2007
Hòn Đá Đã Bị Đục Ra Từ Núi
Tháng Mười Một năm 2007


Hòn Đá Đã Bị Đục Ra Từ Núi

Chúa đang làm tròn lời hứa của Ngài rằng phúc âm của Ngài sẽ như là hòn đá bị đục ra từ núi mà không có bàn tay giữ lại.

Hình Ảnh

Thưa các anh chị em, chúng ta hiện sống trong một hiện tượng đầy thú vị. Một người ca sĩ đơn ca một bài hát nhiều lần. Một dàn nhạc lặp lại cùng một khúc nhạc. Nhưng người nói chuyện thì được trông mong phải có một điều gì mới lạ mỗi lần người ấy diễn thuyết. Buổi sáng hôm nay, tôi sẽ phá bỏ truyền thống đó và lặp lại ở một mức độ nào đó điều tôi đã nói trong một dịp khác.

Giáo Hội đã trở thành một gia đình đông đúc ở rải rác khắp thế gian. Hiện có hơn 13 triệu người chúng ta trong 176 quốc gia và lãnh thổ. Một điều kỳ diệu và tuyệt vời sắp xảy đến. Chúa đang làm tròn lời hứa của Ngài rằng phúc âm của Ngài sẽ như là hòn đá bị đục ra từ núi mà không có bàn tay giữ lại, sẽ lăn đi cho đến khi nào nó lăn cùng khắp thế gian, đúng như Đa Ni Ên đã thấy trong khải tượng (xin xem Đa Ni Ên 2:31–45; GLGƯ 65:2). Một phép lạ lớn lao đang xảy ra trước mắt chúng ta.

Tôi đưa các anh chị em trở lại 184 năm trước vào năm 1823. Đó là tháng Chín—đúng ra là đêm 21–22 tháng Chín.

Thiếu niên Joseph Smith đã cầu nguyện vào đêm đó trước khi đi ngủ. Ông cầu xin Chúa tha thứ tội nhẹ dạ của ông. Rồi một điều kỳ diệu đã xảy ra. Ông nói:

“Trong lúc tôi đang thành tâm kêu cầu Thượng Đế như vậy, thì tôi bỗng thấy một ánh sáng phát hiện trong phòng tôi, ánh sáng đó càng lúc càng sáng tỏa, đến khi căn phòng sáng rực hơn ánh nắng ban trưa, rồi bất thần một nhân vật xuất hiện bên giường tôi… .

“Ông gọi tên tôi và nói với tôi rằng, ông là sứ giả từ chốn hiện diện của Thượng Đế sai đến …, và tên ông là Mô Rô Ni; rằng Thượng Đế có một công việc giao cho tôi thực hiện; và rằng tên tôi sẽ được mọi quốc gia, sắc tộc, và sắc ngữ nhắc nhở tới như điều thiện và điều ác, hoặc vừa là điều thiện lẫn điều ác được nói đến trong khắp mọi dân tộc” (Joseph Smith–Lịch Sử 1:30, 33).

Thiếu niên ấy chắc hẳn rất kinh ngạc trước điều mình nghe được. Đối với những người biết ông, thì ông chỉ là một thiếu niên nông dân nghèo khó, ít học. Ông không giàu có. Những người láng giềng cũng trong tình trạng đó. Cha mẹ của ông là những người nông dân đang sống chật vật. Khu vực nơi họ sống là vùng nông thôn và không mấy ai biết đến. Họ chỉ là những người bình thường đang cố gắng sống còn qua sự làm việc khó nhọc.

Vậy mà, một thiên sứ của Thượng Đế đã nói rằng “tên [của Joseph] sẽ được mọi quốc gia, sắc tộc, và sắc ngữ nhắc nhở tới như điều thiện và điều ác”. Làm thế nào mà điều ấy có thể như vậy được? Điều được mô tả đó ám chỉ toàn thể thế giới.

Giờ đây, khi chúng ta nhìn lại tổ chức của Giáo Hội 177 năm về trước thì chúng ta kinh ngạc trước điều đã xảy ra. Khi Giáo Hội được tổ chức vào năm 1830 thì chỉ có sáu tín hữu, một con số nhỏ những người tin, tất cả đều ở trong một ngôi làng không có nhiều người biết đến. Ngày nay, chúng ta đã trở thành Giáo Hội đứng hàng thứ bốn hoặc thứ năm ở Bắc Mỹ, với các giáo đoàn ở mỗi thành phố lớn. Các giáo khu Si Ôn ngày nay phát triển vững mạnh trong mỗi tiểu bang ở Hoa Kỳ, trong mỗi tỉnh ở Canada, trong mỗi tiểu bang ở Mexico (Mễ Tây Cơ), trong mỗi quốc gia ở Trung Mỹ và trên khắp Nam Mỹ.

