2010
Xin Kể Cho Con Nghe Những Câu Chuyện về Chúa Giê Su
tháng Năm năm 2010


Xin Kể Cho Con Nghe Những Câu Chuyện về Chúa Giê Su

Một đức tin vững mạnh hơn của cá nhân nơi Chúa Giê Su Ky Tô sẽ chuẩn bị cho [con cái của các anh chị em] sẵn sàng với những thử thách chúng chắc chắn sẽ gặp phải.

Hình Ảnh
Elder Neil L. Andersen

Khi được chỉ định làm người nói chuyện cuối cùng của đại hội cuối cùng trong đại hội trung ương, thì ta lắng nghe từng lời một, tự nghĩ phần nào của bài nói chuyện của mình sẽ được đưa ra trước khi đến lượt mình. Không có đề tài được chỉ định trước, không có sự cộng tác trong đề tài. Dĩ nhiên, đường lối của Chúa luôn luôn là tốt nhất. Ngài chấp nhận các nỗ lực thành tâm riêng của mỗi người nói chuyện và sắp đặt một sự hòa hợp về mặc khải và quyền năng. Những đề tài được lặp lại, nguyên tắc được xây dựng trên nguyên tắc, những lời cảnh cáo của vị tiên tri, những lời hứa nâng cao tinh thần—sự hòa hợp thiêng liêng là một phép lạ! Tôi làm chứng rằng trong đại hội này, chúng ta đã nghe và cảm nhận được ý muốn của Chúa.

Chủ Tịch Thomas S. Monson đã mô tả thế hệ đang vươn lên là “thế hệ tốt nhất từ trước đến giờ”1 và ông nói với giới trẻ của chúng ta: “Các em đến thế gian này vào thời đại vinh quang. Cơ hội trước mặt các em hầu như vô hạn.”2 Nhưng rồi ông cảnh cáo: “Chúng ta đã được sinh ra trên thế gian trong thời điểm khó khăn.”3 “Đây là thời kỳ của sự buông thả, với xã hội nói chung bất chấp và vi phạm luật pháp của Thượng Đế.”4 Chúng ta bị bao quanh bởi rất nhiều điều nhằm hướng sự chú ý của chúng ta sang phía khác. “Kẻ nghịch thù đang sử dụng mọi phương tiện có thể có được để gài bẫy chúng ta sa vào lưới dối trá của nó.”5

Chúng ta có trách nhiệm chăm nom thế hệ đang vươn lên. Họ đến thế gian này với các trách nhiệm quan trọng và khả năng thuộc linh lớn lao. Chúng ta không thể xem thường cách chúng ta chuẩn bị cho họ. Thử thách của chúng ta với tư cách là cha mẹ và giảng viên không phải tạo ra phần thuộc linh nòng cốt trong tâm hồn họ mà thay vì thế giúp họ tiếp tục phát triển phần thuộc linh đã có sẵn của mình nhờ vào đức tin mà họ đã phát triển trong tiền dương thế.

Chiều hôm nay, tôi muốn nhấn mạnh đến lời cầu xin của một đứa bé từ một bài ca của Hội Thiếu Nhi:

Xin kể cho em nghe những câu chuyện về Chúa Giê Su, em rất thích nghe.

Những điều em sẽ cầu xin Ngài kể cho em nghe nếu Ngài hiện diện ở đây.6

Trong thế giới ngày nay của chúng ta, mỗi đứa trẻ, mỗi thanh niên và thiếu nữ đều cần sự cải đạo của riêng mình với lẽ thật. Mỗi người đều cần ánh sáng của riêng mình, đức tin “vững chắc không lay chuyển”7 của riêng mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô, không lệ thuộc vào cha mẹ, các vị lãnh đạo của giới trẻ và những người bạn hỗ trợ.

Những câu chuyện về Chúa Giê Su có thể giúp phát triển đức tin trong tâm hồn của con cái chúng ta. Chúa Giê Su phán: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống.”8 Những câu chuyện về Chúa Giê Su khi được chia sẻ nhiều lần sẽ mang đến đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và sức mạnh cho nền tảng của chứng ngôn. Các anh chị em có thể nghĩ ra một ân tứ nào quý báu hơn cho con cái mình không?

Cuộc sống và những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô có được ghi vào trong tâm trí của con cái chúng ta không? Chúng có nghĩ đến cuộc sống của Đấng Cứu Rỗi khi chúng muốn biết về điều gì phải làm trong cuộc sống của chúng không? Điều này sẽ càng ngày càng trở nên quan trọng hơn trong những năm sắp tới.

