2010
Chúng Ta Noi Theo Chúa Giê Su Ky Tô
tháng Năm năm 2010


Chúng Ta Noi Theo Chúa Giê Su Ky Tô

Chúng ta hân hoan về tất cả những gì Đấng Cứu Rỗi đã làm cho chúng ta. Ngài làm cho mỗi người chúng ta có thể đạt được sự cứu rỗi và tôn cao.

Hình Ảnh
Elder Quentin L. Cook

Thật là một trách nhiệm quan trọng để ngỏ lời vào ngày Chúa Nhật lễ Phục Sinh cùng Các Thánh Hữu Ngày Sau trên khắp thế giới là những người yêu mến Chúa và Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô. Buổi sáng hôm nay, chúng ta kỷ niệm sự chiến thắng cái chết của Ngài. Chúng ta quý trọng sự hiểu biết của mình và cảm thấy biết ơn chân thành về sự sẵn lòng hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi thay cho chúng ta. Việc Ngài tuân phục theo ý muốn của Cha Ngài đã đạt được sự chiến thắng thiêng liêng đối với cái chết và là sự kiện siêu việt trong lịch sử nhân loại. Tôi biết ơn có cơ hội này để nói về việc noi theo Đấng Cứu Rỗi.

Hai ngày cuối cùng của giáo vụ trên trần thế của Đấng Cứu Rỗi trước khi Ngài bị đóng đinh thật quan trọng vô cùng và trong một vài phương diện thì vượt quá sự hiểu biết. Có nhiều điều trong đó thiết yếu đối với vận mệnh vĩnh cửu của chúng ta xảy ra vào ngày thứ Năm và rồi ngày thứ Sáu, là ngày Đấng Ky Tô bị đóng đinh. Bữa Ăn Tối Cuối Cùng, bữa ăn lễ Vượt Qua, “lễ tưởng niệm sự giải thoát Y Sơ Ra Ên khỏi vòng nô lệ,” bắt đầu vào tối thứ Năm.1 Các giáo lễ và giáo lý trọng đại được khởi đầu tại Bữa Ăn Tối Cuối Cùng. Tôi sẽ chỉ nói đến ba điều. Thứ nhất, Đấng Cứu Rỗi giới thiệu giáo lễ Tiệc Thánh. Ngài lấy bánh, bẻ ra, cầu nguyện ban phước bánh và chuyền cho các môn đồ của Ngài rồi phán: “Nầy là thân thể ta, đã vì các ngươi mà phó cho; hãy làm sự nầy để nhớ đến ta.”2 Theo cách này, Ngài đã thiết lập lễ Tiệc Thánh. Thứ hai, việc Ngài lặp lại nhiều lần nhấn mạnh đến các giáo lý giảng dạy tình yêu thương là một nguyên tắc ưu việt. Ngài dạy: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta.”3 Thứ ba, qua việc can thiệp hay là hướng dẫn của Đấng Ky Tô, “Đức Thánh Linh được hứa ban cho các sứ đồ” với tư cách là một Đấng an ủi khác.4

Rồi sau đó, Đấng Cứu Rỗi thực hiện Sự Chuộc Tội. Ngài đã tự mình mang lấy “gánh nặng tội lỗi của nhân loại” và những “điều khủng khiếp mà Sa Tan … có thể gây ra.”5 Trong tiến trình này, Ngài chịu đựng những cuộc xử án được dựng lên một cách bất công cũng như các sự kiện khủng khiếp và bi thảm đưa đến việc Ngài bị đóng đinh. Cuối cùng, vào ngày Chúa Nhật lễ Phục Sinh, điều này lên đến cực độ trong Sự Phục Sinh đắc thắng của Đấng Ky Tô. Đấng Ky Tô đã làm tròn sứ mệnh thiêng liêng của Ngài với tư cách là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc. Chúng ta sẽ được phục sinh từ cõi chết và linh hồn chúng ta sẽ tái hợp với thể xác. Dựa vào sự xứng đáng cá nhân và qua ân điển của Ngài, chúng ta có thể có được cơ hội vinh quang để trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế.6

Tiên Tri Joseph Smith nói về những sự kiện này trong lễ Phục Sinh như sau: “Các nguyên tắc cơ bản của tôn giáo chúng ta là chứng ngôn của Các Sứ Đồ cùng Các Vị Tiên Tri về Chúa Giê Su Ky Tô rằng Ngài đã chết, được chôn cất, và sống lại vào ngày thứ ba, rồi thăng lên trời; còn tất cả những điều khác liên quan đến tôn giáo của chúng ta chỉ là phần phụ vào chứng ngôn đó mà thôi.”7

