2006
Chẳng Có Sự Gì Gây Cho Họ Sa Ngã (Phật Lòng)
Tháng Mười Một năm 2006


Chẳng Có Sự Gì Gây Cho Họ Sa Ngã (Phật Lòng)

Nhờ vào quyền năng củng cố của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, các anh chị em và tôi có thể được ban phước để tránh và chiến thắng việc bị phật lòng.

Buổi trưa hôm nay tôi cầu nguyện rằng Đức Thánh Linh sẽ phụ giúp tôi và các anh chị em khi chúng ta cùng ôn lại các nguyên tắc phúc âm quan trọng.

Một trong những sinh hoạt ưa thích của tôi với tư cách là người lãnh đạo chức tư tế là đi thăm viếng các tín hữu của Giáo Hội tại nhà của họ. Tôi đặc biệt thích gọi nói chuyện với các tín hữu thường được mô tả là “kém tích cực.”

Trong những năm tôi phục vụ với tư cách là chủ tịch giáo khu, tôi thường tiếp xúc với một trong số các vị giám trợ và mời vị ấy thành tâm cầu nguyện để nhận ra những cá nhân hoặc những gia đình mà chúng tôi có thể cùng đi thăm. Trước khi đi đến một căn nhà, vị giám trợ và tôi thường quỳ xuống và khẩn cầu lên Cha Thiên Thượng để xin sự hướng dẫn và soi dẫn cho chúng tôi và cho các tín hữu mà chúng tôi sẽ gặp.

Những cuộc viếng thăm của chúng tôi thì khá giản dị. Chúng tôi bày tỏ tình yêu thương và biết ơn về cơ hội được đến nhà của họ. Chúng tôi xác nhận rằng chúng tôi là các tôi tớ của Chúa đang làm công việc của Ngài ở nhà họ. Chúng tôi cho biết rằng chúng tôi nhớ họ và cần họ—và rằng họ cần các phước lành của phúc âm phục hồi. Và vào một thời điểm đầu tiên nào đó trong cuộc nói chuyện của chúng tôi, tôi thường đặt ra một câu hỏi như sau: “Anh (chị, em) có vui lòng giúp chúng tôi hiểu tại sao anh (chị, em) không tích cực tham gia vào các phước lành và các chương trình của Giáo Hội không?”

Tôi đã tham dự hằng trăm lần viếng thăm như vậy. Mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi nhà và mỗi câu trả lời đều khác nhau. Tuy nhiên, trong nhiều năm, tôi đã nhận ra một đề tài chung trong nhiều câu trả lời cho các câu hỏi của tôi. Thường thường các câu trả lời được đưa ra giống như sau:

“Cách đây vài năm, một người đã nói một điều gì đó trong Trường Chúa Nhật mà đã làm phật lòng tôi và tôi đã không trở lại kể từ lúc ấy.”

“Không một người nào trong chi nhánh này chào hoặc tìm đến tôi. Tôi cảm thấy giống như một người ngoài cuộc. Tôi cảm thấy tổn thương bởi sự không thân thiện của chi nhánh này.”

“Tôi không đồng ý với lời khuyên bảo của ông giám trợ cho tôi. Tôi sẽ không đặt chân vào tòa nhà đó nữa nếu ông ấy vẫn đang phục vụ trong chức vụ đó.”

Nhiều nguyên nhân làm phật lòng khác đã được kể ra—từ những điểm khác biệt về giáo lý trong số những người lớn đến việc chế nhạo, trêu tức và bị không cho sinh hoạt chung bởi giới trẻ. Nhưng đề tài được lặp đi lặp lại là: “Tôi bị phật lòng bởi …”

Vị giám trợ và tôi chăm chú và thành thật lắng nghe. Kế đó, một trong hai chúng tôi có thể hỏi về sự cải đạo của họ và chứng ngôn về phúc âm phục hồi. Trong khi chúng tôi nói chuyện, mắt thường nhòa lệ khi những người tốt này nhắc lại sự làm chứng vững chắc của Đức Thánh Linh và mô tả những kinh nghiệm thuộc linh của họ trước kia. Đa số những người “kém tích cực” mà tôi đến thăm đều có một chứng ngôn hiển nhiên và dịu dàng về lẽ trung thực của phúc âm phục hồi. Tuy nhiên, lúc này họ đã không tham dự vào các sinh hoạt và các buổi họp của Giáo Hội.

