2006
Chuyện Ba Cái Khăn Lông và Tờ Báo 25 Xu
Tháng Mười Một năm 2006


Chuyện Ba Cái Khăn Lông và Tờ Báo 25 Xu

Khi chúng ta trung thành với các nguyên tắc thiêng liêng của tính lương thiện và sự liêm chính thì chúng ta trung thành với đức tin của mình và chúng ta chân thật với bản thân mình.

Trước mặt cử tọa đông đảo này và với một chút dè dặt, tôi đưa ra lời thú nhận cá nhân của tôi, làm lời giới thiệu cho một đề tài mà đã đè nặng trong tâm trí tôi trong một thời gian. Năm 1955, sau năm học thứ nhất ở đại học, tôi làm việc trong mùa hè tại khách sạn Jackson Lake Lodge mới khai trương và tọa lạc tại Moran, Wyoming. Phương tiện di chuyển của tôi là chiếc xe hơi Hudson 14 tuổi, đời 1941 mà đáng lẽ phải bị phế thải 10 năm về trước. Trong số những đặc điểm khác để nhận diện chiếc xe, thì sàn xe đã bị han gỉ nhiều đến nỗi nếu không có một miếng gỗ dán, thì tôi có lẽ đã thật sự phải lê đôi chân của mình trên xa lộ. Điều tốt là không giống như đa số các chiếc xe 14 tuổi khác trong thời kỳ này, nó không dùng dầu—rất nhiều nước trong bộ tản nhiệt, nhưng không cần dầu. Tôi không thể nào hiểu được nước chảy đi đâu và tại sao dầu tiếp tục càng ngày càng lỏng và càng ngày càng trong.

Để chuẩn bị lái 298 cây số về nhà vào cuối mùa hè, tôi mang chiếc xe đến một người thợ máy độc nhất ở Moran. Sau một hồi phân tích nhanh chóng, người thợ máy giải thích rằng cái máy xe bị nứt và đang chảy nước vào dầu. Điều đó giải thích điều bí mật về nước và dầu. Tôi tự hỏi nếu tôi có thể để cho nước rỉ vào bình xăng thì tôi sẽ đi được nhiều cây số đường mà không tốn nhiều xăng không.

Giờ đây là lời thú nhận: sau cái phép lạ được trở về nhà, cha tôi đi ra và mừng rỡ đón tôi. Sau một cái ôm và một vài lời pha trò, ông nhìn vào cái ghế sau của chiếc xe và thấy ba cái khăn lông của Jackson Lake Lodge—loại khăn lông mà ta không thể mua được. Với ánh mắt thất vọng, ông chỉ nói: “Cha kỳ vọng nhiều ở con hơn.” Tôi không hề nghĩ rằng điều tôi làm đều sai cả. Đối với tôi, những cái khăn lông này chỉ là vật tượng trưng cho việc làm suốt mùa hè tại một khách sạn sang trọng, một quyền để có được vật lưu niệm. Tuy nhiên, khi lấy những cái khăn đó, tôi cảm thấy rằng tôi đã mất đi sự tin cậy và tin tưởng của cha tôi và tôi thấy rất buồn lòng.

Những ngày cuối tuần tiếp theo, tôi chỉnh lại cái sàn xe, đổ nước đầy bộ tản nhiệt và bắt đầu cuộc hành trình khứ hồi 595 cây số trở lại Jackson để trả lại ba cái khăn lông. Cha tôi chẳng bao giờ hỏi tôi lý do tại sao tôi quay trở lại Jackson, và tôi cũng chẳng bao giờ giải thích. Điều đó không cần thiết phải nói ra. Đây là một bài học đắt tiền và đau đớn về tính lương thiện mà ở lại với tôi suốt đời.

Buồn thay, một số giá trị lớn lao nhất đã bị mất đi trong thế giới ngày nay là tính lương thiện và sự liêm chính. Trong vài năm qua, con số các nhà kinh doanh ngày càng gia tăng đã bộc lộ tính bất lương và những hình thức thối nát khác. Kết quả là hằng chục ngàn nhân viên trung kiên, lâu năm đã bị mất kế sinh nhai và lương hưu của họ. Đối với một số người, điều này đã đưa đến việc mất nhà cửa, thay đổi học vấn, và những kế hoạch khác trong đời. Chúng ta đọc và nghe nói đến sự gian lận lan rộng trong trường học của chúng ta, với mối quan tâm nhiều về việc nhận được một điểm số hoặc bằng cấp hơn là việc học hỏi và chuẩn bị. Chúng ta nghe nói đến những sinh viên đã gian lận trong suốt thời gian họ theo học trường y khoa và giờ đây đang thực hiện những cuộc giải phẫu phức tạp cho các bệnh nhân của họ. Những người lớn tuổi và những người khác là nạn nhân của những người gian lận, lừa đảo, thường đưa đến việc mất nhà cửa hay tiền tiết kiệm. Tính bất lương và sự thiếu liêm chính này luôn luôn được dựa vào sự tham lam, kiêu ngạo và vô lễ.

