2015
″Ôi Chúa Đấng Tôi Cần Luôn″
Tháng 2015


“Ôi Chúa Đấng Tôi Cần Luôn”

Tác giả sống ở Utah, Hoa Kỳ.

Khi chúng tôi không biết có thể giảng dạy gì thêm nữa, thì người bạn đồng hành của tôi đề nghị chúng tôi hát bài thánh ca này.

Hình Ảnh
drawing of family with missionaries

Một buổi trưa Chủ Nhật êm đềm trong khi tôi đang phục vụ truyền giáo ở Balsan, Hàn Quốc, người bạn đồng hành của tôi và tôi tạm biệt các tín hữu sau khi ở nhà thờ và sắp đi ra ngoài rao giảng thì một người lãnh đạo công việc truyền giáo trong tiểu giáo khu giới thiệu chúng tôi với một cậu bé 12 tuổi tên là Kong Sung-Gyun. Cậu bé ấy đã tham dự nhà thờ ngày hôm đó và muốn học hỏi thêm về phúc âm.

Dĩ nhiên, chúng tôi rất phấn khởi về triển vọng để được giảng dạy em ấy, nhưng tôi cũng rất lo lắng về việc gỉảng dạy cho một người nhỏ tuổi như vậy. Chúng tôi quyết định để bảo đảm rằng chúng tôi được cha mẹ của em ấy cho phép, vì vậy tôi gọi điện thoại đến nhà Kong Sung-Gyun và nói chuyện vắn tắt với mẹ của em ấy là Pak Mi-Jung. Tôi rất ngạc nhiên khi bà nói rằng bà rất vui khi con trai bà đã trông đợi được đi nhà thờ và bà sẽ rất vui nếu chúng tôi đến giảng dạy cho con bà.

Những Người Tầm Đạo Bất Ngờ

Buổi chiều hôm sau, chúng tôi đến nhà của cậu bé, sẵn sàng để giảng dạy. Chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi nhận ra rằng Pak Mi-Jung cũng muốn chúng tôi giảng dạy cho con gái của bà là Kong Su-Jin. Và vì chúng tôi là người lạ trong nhà của bà nên Pak Mi-Jung muốn ngồi tham dự trong lúc các bài học đang được giảng dạy. Dĩ nhiên, chúng tôi rất vui để giảng dạy càng nhiều người muốn lắng nghe càng tốt.

Sau khi họ đã dọn cho chúng tôi một số đồ ăn nhẹ, chúng tôi ngồi xuống với nhau và bắt đầu nói chuyện. Thay vì cho chúng tôi bắt đầu ngay vào bài học, Pak Mi-Jung muốn tìm hiểu để biết chúng tôi rõ hơn và nói cho chúng tôi biết về hoàn cảnh của gia đình bà. Bà ấy nói với chúng tôi về những thử thách và khó khăn gần đây mà họ đã trải qua, kể cả cuộc vật lộn gần đây của con trai bà với bệnh ung thư. Em ấy đã được điều trị bằng bức xạ một cách thành công, và bệnh ung thư hiện đang thuyên giảm, nhưng bác sĩ đã báo trước rằng căn bệnh đó có thể trở lại bất cứ lúc nào. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho gia đình. Họ là một gia đình giai cấp công nhân, và người cha đã phải làm việc rất khó nhọc chỉ để có được nơi trú ngụ và thực phẩm để ăn.

Tôi bàng hoàng và buồn bã trước những thử thách trong cuộc sống của họ. Cuộc sống không phải là dễ dàng đối với họ, nhưng sự gần gũi trong gia đình thì hiển nhiên nhiều hơn là tôi đã thấy trong bất cứ gia đình nào khác tôi đã gặp ở Hàn Quốc, là điều nói lên rất nhiều trong một xã hội tập trung vào gia đình như Hàn Quốc. Chúng tôi rời nhà họ buổi chiều hôm đó và đã biết rõ hơn gia đình đặc biệt này cũng như đã có cơ hội để chia sẻ các sứ điệp phúc âm với họ.

