Liahona
Anh Chị Em Thuộc Vào
Tháng Ba năm 2024


“Anh Chị Em Thuộc Vào,” Liahona, tháng Ba năm 2024.

Các Thành Niên Trẻ Tuổi

Anh Chị Em Thuộc Vào

Chúng ta có được cảm giác thuộc vào khi phát triển một mối quan hệ đầy ý nghĩa với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.

Hình Ảnh
Thượng Đế Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su Ky Tô dang tay ra chào đón những người xung quanh

Chi tiết từ bức tranh Glory in Degrees (Các Mức Độ Vinh Quang), tranh do Annie Henrie Nader họa

Mỗi người chúng ta sinh ra đều có nhu cầu bẩm sinh là được thuộc vào. Một cách tự nhiên, chúng ta mong muốn được thuộc vào trong mối quan hệ của mình với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, tiểu giáo khu, và những người khác trong cuộc sống. Tâm hồn chúng ta dường như có những mong muốn thiêng liêng và nhu cầu sâu xa và thường trực để thuộc vào.

Anh chị em và tôi đã—và vẫn là—một phần trong gia đình vĩnh cửu với Cha Thiên Thượng, rất lâu trước khi chúng ta đến thế gian. Thánh thư mô tả chúng ta là những “kẻ khách và bộ hành trên đất” (Hê Bơ Rơ 11:13; Giáo Lý và Giao Ước 45:13). Khi rời bỏ mái nhà thiên thượng của mình và đến một thế giới đầy hoang mang, cô đơn, và đau khổ, chúng ta có thể cảm thấy mình như những kẻ lang thang, mong muốn có được mái gia đình và các mối quan hệ vĩnh cửu.

Nếu anh chị em đã từng cảm thấy mong nhớ về thiên thượng, có lẽ đó là vì mái gia đình và nguồn gốc thực sự của chúng ta được ràng buộc với Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô. Đó là lý do tại sao là rất quan trọng để có được sự kết nối sâu sắc với hai Ngài. Khi kết nối với hai Ngài qua mối quan hệ giao ước, chúng ta sẽ tìm thấy cảm giác thực sự để thuộc vào mà linh hồn chúng ta khao khát.

Mối Quan Hệ Giao Ước của Chúng Ta với Thượng Đế

Hành động và ý nghĩ của chúng ta phản ảnh những mối quan hệ mà chúng ta quý trọng. Điều này cũng đúng với mối quan hệ giao ước của chúng ta với Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi.

Khi chúng ta quý trọng mối quan hệ giao ước của mình với Thượng Đế, thì mọi chuyện sẽ thay đổi. Thay vì bị ảnh hưởng bởi thế gian, chúng ta chịu ảnh hưởng của Ngài và trở nên giống như Ngài hơn. Cuộc sống của chúng ta bắt đầu có thêm ý nghĩa, cùng sự ổn định và quyền năng thuộc linh. Đột nhiên, “sự thuộc vào” vượt qua giới hạn trần thế của “sự thuộc vào” mà chúng ta thường nghĩ.

Khi mối quan hệ giao ước với Thượng Đế trở thành ưu tiên, thì những điều xao lãng rỗng tuếch của thế gian sẽ mất kiểm soát và chúng ta tìm thấy sự bình an cá nhân và sự thuộc vào đích thực. Trong một thế giới mà thường không có thứ gì là miễn phí, Cha Thiên Thượng nhân từ ban cho các phước lành qua giao ước của Ngài bất kể địa vị của chúng ta trên thế gian này như thế nào (xin xem 2 Nê Phi 9:50–51).

Chủ Tịch Russell M. Nelson dạy một cách tuyệt vời rằng “một khi chúng ta lập giao ước với Thượng Đế, chúng ta từ bỏ vùng trung lập mãi mãi. Thượng Đế sẽ không từ bỏ mối quan hệ của Ngài với những người đã tạo dựng liên kết như vậy với Ngài. Quả thực, tất cả những ai đã lập giao ước với Thượng Đế đều được tiếp cận một tình yêu thương và lòng thương xót đặc biệt.”1

Chúng ta quyết định xem chúng ta có mối quan hệ gần gũi với Thượng Đế không—Ngài luôn luôn kiên định với chúng ta, nhưng chúng ta phải chọn để luôn luôn kiên định với Ngài. Và sự lựa chọn thiêng liêng đó vừa mang lại quyền năng, vừa mang tính giải thoát! Sự lựa chọn này giải thoát chúng ta khỏi những nhận thức sai lầm về bản thân chúng ta và khỏi những xiềng xích hạn chế đến từ những kỳ vọng của thế gian.