Con cái chúng ta có mường tượng ra được đại hội trên tiền dương thế,9 nơi Chúa Giê Su—Đấng vĩ đại hơn hết—đã nói: “Tôi đây, xin phái tôi đi” không?10 Chúng có thấy được việc mình sẵn lòng phục vụ để noi theo gương Ngài không?

Chúng có nghĩ đến sự giáng sinh khiêm tốn của Ngài11 Đấng Cứu Rỗi của thế gian được đặt nằm trong máng cỏ.12 không? Hoàn cảnh của Ngài có giúp chúng hiểu rõ vị trí thích hợp của những của cải vật chất không?

Chúng có biết rằng Chúa Giê Su thường dạy rằng: “Hãy cầu xin, rồi các ngươi sẽ nhận được” không?13 Những lời cầu nguyện cảm tạ14 và lời khẩn cầu của Ngài lên Cha Ngài15 có lướt qua tâm trí của con cái chúng ta khi chúng quỳ xuống cầu nguyện với mối quan tâm riêng của chúng không?

Chúng ta có nói cho chúng biết về tình yêu thương Chúa Giê Su dành cho trẻ em khi Ngài ôm chúng trong vòng tay của Ngài, cầu nguyện cho chúng và khóc như thế nào không?16 Con cái của chúng ta có biết rằng Chúa Giê Su sẵn sàng “dang tay tiếp nhận [chúng] không”?17

Chúng có cảm thấy được sức mạnh trong những câu chuyện về việc Chúa Giê Su nhịn ăn18—khi chúng ta giảng dạy cho chúng luật nhịn ăn không?

Trong khi đang ở trong cảnh cô đơn, con cái của chúng ta có biết được nỗi cô đơn Đấng Cứu Rỗi cảm nhận được khi bạn bè của Ngài bỏ rơi Ngài và khi Ngài hỏi các sứ đồ của Ngài: “Các ngươi cũng muốn lui chăng?”19

Con cái chúng ta có cảm thấy được quyền năng của phép lạ của Đấng Cứu Rỗi không? Chúa Giê Su chữa lành người mắc bệnh phung,20 cho người mù thấy.21 Ngài cho 5.000 người ăn,22 làm biển lặng,23 và làm cho La Xa Rơ sống lại từ cõi chết.24 Con cái chúng ta có tin rằng “vì chính do đức tin mà phép lạ được thực hiện” không25 và chúng có cầu nguyện để có được phép lạ trong cuộc sống của chúng không?

Con cái chúng ta có được khuyến khích nhờ vào những lời phán của Đấng Cứu Rỗi cùng người lãnh đạo trong nhà hội: “Đừng sợ, chỉ tin mà thôi” không?26

Con cái chúng ta có biết về cuộc sống hoàn hảo,27 giáo vụ vị tha của Ngài, việc Ngài bị phản bội và bị đóng đinh một cách dã man không?28 Chúng ta có làm chứng với chúng về sự chắc chắn của việc Ngài phục sinh,29 Ngài viếng thăm dân Nê Phi ở Châu Mỹ,30 hiện đến cùng Tiên Tri Joseph Smith trong Khu Rừng Thiêng Liêng không?31

Chúng có mong đợi sự trở lại đầy uy nghi của Ngài, khi tất cả mọi điều sẽ được làm cho đúng, mọi đầu gối sẽ phải quỳ xuống và mọi lưỡi sẽ phải thú nhận rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô không?32

Con cái chúng ta có nói: “Xin kể cho con nghe những câu chuyện về Chúa Giê Su, con muốn nghe không?”33

Hỡi các thanh thiếu niên và trẻ em: Hãy sống theo trách nhiệm quan trọng và khả năng thuộc linh lớn lao của các em. Hãy cố gắng biết thêm về Chúa Giê Su: mở thánh thư ra. Một ý kiến là hãy đọc lại sách Giăng và rồi thảo luận về sách đó với cha mẹ, giảng viên của mình và lẫn nhau.

Thưa các bậc cha mẹ, các ông bà cùng những người không có con ruột nhưng trìu mến nuôi dưỡng các thanh thiếu niên và trẻ em, lời khuyên nhủ của tôi là hãy nói thường xuyên hơn về Chúa Giê Su Ky Tô. Trong thánh danh của Ngài có quyền năng thuộc linh lớn lao. “Không có một danh xưng nào khác được ban ra, hay một con đường … nào khác mà nhờ đó sự cứu rỗi có thể đến với con cái loài người, chỉ có ở trong hay nhờ danh của Đấng Ky Tô.”34

Cùng những người mẹ đang nuôi dạy con của mình mà không có người cha trong nhà, tôi hứa với các chị em rằng nếu các chị em nói về Chúa Giê Su Ky Tô, thì các chị em sẽ cảm nhận được quyền năng của thiên thượng ban phước cho các chị em.

