2015
Sự Hy Sinh Vị Tha và Thiêng Liêng của Đấng Cứu Rỗi
Tháng 2015


Sự Hy Sinh Vị Tha và Thiêng Liêng của Đấng Cứu Rỗi

Từ một bài nói chuyện tại buổi họp đặc biệt devotional với tựa đề là “Những Lẽ Thật Đáng Để Biết Nhất” được đưa ra tại trường Brigham Young University vào ngày 6 tháng Mười Một năm 2011. Để có được trọn bài nói chuyện bằng tiếng Anh, xin mời vào trang mạng speeches.byu.edu.

Chúa luôn luôn sẵn sàng để giúp đỡ các em. Ngài sẵn lòng chịu đau khổ và chuộc trả hình phạt nếu các em sẵn lòng chấp nhận Ngài là Đấng Cứu Chuộc của mình.

Hình Ảnh
Christ in Gethsemane.

Chúng ta đều sống mắc nợ về phần thuộc linh. Bằng cách nào đó, số nợ càng ngày càng chồng chất thêm. Nếu trả dần dần thì các em không cần phải lo lắng nhiều. Chẳng bao lâu, các em bắt đầu học cách kỷ luật và biết rằng có một ngày thanh toán ở trước mắt. Hãy học cách trả đều đặn và đầy đủ số nợ thuộc linh của mình thay vì bị thu góp tiền lãi và tiền phạt.

Vì đang được thử thách, nên các em được trông mong sẽ làm một số điều lầm lỗi. Tôi nghĩ rằng các em đã làm những điều trong cuộc sống của mình mà lại thấy hối tiếc, những điều mà các em còn không thể xin lỗi được, nói gì đến sửa đổi; do đó, các em vác một gánh nặng. Giờ đây là lúc sử dụng từ tội lỗi, mà có thể vấy bẩn như mực và không thể dễ dàng tẩy rửa. Một cảm giác liên quan đến tội lỗi là lòng chán nản, hối tiếc vì các phước lành và cơ hội đã đánh mất.

Nếu đang vất vả với tội lỗi, thì các em cũng không khác gì những người trong Sách Mặc Môn mà vị tiên tri đã nói: “Cũng vì sự bất chính của họ nên giáo hội đã bắt đầu suy yếu; còn họ thì đã bắt đầu không tin vào tinh thần tiên tri và tinh thần mặc khải; và những sự đoán phạt của Thượng Đế đã nhìn chòng chọc vào mặt họ” (Hê La Man 4:23).

Chúng ta thường cố gắng giải quyết vấn đề về tội lỗi bằng cách tự nói với mình và nói với nhau rằng điều đó không quan trọng. Nhưng bằng cách nào đó, trong thâm tâm, chúng ta không tin như vậy. Chúng ta cũng không tin vào bản thân mình nếu nói như vậy. Chúng ta biết rõ hơn. Điều đó mới thật sự quan trọng!

Các vị tiên tri đã luôn luôn giảng dạy về sự hối cải. An Ma nói: “Này, Ngài sẽ đến để cứu chuộc những ai chịu báp têm để hối cải, qua đức tin nơi tôn danh của Ngài” (An Ma 9:27).

An Ma thẳng thừng nói với đứa con trai ương ngạnh của mình: “Này, sự hối cải không thể đến với loài người nếu không có sự trừng phạt, mà sự trừng phạt thì cũng vĩnh cửu như đời sống của linh hồn, trái ngược với kế hoạch hạnh phúc” (An Ma 42:16).

Có hai mục đích cơ bản cho cuộc sống trần thế. Mục đích thứ nhất là nhận được một thể xác mà có thể được thanh tẩy, tôn cao và sống mãi mãi, nếu chúng ta muốn. Mục đích thứ hai là được thử thách. Khi được thử thách, chắc chắn chúng ta sẽ làm điều lầm lỗi. Nhưng nếu muốn, chúng ta có thể học từ các lỗi lầm của mình. “Nhược bằng chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, ấy là chúng ta cho Ngài là kẻ nói dối, lời Ngài không ở trong chúng ta” (1 Giăng 1:10).

Có lẽ, các em cảm thấy thấp kém trong ý nghĩ và thể xác, gặp rắc rối hay trĩu nặng một số món nợ thuộc linh đã bị đánh dấu là “quá hạn trả” rồi. Khi tự vấn lương tâm của mình trong những giây phút suy ngẫm lặng lẽ đó (là điều mà nhiều người chúng ta cố gắng tránh), thì có một số điều nào chưa giải quyết làm bận tâm các em không? Các em có điều gì cắn rứt lương tâm mình không? Các em vẫn còn cảm thấy phạm tội về bất cứ điều gì nhỏ nhặt hay lớn lao, đến một mức độ nào đó không?

