2018
Chúa Đã Thương Xót Biết Bao
Tháng Mười năm 2018


Chúa Đã Thương Xót Biết Bao

Bộ sách lịch sử mới của Giáo Hội sẽ giúp chúng ta tuân giữ các giao ước của mình bằng cách mở rộng trí nhớ của chúng ta về những gì Đấng Cứu Rỗi đã làm cho chúng ta.

Hình Ảnh
holding Saints book

Lần đầu tiên trong gần một trăm năm, một bộ sách lịch sử mới của Giáo Hội được xuất bản dưới sự hướng dẫn của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Với tựa đề Các Thánh Hữu: Câu Chuyện về Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô trong Những Ngày Sau, bộ sách lịch sử này kể lại theo lối trần thuật câu chuyện có thật về những con người bình thường đã trở thành Các Thánh Hữu qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Mô Si A 3:19). Tập đầu tiên, Cờ Hiệu về Lẽ Thật, 1815–1846 nay đã hoàn tất và được phiên dịch ra 14 ngôn ngữ để phân phối đến nhiều khu vực trên thế giới.

Các Thánh Hữu là câu chuyện về cách Thượng Đế phục hồi giao ước vĩnh viễn của Ngài bởi tình yêu thương Ngài dành cho con cái Ngài. Nó cho thấy cách Chúa phục hồi phúc âm của Ngài để mang lại niềm hy vọng và sự bình an trong những lúc hỗn độn, thử thách, và đau khổ. Nó cũng cho thấy cách các giao ước được phục hồi dẫn đến sự tôn cao qua Chúa Giê Su Ky Tô.

Anh chị em có thể kỳ vọng câu chuyện bắt đầu với Joseph, nhưng Các Thánh Hữu bắt đầu vào năm 1815 với sự phun trào của một ngọn núi lửa ở Indonesia, gây nên thương vong, bệnh tật, và sự chia rẽ lan rộng khắp nơi. Điểm khởi đầu này được chọn lựa dựa trên điều Chúa đã mặc khải về cách Ngài phục hồi các giao ước ràng buộc chúng ta với Đấng Cứu Rỗi và cho phép chúng ta vượt qua tất cả các vấn đề của cuộc sống:

“Ta là Chúa, vì biết trước tai họa sẽ đến với dân cư trên thế gian, nên ta gọi tôi tớ Joseph Smith, Jr., của ta, và từ trên trời phán bảo hắn, và ban cho hắn các giáo lệnh; …

“Để cho giao ước vĩnh viễn của ta có thể được thiết lập” (GLGƯ 1:17, 22).

Từ quang cảnh mở đầu cho đến sự phân bố toàn cầu của nó, sách Các Thánh Hữu báo hiệu cho các con cái của Thượng Đế ở mọi nơi rằng nó là câu chuyện về giao ước của họ với Thượng Đế, là Đấng biết những nỗi khó khăn của họ. Qua vị tiên tri của Ngài, Thượng Đế tái lập các giao ước mà không loại bỏ sự tà ác, nỗi thống khổ, nỗi đau đớn, và sự ngăn cách bởi cái chết nhưng hứa sẽ chữa lành qua Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, thánh hóa và ban cho cuộc sống của chúng ta ý nghĩa vô cùng lớn lao, và đảm bảo cho chúng ta rằng các mối quan hệ mà chúng ta yêu quý nơi đây trên thế gian có thể tồn tại trong thời vĩnh cửu, “đi kèm với vinh quang vĩnh cửu” (xin xem GLGƯ 130:2).

Tám chương đầu tiên của sách Cờ Hiệu của Lẽ Thật đã được xuất bản trong các số phát hành của cuốn tạp chí này trong năm nay. Số phát hành tháng này kết thúc các chương được đăng từng số từ Các Thánh Hữu, nhưng câu chuyện được tiếp tục trên trang mạng saints.lds.org, trong ứng dụng Thư Viện Phúc Âm, và trong các bản in (xin đặt hàng tại store.lds.org). Tôi mời anh chị em tiếp tục đọc câu chuyện này trên bất cứ kênh phương tiện nào trong các kênh này.

Một Mẫu Mực và Kế Hoạch Thiêng Liêng

Các Thánh Hữu tiếp tục một mẫu mực thiêng liêng theo đó các vị tiên tri, là một phần của giáo vụ của họ, sử dụng quá khứ để giúp chúng ta biết được chúng ta là ai và thấy được các mục đích của Thượng Đế trong cuộc sống chúng ta. Trong thánh thư, nhiều vị tiên tri bắt đầu lời dạy của họ bằng cách kể lại chi tiết các câu chuyện về lòng nhân từ của Chúa dành cho tổ phụ họ.1 Mô Rô Ni khuyên nhủ những người đọc Sách Mặc Môn “hãy nhớ Chúa đã thương xót … biết bao” trong suốt lịch sử “và suy ngẫm trong lòng” (Mô Rô Ni 10:3). Việc ngẫm nghĩ về lòng nhân từ của Thượng Đế chuẩn bị cho chúng ta để nhận được sự làm chứng của Thánh Linh, Đấng dạy chúng ta “những điều đúng với sự thật hiện hữu, và đúng với sự thật mà những điều ấy sẽ có” (Gia Cốp 4:13; xin xem thêm Mô Rô Ni 10:4–5).