Mặc dù chúng ta hân hoan trong ý nghĩa thiêng liêng của Vườn Ghết Sê Ma Nê và Đồi Sọ, nhưng chúng ta luôn luôn tập trung vào Chúa phục sinh. Frederic Farrar, nhà thần học và tín đồ người Anh, làm chứng rằng thế hệ các tín đồ đầu tiên nhất trong Giáo Hội Ky Tô hữu đều ca tụng Đấng Cứu Rỗi là “Đấng Ky Tô Phục Sinh, Vĩnh Cửu, Vinh Quang” và “nghĩ đến Ngài, không phải trên Cây Thập Tự, mà trên Ngai Vàng.”8

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley dạy rằng thông điệp của chúng ta gửi đến thế gian là Ngài hằng sống! Biểu tượng về Đấng Ky Tô đối với Các Thánh Hữu Ngày Sau sẽ được tìm thấy trong lối bày tỏ đầy ý nghĩa của đức tin chúng ta và cách chúng ta sống theo phúc âm của Ngài.9

Khi chúng ta suy ngẫm về việc làm người Ky Tô Hữu ngày nay có ý nghĩa gì, hãy nghĩ về con đường làm môn đồ của mình sẽ đòi hỏi chúng ta điều gì. Tôi đề nghị rằng chúng ta hãy suy nghĩ và trong một cách thích hợp noi theo những điều Đấng Cứu Rỗi đã làm trong hai ngày cuối cùng của cuộc sống trần thế của Ngài.

Trước hết, hãy suy ngẫm về lời giới thiệu của Đấng Cứu Rỗi về Tiệc Thánh. Đấng Cứu Rỗi biết điều sắp xảy ra cho Ngài. Sứ mệnh chuộc tội thiêng liêng của Ngài bắt đầu với Chiến Tranh trên Thiên Thượng trong tiền dương thế sắp xảy ra vào buổi tối đó và ngày hôm sau. Mặc dù với cuộc xử án của những kẻ thù của Ngài gần kề trước mặt, nhưng không có một bằng chứng mảy may nào là Ngài đang chuẩn bị bênh vực chống lại những lời buộc tội không đúng sự thật. Thay vì thế, Đấng Cứu Rỗi đã giới thiệu giáo lễ thiêng liêng của Tiệc Thánh cho các môn đồ của Ngài. Khi suy ngẫm về sự kiện đặc biệt long trọng đó, tôi thấy cảm động vô cùng. Buỗi lễ Tiệc Thánh là buỗi lễ thiêng liêng và thánh thiện nhất trong số tất cả các buỗi lễ trong Giáo Hội. Sau khi Ngài phục sinh, Đấng Cứu Rỗi đã lập Tiệc Thánh ở giữa dân Nê Phi.10 Nếu là môn đồ của Ngài và là các tín hữu đầy cam kết của Giáo Hội Ngài, chúng ta cần phải ghi nhớ và tôn kính Tiệc Thánh. Tiệc Thánh cho phép mỗi người chúng ta cho thấy sự sẵn lòng của mình để noi theo Đấng Cứu Rỗi với tấm lòng đau khổ và tâm hồn thống hối, để hối cải và trở thành một Thánh Hữu nhờ vào sự chuộc tội của Đấng Ky Tô.11 Tiệc Thánh cũng cho phép chúng ta làm chứng cùng Thượng Đế rằng chúng ta sẽ tưởng nhớ đến Vị Nam Tử của Ngài và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài khi chúng ta tái lập giao ước báp têm của mình.12 Điều này làm gia tăng tình yêu thương và lòng biết ơn của chúng ta đối với Đức Chúa Cha lẫn Vị Nam Tử.

Đấng Cứu Rỗi cũng nhấn mạnh đến tình yêu thương và tình đoàn kết cùng phán rằng chúng ta sẽ được người khác nhận biết là môn đồ của Ngài nếu chúng ta yêu thương nhau. Khi chúng ta nghĩ về Sự Chuộc Tội với những kết quả vĩnh cửu do Ngài thực hiện thì đó là một lệnh truyền đòi hỏi chúng ta phải tuân theo. Chúng ta cho thấy tình yêu thương của mình đối với các lệnh truyền của Thượng Đế và phục vụ con cái Ngài. Chúng ta không hoàn toàn thấu hiểu Sự Chuộc Tội, nhưng chúng ta có thể bỏ ra cả đời mình để cố gắng trở nên nhân từ và tử tế hơn bất chấp đang gặp phải nghịch cảnh nào.

