2010
Hãy Bền Chí
tháng Năm năm 2010


Hãy Bền Chí

[Những] điều hướng dẫn từ sách Giô Suê sẽ phối hợp lại để cung ứng nguồn can đảm và sức mạnh mãnh liệt nhất, đó là: đức tin nơi Cha Thiên Thượng và nơi Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô.

Hình Ảnh
Ann M. Dibb

Nhiều lần, khi các vị Thẩm Quyền Trung Ương ngỏ lời cùng các anh em chức tư tế trong đại hội trung ương, họ thường bắt đầu nói rằng họ cảm thấy thể như họ đang nói với một “đạo quân mạnh mẽ” những người lãnh đạo chức tư tế. Tối hôm nay tôi cảm thấy thể như tôi đứng trước một “đạo quân mạnh mẽ” những người con gái chọn lựa của Thượng Đế. Các em đã được chọn để tiếp tục tiến bước, đứng bên cạnh những người nắm giữ chức tư tế trong sự ngay chính vào những ngày sau này. Các em tạo nên một quang cảnh thật tuyệt vời và đầy ấn tượng.

Tôi muốn bắt đầu buổi tối hôm nay bằng cách vắn tắt ôn lại bối cảnh lịch sử của chủ đề của chúng ta là Giô Suê 1:9: “Hãy vững lòng bền chí, chớ run sợ, chớ kinh khủng; vì Giê Hô Va Đức Chúa Trời ngươi vẫn ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi.”

Môi Se là vị tiên tri phi thường đã dẫn con cái Y Sơ Ra Ên ra khỏi xứ Ai Cập, là nơi họ làm nô lệ và bị ảnh hưởng bởi việc thờ phượng tà thần. Sau 40 năm gian khổ trong vùng hoang dã, họ đã đến rất gần quê hương mới của họ, nơi họ có thể được tự do để thờ phượng Đấng Thượng Đế chân thật hằng sống. Khi Môi Se qua đời, Giô Suê đã được Thượng Đế kêu gọi để làm vị tiên tri, là người sẽ hoàn tất cuộc hành trình kỳ diệu này.

Giô Suê là một vị lãnh đạo có uy thế. Sách Hướng Dẫn Thánh Thư gọi ông là “tấm gương cao cả của một người chiến sĩ tiên tri hết lòng tận tụy” và cho biết rằng tên của ông có nghĩa là “Thượng Đế là sự giúp đỡ” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Giô Suê,” 89). Sự lãnh đạo đầy soi dẫn của ông là cần thiết vô cùng vì vẫn còn nhiều con sông phải vượt qua cũng như những trận chiến phải thắng trước khi tất cả những điều Chúa hứa với con cái Y Sơ Ra Ên có thể thực hiện và nhận được.

Chúa biết rằng tiên tri Giô Suê và con cái Y Sơ Ra Ên sẽ cần phải vững lòng bền chí trong lúc này đây. Trong chương thứ nhất sách Giô Suê, Chúa nhiều lần phán bảo cùng ông phải “vững lòng bền chí.” Từ bền chí được định nghĩa là “sức mạnh trí tuệ hoặc tinh thần để kiên trì và chống lại mối nguy hiểm, nỗi lo sợ hay khó khăn” (Merriam-Webster’s Collegiate Dictionary 2010 ấn bản lần thứ 11 [2003], “bền chí”; sự nhấn mạnh được thêm vào). Nhờ vào lòng bền chí và sự vâng lời của họ, Giô Suê cùng các con cái Y Sơ Ra Ên đã có thể vào được đất hứa và được hạnh phúc trong các phước lành của Chúa.

Giô Suê và các con cái Y Sơ Ra Ên đã sống cách đây rất lâu. Nhưng trong thời kỳ của mình, chúng ta cũng đang cố gắng vào được “đất hứa.” Mục tiêu quan trọng nhất của chúng ta là đạt được cuộc sống vĩnh cửu với Cha Thiên Thượng. Trong chương thứ nhất sách Giô Suê, chúng ta thấy có bốn điều hướng dẫn chắc chắn để giúp chúng ta vượt qua những trở ngại, hoàn tất cuộc hành trình của mình và vui hưởng các phước lành của Chúa trong vùng “đất hứa”.