Hình Ảnh
dad holding children

Việc biết rằng Cha Mẹ Thiên Thượng của chúng ta có một kế hoạch cho niềm vui tột bậc và sự tôn cao mang đến cho chúng ta cách nhìn đúng, cho chúng ta biết nguồn gốc mình là những con cái yêu dấu của cha mẹ thiêng liêng, và gia tăng sự tự tin của chúng ta nơi Chúa, thậm chí trong những cơn nghịch cảnh. Việc ghi nhớ lòng nhân từ của Chúa cũng có thể bảo vệ chúng ta khỏi tính kiêu ngạo và những hiểm nguy của sự thịnh vượng. Mặc Môn đã viết về một thời gian khi dân Nê Phi “bắt đầu trở nên giàu có vô cùng.” Nhưng không giống với các thời kỳ khác trong Sách Mặc Môn khi dân chúng để cho tính kiêu ngạo và sự giàu có dẫn họ đến sự suy sụp, họ đã đi theo một con đường khác lúc này: “Mặc dù với biết bao của cải của họ, hay sức mạnh, hay sự thịnh vượng của họ, họ cũng không dương dương tự đắc trong mắt mình; họ cũng không chậm nhớ đến Chúa, Thượng Đế của họ; nhưng họ biết hạ mình vô cùng trước mặt Ngài.” Họ giữ các giao ước của mình và vẫn ngay chính bởi vì “họ đã nhớ tới những điều lớn lao mà Chúa đã làm cho họ” (xin xem An Ma 62:48–50).

Các Thánh Hữu dạy những bài học giống những bài học này và nhiều bài học khác. Nó sẽ giúp anh chị em thấy bàn tay Chúa trong cuộc sống của mình khi anh chị em trải qua các thử thách đức tin, những nỗi đau buồn và niềm vui, các sự mặc khải và lòng quyết tâm của những người không hoàn hảo đã yêu mến Chúa và cảm thấy được tình yêu thương của Ngài.

Khi đọc, anh chị em sẽ khám phá ra những sự hiểu biết sâu sắc và những ý nghĩa mới kể cả trong các câu chuyện anh chị em đã từng nghe trước đây. Không quang cảnh nào trong lịch sử Giáo Hội được biết rõ hơn bằng Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith, nhưng Các Thánh Hữu giúp chúng ta hiểu rõ hơn cách Joseph vật lộn để hòa giải điều ông cảm thấy trong tấm lòng với điều ông suy nghĩ trong tâm trí.

Mong muốn chân thành của Joseph để cảm thấy sự tha thứ của Đấng Cứu Rỗi đã không được làm tròn bởi vì ông nhận thấy rằng không có giáo hội nào trong các giáo hội đang hiện hữu giảng dạy “phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô như đã được ghi chép trong Kinh Tân Ước.”2 Trong tâm trí mình, Joseph suy ngẫm xem giáo phái nào đúng hay liệu tất cả họ đều sai lầm. Trong tấm lòng mình, ông hy vọng vô cùng rằng một giáo phái trong số họ đúng để ông có thể tìm được sự bình an mình đang tìm kiếm. Với tâm trí và tấm lòng đang mâu thuẫn với nhau, Joseph khám phá rằng ông có thể cầu vấn Thượng Đế. Ông đi đến khu rừng để cầu nguyện. Ở đó ông thấy Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, là Đấng đã tha thứ cho ông và giải quyết sự khó xử của ông trong một cách thức mà ông chưa bao giờ từng tưởng tượng ra được.3

Joseph, gia đình ông, và nhiều người khác đã chấp nhận giao ước phục hồi của Chúa đều muốn cảm thấy tình yêu thương của Thượng Đế dành cho họ, học cách họ có thể đến gần Ngài hơn, và chữa lành các mối quan hệ với những người thân yêu. Các Thánh Hữu kể các câu chuyện của họ.

