2006
Tình Thương Yêu Bao La và Kỳ Diệu
Tháng Mười Một năm 2006


“Tình Thương Yêu Bao La và Kỳ Diệu”

Đức tin giống như của một đứa trẻ nơi tình thương yêu trọn vẹn của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô sẽ “đánh tan” những cái bẫy của Sa Tan về sự không thích đáng, sự không toàn hảo và tội lỗi.

Các trẻ em với đức tin thuần khiết nói rằng: “Chúng tôi tin nơi Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, và nơi Con của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, và nơi Đức Thánh Linh.”1 Nhưng đôi khi giới trẻ và những người lớn không cảm thấy được quyền năng của lời nói giản dị này.

Sa Tan là “kẻ thù của mọi sự ngay chính”;2 do đó nó đã gieo nghi ngờ về thiên tính của Thiên Chủ Đoàn và mối quan hệ của chúng ta với Các Ngài. Chúa Giê Su Ky Tô đã tiên tri rằng trong những ngày sau cùng ngay cả những người được chọn cũng bị lừa gạt.3 Hãy xem xét ba ví dụ về cách thức Lu Xi Phe đang “dựng lên những chiếc bẫy để sập bắt những thánh nhân của Thượng Đế.”4

Cái bẫy của sự không thích đáng giả tạo. Một người trẻ tuổi trung tín cảm thấy không thể đáp ứng những kỳ vọng của những người khác. Ở nhà và tại trường học, cô ta ít khi được khen ngợi và thường bị chỉ trích. Giới truyền thông nổi tiếng nói với cô ta rằng cô ta không đủ xinh đẹp hoặc đủ nhanh nhẹn. Mỗi ngày cô gái ngay chính này hỏi mình có phải là một người xứng đáng với tình yêu thương của Cha Thiên Thượng, sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi hoặc sự hướng dẫn liên tục của Thánh Linh không.

Cái bẫy của sự không toàn hảo quá đáng. Một người truyền giáo nổi bật cảm thấy không thể đáp ứng những kỳ vọng của Thượng Đế. Trong tâm trí của mình, người anh cả xứng đáng này tưởng tượng ra một Cha Thiên Thượng nghiêm khắc đề ra công lý bất di bất dịch, một Đấng Cứu Rỗi có thể tẩy sạch những sự phạm tội của những người khác nhưng không thể tẩy sạch những sự phạm tội của anh cả này, và một Đức Thánh Linh không sẵn lòng đồng hành với một người không toàn hảo.

Cái bẫy của sự mặc cảm tội lỗi không cần thiết. Một phụ nữ trung niên là một người mẹ tận tâm, một người bạn nhân từ, một tôi tớ trung tín của Giáo Hội, và một người đi đền thờ thường xuyên. Nhưng trong lòng mình, chị này không thể tha thứ cho mình khỏi những tội lỗi phạm cách đây nhiều năm mà chị đã hối cải và đã được hoàn toàn giải quyết với các vị lãnh đạo chức tư tế. Chị nghi ngờ rằng cuộc sống của chị sẽ không bao giờ được Chúa chấp nhận và đã đánh mất hy vọng về cuộc sống vĩnh cửu nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng.

Nếu các anh chị em có bất cứ ý nghĩ và cảm nghĩ nào tương tự như Các Thánh Hữu tốt lành này thì tôi xin mời các anh chị em hãy trở nên như một trẻ nhỏ và cảm nhận lại “tình thương yêu bao la và kỳ diệu mà Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con đã biểu hiện qua sự giáng thế của Đấng Cứu Chuộc.”5 Đức tin giống như của một đứa trẻ nơi tình thương yêu trọn vẹn của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô sẽ “đánh tan”6 những cái bẫy của Sa Tan về sự không thích đáng, sự không toàn hảo và tội lỗi.

Sách Châm Ngôn dạy rằng: “Vì hắn tưởng trong lòng thể nào, thì hắn quả thể ấy.”7 Tôi xin đề nghị—ngoài những lời cầu nguyện thường xuyên, học hỏi thánh thư và đi nhà thờ và đền thờ—năm điều thay đổi cho những ý nghĩ và tấm lòng của các anh chị em để cảm nhận một cách trọn vẹn hơn tình yêu thương dịu dàng của Thượng Đế.

Trước hết, xin hãy xem mình là một đứa con quý báu của Cha Thiên Thượng nhân từ. Con cái của chúng ta hát với sự tin tưởng rằng: “Tôi là con Đức Chúa Cha, Ngài đã gửi tôi đến đây.”8 Các trẻ nhỏ cảm thấy và biết điều mà có lẽ các anh chị em đã quên. Các anh chị em là con trai hay con gái yêu dấu của Cha Thiên Thượng, được tạo ra “theo hình ảnh Ngài,”9 và có một giá trị lớn lao—đến nỗi Chúa Giê Su Ky Tô đã phó mạng sống của Ngài cho các anh chị em.

