2014
Giáo Hội Áp Dụng Các Nguyên Tắc An Sinh trong Việc Khôi Phục ở Philippines
Tháng 2014


Giáo Hội Áp Dụng Các Nguyên Tắc An Sinh trong Việc Khôi Phục ở Philippines

Nhiều tháng sau khi Cơn Bão Haiyan giáng xuống Philippines vào tháng 11 năm 2013, phá hủy gần 1 triệu 200 ngàn căn nhà và làm tử vong hơn 6.200 người, Giáo Hội tiếp tục cứu trợ, chuyển từ những nỗ lực phòng chống thiên tai đến việc cứu trợ dài hạn. Một nỗ lực đặc biệt thành công bao gồm các tình nguyện viên là những người đã học được cách xây cất nhà cho những người vẫn không có nơi nương náu.

Những người trong cộng đồng sau đây bị ảnh hưởng bởi cơn bão là một trong rất nhiều cộng đồng đã bày tỏ lòng biết ơn đối với sự giúp đỡ họ nhận được từ Giáo Hội, mặc dù họ không phải là Các Thánh Hữu Ngày Sau:

  • Một người phụ nữ đã tị nạn tại một giáo đường Mặc Môn trong lúc bão và sau đó đã biết được rằng nhà của người ấy đã bị phá hủy khi mấy cây dừa bị đổ xuống đè lên căn nhà. Người ấy và gia đình mình không có phương tiện để sửa nhà, nhưng các tình nguyện viên đã giúp người ấy xây cất một căn nhà mới, và người ấy hiện đang giúp đỡ một gia đình khác để xây cất một căn nhà. Người ấy nói: “Tôi đã học cách làm việc chung với những người cũng hoạn nạn ở đây, để chúng tôi có thể phục hồi lại từ [cơn bão] với nhau.”

  • Một người đàn ông bị mất việc khi doanh nghiệp mà ông đã làm việc bị tàn phá và ông ấy hiện đang học cách xây cất nhà cho gia đình mình và những người khác. Ông nói thêm rằng ông rất biết ơn về các nỗ lực cứu trợ của Giáo Hội: “Chúng tôi biết là mình cần phải giúp đỡ lẫn nhau để công việc có thể được hoàn thành nhanh hơn.”

Giám Trợ Chủ Tọa Gary E. Stevenson cho biết rằng, cùng với việc chăm sóc cho người nghèo túng, “chúng tôi cũng nhìn thấy nguyên tắc tự lực trong hành động ngay bây giờ, và điều này đáng kinh ngạc.” Ông nói: “Một trong những điều mà chúng ta đang cố gắng làm là cung cấp vật liệu trong khi [những người nhận] cung cấp sức lao động. Bất cứ ai đang nhận được một nơi nương náu thì cũng đang làm việc để xây cất nơi nương náu đó cho chính họ.”

Các vị lãnh đạo Giáo Hội địa phương và những người đại diện tổ chức nhân đạo họp với những người lãnh đạo cộng đồng địa phương để huấn luyện và cấp chứng chỉ hành nghề cho những người đã học kỹ năng làm nghề mộc. Nguồn Quỹ Giáo Dục Luân Lưu đã được sử dụng để mang đến 20 người thợ mộc lành nghề nhằm phụ giúp cuộc huấn luyện, và 2.000 trong số 3.000 căn nhà được dự định đã được hoàn thành.

Các học viên địa phương cho thấy việc học tập của mình bằng cách xây cất 10 nơi nương náu để nhận được giấy chứng nhận của chính phủ và một thùng đồ nghề từ Giáo Hội, cho phép họ tìm kiếm việc làm tốt. Nhu cầu cấp bách về các công nhân xây cất nhiều đến nỗi Các Dịch Vụ Cứu Trợ Công Giáo đã đồng ý tuyển dụng hàng trăm thợ mộc được đào tạo bởi Giáo Hội THNS.

Giám Trợ Stevenson cho biết rằng 500 tín hữu của Giáo Hội đã tham dự một buổi họp nơi mà các vị lãnh đạo Giáo Hội đã mô tả việc huấn luyện và cấp chứng chỉ về việc làm, “và trong khi đang được mô tả về điều này thì họ đã bắt đầu vỗ tay và khóc, biết rằng họ có thể nhìn thấy một con đường … để lo liệu cho gia đình của họ.”

Giáo Hội cũng đã làm việc với một vài tổ chức từ thiện khác cũng như chính phủ Philippines trong một nỗ lực tiếp tục cung cấp thực phẩm, nước, đồ tiếp liệu y khoa, dụng cụ vệ sinh, máy phát điện, dụng cụ xây cất nơi nương náu, dụng cụ nấu ăn, dụng cụ đánh cá, và hạt giống để trồng.

Giáo Hội đã biết được rằng cách hiệu quả nhất để đối phó với thiên tai là làm việc tại địa phương, mua đồ tiếp liệu cần thiết trong các quốc gia bị ảnh hưởng, càng gần nơi xảy ra thiên tai càng tốt. Điều này không những bảo đảm rằng các hàng hóa phù hợp với khu vực, mà còn giúp xây dựng nền kinh tế địa phương suy yếu.

Các tín hữu trên toàn thế giới được khuyến khích nên cầu nguyện cho những người sống trong vùng thiên tai cách xa nơi họ sinh sống, và cân nhắc cách gia tăng những khoản đóng góp của lễ nhịn ăn của họ hoặc hiến tặng cho quỹ nhân đạo của Giáo Hội.