Và khi tìm được sự thuộc vào với Cha Thiên Thượng, thì chúng ta có thể nhìn ra bên ngoài và nhìn nhận người khác theo cách của Ngài. Khi tôi hiểu cảm nghĩ của Ngài về tôi, tôi hiểu rõ hơn cảm nghĩ của Ngài về các anh chị em, và khả năng cũng như ước muốn của tôi để tìm đến và quy tụ những người khác trở nên mạnh mẽ hơn.

Hình Ảnh
Đền Thờ Nauvoo vào lúc hoàng hôn

Hình ảnh minh họa Đền Thờ Nauvoo lúc hoàng hôn, do Max D. Weaver thực hiện

Các Giao Ước Mở Ra Các Phước Lành

Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô muốn chúng ta lập giao ước với hai Ngài để hai Ngài có thể ban phước cho chúng ta theo cách chúng ta cần và thay đổi chúng ta theo những cách mà sẽ cho phép chúng ta trở về nơi hiện diện của hai Ngài.

Tôi mời anh chị em hãy đến ngôi nhà của Chúa càng thường xuyên càng tốt. Khi tôi cam kết để đến đó thường xuyên và có chủ ý, tôi nhận được sự giải thoát khỏi thế gian, và những suy nghĩ và bản tính của tôi được nâng cao.

Qua việc tuân giữ các giao ước, chúng ta nhận được quyền năng chức tư tế mà mở ra các phước lành của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống của chúng ta. Các phước lành đó gồm có sự chữa lành, hướng dẫn, bảo vệ, giúp đỡ, củng cố, sự bình an, tầm nhìn, và niềm vui. Cha Thiên Thượng muốn ban cho chúng ta tất cả những điều này qua mối quan hệ giao ước của chúng ta.

Nếu anh chị em chưa nhận được các phước lành của đền thờ, tôi mời anh chị em hãy nghiên cứu các phước lành của đền thờ, quyền năng chức tư tế, các giao ước, và điều Thượng Đế mong muốn cho anh chị em. Đừng chờ đợi để nhận được sự giải thoát, quyền năng, và tình yêu thương của Ngài.

Chủ Tịch Nelson đã nói:

“Tôi xin khuyên nhủ anh chị em đừng đợi cho đến khi kết hôn rồi mới làm lễ thiên ân trong nhà của Chúa. Hãy bắt đầu từ bây giờ tìm hiểu và kinh nghiệm ý nghĩa của việc được trang bị với quyền năng của chức tư tế.

“Và đối với mỗi anh chị em đã lập các giao ước đền thờ, tôi khẩn nài với anh chị em hãy cố gắng—một cách thành tâm và kiên định—để hiểu các giao ước và giáo lễ trong đền thờ. Cánh cửa thuộc linh sẽ mở ra. Anh chị em sẽ học cách vén mở bức màn che ngăn cách thiên thượng và thế gian, cách cầu xin các thiên sứ của Thượng Đế phụ giúp anh chị em và cách tốt hơn để nhận được sự hướng dẫn từ thiên thượng. Các nỗ lực siêng năng của anh chị em để làm như vậy sẽ củng cố thêm nền móng thuộc linh của anh chị em.”2

Sự Thuộc Vào qua Sự Hối Cải

Sự hối cải liên tục là một cách tuyệt vời và mạnh mẽ khác để luôn gần gũi với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Đôi khi chúng ta lầm tưởng rằng nếu chúng ta đang phải hối cải nhiều lần, thì chúng ta đang xa cách hai Ngài. Nhưng ngược lại mới đúng!

Sự hối cải không làm cho anh chị em xa cách hai Ngài hơn—mà nó mang các anh chị em đến gần hai Ngài hơn!

Anh chị em có thể tìm thấy sự thuộc vào lớn lao hơn và một mối quan hệ sâu đậm hơn với hai Ngài khi nỗ lực tìm đến hai Ngài để được giúp đỡ và tha thứ.

Mỗi người chúng ta đều có thể cảm thấy không được hoàn hảo như mong muốn, nhưng tôi không nghĩ rằng Cha Thiên Thượng quan tâm đến điều đó nhiều hơn là quan tâm đến ước muốn và nỗ lực của chúng ta để thử lại lần nữa. Ngài yêu thương chúng ta, Ngài biết chúng ta đang đi đâu, và Ngài sẽ dịu dàng dẫn dắt chúng ta.