Thượng Đế Đức Chúa Cha đầy lòng thương xót và có tình thương yêu vô tận đối với các anh chị em bất chấp những lỗi lầm của các anh chị em. Chỉ tiếng nói của Sa Tan mới sẽ khiến cho các anh chị em cảm thấy không có giá trị. Trái lại, Đức Thánh Linh sẽ khiến cho các anh chị em cảm thấy “buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời”10 để hối cải trong một cách thức mà các anh chị em được tràn đầy hy vọng về sự thay đổi tích cực.

Khi các anh chị em cảm thấy vô dụng, “hãy ghi nhớ rằng dưới mắt của Thượng Đế thì giá trị của con người rất lớn lao.”11 Hãy kiềm chế không nghĩ hoặc nói đi nói lại những lời tiêu cực về bản thân mình—có một sự khác biệt rõ ràng giữa sự khiêm nhường với sự sỉ nhục. Hãy nhận ra và sử dụng những tài năng độc đáo của mình hơn là chăm chú vào những yếu kém của các anh chị em.

Thứ nhì, đặt các gánh nặng của các anh chị em lên trên Chúa Giê Su Ky Tô. Khi các anh chị em cảm thấy lòng tràn ngập những kỳ vọng và những thử thách thì đừng lâm chiến một mình. Hãy theo gương của các trẻ nhỏ và quỳ xuống cầu nguyện.

Chúa Giê Su Ky Tô đã truyền lệnh cho chúng ta: “Hãy hướng về ta trong mọi ý nghĩ; chớ nghi ngờ, và sợ hãi.”12 Nỗi nghi ngờ, sợ hãi và lo âu cho thấy rằng chúng ta đã tự mang lấy tất cả các gánh nặng và lo lắng. Khi bị quấy rầy bởi những ý nghĩ rằng các anh chị em không thích đáng thì hãy nói một cách tự tin rằng: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi.”13 Rồi thì khi các anh chị em “vui vẻ làm mọi công việc trong tầm khả năng của [mình],”14 thì các anh chị em có thể chắn chắn rằng Chúa sẽ làm những điều còn lại và mọi việc sẽ được tốt đẹp.

Đấng Cứu Rỗi đã hứa: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.”15 Khi “trao gánh nặng của mình cho Đức Giê Hô Va,”16 thì các anh chị em sẽ cảm nhận được sự bình an của Thánh Linh.17

Thứ ba, hãy tha thứ cho mình về những tội lỗi và những điều không toàn hảo. Cha Thiên Thượng không trông mong rằng các anh chị em sẽ trở nên toàn hảo trọn vẹn trong cuộc sống này. Ngài biết con cái của Ngài sẽ làm lầm lỗi khi họ học hỏi từ kinh nghiệm trong cuộc sống hữu diệt. Nhưng “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi”18 kế hoạch hạnh phúc của Ngài đã cung ứng một Đấng Cứu Rỗi đầy lòng thương xót.

Chúa Giê Su phán: “Ta, là Chúa, sẽ tha thứ cho ai mà ta muốn tha thứ, nhưng các ngươi đòi hỏi phải biết tha thứ tất cả mọi người.”19 Hãy bắt đầu với bản thân mình trước và cũng tha thứ cho những người khác. Nếu Thượng Đế sẽ không còn nhớ đến tội lỗi đã được hối cải của chúng ta nữa,20 thì tại sao chúng ta lại còn nhớ? Hãy tránh lãng phí thời giờ và nghị lực trong việc hồi tưởng lại dĩ vãng.

Để tha thứ cho mình và cho những người khác, các anh chị em phải tin cậy vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Tiên tri Giê Nốc đã cầu nguyện: “Hỡi Chúa, Ngài đã tức giận dân này vì họ không hiểu những sự thương xót mà Ngài đã ban cho họ, vì Vị Nam Tử của Ngài.”21 Cha Thiên Thượng của chúng ta rất buồn phiền khi chúng ta giới hạn quyền năng của sự hy sinh chuộc tội của Vị Nam Tử của Ngài. Khi sử dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, các anh chị em có thể “cất bỏ tội lỗi.”22 Nếu tội lỗi vẫn còn tồn tại sau khi chân thành hối cải thì hãy tin nơi các vị lãnh đạo chức tư tế của các anh chị em khi họ nói rằng các anh chị em là xứng đáng.23

Thứ tư, duy trì hy vọng về cuộc sống vĩnh cửu. Nếu các anh chị em tưởng tượng rằng các tội lỗi, những lỗi lầm và các quyết định tệ hại trước đây của mình ngăn cản không cho các anh chị em tiếp nhận tất cả các phước lành của Thượng Đế thì hãy suy ngẫm kinh nghiệm của An Ma Cha. Khi nói về những năm tháng thời thanh xuân của mình khi là một thầy tư tế xấu xa của Vua Nô Ê tà ác, An Ma đã thừa nhận: “Chính tôi cũng đã từng bị rơi vào cạm bẫy và đã làm nhiều điều khả ố trước mặt Chúa, khiến tôi hối hận vô cùng.”24 Vậy mà sự hối cải của An Ma đã trọn vẹn và Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô đã vô tận đến nỗi An Ma trở thành một vị tiên tri và được hứa ban cho cuộc sống vĩnh cửu.25 Khi hết sức vâng lời và hối cải, các anh chị em cũng có thể nhận được một chỗ trong thượng thiên giới nhờ vào Sự Chuộc Tội và ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô.26

