Liahona
3 Nguyên Tắc Hướng Dẫn Sử Dụng Công Nghệ và Phương Tiện Truyền Thông
Tháng Ba năm 2024


“3 Nguyên Tắc Hướng Dẫn Sử Dụng Công Nghệ và Phương Tiện Truyền Thông,” Liahona, tháng Ba năm 2024.

3 Nguyên Tắc Hướng Dẫn Sử Dụng Công Nghệ và Phương Tiện Truyền Thông

Khi công nghệ tiếp tục tiến triển, những phương pháp tiếp cận phương tiện truyền thông này sẽ giúp chúng ta tiến bước trong sự khôn ngoan.

Hình Ảnh
bàn tay đang cầm điện thoại thông minh với một tấm bảng mạch trên màn hình

Công nghệ đang liên tục thay đổi. Và mỗi tiến bộ trong công nghệ đã mang lại những cách thức mới để sử dụng phương tiện truyền thông. Nhà in đã thay đổi đáng kể đối tượng nào có thể tiếp cận những bài viết. Đài phát thanh và truyền hình đã thay đổi đáng kể cách chúng ta truyền đạt tin tức, thông tin và giải trí. Mạng Internet đã thay đổi số lượng nội dung mà chúng ta có thể truy cập và ai có thể tạo ra nội dung đó. Phương tiện truyền thông xã hội đã thay đổi khả năng của chúng ta để tìm kiếm, giao tiếp, và kết nối với mọi người. Khi trí thông minh nhân tạo xuất hiện, chúng ta đang đối phó với những vấn đề mới.

Công nghệ mới không bao giờ là hoàn toàn tốt hoặc xấu cả. Thay vì thế, nó thường giống như một cái kính lúp mà có thể phóng to những cơ hội và mối lo âu mới. Khi chúng ta cố gắng trở nên giống như Đấng Ky Tô hơn, thì phản ứng của chúng ta đối với công nghệ mới và phương tiện truyền thông mà công nghệ đó mang vào cuộc sống của chúng ta là điều quan trọng.

Một Phương Pháp Dựa Trên Nguyên Tắc

Dĩ nhiên, không có bản liệt kê cụ thể các quy tắc để hướng dẫn mỗi quyết định của chúng ta về công nghệ và phương tiện truyền thông. Thay vì thế, chúng ta có thể học các nguyên tắc để giúp hướng dẫn chúng ta đưa ra lựa chọn. Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy: “Các nguyên tắc là vĩnh cửu và chung cho mọi người. Các quy tắc cụ thể hoặc việc áp dụng của các nguyên tắc đó có hiệu quả ở một số nơi nhưng không hiệu quả ở những nơi khác. Điều đoàn kết chúng ta là Chúa Giê Su Ky Tô và các lẽ thật vĩnh cửu mà Ngài đã dạy, ngay cả khi việc áp dụng cụ thể khác nhau theo thời gian và giữa các nền văn hóa.”1

Việc tuân theo các nguyên tắc dựa trên các lẽ thật phúc âm sẽ giúp chúng ta vững bước trên con đường giao ước. Thánh Linh sẽ hướng dẫn chúng ta khi chúng ta cố gắng đưa ra những lựa chọn dựa trên các nguyên tắc đó. Vậy thì những nguyên tắc nào có thể giúp hướng dẫn những lựa chọn của chúng ta về công nghệ và phương tiện truyền thông?

1. Tôi có thể sử dụng quyền tự quyết về mặt đạo đức của mình để lựa chọn cách kiểm soát công nghệ. Nó không được kiểm soát tôi.

Đôi khi có thể cảm thấy như công nghệ đang lấn át cuộc sống của anh chị em. Điều quan trọng cần nhớ là anh chị em có thể lựa chọn để kiểm soát công nghệ. Nó không được kiểm soát anh chị em. Anh chị em có thể chủ động trong việc chọn sử dụng công nghệ và phương tiện truyền thông để làm điều tốt và tìm kiếm những điều “đạo đức, đáng yêu chuộng, hay có tiếng tốt hay đáng khen” (Những Tín Điều 1:13).

Chúa phán: “Ta, là Chúa, có một công việc lớn lao cho ngươi để làm” (Giáo Lý và Giao Ước 112:6). Hãy cân nhắc cách anh chị em có thể sử dụng công nghệ để hoàn thành công việc vĩ đại đó và luôn “thiết tha nhiệt thành với chính nghĩa” (Giáo Lý và Giao Ước 58:27). Anh chị em có thể cần sử dụng công nghệ trong công việc của mình. Anh chị em có thể sử dụng nó để tìm kiếm những hình thức giải trí lành mạnh. Nó có thể giúp anh chị em kết nối với người khác. Và nó có thể giúp anh chị em học hỏi, phát triển, và hoàn thành công việc của Chúa. Tuy nhiên, những mục đích sử dụng khác có thể làm xao lãng, không thích hợp, hoặc có hại. Thay vì để cho công nghệ kiểm soát anh chị em, thì hãy sử dụng sự khôn ngoan và sự hướng dẫn của Thánh Linh để đưa ra lựa chọn nhằm giao cho anh chị em quyền kiểm soát.