Và rồi tôi thường nói một điều như vầy: “Tôi muốn biết chắc là tôi hiểu điều đã xảy ra cho anh (chị, em). Vì một người nào đó trong nhà thờ làm phật lòng anh (chị, em) nên anh (chị, em) đã không được ban phước bởi giáo lễ Tiệc Thánh. Anh (chị, em) đã tự rút lui khỏi sự đồng hành thường xuyên của Đức Thánh Linh. Bởi vì một người nào đó trong nhà thờ đã làm phật lòng anh (chị, em) nên anh (chị, em) tự từ bỏ các giáo lễ chức tư tế và đền thờ thánh. Anh (chị, em) đã bỏ cơ hội của mình để phục vụ những người khác và học hỏi cùng tăng trưởng. Và anh (chị, em) đang để lại những chướng ngại vật mà sẽ ngăn cản sự tiến bộ thuộc linh của con cháu của anh (chị, em) và thế hệ mai sau.” Nhiều lần họ suy nghĩ trong chốc lát và rồi đáp: “Tôi chưa bao giờ nghĩ về điều ấy theo cách thức đó.”

Rồi vị giám trợ và tôi đưa ra lời mời: “Bạn thân mến, hôm nay chúng tôi đến đây để khuyên nhủ anh (chị, em) rằng đây là lúc để chấm dứt cái vấn đề bị phật lòng. Không những chúng tôi cần anh (chị, em), mà anh (chị, em) cũng cần các phước lành của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Xin hãy trở lại—bây giờ.”

Chọn Không Bị Phật Lòng

Khi chúng ta tin tưởng hoặc nói rằng chúng ta bị phật lòng thì thường thường chúng ta có ý nói là chúng ta cảm thấy bị sỉ nhục, ngược đãi, làm mất mặt hoặc không được kính trọng. Và chắc chắn là những điều vụng về, bối rối, vô luân và ác độc thật sự xảy ra trong những cuộc giao tiếp của chúng ta với những người khác mà sẽ làm cho chúng ta bực mình. Tuy nhiên, về cơ bản thì không thể nào mà một người khác có thể làm phật lòng các anh chị em hay làm phật lòng tôi. Thật vậy, việc tin rằng một người khác làm phật lòng chúng ta thì về cơ bản là sai lầm. Việc bị phật lòng là một sự lựa chọn của chúng ta; nó không phải là một tình cảnh mà một người nào đó hay một điều gì đó bắt chúng ta phải chịu.

Trong sự phân chia tuyệt vời của tất cả những tạo vật của Thượng Đế thì có những điều để hành động và những điều để bị tác động (xin xem 2 Nê Phi 2:13–14). Là các con trai và các con gái của Cha Thiên Thượng, chúng ta được ban phước với ân tứ của quyền tự quyết về đạo đức, khả năng để tự ý hành động và lựa chọn. Được ban cho quyền tự quyết, các anh chị em và tôi là những tác nhân, và chúng ta chủ yếu hành động chứ không chỉ bị tác động. Việc tin rằng một người nào đó hoặc một điều gì đó có thể làm cho chúng ta cảm thấy phật lòng, tức giận, tổn thương hoặc đau khổ làm giảm đi quyền tự quyết về đạo đức của chúng ta và biến chúng ta thành đối tượng để bị tác động. Tuy nhiên, là các tác nhân, các anh chị em và tôi có khả năng để hành động và chọn lựa cách thức mà chúng ta sẽ đáp ứng với một tình huống làm phật lòng hoặc bị tổn thương.

Thomas B. Marsh, Chủ Tịch đầu tiên của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ trong gian kỳ này, đã chọn việc bị phật lòng về một vấn đề nhỏ nhặt như việc gạn bỏ kem trên mặt sữa (xin xem Deseret News, 16 tháng Tư năm 1856, 44). Ngược lại, Brigham Young, đã bị Tiên Tri Joseph Smith quở trách nghiêm khắc trước công chúng nhưng ông đã chọn không để bị phật lòng (xin xem Truman G. Madsen, “Hugh B. Brown—Youthful Veteran” New Era, tháng Tư năm 1976, 16).

Trong nhiều trường hợp, việc chọn bị phật lòng là một dấu hiệu của căn bệnh thuộc linh sâu xa và trầm trọng hơn. Thomas B. Marsh tự để cho mình bị tác động, và kết quả cuối cùng là sự bội giáo và nỗi khốn khổ. Brigham Young là một tác nhân đã sử dụng quyền tự quyết của mình và hành động theo các nguyên tắc đúng đắn, và ông đã trở thành một công cụ mạnh mẽ trong tay Chúa.

Đấng Cứu Rỗi là tấm gương vĩ đại nhất về cách thức chúng ta phải đối phó với những sự kiện hoặc tình huống có thể làm phật lòng.

“Và thế gian, vì sự bất chính của mình, sẽ xét đoán Ngài như một người hư không; vậy nên, họ quất Ngài bằng roi, Ngài hứng chịu cho họ quất; họ đánh đập Ngài, Ngài hứng chịu cho họ đánh đập. Phải, họ khạc nhổ vào Ngài, Ngài cũng hứng chịu cho họ khạc nhổ, vì lòng thương yêu nhân từ và sự nhịn nhục của Ngài đối với con cái loài người” (1 Nê Phi 19:9).