Thứ năm, tìm ra niềm vui mỗi ngày. Một nguồn vui là sự phục vụ, vì khi các anh chị em bận rộn giúp đỡ những người khác thì các anh chị em sẽ có ít khả năng hơn để đau khổ về những khuyết điểm của mình. Đấng Cứu Rỗi đã dạy một cách khôn ngoan: “Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta và đạo Tin Lành mà mất sự sống, thì sẽ cứu.”27

Các anh chị em sẽ có được niềm vui lớn lao hơn trong đời khi các anh chị em loại bỏ tính bi quan gia tăng với tuổi đời và thay vào đó tính lạc quan giống như trẻ con. Tính lạc quan là một đức tính mà để cho chúng ta thấy được bàn tay yêu thương của Thượng Đế trong những điều nhỏ nhặt của cuộc sống chúng ta. Một bài thánh ca rất được ưa thích đã dạy: “Hãy đếm nhiều phước lành của mình; Để thấy Thượng Đế đã làm những gì.”28

Tôi làm chứng về Cha Thiên Thượng, là Đấng trong tình thương yêu bao la và kỳ diệu đã tìm đến với mỗi con cái của Ngài. Tôi chia sẻ chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky, Đấng có “quyền năng cứu rỗi”29 chúng ta khỏi những sự không thích đáng, những sự không toàn hảo và tội lỗi của chúng ta. Tôi làm chứng về Đức Thánh Linh, là Đấng sẽ đi cùng người không toàn hảo nhưng biết hối cải. Đối với các anh chị em là Các Thánh Hữu trung tín và xứng đáng mà đang vất vả chống lại những cái bẫy ngày sau của quỷ dữ,30 thì “cầu xin Thượng Đế khiến cho gánh nặng của [các anh chị em] sẽ được nhẹ đi, qua sự vui mừng về Vị Nam Tử của Ngài.”31 Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Những Tín Điều 1:1.

  2. An Ma 34:23; xin xem thêm Công Vụ Các Sứ Đồ 13:10; Mô Si A 4:14; Mô Rô Ni 9:6.

  3. Xin xem Ma Thi Ơ 24:24; xin xem thêm Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1:22, 37.

  4. An Ma 10:17.

  5. GLGƯ 138:3.

  6. Hê La Man 3:29.

  7. Châm Ngôn 23:7.

  8. “Tôi Là Con Đức Chúa Cha,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 58.

  9. Sáng Thế Ký 1:27; xin xem thêm An Ma 22:12; Ê The 3:15–16; GLGƯ 20:17–18; Môi Se 6:8–10; Áp Ra Ham 4:26–27.

  10. 2 Cô Rinh Tô 7:10.

  11. GLGƯ 18:10.

  12. GLGƯ 6:36; xin xem thêm Ê Sai 41:10; Ma Thi Ơ 10:31; Lu Ca 8:50; GLGƯ 50:41; 122:9.

  13. Phi Líp 4:13; xin xem thêm 2 Cô Rinh Tô 12:7–10; Hê Bơ Rơ 11:33–34; 1 Nê Phi 7:12; 17:3; Gia Cốp 4:7; An Ma 26:12; Ê The 12:27.

  14. GLGƯ 123:17.

  15. Ma Thi Ơ 11:28.

  16. Thi Thiên 55:22.

  17. Xin xem Ga La Ti 5:22; xin xem thêm GLGƯ 19:23.

  18. Giăng 3:16.

  19. GLGƯ 64:10.

  20. Xin xem GLGƯ 58:42; xin xem thêm Thi Thiên 25:7; Ê Sai 43:25; Giê Rê Mi 31:34; Hê Bơ Rơ 8:12; 10:17; An Ma 36:19.

  21. An Ma 33:16.

  22. Xin xem Ê Nót 1:3–8; xin xem thêm An Ma 24:10; 36:16–19.

  23. Xin xem Marvin J. Ashton, “On Being Worthy,” Ensign, tháng Năm năm 1989, 20–22.

  24. Mô Si A 23:9.

  25. Xin xem Mô Si A 26:20.

  26. Xin xem Tít 3:7; 1 Phi E Rơ 5:10; 2 Nê Phi 2:6–8; 10:24–25; 25:23; Ê Nót 1:27; Mô Rô Ni 7:41; GLGƯ 138:14.

  27. Mác 8:35; xin xem thêm An Ma 36:24–25.

  28. “Đếm Các Phước Lành,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 8.

  29. 2 Nê Phi 31:19; xin xem thêm Ê Sai 63:1; An Ma 7:14; 34:18; GLGƯ 133:47.

  30. Xin xem 2 Ti Mô Thê 2:26.

  31. An Ma 33:23.