2007
Tấm Gương của Một Người
Tháng Tư năm 2007


Tấm Gương của Một Người

Hình Ảnh

Tiêu đề của bức thư điện tử (e-mail) mới đây mang đến cho tôi một tin buồn: “Tang lễ cho Wendy Knaupp.” Trong khi tôi gạt nước mắt thì tôi nghĩ đến một ngày cách đây hơn 40 năm khi người bạn đồng hành truyền giáo của tôi và tôi gặp Wendy and Paul Knaupp gần một cửa tiệm bán hoa bên trong nhà ga xe lửa Frankfurt. Là một cặp vợ chồng người Mỹ ở Đức vì quân vụ, họ ở rất xa nhà, đang mang thai đứa con đầu lòng. Vì vị chủ tịch phái bộ truyền giáo của chúng tôi đã luôn khuyến khích chúng tôi phải “luôn luôn là người truyền giáo,” nên chúng tôi bắt đầu nói chuyện với họ.

Khi chúng tôi dạy họ những bài thảo luận của người truyền giáo thì tôi rất cảm kích với ánh sáng trong tâm hồn của Wendy. Chị rất vui vẻ, sáng ngời và phần thuộc linh rất sống động. Chị ý thức được ý nghĩa của Sự Phục Hồi với bản năng vững chắc. Đó là một đặc ân để được gần gũi đủ với chị để nhìn thấy chứng ngôn của chị tăng trưởng và trông thấy ánh sáng đó trên nét mặt của chị được gia tăng.

Hơn 30 năm sau, Wendy nhắc lại cuộc chuyện trò đầu tiên với chúng tôi: “Tôi sẽ nhớ mãi cảm tưởng mà tôi đã có khi tôi mới thoạt nghe câu chuyện về Joseph Smith! Tôi có thể thấy lại được căn hộ trên lầu nhỏ bé ở Đức của chúng tôi mà có lẽ lớn bằng phòng ngủ của chúng tôi ngày nay, với chúng tôi ngồi trên bìa giường/ghế dài [đối diện với những người truyền giáo]. Tôi nhớ đã cảm thấy kỳ diệu và khuây khỏa. Tôi luôn luôn cảm thấy một điều giống như vậy ở nơi nào đó. Việc Thượng Đế bỏ mặc chúng ta mù quáng lỡ lầm như chúng ta hiện đang làm thì không có lý … . Phúc âm dường như rất là đúng và tôi tin phúc âm.”

Tuy nhiên, ngay sau khi quyết định chịu phép báp têm, Wendy và Paul đã nghe một người trong gia đình chỉ trích chính sách của Giáo Hội về việc ai có thể nhận được chức tư tế. Họ trở nên hoang mang và thất vọng. Họ nói rằng chúng tôi không nên đến thăm họnữa—ngoại trừ một lần nữa để từ giã. Chúng tôi không biết cách trả lời những câu hỏi của họ nhưng biết rằng chúng tôi có được một cơ hội cuối cùng. Trong khi chúng tôi nói chuyện thì tôi cảm thấy được thúc giục để đọc với họ một câu thánh thư mà tôi mới vừa thấy trong giờ học một mình, câu chuyện về Phi E Rơ và Cọt Nây trong Công Vụ Các Sứ Đồ 10–11. Đêm hôm đó tôi đã nhận thấy một sự ứng nghiệm về lời hứa của Chúa cho những người truyền giáo: “Điều các ngươi phải nói sẽ được ban cho các ngươi chính trong giờ phút đó, phải, vào chính lúc đó … [và] Đức Thánh Linh sẽ được gởi xuống để làm chứng về mọi điều mà các ngươi sẽ nói ra” (GLGƯ 100:6, 8). Chúng tôi đều cảm thấy một tinh thần bình an khi chúng tôi cùng cầu nguyện chung với nhau.

Nhiều năm sau, Wendy nói về cùng một kinh nghiệm giống như vậy: “Tôi không nhớ điều mà họ nói với chúng tôi hoặc điều mà chúng tôi nói, nhưng ánh sáng đó … Thánh Linh … đã trở lại và tôi biết rằng điều đó là chân chính, và mặc dù tôi không hiểu trọn vẹn mọi điều nhưng sứ điệp vẫn còn chân chính và chúng tôi cần phải chấp nhận điều đó, và rằng vào một thời điểm nào đó trong tương lai chúng tôi sẽ dần dần hiểu được.”

Paul và Wendy chịu phép báp têm. Chẳng bao lâu họ được làm lễ gắn bó trong đền thờ. Ở giữa những thử thách thông thường của cuộc sống gia đình, họ đã nuôi dạy năm đứa con mà cuối cùng đều trở nên tích cực trong Giáo Hội. Một số đã phục vụ truyền giáo. Paul là một giáo viên. Paul và Wendy hát song ca tuyệt hay trong nhà thờ. Wendy hướng dẫn ca đoàn của tiểu giáo khu trong nhiều năm. Họ yêu thích đền thờ và tự họ tiến đến sự hiểu biết “niềm vui của các thánh đồ” (Ê Nót 1:3).