Nhờ vào quyền năng củng cố của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, các anh chị em và tôi có thể được ban phước để tránh và chiến thắng việc bị phật lòng. “Phàm kẻ nào yêu mến luật pháp Chúa được bình yên lớn; chẳng có sự gì gây cho họ sa ngã” (Thi Thiên 119:165).

Một Chỗ để học hỏi của Thánh Hữu Ngày Sau

Khả năng để chiến thắng việc bị phật lòng dường như có thể vượt ra ngoài tầm tay của chúng ta. Tuy nhiên, khả năng này không dành riêng hoặc chỉ giới hạn cho các vị lãnh đạo lỗi lạc trong Giáo Hội giống như Brigham Young. Tính chất thật sự của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Chuộc là nhằm giúp chúng ta nhận được chính xác loại sức mạnh thuộc linh này.

Phao Lô đã dạy Các Thánh Hữu ở Ê Phê Sô rằng Đấng Cứu Rỗi thiết lập Giáo Hội của Ngài “để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Ky Tô,

“Cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Ky Tô” (Ê Phê Sô 4:12–13).

Xin lưu ý đến việc sử dụng chữ trọn vẹn đầy chủ động đó. Như đã được Anh Cả Neal A. Maxwell mô tả, Giáo Hội không phải là “một căn nhà thoải mái được ban cho những người đã được toàn hảo” (“A Brother Offended,” Ensign, tháng Năm năm 1982, 38). Đúng hơn, Giáo Hội là một nơi để học hỏi và một nơi đào tạo mà chúng ta nhận được kinh nghiệm khi chúng ta thực tập với nhau trong tiến trình đang tiếp diễn của “việc làm Các Thánh Hữu được trọn vẹn.“

Anh Cả Maxwell cũng giải thích một cách sâu sắc rằng trong chỗ để học hỏi của Các Thánh Hữu Ngày Sau này được biết là Giáo Hội phục hồi thì các tín hữu thiết lập “đề tài nghiên cứu tìm hiểu” (xin xem “Jesus, the Perfect Mentor,” Ensign, tháng Hai năm 2001, 13) mà thiết yếu cho sự tăng trưởng và phát triển. Một người giảng viên thăm viếng học hỏi về bổn phận của mình khi người ấy phục vụ và yêu thương các chị em Hội Phụ Nữ. Một thầy giảng thiếu kinh nghiệm học được những bài học đáng giá khi người ấy giảng dạy cho các học viên có sự hỗ trợ lẫn lơ là, và do đó sẽ trở thành một giảng viên hữu hiệu. Và một vị giám trợ mới sẽ học cách làm giám trợ qua sự soi dẫn và sự làm việc với các tín hữu tiểu giáo khu là những người hết lòng tán trợ ông, dù họ nhận thấy sự yếu kém nơi con người của ông.

Việc hiểu được rằng Giáo Hội là một nơi để học hỏi giúp chúng ta chuẩn bị cho một thật tế không thể tránh được. Trong một phương diện và vào một thời điểm nào đó, một người nào đó trong Giáo Hội này sẽ làm hoặc nói một điều gì mà có thể được xem là điều làm phật lòng. Một sự kiện như vậy chắc chắn sẽ xảy ra cho mỗi một người chúng ta—và nó chắc chắn sẽ xảy ra hơn một lần. Mặc dù có lẽ người ta không có ý gây tổn thương hay làm phật lòng chúng ta nhưng họ có thể là thiếu thận trọng và không lịch thiệp.

Các anh chị em và tôi không thể kiểm soát ý định hoặc hành vi của những người khác. Tuy nhiên, chúng ta quyết định được cách thức mà chúng ta sẽ hành động. Xin hãy nhớ rằng các anh chị em và tôi là các tác nhân được ban cho quyền tự quyết về đạo đức và chúng ta có thể chọn không để cho bị phật lòng.