Lệnh truyền của Đấng Cứu Rỗi cho các môn đồ của Ngài phải yêu thương nhau—cũng như cách giảng dạy đầy ấn tượng và ảnh hưởng mạnh mẽ của Ngài về nguyên tắc này tại Bữa Ăn Tối Cuối Cùng—là một trong những sự kiện chua xót và tuyệt vời nhất của những ngày cuối cùng trên trần thế của Ngài.

Ngài không giảng dạy một lớp học giản dị về hành vi đạo đức. Đây là Vị Nam Tử của Thượng Đế khẩn nài với các Sứ Đồ cùng tất cả các môn đồ của Ngài là những người sẽ theo sau họ, để ghi nhớ và tuân theo lời giảng dạy chính yếu nhất này của Ngài. Cách chúng ta liên kết và ảnh hưởng lẫn nhau là một mức độ về sự sẵn lòng của mình để noi theo Chúa Giê Su Ky Tô.

Khi lắng nghe các sứ điệp của đại hội này, chúng ta sẽ được cảm động trong lòng mình và quyết tâm cùng cam kết để làm tốt hơn. Nhưng vào sáng thứ Hai, chúng ta sẽ trở lại sở làm, trường học, vùng lân cận và một thế giới đang hỗn loạn trong nhiều trường hợp. Nhiều người trên thế giới này sợ hãi và tức giận lẫn nhau. Trong khi thông cảm với những cảm nghĩ này, chúng ta cần phải lễ độ trong cuộc chuyện trò của mình và lễ phép trong khi tiếp xúc với nhau. Điều này đặc biệt đúng khi chúng ta bất đồng ý kiến. Đấng Cứu Rỗi dạy chúng ta phải yêu thương ngay cả kẻ thù của mình.13 Đại đa số các tín hữu của chúng ta nghe theo lời khuyên bảo này. Tuy nhiên, có một số người cảm thấy rằng việc trút hết nỗi tức giận của cá nhân mình hoặc khăng khăng giữ ý kiến của mình thì quan trọng hơn việc cư xử theo như cách sống và những điều giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi mời gọi mỗi người trong chúng ta, từng cá nhân một, hãy nhận biết rằng việc chúng ta bất đồng ý kiến là một thước đo thật sự như thế nào về con người của mình và về việc chúng ta có thật sự tuân theo Đấng Cứu Rỗi không. Việc bất đồng ý kiến là hợp lý nhưng việc gắt gỏng cau có thì không hợp lý . Sự bạo động và phá hoại không phải là giải pháp cho việc chúng ta bất đồng ý kiến. Nếu cho thấy tình yêu thương và sự tôn trọng ngay cả trong nghịch cảnh, thì chúng ta trở nên giống như Đấng Ky Tô hơn.

Lời hứa của Đấng Cứu Rỗi với Các Sứ Đồ về Đức Thánh Linh là một ý nghĩa quan trọng nhất trong việc nhận ra vai trò ưu việt của Đức Thánh Linh, là Đấng thứ ba của Thiên Chủ Đoàn. Đức Thánh Linh là Đấng linh hồn và Đấng An Ủi, Ngài làm chứng về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử, mặc khải lẽ thật của tất cả mọi điều cùng thánh hóa những người đã hối cải và chịu phép báp têm. Ngài cũng được nói đến là Đức Thánh Linh Hứa Hẹn và như vậy Ngài xác nhận các hành động ngay chính, các giáo lễ và các giao ước của mỗi người chúng ta mà đã được Thượng Đế chấp nhận.14 Những người nào được gắn bó bởi Đức Thánh Linh Hứa Hẹn thì nhận được tất cả những gì Đức Chúa Cha có.15

Chúng ta sống trong một thế giới ồn ào và tranh chấp, là nơi có thể xem hoặc nghe thông tin, âm nhạc hay ngay cả những chuyện hoàn toàn vô lý hầu như hằng giờ. Nếu muốn có được sự soi dẫn của Đức Thánh Linh, thì chúng ta cần phải tìm ra thời giờ để giảm bớt hoạt động, suy ngẫm, cầu nguyện và sống sao cho chúng ta được xứng đáng nhận lãnh và hành động theo như những thúc giục của Ngài. Chúng ta sẽ tránh được những lỗi lầm nghiêm trọng nếu chúng ta lưu tâm đến những lời cảnh cáo của Ngài. Chính là đặc ân của chúng ta với tư cách là các tín hữu để tiếp nhận ánh sáng và sự hiểu biết từ Ngài ngay cả sáng tỏ cho đến ngày hoàn toàn.16

