giản dị của phúc âm. Trong sự phục vụ Giáo Hội, chúng ta học cách hy sinh và giúp đỡ những người khác.

Chủ Tịch Spencer W. Kimball, một tấm gương phục vụ tuyệt hảo, đã nói: “Thượng Đế có quan tâm đến chúng ta, và Ngài trông nom chúng ta. Nhưng thường thường qua một người khác mà Ngài đáp ứng những nhu cầu của chúng ta. Vậy nên, việc chúng ta phục vụ lẫn nhau trong vương quốc là điều thiết yếu.”5 Tuy nhiên, trách nhiệm phục vụ trong Giáo Hội, không miễn cho chúng ta trách nhiệm để phục vụ gia đình và láng giềng của mình. Chủ Tịch Kimball đã cảnh cáo rằng: “Không một ai trong chúng ta để cho mình trở nên quá bận rộn trong những nhiệm vụ chính thức trong Giáo Hội đến nỗi không còn thời giờ cho sự phục vụ âm thầm của người Ky Tô hữu đối với những người láng giềng của mình.”6

Cuối cùng, chúng ta có một trách nhiệm để phục vụ trong cộng đồng của mình. Chúng ta cần phải cố gắng để cải tiến láng giềng, trường học, thành phố, và thị trấn của chúng ta. Tôi có lời khen ngợi những người trong số chúng ta, bất luận thuộc khuynh hướng chính trị nào, đã cố gắng trong chính quyền địa phương, tiểu bang và quốc gia để cải tiến cuộc sống của chúng ta. Tôi cũng có lời khen ngợi những người đã tình nguyện thời giờ và phương tiện của họ để hỗ trợ những chính nghĩa xứng đáng của cộng đồng và của việc làm từ thiện, mà ban phước cho cuộc sống của những người khác và làm cho thế giới thành một chỗ tốt lành hơn. Ông nội tôi thường dạy tôi lúc tôi còn thơ ấu: “Sự phục vụ công chúng mà chúng ta thực hiện là bổn phận của chúng ta phải trả cho chỗ của mình trên thế gian.”

Sự phục vụ đòi hỏi lòng vị tha, sự chia sẻ và ban phát. Vợ tôi và tôi đã học được một bài học quý giá trong thời gian chúng tôi ở Châu Phi. Chúng tôi được chỉ định đến một đại hội giáo hạt ở Jinja, Uganda. Sáng sớm thứ Bảy trước khi buổi họp của chúng tôi bắt đầu, chúng tôi lấy cơ hội đi tham quan một giáo đường mới trong khu vực. Khi đến tòa nhà đó, chúng tôi được một đứa bé trai khoảng ba hay bốn tuổi chào đón. Nó phải đi đến khuôn viên nhà thờ để xem xét tình hình. Động lòng trước nụ cười xinh tươi của nó, Chị Snow thò tay vào ví và lấy ra đưa cho nó một cây kẹo bơ cứng bọc giấy bên ngoài. Nó rất vui mừng.

Chúng tôi dành ra một vài phút đi tham quan giáo đuờng trước khi trở ra bên ngoài. Chúng tôi gặp hơn mười hai đứa trẻ đang tươi cười, là những em muốn gặp bà hàng xóm mới phân phát kẹo.

Phyllis cảm thấy rất buồn vì chị đã cho đứa bé trai cây kẹo cuối cùng của mình. Chị thất vọng diễn tả bằng điệu bộ cho các trẻ em biết là không còn kẹo nữa. Sau đó, đứa bé trai mà chào đón chúng tôi lúc đầu, đưa lại cây kẹo cho Chị Snow, ra dấu cho chị mở giấy lấy cây kẹo ra. Với tấm lòng trĩu buồn, Phyllis làm theo, hoàn toàn nghĩ rằng đứa bé trai sẽ bỏ cây kẹo bơ vào miệng trước mặt tất cả những người bạn đang thèm thuồng của nó.

Thay vì thế, trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, nó đi đến từng đứa bạn của mình đang thè lưỡi ra và được cho liếm cây kẹo bơ. Đứa bé trai tiếp tục đi vòng tròn, thỉnh thoảng nó cũng liếm cây kẹo cho đến khi hết.

Người ta có thể cho rằng hành động chia sẻ đó thiếu vệ sinh, nhưng không một ai có thể tranh luận về tấm gương do đứa bé trai này nêu lên. Lòng vị tha, sự chia sẻ và ban phát là thiết yếu cho sự phục vụ. Đứa bé này đã học thuộc bài học đó.

Tôi hy vọng và cầu nguyện rằng chúng ta đều có thể làm nhiều hơn trong việc phục vụ. Nếu chúng ta không phục vụ, thì chúng ta không nhận được các đặc ân và các phước lành trọn vẹn của phúc âm phục hồi. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Pathways to Happiness, do Llewelyn R. McKay soạn (1957), 183.

  2. Ma Thi Ơ 22:39.

  3. “Latter-day Prophets Speak: Service,” Ensign, tháng Chín năm 2007, 49.

  4. Ma Thi Ơ 25:37–40.

  5. Teachings of Presidents of the Church: Spencer W. Kimball (2006), 82.

  6. Teachings: Spencer W. Kimball, 82.