Sau khi chồng bà qua đời, Chị Stella Oaks nuôi dạy ba đứa con thơ của mình (kể cả Anh Cả Dallin H. Oaks35) với tư cách là một người mẹ độc thân. Có lần bà nói: “Tôi được cho biết rằng Chúa yêu thương tôi và tôi sẽ chu toàn sứ mệnh của mình. Tôi cảm thấy một tình yêu thương bao bọc … [và biết] Ngài [sẽ hỗ trợ chúng tôi] qua sự chống đối mà [sẽ] nổi lên.”36

Tôi đưa ra lời kêu gọi đặc biệt với những người cha: Xin hãy nghiêm chỉnh nói chuyện với con cái của các anh em về Đấng Cứu Rỗi. Chúng cần những lời xác nhận về đức tin của các anh em cùng với những lời đó của mẹ chúng.

Mặc dù có những lúc có lẽ một đứa con không lắng nghe với một tấm lòng tin tưởng, nhưng chứng ngôn của các anh chị em về Chúa Giê Su sẽ vẫn ở trong tâm trí của nó. Các anh chị em còn nhớ câu chuyện về An Ma đã chọn sai đường không? Khi trở về, ông nói:

“Cha bỗng nhớ … phụ thân của cha đã tiên tri … về sự hiện đến của … Chúa Giê Su Ky Tô, … để chuộc tội lỗi cho thế gian.

“Khi tâm trí cha vừa nghĩ đến điều đó, thì cha liền kêu cầu trong lòng mà rằng: Hỡi Chúa Giê Su, là Vị Nam Tử của Thượng Đế, xin Ngài hãy thương xót con.”37

Nếu một đứa con không lắng nghe thì cũng đừng thất vọng. Các anh chị em vẫn còn thời gian và lẽ thật. Vào đúng lúc, chúng sẽ chợt nhớ tới những lời nói của các anh chị em với một quyền năng thể như những lời đó được nói ra từ thiên thượng. Chứng ngôn của các anh chị em sẽ không bao giờ rời khỏi con cái mình.

Khi các anh chị em nghiêm chỉnh nói về Đấng Cứu Rỗi—trong xe, trên xe buý t, tại bàn ăn, khi các anh chị em quỳ xuống cầu nguyện, trong lúc học thánh thư hoặc trong những cuộc chuyện trò lúc đêm khuya—Thánh Linh của Chúa sẽ đi kèm theo những lời nói của các anh chị em.38

Nếu các anh chị em cố gắng hết sức mình thì chứng ngôn về Chúa Giê Su sẽ dần dần len lỏi vào tâm hồn con cái mình. Chúng sẽ đến với Cha Thiên Thượng trong lời cầu nguyện khiêm nhường và cảm nhận ảnh hưởng của Ngài qua quyền năng của Đức Thánh Linh. Một đức tin vững mạnh hơn của cá nhân nơi Chúa Giê Su Ky Tô sẽ chuẩn bị cho chúng sẵn sàng với những thử thách chúng chắc chắn sẽ gặp phải.39

Tôi gặp Bill Forrest và Debbie Hutchings khi chúng tôi còn là sinh viên của trường Brigham Young University. Bill trở về từ công việc truyền giáo của mình. Anh và Debbie yêu nhau rồi kết hôn trong Đền Thờ Oakland California. Họ đến ở Mesa, Arizona rồi được ban phước với năm đứa con trai và hai đứa con gái. Bill và Debbie dạy con cái mình biết yêu mến Chúa Giê Su Ky Tô như họ yêu mến Ngài. Con trai của họ, Anh Cả Daniel Forrest, hiện đang phục vụ ở Phái Bộ Truyền Giáo Mexico Oaxaca, đã nói: “Nhất định mỗi sáng chúng tôi đều có mặt ở đó tại bàn ăn trước khi đi học để đọc và thảo luận thánh thư.”