Chúng tôi rất thường nhận được thư của những người đã mắc phải những lỗi lầm nghiêm trọng và đang mang gánh nặng tội lỗi. Họ van nài: “Tôi có thể nào được tha thứ không? Tôi có thể thay đổi không?” Câu trả lời là có chứ!

Phao Lô đã giảng dạy cho người Cô Rinh Tô: “Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được” (1 Cô Rinh Tô 10:13).

Phúc âm dạy chúng ta rằng nỗi dày vò và tội lỗi có thể được giảm bớt qua sự hối cải. Ngoại trừ một ít người—số rất ít người—chọn sự diệt vong sau khi đã biết được phúc âm trọn vẹn, thì một lời hứa sẽ hoàn toàn tha thứ cho bất cứ thói quen, sự phản nghịch, phạm giới, phạm tội nào, dù nghiêm trọng hay nhỏ nhặt đến đâu. Bất kể điều gì đã xảy ra trong cuộc sống của các em, Chúa cũng đã chuẩn bị một con đường để trở lại nếu các em chịu tuân theo những thúc giục của Đức Thánh Linh.

Một số người cảm thấy có một sự thúc giục mạnh mẽ, một cám dỗ lặp đi lặp lại trong tâm trí, có lẽ sẽ thành thói quen và rồi một thói nghiện. Chúng ta có khuynh hướng phạm tội và rồi biện luận rằng mình không phạm tội vì đã được sinh ra như thế. Chúng ta trở nên bị sa bẫy, và do đó cảm thấy đau đớn và bị dày vò mà chỉ có Đấng Cứu Rỗi mới có thể chữa lành mà thôi. Các em có khả năng để ngừng làm như vậy và được cứu chuộc.

Sa Tan Tấn Công Gia Đình

Có lần Chủ Tịch Marion G. Romney (1897–1988) nói với tôi: “Đừng chỉ nói để cho họ hiểu thôi, mà nói để cho họ không thể hiểu lầm.”

Nê Phi nói: “Vì tâm hồn tôi vui thích sự minh bạch; vì cách thức đó mà Đức Chúa Trời làm việc giữa con cái loài người. Vì Đức Chúa Trời ban sự sáng để họ hiểu biết” (2 Nê Phi 31:3).

Vậy thì hãy lắng nghe kỹ! Tôi sẽ nói rõ ràng với tư cách là một người đã được kêu gọi và có bổn phận phải làm như vậy.

Các em biết là có một kẻ nghịch thù. Thánh thư định nghĩa nó như sau: “Chính nó là con rắn thuở xưa, là quỷ dữ, là cha của mọi điều dối trá” (2 Nê Phi 2:18). Nó bị đuổi ra từ lúc ban đầu (xin xem GLGƯ 29:36–38) và bị khước từ không được ban cho một thể xác hữu diệt. Giờ đây nó thề sẽ phá vỡ “kế hoạch hạnh phúc” (An Ma 42:8) và trở thành một kẻ thù của mọi sự ngay chính. Sự tấn công của nó tập trung vào gia đình.

Các em sống trong một thời kỳ mà tai họa từ hình ảnh sách báo khiêu dâm đang lan tràn khắp thế giới. Thật là khó để thoát khỏi điều đó. Hình ảnh sách báo khiêu dâm được tập trung vào chức năng tự nhiên của các em và qua đó các em có khả năng để sinh ra một mầm sống.

Việc ham mê hình ảnh sách báo khiêu dâm dẫn đến những khó khăn, ly dị, bệnh tật, hằng chục tình thế rắc rối khác. Không có một phần nào trong đó là vô tội cả. Việc sưu tầm, xem hay mang theo hình ảnh sách báo khiêu dâm bên mình dưới bất cứ hình thức nào thì cũng giống như giữ một con rắn chuông trong túi đeo lưng của mình. Nó đặt phần thuộc linh của các em vào tình thế nguy hiểm không thể tránh được giống như khi các em bị nọc độc chết người của rắn cắn phải. Với tình trạng của thế giới ngày nay, một người có thể dễ dàng hiểu rằng hình ảnh sách báo khiêu dâm có thể vô tình được đặt trước mắt các em, và các em đọc hay xem nó mà không ý thức được những hậu quả khủng khiếp. Nếu điều đó mô tả đúng tình trạng của các em thì tôi cảnh cáo các em phải ngừng lại. Hãy ngừng lại ngay bây giờ!

Sách Mặc Môn dạy rằng tất cả “loài người được dạy dỗ đầy đủ để họ biết phân biệt được thiện và ác” (2 Nê Phi 2:5). Và điều đó gồm có cả các em nữa đấy. Các em biết điều gì đúng và điều gì sai. Hãy cẩn thận đừng vượt qua ranh giới đó.