Trong thời kỳ chiến tranh nguy hiểm, một sự trao đổi thư từ giữa Mô Rô Ni, tổng lãnh binh của quân đội Nê Phi, với Pha Hô Ran, trưởng phán quan và quan cai trị toàn xứ. Mô Rô Ni, mà quân đội của ông đang thiếu sự hỗ trợ từ chính phủ, đã viết thư cho Pha Hô Ran “để lên án” (An Ma 60:2) và nghiêm khắc buộc tội ông đã thờ ơ, chậm trễ và cẩu thả. Pha Hô Ran đáng lẽ đã dễ dàng phẫn nộ đối với Mô Rô Ni và bức thư của Mô Rô Ni nhưng ông đã chọn không để bị phật lòng. Pha Hô Ran trả lời một cách đầy trắc ẩn và mô tả về cuộc nổi loạn chống chính phủ mà Mô Rô Ni không hay biết. Và rồi ông đã trả lời: “Này, tôi nói cho anh hay, hỡi anh Mô Rô Ni, tôi không vui sướng trong những nỗi đau khổ lớn lao của anh, phải, nó đã làm cho tâm hồn tôi phiền muộn… . Và giờ đây, trong bức thư của anh, anh đã chỉ trích tôi, nhưng việc đó không quan hệ gì; tôi không tức giận, trái lại tôi rất sung sướng về lòng cao thượng của tâm hồn anh” (An Ma 61:2, 9).

Một trong những điều quan trọng nhất mà cho thấy sự trưởng thành thuộc linh của chúng ta là trong cách thức mà chúng ta đối phó với các hành động yếu kém, thiếu kinh nghiệm và có thể gây tổn thương của những người khác. Một sự việc, một sự kiện hoặc một sự diễn đạt có thể làm phật lòng nhưng các anh chị em và tôi có thể chọn không để cho bị phật lòng—và nói như Pha Hô Ran: “việc đó không quan hệ gì.”

Hai Lời Mời

Tôi kết thúc bài nói chuyện của mình với hai lời mời.

Lời mời thứ nhất

Tôi xin mời các anh chị em hãy học hỏi và áp dụng những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi về những sự tương tác và những đoạn mà có thể được hiểu là làm phật lòng.

“Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân cận, và hãy ghét kẻ thù nghịch mình.

“Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi,

“Nếu các ngươi yêu những kẻ yêu mình, thì có được thưởng gì đâu nhưng kẻ thâu thuế há chẳng làm như vậy sao?

“Lại nếu các ngươi tiếp đãi anh em mình mà thôi, thì có là gì hơn ai? Người ngoài há chẳng làm như vậy sao?

“Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn” (Ma Thi Ơ 5:43–44; 46–48).

Thật là thú vị khi lời khuyên “các ngươi hãy nên trọn vẹn” đi ngay trước lời khuyên về cách thức chúng ta nên hành động để đáp ứng với những hành vi sai trái và làm phật lòng. Rõ ràng là những điều đòi hỏi nghiêm khắc mà dẫn đến việc làm cho Các Thánh Hữu được trọn vẹn gồm có những sự chỉ định mà thử thách chúng ta. Nếu một người nói hoặc làm một điều gì đó mà chúng ta cho là làm phật lòng thì bổn phận đầu tiên của chúng ta là phải từ chối không để cho bị phật lòng và rồi nói chuyện riêng, một cách thành thật và trực tiếp với người đó. Cách thức như thế mời gọi sự soi dẫn từ Đức Thánh Linh và để cho những sự hiểu lầm được giải tỏa và ý định chân thành được thông cảm.

Lời mời thứ hai

Nhiều người trong số những cá nhân và gia đình mà đa số cần nghe sứ điệp này về việc chọn không để cho bị phật lòng thì có lẽ không tham dự với chúng ta trong đại hội này hôm nay. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều quen thuộc với các tín hữu đang xa lánh nhà thờ vì họ đã chọn để bị phật lòng—và là người sẽ được phước nếu trở lại.

Xin các anh chị em thành tâm nhận ra một người mà các anh chị em sẽ đi thăm và đưa ra lời mời để một lần nữa đến thờ phượng với chúng ta không? Có lẽ các anh chị em có thể chia sẻ bài nói chuyện này với người ấy hoặc các anh chị em có thể thích thảo luận các nguyên tắc mà chúng ta đã ôn lại ngày hôm nay. Và xin nhớ rằng một lời yêu cầu như thế cần phải được đưa ra trong cách thức đầy yêu thương và hiền lành—chứ không phải trong tinh thần tự mãn, tự cao và kiêu ngạo.

Khi chúng ta đáp ứng lời mời này với đức tin nơi Đấng Ky Tô thì tôi làm chứng và hứa rằng sẽ có người lắng nghe, sẽ có sự thúc giục để chúng ta có thể nói, Đức Thánh Linh sẽ làm chứng về lẽ thật vĩnh cửu và lửa chứng ngôn sẽ được nhóm lên.

Với tư cách là tôi tớ của Ngài, tôi lặp lại những lời của Đức Thầy khi Ngài phán: “Ta bảo các ngươi những điều đó, để cho các ngươi khỏi vấp phạm” (Giăng 16:1). Tôi làm chứng về sự xác thực và thiên tính của Đấng Cứu Rỗi hằng sống và về quyền năng của Ngài để giúp chúng ta tránh và khắc phục được việc bị phật lòng. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.