2. Khi sử dụng quyền tự quyết về mặt đạo đức của mình để lên kế hoạch, tôi cảm thấy tốt hơn và có những lựa chọn tốt hơn.

Có lẽ anh chị em đã từng trải qua việc đưa ra một lựa chọn liên quan đến công nghệ mà không cảm thấy thỏa đáng. Việc đó có thể liên quan đến phương tiện truyền thông mà anh chị em sử dụng hoặc dành thời gian cho một sinh hoạt nào đó. Thay vì ám ảnh về những lỗi lầm mà anh chị em đã phạm phải, thì sẽ tốt hơn nếu anh chị em tập trung vào việc tiếp tục phát triển. Nếu hoạch định trước, anh chị em sẽ có những lựa chọn tốt hơn so với khi anh chị em đưa ra mọi lựa chọn trong giây lát. Anh chị em có thể tạo ra những hướng dẫn cá nhân dựa trên các tiêu chuẩn phúc âm để giúp mình lựa chọn đúng.

Nếu anh chị em thấy mình đang lạm dụng hoặc sử dụng phương tiện truyền thông quá nhiều, thì hãy can đảm để cố gắng thay đổi. Ví dụ, nếu một số hình thức truyền thông nào đó không truyền cảm hứng hoặc mang lại cảm giác tốt lành, thì hãy điều chỉnh thói quen của anh chị em. Nếu anh chị em đang dùng công nghệ để sử dụng phương tiện truyền thông hoặc thực hiện hành vi mà anh chị em biết là không đúng, thì hãy can đảm để thay đổi—và hãy kiên nhẫn với bản thân trong lúc anh chị em cố gắng thực hiện những thay đổi đó. Hãy nghĩ về một số điều thực tiễn mà anh chị em có thể làm để thay đổi. Ví dụ, nếu anh chị em cảm thấy khó đưa ra quyết định đúng vào những thời điểm nào đó trong ngày, thì hãy hoạch định những thời điểm mà anh chị em sẽ sử dụng hoặc không sử dụng công nghệ.

Tương tự như vậy, nếu anh chị em đang sử dụng công nghệ để củng cố bản thân, kết nối với người khác, và hoàn thành công việc của Chúa, và các anh chị em cảm nhận được Thánh Linh, thì hãy tiếp tục làm những điều đó. Khi anh chị em thực sự thành thật với bản thân về những lựa chọn của mình, thì đức tin nơi Chúa có thể giúp anh chị em sử dụng quyền tự quyết theo những cách thức nhằm giúp các anh chị em cảm thấy tốt hơn và tiếp tục đưa ra những lựa chọn tốt hơn.

3. Tôi có thể sử dụng quyền tự quyết về mặt đạo đức của mình để tạm ngừng sử dụng.

Anh chị em có thể cảm thấy rằng mình liên tục có những câu hỏi về công nghệ và phương tiện truyền thông. Bao nhiêu là quá nhiều? Tôi có nên gia tăng hay giảm bớt việc sử dụng phương tiện truyền thông và công nghệ của mình không? Tôi có đang sử dụng thời giờ của mình một cách khôn ngoan không? Hãy cố gắng đừng để cho những ý nghĩ như vậy làm anh chị em choáng ngợp. Hãy nhớ rằng việc tạm ngừng sử dụng phương tiện truyền thông là điều bình thường. Việc tạm ngừng sử dụng có thể là chọn làm các sinh hoạt không liên quan đến việc nhìn vào màn hình trong một vài giờ hoặc thậm chí không sử dụng một số công nghệ nhất định, chẳng hạn như phương tiện truyền thông xã hội, trong một thời gian dài.

Công nghệ mang đến các phước lành lớn lao để giúp chúng ta tiếp tục kết nối với người khác; tuy nhiên, chỉ vì chúng ta có thể kết nối bất cứ lúc nào không có nghĩa là chúng ta cần phải kết nối bất cứ lúc nào. Chúa nhắc nhở chúng ta: “Hãy yên tâm và hiểu rằng ta là Thượng Đế” (Giáo Lý và Giao Ước 101:16). Hãy đảm bảo rằng anh chị em đang dành thời gian để kết nối với Ngài.

Hãy Sáng Suốt

Khi công nghệ tiếp tục phát triển, tất cả chúng ta đều sẽ phải đưa ra nhiều quyết định. Thay vì tìm đến Giáo Hội để có các quy tắc và bản liệt kê cụ thể, chúng ta có thể tìm đến Cha Thiên Thượng, Đấng Cứu Rỗi, thánh thư, và những lời của các vị tiên tri thời hiện đại để có được các nguyên tắc nhằm giúp chúng ta lựa chọn. Thánh Linh sẽ giúp chúng ta biết những lựa chọn của chúng ta có đúng không. Những lời của Gia Cốp cũng có thể áp dụng vào thời nay như khi ông dạy chúng lần đầu tiên: “Ôi hãy khôn ngoan! Bây giờ tôi còn biết nói gì thêm nữa đây?” (Gia Cốp 6:12).