Tin Cậy Chúa trong Thử Thách

Tập 1 của Các Thánh Hữu gồm có câu chuyện đầy cảm động về Amanda Barnes Smith cùng gia đình bà, là những người đã vâng theo các giáo lệnh của Chúa và làm theo ý muốn của Ngài.4 Chồng và một người con trai của Amanda bị giết chết một cách dã man cùng với 15 người Thánh Hữu Ngày Sau khác đang đóng trại tại một khu định cư nhỏ ở Shoal Creek ở Missouri. Chúa đã giúp đỡ Amanda qua kinh nghiệm khủng khiếp đó, đáp ứng những lời cầu nguyện của bà, ban cho bà lòng dũng cảm, và giúp bà có thể chữa lành đứa con trai bị thương nghiêm trọng của mình.5

Các Thánh Hữu cho thấy Amanda học cách tin cậy nơi Chúa qua nghịch cảnh cùng cực như thế nào. Nó cũng kể về điều Joseph Smith đã học được về lòng nhân từ của Thượng Đế ngay cả trong lúc đau khổ. Nó cho thấy rằng việc biết về những việc làm của Chúa cho chúng ta có cái nhìn vĩnh cửu, giúp chúng ta thấy mọi điều đúng với sự thật hiện hữu và sẽ có, và giúp chúng ta thực hành đức tin rằng Chúa sẽ giúp đỡ chúng ta trong những lúc khó khăn.

Khi Tiên Tri Joseph biết về điều đã xảy ra cho gia đình của Amanda và những người khác tại Shoal Creek, ông cảm thấy thà ông phải đi tù hoặc bị giết chết còn hơn là để cho Các Thánh Hữu bị thảm sát. Ngày hôm sau ông nỗ lực thương lượng một giải pháp hòa bình với lực lượng dân quân Missouri, vốn đã sẵn sàng tấn công khu định cư chính của Các Thánh Hữu tại Far West. Thay vì vậy, Joseph bị bắt giữ và cầm tù.

Gần năm tháng sau đó, Joseph vẫn bị giam cầm trong một phòng giam lạnh lẽo, tù túng bên dưới mặt đất tại Liberty, Missouri. Ông tự hỏi Thượng Đế đang lánh ở đâu và Ngài có thể chịu đựng việc lắng nghe tiếng kêu gào của những quả phụ cùng cô nhi trong bao lâu nữa. Ông đã cầu nguyện rằng: “Phải, hỡi Chúa, họ còn phải chịu đựng những điều sai trái và áp bức bất hợp pháp này bao lâu nữa, trước khi tim Ngài rủ lòng thương hại họ và lòng trắc ẩn của Ngài đoái hoài đến họ?” (GLGƯ 121:3).

Các Thánh Hữu dạy chúng ta rằng nghịch cảnh không phải là bằng chứng về sự ghét bỏ của Chúa, cũng không phải là sự rút lại các phước lành của Ngài. Sự tương phản là một phần trong kế hoạch của Thượng Đế để rèn luyện và chuẩn bị chúng ta cho một số mệnh vĩnh cửu thiêng liêng (xin xem 2 Nê Phi 2:11). Joseph học được rằng nỗi đau đớn vô hạn của Đấng Cứu Rỗi đã khiến Ngài có thể giúp đỡ chúng ta khi đau khổ và cuối cùng tôn chúng ta lên (xin xem An Ma 7:11–13). Để đáp lại tiếng kêu gào thống thiết của Joseph, Chúa đã liệt kê tất cả các dạng thử thách trước khi kết luận:

“Nếu hầm của ngục giới hả rộng miệng ra để nuốt ngươi, thì hỡi con của ta ơi, ngươi hãy biết rằng, tất cả những điều này sẽ đem lại cho ngươi một kinh nghiệm, và sẽ lợi ích cho ngươi.

“Con của Người đã hạ mình xuống thấp hơn tất cả những điều đó nữa. Há ngươi cao trọng hơn Đấng ấy chăng?” (GLGƯ 122:7–8).

Việc tự mình trải qua những điều này có thể ban cho chúng ta sự đồng cảm giống như Đấng Cứu Rỗi với những người đang khổ sở. “Tấm lòng tôi sẽ luôn luôn dịu dàng hơn trước đây,” Joseph nhận ra trong khi ở trong tù. Ông ước rằng ông có thể ở với Các Thánh Hữu để an ủi và khuyên giải họ. Ông giải thích rằng: “Tôi không bao giờ có thể cảm nhận được điều mà tôi đang cảm nhận bây giờ, nếu tôi đã không hứng chịu những điều sai trái mà tôi đã hứng chịu.”6

Hình Ảnh
woman reading Saints book

Một lý do mà Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ ủy thác và chấp thuận Các Thánh Hữu là nó có thể giúp mỗi người chúng ta có kinh nghiệm về những điều này qua câu chuyện của những người khác. Chúng ta có thể học hỏi từ Amanda rằng ngay cả khi Thượng Đế thấy phù hợp trong sự thông sáng vô tận của Ngài để không ngăn cản điều tà ác hay nỗi đau khổ, thì Ngài vẫn yêu thương và lưu tâm đến chúng ta. Ngài lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta và đầy lòng thương xót cùng nhân từ.