Trước hết, trong câu 5, Chúa hứa với Giô Suê: “Ta sẽ không lìa ngươi, không bỏ ngươi đâu.” Chúng ta có thể được bền chí và tìm ra sức mạnh trong lời hứa này rằng Chúa sẽ luôn luôn hiện diện bên chúng ta cũng như sẽ không bao giờ bỏ mặc chúng ta một mình. Chúng ta được giảng dạy rằng Cha Thiên Thượng biết và yêu thương mỗi con cái của Ngài. Là một trong số các con gái quý báu của Ngài, các em có được sự bảo đảm và hướng dẫn của Ngài qua quyền năng của việc cầu nguyện. Trong Giáo Lý và Giao Ước, chúng ta đọc: “Ngươi hãy khiêm nhường; rồi Chúa Thượng Đế của ngươi sẽ nắm tay dẫn dắt ngươi, và sẽ đáp lại những lời cầu nguyện của ngươi” (GLGƯ 112:10).

Tôi tin nơi những lời hứa này và hứa với các em rằng Cha Thiên Thượng có nghe cùng đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng ta. Nhưng thường thì cần phải có lòng kiên nhẫn khi chúng ta “trông đợi Chúa” (Ê Sai 40:31). Trong khi chờ đợi, chúng ta có thể bắt đầu tin rằng mình đã bị bỏ quên hoặc những lời cầu nguyện của chúng ta không được nghe thấu, hoặc có lẽ chúng ta chưa xứng đáng để được đáp ứng cho những lời cầu nguyện của mình. Điều này không đúng. Tôi rất thích những lời an ủi của Vua Đa Vít: “Tôi nhịn nhục trông đợi Đức Giê Hô Va, Ngài nghiêng qua nghe tiếng kêu cầu của tôi” (Thi Thiên 40:1).

Dù các em có thể trải qua điều gì trong cuộc sống cá nhân của mình, thì điều hướng dẫn đầu tiên được tìm thấy trong sách Giô Suê nhắc chúng ta phải nhớ cầu nguyện, kiên nhẫn và ghi nhớ lời hứa của Thượng Đế: “Ta sẽ không lìa ngươi, không bỏ ngươi đâu” (Giô Suê 1:5).

Điều hướng dẫn thứ hai là trong câu 7, khi Chúa phán cùng Giô Suê: “Cẩn thận làm theo hết thảy luật pháp … : chớ xây qua bên hữu hoặc bên tả, để hễ ngươi đi đâu cũng đều được thạnh vượng.” Chúa đang chỉ dạy cho Giô Suê phải nghiêm túc tuân theo các lệnh truyền và không xa rời đường lối của Chúa. Chủ Tịch Howard W. Hunter dạy: “Giô Suê biết rằng việc ông vâng lời sẽ mang đến thành công, và mặc dù không biết chính xác ông sẽ thành công như thế nào, nhưng bấy giờ ông đã có được niềm tin nơi kết quả rồi… . Chắc chắn những kinh nghiệm của các vị tiên tri cao trọng [được tìm thấy trong thánh thư] đã được ghi lại [và gìn giữ] nhằm giúp chúng ta hiểu tầm quan trọng của việc chọn con đường vâng lời một cách nghiêm túc” (“Commitment to God,” Ensign, tháng Mười Một năm 1982, 57, 58).

Cách đây một tháng, tôi đi thăm một nhóm thiếu nữ. Tôi hỏi các thiếu nữ lớn tuổi hơn về lời khuyên nào họ sẽ đưa ra cho một em gái mới vào lớp Beehive để giúp em ấy luôn luôn trung tín và đức hạnh trong mọi tình huống mà em ấy có thể lâm vào. Một thiếu nữ nói: “Khi đang đi dọc hành lang trong trường học, em có thể liếc xéo và thấy một điều gì đó khiến em chú ý , một điều gì đó dường như không đúng đắn. Em có thể tò mò và muốn nhìn. Lời khuyên của tôi cho em là: Đừng nhìn. Tôi hứa là em sẽ hối tiếc nếu em nhìn. Hãy tin tôi đi, cứ nhìn thẳng về phía trước.”