Các giáo đoàn được thấy ở khắp nơi ở British Isles và Châu Âu nơi mà hằng ngàn người đã gia nhập Giáo Hội trong nhiều năm. Công việc này đã tìm tới các quốc gia ở Baltic, và xuống tận Bulgaria và Albania, cùng những khu vực khác của phần đất đó trên thế giới. Nó vươn ngang qua khu vực mênh mông của nước Nga. Nó đến tận Mông Cổ và xuống đến khắp các quốc gia ở Châu Á vào đến các quần đảo Thái Bình Dương, Úc, và New Zealand, và vào Ấn Độ cùng Indonesia. Nó nở rộ trong nhiều quốc gia ở Châu Phi.

Các đại hội trung ương của chúng ta được truyền đi bằng hệ thống vệ tinh và các phương tiện khác trong 92 ngôn ngữ khác nhau.

Và đây mới chỉ là bắt đầu. Công việc này sẽ tiếp tục phát triển và thịnh vượng cùng lan tràn khắp thế gian. Nó phải như vậy nếu lời hứa của Mô Rô Ni cho Joseph phải được ứng nghiệm.

Công việc này là độc đáo và kỳ diệu, về căn bản thì khác với giáo lý của mọi giáo phái khác mà tôi biết.

Khi Chúa Giê Su còn sống trên thế gian, Ngài phán: “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Giê Su Ky Tô, là Đấng Cha đã sai đến” (Giăng 17:3).

Khi 14 tuổi, Joseph đã có một kinh nghiệm trong Khải Tượng Thứ Nhất đầy vinh quang đó mà khác hẳn với bất cứ kinh nghiệm nào đã được ghi lại của bất cứ người nào. Không có thời gian nào khác mà chúng ta có được bất cứ biên sử nào chép rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu và Con Trai Yêu Quý của Ngài, Chúa Phục Sinh, cùng hiện đến thế gian như thế.

Vào lúc Giăng làm phép báp têm cho Chúa Giê Su trong sông Giô Đanh thì người ta đã nghe tiếng nói của Thượng Đế nhưng họ không thấy được Ngài. Tại Núi Hóa Hình, một lần nữa có tiếng nói của Thượng Đế nhưng không có biên sử chép lại sự hiện ra của Ngài. Ê Tiên nhìn thấy Chúa ở bên tay phải của Đức Chúa Cha nhưng hai Ngài không ngỏ lời hoặc chỉ dẫn cho ông.

Tiếp theo sự phục sinh của Ngài, Chúa Giê Su hiện đến cùng dân Nê Phi ở Tây Bán Cầu. Người ta nghe tiếng nói của Thượng Đế Toàn Năng ba lần, giới thiệu Đấng Ky Tô Phục Sinh nhưng không có sự hiện đến của Đức Chúa Cha.

Khải tượng đó thật phi thường biết bao vào năm 1820 khi Joseph cầu nguyện trong rừng và cả Đức Chúa Cha lẫn Vị Nam Tử đã hiện đến cùng ông. Một trong hai Đấng này đã phán cùng ông, gọi tên ông, và chỉ vào Đấng kia mà phán: “Đây là Con Trai Yêu Quý của Ta. Hãy nghe lời Người!” (Joseph Smith–Lịch Sử 1:17).

Không có điều gì giống như vậy đã xảy ra trước đó. Người ta được đưa đến việc tự hỏi tại sao điều đó quan trọng đến nỗi Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử phải hiện đến. Tôi nghĩ rằng bởi vì hai Ngài đang khai mở gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn, gian kỳ sau chót và cuối cùng của phúc âm, khi có sự quy tụ lại một chỗ với nhau của các yếu tố thuộc các gian kỳ trước. Đây là chương cuối cùng trong lịch sử dài của sự giao tiếp của Thượng Đế với những người nam và những người nữ trên thế gian.