Có lần trong khi tham dự nhà thờ ở Luân Đôn, vợ tôi, Marie, và tôi gặp một người phụ nữ tên là Libby Casas đến từ Maine. Vì gia đình Knaupp là những người duy nhất mà chúng tôi biết bấy giờ sống ở Maine nên chúng tôi hỏi chị ấy có biết họ không. Gương mặt của chị rực sáng: “Có biết họ không à? Wendy là bạn thân của tôi. Chị ấy đã giới thiệu tôi với phúc âm!” Wendy đã gặp Libby tại một tiệm giặt đồ—hai người mẹ đang giặt đồ của gia đình họ—và đã chia sẻ phúc âm với Libby cũng như chúng tôi đã làm với Wendy tại một nhà ga xe lửa. Điều trước tiên mà gây ấn tượng nhiều nhất cho Libby về Giáo Hội là quyền năng của tấm gương cá nhân của Wendy—với tư cách là người mẹ, người vợ, và một con người. Đối với Libby, ít nhất là lúc đầu, chính Wendy đã là sứ điệp của Sự Phục Hồi.

Gia đình Knaupp về sau sống ở Oregon. Rồi năm ngoái, sau khi chúng tôi nghe rằng Wendy mắc bệnh ung thư, chúng tôi được phước khi biết rằng họ đến thăm Utah trong thời gian đại hội trung ương. Chồng của Wendy, đứa con trai được giải nhiệm về nhà sau khi truyền giáo của họ, và tôi ban cho chị một phước lành. Chúng tôi chia sẻ những kinh nghiệm của mình từ bốn thập niên qua. Rõ ràng là đối với họ thì phúc âm có nghĩa là tất cả một cách tuyệt đối. Đó là trọng tâm và mục đích của cuộc sống của họ và của con cái họ. Paul và Wendy thành thật muốn được khỏe mạnh để họ có thể thực hiện giấc mơ cùng đi phục vụ truyền giáo.

Không lâu trước khi qua đời, Wendy viết cho tôi một bức thư: “Tôi thật sự cảm thấy rằng tôi đang ở trong cánh tay của Chúa. Ngài có thể làm bất cứ điều gì Ngài muốn và tôi ở dưới sự chăm sóc của Ngài.” Chị bày tỏ lòng biết ơn đối với phúc âm và gia đình của mình, và rồi viết: “Chúa thật là kỳ diệu biết bao!”

Giờ đây Wendy đã qua đời, và gia đình của chị nhớ chị rất nhiều. Khi viết cho chúng tôi về cái chết của chị, con trai của chị đã nói: “Xin cám ơn đã mang Mẹ đến với ánh sáng phúc âm. Mẹ đã sống trong sự tuân theo các giáo lệnh.” Người con ấy nói rằng mẹ của mình đã có lần viết cho người ấy: “Mẹ yêu thương Chúa và mẹ mãi mãi biết ơn [Ngài] đã mang phúc âm vô giá vào cuộc sống của mẹ. Mẹ muốn chứng tỏ rằng mình trung tín hơn bất cứ điều gì khác và mẹ đang thật sự cố gắng để làm như vậy.”

Vì phúc âm là tất cả đối với Wendy và gia đình của chị nên chúng tôi là những người truyền giáo của chị hiểu rằng “sự vui mừng của các ngươi … thì lớn lao biết bao” (GLGƯ 18:15) với chị trong vương quốc của Cha Thiên Thượng. Phúc âm là tất cả đối với chị, nên kinh nghiệm truyền giáo của tôi với chị có nghĩa là tất cả đối với tôi. Nên không có gì đáng ngạc nhiên khi Chúa phán rằng công việc truyền giáo là “điều quý giá nhất đối với ngươi” (GLGƯ 15:6; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã nói: “Tôi muốn khẩn nài với Các Thánh Hữu hãy cố gắng hết sức để có thể cung cấp tên [của những người mà họ biết và muốn tìm hiểu về Giáo Hội] mà [những người truyền giáo] có thể giảng dạy… . Mỗi người các anh chị em thấy mà đến với Giáo Hội nhờ vào nỗ lực của các anh chị em thì sẽ mang hạnh phúc đến cuộc sống của các anh chị em. Đó là lời hứa của tôi với mỗi anh chị em” (“Những Ý Tưởng Đầy Soi Dẫn,” Liahona, tháng Mười năm 2003, 3).

Bản thân tôi đã biết được ý nghĩa của lời hứa đó. Tôi cũng khẩn nài với các anh chị em hãy giới thiệu cho dù chỉ một người với Giáo Hội trong năm nay—và không bỏ cuộc khi họ chạm trán với sự chống đối nào đó. Nếu chắc chắn rằng cơ hội không tuột mất khỏi tay mình, các anh chị em sẽ nói với Wendy Knaupp, “Chúa thật là kỳ diệu biết bao!”