Những thử thách của Sự Chuộc Tội Đấng Cứu Rỗi trải qua trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên cây thập tự là một tấm gương cao cả đối với chúng ta. Ngài đương đầu với những nỗi đau đớn về tinh thần, thể xác và thuộc linh vượt quá sự hiểu biết của chúng ta. Trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, Ngài đã cầu nguyện lên Cha Ngài: “Cha ơi! nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi Con! Song không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha.”17 Là môn đồ của Ngài, sẽ có những lúc chúng ta cũng sẽ bị thử thách và ngược đãi một cách phi lý và bị chế nhạo một cách bất công cùng đương đầu với những cơn bão tố vật chất và thuộc linh lớn lao dường như không thể nào chịu đựng được, đồng thời trải qua chén đắng là chén chúng ta cầu nguyện để không phải uống. Không một ai được miễn khỏi bão tố của cuộc đời.

Chúng ta đang chuẩn bị cho Sự Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi. Thánh thư nói rõ rằng không một ai biết khi nào điều này sẽ xảy ra. Thánh thư có nói cho chúng ta biết rằng vào những ngày sau cùng, trong số những chén đắng chúng ta sẽ gặp, thì “nhiều chỗ sẽ có … động đất”18 và “sóng ngoài biển dâng lên quá mức bình thường.”19

Những trận động đất và sóng thần đầy sức hủy diệt mới vừa xảy ra ở một số nơi khác nhau kể cả Chile, Haiti, và các quần đảo Thái Bình Dương. Cách đây một vài tuần, Giám Trợ Chủ Tọa H. David Burton, Anh Cả Tad R. Callister và tôi đã có thể họp với Các Thánh Hữu là những người bị mất người thân trong gia đình vì cơn sóng thần giáng xuống miền đông Samoa tháng Chín năm ngoái. Ngôi giáo đường đầy kín người và thật là một buổi họp cảm động. Chúng tôi có thể trấn an các tín hữu xứng đáng này rằng nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, họ có thể được đoàn tụ với những người thân yêu đã qua đời của mình.

Vị chủ tịch giáo khu, Sonny Purcell, đang lái xe khi ông thấy một ngọn sóng to tràn vào từ ngoài biển khơi. Ông bấm còi xe và chặn mấy đứa trẻ trên đường đi học rồi bảo chúng phải chạy càng nhanh càng tốt lên trên vùng đất cao hơn và an toàn hơn. Mấy đứa trẻ này tuân theo lời chỉ bảo của ông. Ông lái xe một cách điên cuồng, tìm đến được với đứa con gái bốn tuổi của mình, để nó vào xe, và rồi cố gắng đi kiếm mẹ ông. Trước khi ông có thể kiếm ra mẹ ông, bức tường nước cuốn chiếc xe của ông đi hơn 91 mét nơi chiếc xe của ông nằm kẹt trên một cái cây. Ông bò lên đặt con gái của mình an toàn trên nóc xe và rồi bơi đi cứu mẹ ông đang bám chặt vào một cành cây gần nhà của họ. Ông cố hết sức bơi cùng mẹ ông đến chiếc xe và đến nơi an toàn. Nhiều người đã không được may mắn như vậy. Họ không có thời gian để tìm đến vùng đất cao và an toàn. Nhiều người đã thiệt mạng, nhất là những người trẻ tuổi và già cả.

Chúng tôi cho các gia đình Samoa biết rằng các tín hữu ở khắp nơi trên thế giới đều bày tỏ tình yêu thương và mối quan tâm, cũng như đã cầu nguyện cho họ cùng đóng góp của lễ nhịn ăn và đồ viện trợ nhân đạo cho các tín hữu lẫn người lân cận của họ. Điều này cũng giống như vậy đối với các tín hữu và người lân cận của họ ở Chile và Haiti. Chúng ta làm như vậy vì chúng ta noi theo Chúa Giê Su Ky Tô.

Khi chúng tôi họp với các gia đình ở Samoa, ý nghĩa thuộc linh của nỗ lực làm một người tốt hơn, sống một cuộc sống tốt hơn và bám chặt vào các giáo lễ cứu rỗi đều rõ ràng vô cùng. Tấm gương và cuộc sống của Đấng Cứu Rỗi dạy chúng ta phải tránh con đường thuộc linh thấp kém nơi mà những sự việc của thế gian này đang chiếm ưu thế. Khi tôi bắt tay với các tín hữu sau buổi họp, một chị phụ nữ cho tôi biết về gia đình của chị rằng họ chưa đi đền thờ và họ đã mất một đứa con gái. Chị khóc và nói rằng mục tiêu của họ từ bây giờ là tự chuẩn bị để nhận các giáo lễ thiêng liêng của đền thờ để họ có thể được sống với nhau vĩnh viễn.