Tiếp theo cái chết của Đấng Cứu Rỗi, Giáo Hội mà Ngài đã thiết lập dần dần sa vào sự bội giáo. Những lời của Ê Sai đã được ứng nghiệm, ông nói: “Đất bị dân cư làm ô uế, vì họ đã phạm luật pháp, trái điều răn, dứt giao ước đời đời” (Ê Sai 24:5).

Khi nhận biết tầm quan trọng của việc biết được thiên tính thật của Thượng Đế, con người đã vất vả tìm ra một cách để định nghĩa về Ngài. Các giáo sĩ thông thái tranh cãi với nhau. Khi Constantine trở thành một người Ky Tô hữu trong thế kỷ thứ tư, ông đã triệu tập một đại hội những người thông thái này với hy vọng rằng họ có thể đạt đến một kết luận về sự hiểu biết thiên tính của Thượng Đế. Họ chỉ đạt được một sự thỏa hiệp về các quan điểm khác nhau. Kết quả này là Bản Tín Điều Nicene của năm 325 sau công nguyên. Bản này và các bản kế tiếp đã trở thành bản tuyên ngôn về giáo lý liên quan đến thiên tính của Thượng Đế đối với Ky Tô giáo kể từ lúc đó.

Tôi có đọc hết các bản đó một vài lần. Tôi không thể hiểu chúng. Tôi nghĩ rằng có những người khác cũng không thể hiểu chúng. Tôi chắc chắn rằng Chúa cũng biết rằng có nhiều người không hiểu chúng. Và như vậy, vào năm 1820, trong khải tượng độc nhất vô nhị đó, Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử hiện đến cùng thiếu niên Joseph. Hai Ngài phán bảo ông bằng những lời có thể nghe rõ được và ông thưa chuyện cùng hai Ngài. Hai Ngài có thể thấy được. Hai Ngài có thể nói được. Hai Ngài có thể nghe được. Hai Ngài đều riêng rẽ. Hai Ngài có thật. Hai Ngài không phải là nhân vật tưởng tượng. Hai Ngài có thể xác. Và từ kinh nghiệm đó, là sự hiểu biết độc nhất và chân chính của chúng ta về thiên tính của Thượng Đế.

Thảo nào vào năm 1842, khi Joseph viết Những Tín Điều thì ông đã nói rõ: “Chúng tôi tin nơi Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, và nơi Con của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, và nơi Đức Thánh Linh” (Những Tín Điều 1:1).

Như tất cả các anh chị em đã biết rõ, tiếp theo đó là những năm tháng của một “đám mây [thực sự] rất lớn với các nhân chứng,” như Phao Lô đã tiên tri (xin xem Hê Bơ Rơ 12:1).

Trước hết Mô Rô Ni đã đến với các bảng khắc mà từ đó Sách Mặc Môn đã được phiên dịch. Thật là một điều độc đáo và phi thường. Câu chuyện của Joseph về các bảng khắc bằng vàng đều thật là tuyệt vời. Đó là điều khó tin và dễ thách thức. Ông có thể viết sách đó với khả năng của mình không? Sách có ở đây để mọi người thấy, cầm và đọc. Mỗi cố gắng để giải thích nguồn gốc của sách này, khác hơn nguồn gốc mà ông đã đưa ra, thì đều thất bại. Ông hầu như là một người không được học hành; vậy mà, trong một thời gian ngắn, ông đã cho ra đời bản dịch có ấn bản hơn 500 trang.

Phao Lô nói rằng “mọi việc sẽ định cứ lời khai của hai hoặc ba người làm chứng” (2 Cô Rinh Tô 13:1).

Kinh Thánh đã đứng một mình trong nhiều thế kỷ . Đó là một quyển sách quý báu và kỳ diệu. Giờ đây, có một chứng thư thứ nhì tuyên bố về thiên tính của Đấng Ky Tô. Theo tôi biết, Sách Mặc Môn là quyển sách độc nhất đã được xuất bản mà chứa đựng một lời hứa rằng người nào thành tâm đọc sách đó và cầu vấn về sách đó trong sự cầu nguyện thì sẽ được mặc khải cho người đó biết bằng quyền năng của Đức Thánh Linh một sự hiểu biết rằng sách đó là chân chính (xin xem Mô Rô Ni 10:4).