Con gái của họ, Kara, hiện đã lập gia đình với hai đứa con nhỏ, vẫn còn nhớ rõ cha mình lái xe chở cô ấy đến các buổi sinh hoạt sáng sớm ở trường trung học. Cô ấy nói: “Cha cháu rất thích ghi nhớ những lời trích dẫn, các câu thánh thư và những bài thơ [và trong những lúc sáng sớm lái xe như thế] cha cháu và cháu thường tập đọc thuộc lòng.” Một trong những câu thánh thư ưa thích của cha cháu là : “Hãy nhớ rằng, hãy nhớ rằng các con phải xây dựng nền móng của mình trên đá của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, tức là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế, để cho khi nào quỷ dữ tung những ngọn gió mạnh của nó ra, … thì nó sẽ không có quyền năng nào để lôi kéo các con xuống … vì nhờ đá mà các con được xây cất trên đó.”40

Vào ngày thứ Sáu trước ngày Chúa Nhật Phục Sinh năm 2000, cách đây đúng 10 năm, Bill Forrest đang phục vụ với tư cách là giám trợ của Tiểu Giáo Khu Estate Groves ở Arizona. Trên đường đi làm, chỉ cách nhà của anh 1,6 kilômét, xe của anh bị một chiếc xe tải lớn chở đá tông vào. Debbie cùng mấy đứa con rời nhà ngay sau Bill, và bất ngờ thấy cảnh tượng thảm thương đó. Bill đã không qua khỏi tai nạn đó. Linh hồn bất diệt của người chồng và người cha thân yêu này đột nhiên được mang về nhà của Đấng đã khắc phục cái chết, Vị Nam Tử của Thượng Đế, họ sẽ cùng nhau kỷ niệm Sự Phục Sinh vinh quang của Ngài vào ngày Chúa Nhật lễ Phục Sinh đó.

Làm thế nào Debbie và bảy đứa con của chị (đứa nhỏ nhất chỉ mới năm tuổi) tìm ra sức mạnh mà họ cần? Kara, được 15 tuổi vào lúc tai nạn của cha cô xảy ra, mới vừa nói với tôi rằng: “Cháu biết ơn [cha mẹ] cháu về cách họ dạy cháu [về Đấng Cứu Rỗi]. Họ đã mở ra thánh thư với cháu, cầu nguyện với cháu, và họ là tấm gương của [Đấng Cứu Rỗi] về lòng bác ái, tình yêu thương và sự kiên nhẫn… . Mỗi năm, Lễ Phục Sinh [là] thời gian nhạy cảm trong cuộc sống của cháu, khi cháu suy ngẫm về cuộc sống, sứ mệnh cùng Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi chúng ta và nhắc cháu nhớ đến cuộc sống của người cha trần thế của cháu.”

Anh Cả Daniel Forrest nói: “Cháu được 10 tuổi khi cha cháu qua đời. Đó là thời kỳ khó khăn… . Mẹ cháu luôn luôn là một tấm gương về những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi. Cháu mang theo bên mình thẻ tên của cha cháu từ lúc ông phục vụ truyền giáo ở Tây Ban Nha. [Hai] trong số những lời trích dẫn ưa thích của cha cháu [là]: ‘Hai người có thể làm bất cứ điều gì miễn là một người trong số họ là Chúa’ và ‘Đấng Cứu Rỗi phải là nền tảng của chúng ta. Nếu không có nền tảng đó, chúng ta sẽ gặp khó khăn.’”

Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô đã tràn đầy trong tâm hồn của các đứa con nhà Forrest. Vào tuần lễ Phục Sinh này, 10 năm kể từ khi cha của họ qua đời, họ nhớ ông rất nhiều, nhưng nọc của sự chết đã “bị nuốt mất trong Đấng Ky Tô”41 Họ biết rằng nhờ vào ân tứ không kể xiết của Đấng Cứu Rỗi, họ có thể được gặp lại người cha trần thế của họ và Cha Thiên Thượng của họ lần nữa.

Xin kể cho con nghe những câu chuyện về Chúa Giê Su.

Trong một chốc lát, chúng ta sẽ nghe vị tiên tri của Thượng Đế nói chuyện. Khi nói về vị tiên tri của Ngài, Chúa phán: “Các ngươi phải tiếp nhận lời nói của hắn chẳng khác chi lời nói ấy phát ra từ chính miệng ta.”42 Tôi làm chứng rằng Chủ Tịch Thomas S. Monson là người phát ngôn của Chúa trên thế gian.

Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi của tất cả nhân loại. Cuộc sống, Sự Chuộc Tội, Sự Phục Sinh, sự trở lại của Ngài đang được chờ đợi là xác thực và chắc chắn như mặt trời mọc. Danh Ngài sẽ được ca ngợi đời đời và mãi mãi.43 Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. Thomas S. Monson, “Những Lẽ Thật Bất Biến về Thời Gian Đổi Thay,” Liahona, Tháng Năm năm 2005, 19.