Mặc dù hầu hết các lỗi lầm đều có thể được thú nhận riêng với Chúa, nhưng có một số điều phạm giới đòi hỏi nhiều hơn như thế để được tha thứ. Nếu lỗi lầm của các em quá nghiêm trọng, thì các em phải đi gặp vị giám trợ của mình. Nếu không, thì việc thú nhận bình thường, lặng lẽ và riêng tư cũng được. Nhưng hãy nhớ rằng sự tha thứ tuyệt diệu đó sẽ không luôn luôn đến cùng một lúc. Lúc đầu, nếu các em có vấp ngã, thì đừng đầu hàng. Việc khắc phục lòng chán nản chính là một phần thử thách. Đừng đầu hàng. Và như tôi đã khuyên bảo từ trước, một khi các em đã thú nhận và từ bỏ tội lỗi thì đừng nhìn lại nữa.

Đấng Cứu Rỗi Gánh Chịu Tội Lỗi của Chúng Ta

Chúa luôn luôn sẵn sàng để giúp đỡ các em. Ngài đã chịu đau khổ và chuộc trả hình phạt nếu các em sẵn lòng chấp nhận Ngài là Đấng Cứu Chuộc của mình.

Vì là người trần thế, nên chúng ta có lẽ không thể, thật sự không thể, hiểu thấu cách Ngài đã làm tròn sự hy sinh chuộc tội của Ngài. Nhưng bây giờ cách Ngài chịu đau khổ thì không quan trọng bằng lý do tại sao Ngài chịu đau khổ. Tại sao Ngài làm điều đó cho các em, cho tôi, cho tất cả nhân loại? Ngài làm điều đó vì yêu mến Thượng Đế Đức Chúa Cha và tất cả nhân loại. “Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình” (Giăng 15:13).

Trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, Đấng Ky Tô đã để Các Sứ Đồ của Ngài ở lại và đi cầu nguyện. Bất cứ điều gì đã xảy ra nơi đó đều vượt quá sự hiểu biết của chúng ta! Nhưng chúng ta thật sự biết rằng Ngài đã hoàn tất Sự Chuộc Tội. Ngài đã sẵn lòng mang lấy những lỗi lầm và tội lỗi, những nỗi ngờ vực và sợ hãi của tất cả thế gian. Ngài đã chịu đau khổ cho chúng ta để chúng ta không phải chịu đau khổ. Nhiều người trần thế đã bị dày vò và chết một cách đau đớn và khủng khiếp. Nhưng nỗi thống khổ của Ngài đã vượt qua tất cả những điều đó.

Vào cái tuổi của tôi, tôi đã biết được nỗi đau thể xác là gì, và không có gì là thú vị cả! Không có ai thoát khỏi cuộc sống này mà không học được một hoặc hai điều về nỗi đau đớn. Nhưng tôi không thể chịu nổi sự dày vò cá nhân khi nhận ra rằng mình đã làm cho người khác đau khổ. Chính là đến lúc đó tôi mới hiểu được chút ít về nỗi thống khổ mà Đấng Cứu Rỗi đã trải qua trong Vườn Ghết Sê Ma Nê.

Nỗi đau khổ của Ngài khác với tất cả những nỗi đau khổ khác từ trước đến giờ vì Ngài đã mang lấy tất cả những hình phạt chưa từng áp đặt lên gia đình nhân loại. Hãy tưởng tượng điều đó! Ngài không có nợ để trả. Ngài không làm điều gì sai. Tuy nhiên, sự chồng chất của tất cả tội lỗi, nỗi đau buồn và sầu khổ, nỗi đau đớn và nhục nhã, tất cả những nỗi dày vò tinh thần, tình cảm và thể chất mà con người biết được—Ngài đã trải qua tất cả. Chỉ có Một Đấng trong tất cả biên niên sử của nhân loại, là Đấng hoàn toàn vô tội, và hội đủ điều kiện để chuộc tội lỗi và sự phạm giới của tất cả nhân loại và sống qua nỗi đau đớn đi kèm theo sự chuộc trả cho họ.

Ngài sẵn lòng phó mạng sống của Ngài và đã phán: “Chính ta là Đấng sẽ nhận lấy các tội lỗi của thế gian” (Mô Si A 26:23). Ngài đã bị đóng đinh; Ngài chết. Họ không thể lấy đi mạng sống của Ngài. Ngài đã ưng thuận để chết.

Hình Ảnh
Jesus Christ and the two thieves depicted during the Crucifixion. The Apostle John is standing below the cross of Christ. Mary, the mother of Christ is standing beside John. Two other women are kneeling at the base of the cross. There are Roman soldiers and Jews standing in the background.