Người bạn đồng hành của tôi và tôi đã trở lại để giảng dạy thêm vài lần nữa trong tuần đó, mỗi lần như thế chúng tôi đều cảm nhận được cùng một lòng nhiệt tình và quảng đại như lần đến thăm đầu tiên của mình. Khi đề tài phép báp têm được đề cập đến, cả hai đứa trẻ đều rất háo hức muốn gia nhập Giáo Hội. Tuy nhiên, mẹ của chúng đã không chia sẻ nỗi phấn khởi đó của chúng. Mặc dù những lời giảng dạy của chúng tôi thu hút bà và bà hy vọng điều đó là chân chính, nhưng bà không cảm thấy rằng bà có thể lập và tuân giữ những loại cam kết mà việc gia nhập Giáo Hội đòi hỏi. Bà cũng không cảm thấy thích hợp để chịu phép báp têm mà không có chồng bà, là người mà chúng tôi vẫn chưa được gặp. Tuy nhiên, bà đã sẵn lòng để tiếp tục gặp chúng tôi và cũng muốn cùng các con mình tham dự nhà thờ.

Vào cuối tuần lễ thứ hai đó, trong khi chúng tôi tiếp tục giảng dạy trong nhà của bà, thì chúng tôi gặp chồng bà, Kong Kuk-Won—một người khiêm nhường, lịch thiệp và rộng lượng. Ông tham dự với chúng tôi trong một vài cuộc thảo luận cuối cùng và ngay lập tức ông tin tất cả mọi điều chúng tôi đã giảng dạy, kể cả các giáo lý mà những người khác thường thấy là khó khăn như đóng tiền thập phân và Lời Thông Sáng. Mặc dù với tình hình tài chính gần như thiếu thốn của họ, nhưng họ bắt đầu đóng tiền thập phân. Trở ngại duy nhất của người cha là phải làm việc vào ngày Chủ Nhật. Ông làm việc tại Sân Bay Quốc Tế Seoul vào mỗi Chủ Nhật, vì vậy ông không thể tham dự nhà thờ với những người khác trong gia đình. Bất kể lịch làm việc của ông, vợ chồng ông sắp xếp để tham dự lễ báp têm của con cái họ vào ngày Chủ Nhật kế tiếp.

Tiếp theo phép báp têm của con cái họ, chúng tôi tiếp tục gặp gỡ thường xuyên ở nhà của gia đình họ. Chúng tôi đã tổ chức buổi họp tối gia đình, chia sẻ thánh thư và những kinh nghiệm nâng cao tinh thần, và giới thiệu họ với các tín hữu trong tiểu giáo khu. Tuy nhiên, mặc dù tiếp tục có những kinh nghiệm về phúc âm, hai cha mẹ này vẫn chưa quyết định chịu phép báp têm.

Trong lúc đó, người bạn đồng hành của tôi đã được thuyên chuyển, và người bạn đồng hành mới của tôi là một anh cả đến thẳng từ trung tâm huấn luyện truyền giáo. Anh ấy đầy đức tin, nghị lực, và phấn khởi, và thực sự là có lúc tôi thấy khó bắt kịp với anh ấy. Sau khi gặp Kong Kuk-Won và Pak Mi-Jung trong một vài dịp, người bạn đồng hành của tôi hỏi là người bạn đồng hành trước đây của tôi và tôi có nhịn ăn với họ chưa. Chúng tôi đã không làm như vậy. Trong thực tế, thậm chí tôi còn không nghĩ ra điều đó nữa. Vì vậy, chúng tôi đã họp với gia đình đó và đề nghị một buổi nhịn ăn. Tôi rất sửng sốt khi khám phá ra rằng họ đã tự mình nhịn ăn một cách định kỳ, cho sức khỏe của con trai họ lẫn cho một sự thay đổi trong lịch làm việc mà sẽ cho phép Kong Kuk-Won đi nhà thờ. Sau khi người bạn đồng hành của tôi và tôi cùng nhịn ăn với họ, thì những lời cầu nguyện của chúng tôi đã được đáp ứng và lịch làm việc của Kong Kuk-Won đã được thay đổi. Nhưng Pak Mi-Jung vẫn cương quyết không chịu báp têm.

Một Ý Nghĩ Đầy Soi Dẫn

Rồi người bạn đồng hành của tôi đã đưa ra một ý kiến tuyệt vời khác. Anh ấy kéo ra quyển thánh ca bỏ túi của mình và xin cho chúng tôi được hát với họ. Mặc dù chúng tôi đã hát với nhau vào những dịp trước đó, nhưng tôi chưa bao giờ thấy Pak Mi-Jung hát và tôi cho rằng bà không thích hát hoặc cảm thấy không thoải mái vì âm nhạc còn mới đối với bà. Người bạn đồng hành của tôi hỏi bà ấy có bài thánh ca ưa thích nào không, và trước nỗi ngạc nhiên của tôi, bà ấy đã nghẹn ngào đáp rằng kể từ khi còn bé, bài thánh ca ưa thích của bà là “Ôi Chúa Đấng Tôi Cần Luôn” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, số 98). Chúng tôi bắt đầu hát bốn bè, với người cha hát giai điệu, người mẹ hát giọng antô, người bạn đồng hành của tôi hát giọng têno, và tôi hát giọng bass.