Chúng ta đọc trong Châm Ngôn: “Môi miệng nói dối giả lấy làm gớm ghiếc cho Đức Giê Hô Va; Song ai ăn ở trung thành được đẹp lòng Ngài” (Châm Ngôn 12:22).

Khi nói về những người dân La Man được cải đạo và được gọi là dân An Ti Nê Phi Lê Hi, Mặc Môn đã viết: “Và họ được tính vào số những người dân Nê Phi và cũng được tính vào số dân Giáo Hội của Thượng Đế. Và họ cũng được nổi tiếng về lòng nhiệt thành đối với Thượng Đế và luôn cả đối với đồng loại nữa; và quả họ là những người hết sức lương thiện và ngay chính trong tất cả mọi việc; và họ vững chắc trong đức tin nơi Đấng Ky Tô cho đến cùng” (An Ma 27:27; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Cách đây khoảng ba mươi năm, trong khi làm việc trong thế giới tập đoàn các công ty, một số người cộng tác kinh doanh và tôi đi ngang qua Phi Trường O’Hare ở Chicago, Illinois. Một trong số những người đó mới vừa bán công ty của mình được mười triệu Mỹ kim—nói cách khác, người này không nghèo.

Khi chúng tôi đi ngang qua một máy bán báo, thì người này bỏ hai mươi lăm xu vào máy, mở cửa với tới đống báo nằm ở trong máy, và bắt đầu phân phát cho mỗi người chúng tôi những tờ báo chưa trả tiền. Khi người này đưa một tờ báo cho tôi, tôi bỏ hai mươi lăm xu vào máy và, cố gắng không làm mất lòng người này bằng cách nói đùa: “Này Jim, với 25 xu tôi có thể duy trì tính liêm chính của mình. Một Mỹ kim thì khó để duy trì tính liêm chính, chứ 25 xu thì không—không, nhất định 25 xu thì không khó.” Các anh chị em thấy đó, tôi nhớ rõ kinh nghiệm về ba cái khăn lông và chiếc xe hơi xộc xệch Hudson đời 1941. Một vài phút sau đó, chúng tôi bước ngang qua cũng cái máy bán báo đó. Tôi thấy Jim rời khỏi nhóm và đang bỏ những đồng xu vào máy bán báo. Tôi kể cho các anh chị em nghe về sự kiện này không phải để tự đề cao là một tấm gương lương thiện đặc biệt mà chỉ nhằm nhấn mạnh các bài học về ba cái khăn lông và tờ báo 25 xu.

Sẽ không bao giờ có sự lương thiện trong thế giới kinh doanh, trong trường học, trong nhà hoặc bất cứ nơi nào khác nếu không có sự lương thiện trong lòng.

Các bài học quan trọng và giữ được lâu dài thường được giảng dạy qua những ví dụ giản dị—có lẽ giản dị như ba cái khăn lông hoặc tờ báo 25 xu. Tôi tự hỏi thế giới sẽ ra sao nếu những bài học giản dị về tính lương thiện đã được giảng dạy ở nhà vào lúc tuổi còn thơ, những bài học giản dị như “Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình” (xin xem Ma Thi Ơ 22:39; Mác 12:31) và “Hãy làm điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ” (xin xem Ma Thi Ơ 7:12; Lu Ca 6:31). Tôi tự hỏi tình trạng của hằng ngàn nhân viên bị sa thải sẽ như thế nào ngày nay với lương hưu của họ bị mất nếu một số nhà kinh doanh cấp cao đã có được những kinh nghiệm lúc còn thơ với ba cái khăn lông hoặc tờ báo 25 xu.

Tính lương thiện là nền tảng của cuộc sống Ky Tô hữu thật sự. Đối với Các Thánh Hữu Ngày Sau, tính lương thiện là một đòi hỏi quan trọng để bước vào đền thờ thánh của Chúa. Tính lương thiện là phần cơ bản trong các giao ước mà chúng ta lập trong đền thờ. Mỗi Chúa Nhật khi dự phần biểu tượng thiêng liêng của thịt và máu của Đấng Cứu Rỗi thì chúng ta tái lập một lần nữa các giao ước cơ bản và thiêng liêng của mình—mà gồm có tính lương thiện. Là Các Thánh Hữu Ngày Sau, chúng ta có bổn phận thiêng liêng không những để giảng dạy các nguyên tắc lương thiện mà còn sống theo các nguyên tắc này, có lẽ với những ví dụ giản dị như ba cái khăn lông hoặc tờ báo 25 xu. Tính lương thiện phải thuộc trong số những giá trị đạo đức cơ bản nhất mà chi phối cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Khi chúng ta trung thành với các nguyên tắc thiêng liêng của tính lương thiện và sự liêm chính thì chúng ta trung thành với đức tin của mình và chúng ta chân thật với bản thân mình.

Tôi cầu nguyện rằng là Các Thánh Hữu Ngày Sau chúng ta sẽ được tính vào số những người lương thiện nhất trên thế giới. Và điều đó có thể nói về chúng ta như đã nói về những người dân An Ti Nê Phi Lê Hi là “hết sức lương thiện và ngay chính trong tất cả mọi việc; và … vững chắc trong đức tin nơi Đấng Ky Tô cho đến cùng” (An Ma 27:27). Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.