Kể từ khi sách được xuất bản lần đầu tiên trong một tiệm in ở vùng quê Palmyra, New York, thì đã có hơn 133 triệu quyển xuất bản. Sách được phiên dịch ra 105 ngôn ngữ. Cách đây không lâu, sách được nhìn nhận là một trong 20 quyển sách có ảnh hưởng lớn nhất đã được xuất bản ở Bắc Mỹ.

Mới đây ấn bản đầu tiên đã bán với giá là 105.000 Mỹ kim. Nhưng ấn bản bìa mềm rẻ tiền nhất cũng có giá trị đối với độc giả yêu thích lời lẽ và sứ điệp của sách.

Trong suốt tất cả những năm này các nhà phê bình đã cố gắng giải thích về Sách Mặc Môn. Họ đã nói những lời chống lại sách. Họ chế nhạo sách. Nhưng sách đã vượt qua được tất cả những lời chỉ trích này, và ảnh hưởng của sách ngày nay càng lớn hơn bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử của sách.

Tiếp theo một loạt sự kiện này là sự phục hồi của chức tư tế, được ban cho bởi các nhân vật phục sinh là những người đã nắm giữ chức ấy khi Đấng Cứu Rỗi sống trên thế gian. Điều này xảy ra vào năm 1829 khi Joseph mới chỉ 23 tuổi.

Sau khi nhận được chức tư tế, Giáo Hội được tổ chức vào ngày 6 tháng Tư năm 1830 khi Joseph là một thanh niên chưa đến 25 tuổi. Một lần nữa, tổ chức này thật độc đáo và khác với Ky Tô giáo truyền thống. Tổ chức này phần lớn được điều hành bởi một nhóm người thường. Sự tình nguyện phục vụ là đặc tính của nó. Khi tổ chức này phát triển và lưu truyền rộng rãi, thì hằng ngàn ngàn người trung tín và có tài đã hướng dẫn các nỗ lực của nó.

Hôm nay, tôi đứng đây trong sự thán phục trước những điều kỳ diệu mà Thượng Đế đã mặc khải cho vị tiên tri đã được chọn của Ngài, mặc dù ông còn trẻ và không ai biết đến nhiều. Việc sử dụng lời lẽ của những điều mặc khải này còn vượt qua khả năng của một người có học thức cao.

Các học giả không thuộc tín ngưỡng của chúng ta, là những người sẽ không chấp nhận các giáo lý độc đáo của chúng ta, không hiểu được trước sự phát triển lớn rộng của công việc này, mà đang ảnh hưởng đến những người dân khắp nơi trên thế gian. Chúng ta chịu ơn Tiên Tri Joseph, vị tiên kiến và mặc khải, Vị Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, là người đã được tiền sắc phong để sinh ra trong thế hệ này với tư cách là một công cụ trong tay của Thượng Đế Toàn Năng trong việc phục hồi cho thế gian những điều mà Đấng Cứu Rỗi đã giảng dạy trong khi Ngài sống ở Palestine.

Ngày hôm nay, tôi khẳng định với các anh chị em lời chứng của tôi về sự kêu gọi của Tiên Tri Joseph, về công việc của ông, về việc đóng ấn chứng ngôn của ông với máu của ông với tư cách là vị tuẫn đạo cho lẽ thật vĩnh cửu. Các anh chị em có thể làm chứng về điều giống như vậy. Các anh chị em và tôi phải đối phó với câu hỏi bình dị về việc chấp nhận lẽ thật của Khải Tượng Thứ Nhất, và điều tiếp theo sau đó. Giá trị của Giáo Hội này dựa vào sự xác thật của Khải Tượng Thứ Nhất. Nếu đó là sự thật, và tôi làm chứng rằng đó là sự thật, thì công việc mà chúng ta đang tham gia là công việc quan trọng nhất trên thế gian.

Tôi để lại với các anh chị em lời chứng của tôi về lẽ thật của những điều này, và tôi khẩn cầu các phước lành của thiên thượng ban xuống cho các anh chị em. Cầu xin các cửa sổ trên trời được mở ra và các phước lành trút xuống các anh chị em như Chúa đã hứa. Đừng bao giờ quên rằng đây là lời hứa của Ngài, và rằng Ngài có quyền năng và khả năng để bảo đảm rằng lời hứa đó sẽ được làm tròn. Tôi cầu nguyện như thế trong khi để lại phước lành và tình yêu thương của tôi cho các anh chị em, trong thánh danh của Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.