Khi lắng nghe thiếu nữ này nói, tôi biết rằng tôi đang nghe lời khuyên của Chúa cho Giô Suê, “chớ xây qua bên hữu hoặc bên tả” (Giô Suê 1:7), đã áp dụng trong bối cảnh thường ngày trong những ngày sau này. Các em thiếu nữ thân mến, hãy tránh xa cám dỗ quanh các em bằng cách nghiêm túc tuân theo các lệnh truyền. Hãy nhìn thẳng về phía trước hướng đến mục tiêu vĩnh cửu của mình. Điều hướng dẫn thứ hai này nhắc chúng ta nhớ rằng khi làm như vậy, ta sẽ được bảo vệ và sẽ “đi đâu cũng đều được thạnh vượng” (Giô Suê 1:7).

Trong câu 8, chúng ta tìm thấy điều hướng dẫn thứ ba cho mình. Ở đây, Chúa nói đến một “quyển sách luật pháp” và phán bảo Giô Suê phải “suy ngẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong … và như vậy ngươi mới được phước.” Chúa đang chỉ thị cho Giô Suê và tất cả chúng ta phải đọc thánh thư. Việc học thánh thư hằng ngày—đặc biệt là đọc Sách Mặc Môn—thiết lập một nền móng vững chắc cho chứng ngôn đang phát triển của các em về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài. Việc này mời gọi Thánh Linh đến với cuộc sống của các em. Chủ Tịch Harold B. Lee khuyên dạy: “Nếu chúng ta không đọc thánh thư hằng ngày thì chứng ngôn của chúng ta đang trở nên suy yếu hơn, [và] nếp sống thuộc linh của chúng ta không gia tăng nhiều” (Teachings of Presidents of the Church: Harold B. Lee [2000], 66).

Ở bên trong các trang thánh thư là vô số chỉ dẫn, lời hứa, giải pháp và điều nhắc nhở mà sẽ giúp chúng ta trong cuộc hành trình của mình đến vùng “đất hứa.” Điều hướng dẫn thứ ba chỉ bảo chúng ta phải đọc cùng suy ngẫm thánh thư hằng ngày để chúng ta có thể được thịnh vượng và thành công.

Sau khi Chúa phán xong với Giô Suê, thì Giô Suê ngỏ lời cùng các con cái Y Sơ Ra Ên. Vào lúc kết thúc bài giảng của ông, trong câu 16, các con cái Y Sơ Ra Ên đáp ứng những lời của ông và cung ứng cho chúng ta điều hướng dẫn thứ tư. Họ đáp: “Chúng tôi sẽ làm mọi điều ông dặn biểu, và đi khắp nơi nào ông sai.”

Là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có cơ hội lập cam kết giống như vậy để tuân theo vị tiên tri của mình là Chủ Tịch Thomas S. Monson, là người hiện diện ở đây với chúng ta buổi tối hôm nay. Qua lời cầu nguyện và sự xác nhận của Thánh Linh, mỗi chúng ta có thể đạt được chứng ngôn riêng của mình về vị tiên tri tại thế. Chứng ngôn này phát triển khi chúng ta lắng nghe, quan sát và có được lòng bền chí để áp dụng những lời giảng dạy của ông vào cuộc sống hằng ngày của mình.

Việc lắng nghe và tuân theo lời khuyên dạy của vị tiên tri cho phép chúng ta nhận được các phước lành đặc biệt. Hãy lắng nghe một số lời hứa tiên tri mà Chủ Tịch Monson nói cho chúng ta trong đại hội trung ương năm ngoái: “Cầu xin Thượng Đế ban phước cho các anh chị em. Cầu xin cho sự bình an đã được Ngài hứa sẽ ở với các anh chị em bây giờ và mãi mãi” (“Lời Bế Mạc,” Liahona, tháng Mười Một năm 2009, 110). “Những lời hứa lớn lao đang chờ đón nếu chúng ta trung thành và trung tín” (“Hãy Kiềm Chế Những Cảm Nghĩ của Mình, Hỡi Người Anh Em của Tôi,” Liahona, tháng Mười Một năm 2009, 69). “Tôi khẩn cầu các phước lành của thiên thượng cho mỗi anh chị em” (Liahona, tháng Mười Một năm 2009, 110).