Việc thừa nhận những yếu kém và lỗi lầm của chúng ta đòi hỏi việc dễ bị tổn thương, nhưng bằng cách hối cải, chúng ta mời Cha Thiên Thượng đến gần với phần dễ bị tổn thương đó của mình. Sự gần gũi đó cho phép Ngài mở rộng tình yêu thương lớn lao dành cho chúng ta và mang đến sự chữa lành, tha thứ, và an toàn mà chúng ta cần. Chính trong mối liên kết này với Thượng Đế mà chúng ta phát triển sự tin cậy và tìm thấy sự khích lệ và thuộc vào đích thực.

Hình Ảnh
Sự Sáng Tạo

The Creation (Sự Sáng Tạo), tranh do Annie Henrie Nader họa

Tìm Kiếm Quan Điểm Cao Hơn

Quan điểm của chúng ta có thể góp phần vào cảm giác thuộc vào của chúng ta trong Giáo Hội của Chúa. Chúng ta có thể chọn quan điểm rằng hành động của chính mình có thể giúp tiểu giáo khu, Hội Phụ Nữ, hoặc nhóm túc số các anh cả của chúng ta trở thành một nơi yêu thương để thuộc vào. Việc tìm cách giúp đỡ người khác thực sự gia tăng cảm giác thuộc vào của chúng ta.

Vì anh chị em là con của Thượng Đế, nên anh chị em thuộc vào—bất kể quan điểm của người khác đối với anh chị em hoặc quan điểm của anh chị em đối với bản thân như thế nào. Kế hoạch hạnh phúc của Đức Chúa Cha là dành cho anh chị em, và anh chị em đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch đó. Mỗi người trong các anh chị em có khả năng đóng góp độc đáo và thuộc vào vương quốc của Thượng Đế, bất kể tình trạng hôn nhân, học vấn, hoặc hoàn cảnh của anh chị em như thế nào.

Tôi đã nhiều lần nghĩ rằng các cụm từ “những người thành niên trẻ tuổi độc thân,” “những người thành niên trẻ tuổi,” và “những người thành niên độc thân” không phải là con người thực sự của các anh chị em. Đây là những thuật ngữ nhân khẩu học để giúp mô tả tuổi tác và tình trạng hôn nhân, nhưng chúng không đủ để mô tả về nguồn gốc, mục đích và khả năng vĩnh cửu đích thực.

Những sự gán ghép hoặc so sánh có thể giới hạn cách chúng ta nhìn nhận bản thân, giá trị và tiềm năng của mình trong vương quốc của Thượng Đế. Sự thật là anh chị em là các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Anh chị em đã lập các giao ước với Thượng Đế. Anh chị em có quyền tiếp cận quyền năng chức tư tế của Ngài. Anh chị em là thành viên của Hội Phụ Nữ hoặc nhóm túc số các anh cả. Như Chủ Tịch Nelson đã dạy, anh chị em là con cái của Thượng Đế, con cái giao ước, và môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô. Đó là bản chất thực sự, đầu tiên và trên hết, của anh chị em, và đó là điều sẽ “dẫn dắt các [anh chị em] hướng tới cuộc sống vĩnh cửu trong vương quốc thượng thiên của Thượng Đế.”3

Phúc âm đã được phục hồi qua một vị tiên tri–thành niên trẻ tuổi–Joseph Smith. Đó là một ý nghĩ mạnh mẽ để suy ngẫm. Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô đã giao phó cho Vị Tiên Tri và những người cộng sự của ông vào thời điểm đó để phục hồi Giáo Hội. Thượng Đế cũng tin cậy rằng các anh chị em là một phần của công việc vĩ đại trong những ngày sau này.

Nếu anh chị em muốn biết mình là ai và liệu anh chị em có được yêu thương và quý trọng không, thì hãy cầu vấn Cha Thiên Thượng. Ngài sẽ luôn phán bảo lẽ thật về anh chị em. Ngài sẽ giúp anh chị em nhìn nhận bản thân theo cách của Ngài—với khả năng và tình yêu thương lớn lao. Ngài có thể hướng dẫn anh chị em đến những cơ hội và sự tăng trưởng lớn lao mà anh chị em khó có thể tưởng tượng được!

Cầu xin cho tất cả chúng ta đều có mắt để nhìn thấy nhau và nhìn thấy bản thân mình, không phải qua quan điểm tuổi tác hoặc tình trạng hôn nhân mà qua quan điểm đoàn kết của những người tuân giữ giao ước, các đồng môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, bạn bè, anh chị em, và các con trai và con gái của Thượng Đế. Và trong các vai trò và mối quan hệ vĩnh cửu đó, chúng ta sẽ tìm thấy cảm giác thuộc vào cao nhất và chân thật nhất.