Khi suy ngẫm về điều chị phụ nữ này nói và tình trạng hiện nay của thế gian, tôi được thôi thúc để khuyên bảo mỗi người trong chúng ta phải tìm kiếm nơi cao quý hơn—nơi ẩn náu và bảo vệ vĩnh cửu của đền thờ.

Vào Chúa Nhật lễ Phục Sinh, ngày 3 tháng Tư năm 1836, một tuần sau lễ cung hiến Đền Thờ Kirtland, Mười Hai Vị Sứ Đồ đã làm lễ phân phát Tiệc Thánh của Bữa Ăn Tối của Chúa cho các tín hữu. Tiếp theo buổi họp là lời cầu nguyện trang nghiêm và lặng lẽ, Đấng Cứu Rỗi đã hiện đến cùng Tiên Tri Joseph và Oliver Cowdery trong vẻ uy nghi, rồi qua Môi Se, Ê Li A và Ê Li đã khai mở sự phục hồi thêm các chìa khóa của chức tư tế gồm có quyền năng gắn bó thiêng liêng kết hợp gia đình suốt thời vĩnh cửu.20

Ngày hôm nay, vào buổi sáng lễ Phục Sinh này, chúng ta hân hoan về tất cả những gì Đấng Cứu Rỗi đã làm cho chúng ta. Ngài làm cho mỗi người chúng ta có thể đạt được sự cứu rỗi và tôn cao. Nhưng chúng ta, cũng giống như các đứa trẻ Samoa, cần phải chạy càng nhanh càng tốt lên trên chỗ cao nơi Ngài cung ứng để được an toàn và bình an.

Một trong những cách chúng ta làm điều này là bằng cách tuân theo những lời giảng dạy của vị tiên tri tại thế của mình, Chủ Tịch Thomas S. Monson. Ông là một tấm gương ưu tú của một người noi theo Đấng Cứu Rỗi.

Vào buổi sáng Phục Sinh đầy vinh quang này, tôi nghĩ về những lời quý báu của Eliza R. Snow, một tôi tớ trung tín trong Thời Kỳ Phục Hồi:

“Thật vĩ đại, thật quá hiển vinh thay,

Kế hoạch cứu chuộc thế gian!

Cứu Chúa xót thương ban cho công lý

Hợp hòa chung với tình thương!”21

Với tư cách là một Sứ Đồ, tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống, Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của thế gian. Ngài đã cung ứng con đường dẫn đến hạnh phúc đích thực. Tôi làm chứng về điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. James E. Talmage, Jesus the Christ, xuất bản lần thứ 3 (1916), 594.

  2. Lu Ca 22:19.

  3. Xin xem Giăng 13:34–35.

  4. James E. Talmage, Jesus the Christ, 603; Xin xem thêm Giăng 14:16–17.

  5. James E. Talmage, Jesus the Christ, 613.

  6. Xin xem 2 Nê Phi 9:6–24.

  7. Teachings of Presidents of the Church: Joseph Smith (2007), 49; Xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 20:22–25.

  8. Frederic W. Farrar, The Life of LivesFurther Studies in the Life of Christ (1900), 209.

  9. Xin xem Gordon B. Hinckley, “This Glorious Easter Morn,” Ensign, tháng Năm năm 1996, 65–67; “Biểu Tượng của Đức Tin Chúng Ta,” Liahona, tháng Tư năm 2005, 2–6.

  10. Xin xem 3 Nê Phi 18:1–11.

  11. Xin xem Mô Si A 3:19.

  12. Xin xem Mô Si A 18:8–10; Giáo Lý và Giao Ước 20:37, 77–79.

  13. Xin xem Ma Thi Ơ 5:44.

  14. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 132:7.

  15. Xin xem Rô Ma 8:16–17; Ê Phê Sô 1:13–14; Giáo Lý và Giao Ước 76:51–60.

  16. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 50:24.

  17. Ma Thi Ơ 26:39.

  18. Ma Thi Ơ 24:7; Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1:29.

  19. Giáo Lý và Giao Ước 88:90.

  20. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 110.

  21. “Tình Yêu và Sự Khôn Ngoan Lớn Lao,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 19.