Tuần tới trong đại hội trung ương, tôi mời các em hãy lắng nghe những chỉ dẫn cũng như lời hứa được ban cho qua vị tiên tri và các sứ đồ. Rồi hãy áp dụng điều hướng dẫn thứ tư bằng cách cam kết tuân theo lời khuyên dạy của vị tiên tri và xác nhận lại rằng “mọi điều ông dặn biểu, và đi khắp nơi nào ông sai” (Giô Suê 1:16).

Giờ đây, bốn điều hướng dẫn—cầu nguyện, tuân theo các lệnh truyền của Thượng Đế, học thánh thư hằng ngày và cam kết tuân theo vị tiên tri tại thế—có thể dường như là những điều nhỏ nhặt tầm thường. Tôi xin nhắc nhở các em về câu thánh thư trong An Ma: “Cha nói cho con rằng, chính do những chuyện nhỏ nhặt tầm thường mà những chuyện lớn mới thành được” (An Ma 37:6). Khi được áp dụng trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, bốn điều hướng dẫn “nhỏ nhặt và tầm thường” này từ sách Giô Suê sẽ phối hợp lại để cung ứng nguồn can đảm cũng như sức mạnh mãnh liệt nhất, đó là: đức tin nơi Cha Thiên Thượng và nơi Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô.

Cha Thiên Thượng biết những cuộc hành trình cá nhân của chúng ta không dễ dàng. Hằng ngày, chúng ta đối phó với những tình huống đòi hỏi lòng bền chí và sức mạnh. Một câu chuyện mới đây trong Church News xác nhận lẽ thật này:

“Cách đây vài tháng, một giáo viên trung học bắt đầu việc giảng dạy bằng cách bảo các học sinh nào ủng hộ một vấn đề chính trị thì đứng ra một bên của căn phòng, trong khi các em khác chống lại thì đứng ở bên kia phòng.

“Sau khi các học sinh đã chia phe xong, người giáo viên bày tỏ lập trường của mình bằng cách đứng ở phía chống lại. Bằng cách nhắm vào một thiếu nữ ở phe những người ủng hộ, người giáo viên bắt đầu công kích em ấy và những người bạn cùng lớp của em ấy về quan điểm của họ.

“Người thiếu nữ ấy, là một thiếu nữ lớp Mia Maid trong tiểu giáo khu của mình, chịu đựng lời công kích chỉ trích tín ngưỡng của em.

[Em vẫn tỏ ra] trầm tĩnh trước sự công kích công khai của người có quyền hạn” (“What Youth Need,” Church News, ngày 6 tháng Ba năm 2010).

Em thiếu nữ này đã cho thấy lòng can đảm phi thường trên chiến trường riêng của mình, là điều đã xảy ra vào ngày này tại lớp học của em. Dù các em đang ở bất cứ đâu và đang đối đầu với bất cứ điều gì, thì tôi cũng hy vọng rằng các em sẽ tận dụng những điều hướng dẫn trong sách Giô Suê để có thể tin cậy vào lời hứa của Chúa: “Hãy vững lòng bền chí, chớ run sợ, chớ kinh khủng; vì Giê Hô Va Đức Chúa Trời ngươi vẫn ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi” (Giô Suê 1:9).

Tôi muốn để lại cho các em chứng ngôn của tôi rằng Cha Thiên Thượng biết và yêu thương mỗi người trong các em. Nếu các em tìm đến Ngài thì Ngài sẽ không quên các em! Ngài sẽ ban phước cho các em với sức mạnh và lòng can đảm mà các em cần để hoàn tất cuộc hành trình trở lại với Ngài. Tôi biết ơn về thánh thư và về các tấm gương vững mạnh, giống như tiên tri Giô Suê. Tôi biết ơn Chủ Tịch Monson, là người cố gắng hướng dẫn chúng ta trở về an toàn với Cha Thiên Thượng. Tôi cầu nguyện rằng, giống như các con cái Y Sơ Ra Ên, chúng ta đều sẽ vào được “đất hứa” của mình và được yên nghỉ trong các phước lành của Chúa. Tôi nói những điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.