Các Phước Lành Phục Hồi của Đền Thờ

Không có nơi nào khác mà lòng thương xót và nhân từ được biểu lộ cho chúng ta nhiều hơn bằng đền thờ. Về cơ bản, Các Thánh Hữu là câu chuyện về các phước lành phục hồi của đền thờ. Tập đầu tiên kết thúc khi hàng ngàn Các Thánh Hữu nhận được các giáo lễ thiêng liêng trong Đền Thờ Nauvoo vào năm 1846. Tập thứ hai có cao trào là lễ cung hiến Đền Thờ Salt Lake và Các Thánh Hữu bắt đầu tiếp nhận các giáo lễ ở đó vào năm 1893. Tập thứ ba sẽ kết thúc với Các Thánh Hữu từ Châu Âu bắt đầu quy tụ đến đền thờ tại Thụy Sĩ vào năm 1955. Tập thứ tư sẽ mang câu chuyện này đến thời điểm hiện tại, khi các đền thờ có mặt ở nhiều nơi trên thế gian và Các Thánh Hữu khắp toàn cầu nhận được các giáo lễ về sự tôn cao, đúng như điều các vị tiên tri hình dung ra cách đây đã lâu.

Trong ngôi nhà của Chúa, chúng ta lập các giao ước và được ban cho quyền năng để vượt qua những ảnh hưởng của Sự Sa Ngã, ngay cả điều tà ác và nỗi đau khổ trong thế gian này. Chúng ta nhận sự bảo vệ và quyền năng tột bậc để tiến bước trong Sự Phục Sinh, được làm lễ gắn bó với những người thân yêu mãi mãi.

Các Thánh Hữu sẽ giúp chúng ta tuân giữ các giao ước bằng cách mở rộng trí nhớ của chúng ta theo các cách trong lễ Tiệc Thánh. Nó giúp chúng ta luôn luôn tưởng nhớ điều Đấng Cứu Rỗi đã làm cho chúng ta. Nếu không có các biên sử về những việc làm của Thượng Đế trong quá khứ, chúng ta không thể “nhớ Chúa đã thương xót con cái loài người biết bao” (Mô Rô Ni 10:3). Bởi những lý do này, chúng ta mắc nợ Ngài và Các Thánh Hữu mà đã ghi chép những kinh nghiệm của họ về tình yêu thương Ngài dành cho họ. Chúa truyền lệnh cho Joseph Smith phải ghi lại các kinh nghiệm của ông (xin xem GLGƯ 21:1). Ngài truyền lệnh cho một sử gia của Giáo Hội làm việc dưới sự hướng dẫn của Joseph để “lưu giữ hồ sơ và lịch sử của giáo hội luôn luôn” (GLGƯ 47:3). Ngài truyền lệnh rằng lịch sử gồm có “tất cả những điều mà sẽ có lợi cho Giáo Hội, và cho những thế hệ tương lai” (GLGƯ 69:8).

Với những điều mặc khải này và giao ước hứa luôn luôn tưởng nhớ Đấng Cứu Rỗi trong tâm trí, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã bắt đầu lên kế hoạch xuất bản Các Thánh Hữu 10 năm về trước. Giờ đây chúng tôi khuyến khích anh chị em đọc nó, tin cậy rằng nó sẽ giúp anh chị em hiểu về kế hoạch của Thượng Đế, thấy được Chúa đã thương xót biết bao, kiên trì một cách trung tín trong những lúc thuận lợi và khó khăn, đạt được sự đồng cảm giống như Đấng Ky Tô với người khác, và tuân giữ các giao ước sẽ dẫn anh chị em đến sự tôn cao.

Ghi Chú

  1. Các ví dụ gồm có Nê Phi (1 Nê Phi 17:23–43), Vua Bên Gia Min (Mô Si A 1), Lim Hi (Mô Si A 7), một thiên sứ của Chúa hiện đến cùng An Ma (Mô Si A 27), An Ma (An Ma 9:10), Mặc Môn (Mặc Môn 3:17–22), và Môi Se (Xuất Ê Díp Tô Ký 13:3).

  2. Joseph Smith, trong “History, circa Summer 1832,” trang 2, josephsmithpapers.org.

  3. Xin xem “History, 1838–1856, volume A-1 [23 December 1805–30 August 1834],” trang 3, josephsmithpapers.org.

  4. Xin xem “Revelation, 12 January 1838–C,” [1], josephsmithpapers.org.

  5. Xin xem Các Thánh Hữu, tập 1, chương 30, “Fight Like Angels.”

  6. “Letter to Presendia Huntington Buell, 15 March 1839,” [1], josephsmithpapers.org.