Thánh Linh hiện diện mạnh mẽ trong phòng. Khi chúng tôi hát câu thứ ba, thì bà ấy trở nên cảm động, và ngừng lại trong khi chúng tôi vẫn tiếp tục:

Ôi Chúa Đấng tôi cần luôn,

Khi vui hay đau buồn.

Đời tôi nếu ra ngoài Chúa,

Cuộc đời luông tuồng.

Mỗi phút cần Chúa giúp đỡ tôi.

Luôn cần Chúa bên tôi hoài!

Xin ban phước cho tôi từng giây.

Tôi đến nơi Ngài!

Khi chúng tôi hát xong câu thứ tư là câu cuối cùng thì bà bật khóc nức nở. Trong khi chồng của bà cố gắng an ủi bà, cuối cùng bà lấy lại bình tĩnh. Bà nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: “Tôi cần phải chịu báp têm.”

Hình Ảnh
drawing of woman holding an Asian hymnbook

Buổi lễ báp têm cho Kong Kuk-Won và Pak Mi-Jung vào buổi trưa Chủ Nhật đó là một trong những sự kiện thiêng liêng nhất trong công việc truyền giáo của tôi. Con cái của họ tham gia vào chương trình lễ báp têm, và rất nhiều tín hữu địa phương đã tham dự để cho thấy sự hỗ trợ của họ đối với gia đình cải đạo mới nhất trong tiểu giáo khu của họ. Người bạn đồng hành của tôi và tôi đã trình bày một ca khúc đặc biệt: “Ôi Chúa Đấng Tôi Cần Luôn.”

Cuối cùng tôi đã hoàn tất công việc truyền giáo của mình và trở về nhà. Sau một năm học đại học, tôi trở lại Hàn Quốc để làm việc thực tập trong mùa hè, và mỗi cuối tuần tôi dành ra thời gian để đi thăm nhiều người bạn và các gia đình đặc biệt mà tôi đã gặp trong thời gian truyền giáo. Sau một vài tuần, tôi trở lại Balsan và gặp gia đình đặc biệt này. Khi đến nhà của họ, tôi nhận thấy rằng có thiếu một người nào đó—con trai của họ. Đôi mắt nhòa lệ, Pak Mi-Jung cho tôi biết tin: căn bệnh ung thư của con trai họ đã trở lại và nó đã qua đời lúc 14 tuổi.

Trong khi tôi cố gắng để chia buồn và cũng như đối phó với nỗi đau đớn mà tôi cảm thấy, thì Kong Kuk-Won đã trấn an tôi rằng mọi việc sẽ được ổn thỏa. Họ yêu mến phúc âm, trung tín tham dự nhà thờ, và mong mỏi đến ngày mà gia đình họ có thể được làm lễ gắn bó cho thời tại thế lẫn suốt vĩnh cửu trong Đền Thờ Seoul Hàn Quốc. Mặc dù họ cảm thấy vô cùng đau khổ, nhưng gia đình họ biết rằng họ sẽ gặp lại Kong Sung-Gyun và được đoàn tụ một lần nữa. Pak Mi-Jung cũng nói với tôi rằng việc hát thánh ca hàng ngày đã giúp bà tìm thấy sức mạnh để đương đầu và cảm thấy sự bình an kèm theo do Thánh Linh mang lại.

Khi tôi rời khỏi nhà của họ buổi chiều hôm đó, tôi ngẫm nghĩ lại những lời của bài thánh ca ưa thích của Pak Mi-Jung. Tôi biết ơn rằng Cha Thiên Thượng đã ban phước cho gia đình đó với sự bình an sau khi Kong Sung-Gyun qua đời, và tôi đặc biệt biết ơn vai trò của Thánh Linh trong sự cải đạo của Pak Mi-Jung, mà có thể làm cho gia đình đó hội đủ điều kiện cho các phước lành vĩnh cửu của đền thờ.