  2. Thomas S. Monson, “Cầu Xin cho Các Em Có Can Đảm,” Liahona, Tháng Năm năm 2009, 123.

  3. Thomas S. Monson, “Những Tấm Gương Ngay Chính,” Liahona, Tháng Năm năm 2008, 65.

  4. Thomas S. Monson, “Lời Bế Mạc,” Liahona, Tháng Mười Một năm 2009, 109.

  5. Thomas S. Monson, “Cho Đến Khi Chúng Ta Gặp Lại Nhau,” Liahona, Tháng Năm năm 2009, 113.

  6. “Tell Me the Stories of Jesus,” Children’s Songbook, 57.

  7. An Ma 1:25.

  8. Giăng 14:6.

  9. Xin xem Áp Ra Ham 3:2–28.

  10. Áp Ra Ham 3:27.

  11. Xin xem Lu Ca 2.

  12. Xin xem Lu Ca 2:7.

  13. 3 Nê Phi 27:29.

  14. Xin xem Lu Ca 10:21.

  15. Xin xem Lu Ca 11:2–4.

  16. Xin xem 3 Nê Phi 17:11–24.

  17. Mặc Môn 6:17.

  18. Xin xem Lu Ca 4:1–13.

  19. Giăng 6:67. Năm ngoái, Chủ Tịch Monson nói với giới trẻ: “Các em … sẽ chắc chắn được kêu gọi để bênh vực cho điều các em tin. Ngoại trừ cội rễ chứng ngôn của các em đã được lớn mạnh, việc chống lại sự chế nhạo của những người thách thức đức tin của các em thì rất khó đối với các em” (Liahona, Tháng Năm năm 2009, 126).

  20. Xin xem Mác 1:40–42.

  21. Xin xem Lu Ca 18:35–43.

  22. Xin xem Mác 6:34–44.

  23. Xin xem Mác 4:35–41.

  24. Xin xem Giăng 11:8–53.

  25. Mô Rô Ni 7:37.

  26. Mác 5:36.

  27. Xin xem 1 Phi E Rơ 2:21–25.

  28. Xin xem Lu Ca 22:47–48; 23:32õ46.

  29. Xin xem Giăng 20:11–23.

  30. Xin xem 3 Nê Phi 11–26.

  31. Xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:17.

  32. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 88:104.

  33. “Tell Me the Stories of Jesus.”

  34. Mô Si A 3:17.

  35. Anh Cả Dallin H. Oaks có lần đã nói: “Khi còn nhỏ, tôi dành ra hầu hết những buổi tối để đọc sách. Một trong số các quyển sách ưa thích của tôi là Hurlbut’s Story of the Bible … , [một] quyển sách [có] 168 câu chuyện từ Kinh Thánh. Tôi thích những câu chuyện này và đọc chúng nhiều lần” (“Bible Stories and Personal Protection,” Ensign, Tháng Mười Một năm 1992, 37).

  36. Stella Oaks, “Thy Will Be Done,” trong Leon R. Hartshorn, biên soạn., Remarkable Stories from the Lives of Latter-day Saint Women, 2 tập (1973–75), 2:184.

  37. An Ma 36:17–18.

  38. Trong thế giới ngày nay của mình, hơn bao giờ hết chúng ta cần những lời của Ê Nót về cha của ông làm những lời của con cái chúng ta nói về chúng ta: “Những lời mà tôi thường nghe cha tôi nói về cuộc sống vĩnh cửu … in sâu vào tim tôi. Và tâm hồn tôi tràn đầy sự khao khát; tôi bèn quỳ xuống trước Đấng Sáng Tạo tôi” (Ê Nót 1:3–4).

  39. Chủ Tịch Monson hứa với giới trẻ: “Khi chứng ngôn của các em về phúc âm, về Đấng Cứu Rỗi và về Cha Thiên Thượng đã được lớn mạnh rồi, thì nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả những gì các em làm trong suốt cuộc sống của mình… . Khi chứng ngôn của các em được nuôi dưỡng liên tục thì sẽ giữ cho các em được an toàn” (Liahona, Tháng Năm năm 2009, 126).

  40. Hê La Man 5:12.

  41. Mô Si A 16:8.

  42. Giáo Lý và Giao Ước 21:5.

  43. Xin xem An Ma 26:12.