Việc Hoàn Toàn Tha Thứ Có Thể Làm Được

Nếu các em đã vấp ngã hay đã lạc đường trong một thời gian, nếu các em cảm thấy rằng kẻ nghịch thù hiện đang giam giữ mình, thì các em có thể tiến bước với đức tin và không phải lang thang trên thế giới nữa. Có những người sẵn sàng hướng dẫn các em trở lại chốn bình an và an toàn. Như đã được hứa trong thánh thư, ngay cả ân điển của Thượng Đế sẽ đến “sau khi chúng ta đã làm tất cả những gì chúng ta có thể làm” (2 Nê Phi 25:23). Đối với tôi, lẽ thật đáng để biết nhất chính là điều có thể xảy ra này.

Tôi hứa là buổi sáng rạng rỡ của sự tha thứ đó có thể đến. Rồi “sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết” (Phi Líp 4:7) đến với cuộc sống của các em một lần nữa, giống như một buổi sáng bình minh, và các em, và Ngài, “sẽ chẳng nhớ tội của [các em] nữa” (Giê Rê Mi 31:34). Làm thế nào các em sẽ biết được? Các em sẽ biết được! (Xin xem Mô Si A 4:1–3).

Đây là điều tôi phải giảng dạy cho các em là những người đang gặp rắc rối. Ngài sẽ đứng ra giải quyết vấn đề mà các em không thể giải quyết được, nhưng các em phải trả giá. Điều này sẽ không đến nếu các em không làm như thế. Ngài là một Đấng trị vì rất nhân từ theo ý nghĩa là Ngài sẽ luôn luôn trả cái giá cần thiết, nhưng Ngài muốn các em cũng phải làm điều mình cần làm, cho dù điều đó rất đau đớn.

Tôi yêu mến Chúa, và tôi yêu mến Đức Chúa Cha là Đấng đã sai Ngài đến. Các gánh nặng thất vọng và tội lỗi của chúng ta có thể được đặt ra trước mặt Ngài, và theo các điều kiện khoan hồng của Ngài, mỗi món nợ có thể được đánh dấu là “đã trả đầy đủ.”

“Bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện luận cùng nhau. Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên” Ê Sai nói tiếp, điều đó có nghĩa là: “nếu các ngươi sẵn lòng vâng lời” (Ê Sai 1:18–19).

Hình Ảnh
Jesus Christ with a woman who is wearing a red robe.

Hãy đến cùng Ngài

Câu thánh thư “hãy học sự thông sáng trong tuổi thanh xuân của con; phải, hãy học tập tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế trong tuổi thanh xuân của mình” (An Ma 37:35) là một lời mời gọi đi kèm theo với lời hứa ban cho sự bình an và bảo vệ khỏi kẻ nghịch thù. “Chớ để người ta khinh con vì trẻ tuổi; nhưng phải lấy lời nói, nết làm, sự yêu thương, đức tin và sự tinh sạch mà làm gương cho các tín đồ” (1 Ti Mô Thê 4:12).

Đừng trông mong rằng tất cả mọi việc sẽ được suông sẻ trong suốt cuộc sống của mình. Ngay cả những người đang sống đúng theo lời dạy, đôi khi cũng gặp nhiều khó khăn, không được suông sẻ. Hãy đối phó với mỗi thử thách của cuộc đời bằng tính lạc quan và sự vững vàng, để các em sẽ có được bình an và đức tin hỗ trợ các em bây giờ và mai sau.

Đối với những người chưa nhận được tất cả các phước lành mình cảm thấy muốn và cần phải có, tôi tin chắc rằng không có kinh nghiệm hay cơ hội cứu chuộc và cứu rỗi thiết yếu nào sẽ không ban cho các em là những người sống trung tín. Hãy luôn luôn sống xứng đáng; hãy có hy vọng, kiên nhẫn và thành tâm. Cuối cùng rồi mọi việc đều sẽ được giải quyết ổn thỏa. Ân tứ Đức Thánh Linh sẽ hướng dẫn và chỉ dẫn hành động của các em.

Nếu các em là một trong số những người đang vất vả với tội lỗi, chán nản hay ngã lòng vì những lỗi lầm mình đã làm hay các phước lành chưa đến, thì hãy lắng nghe những lời giảng dạy đầy trấn an trong bài thánh ca “Hãy Đến cùng Chúa Giê Su”:

Hãy đến cùng Chúa Giê Su, bạn là người gánh nặng,

Bị kiệt sức và ngất xỉu, bởi tội lỗi đè nặng.

Ngài sẽ hướng dẫn bạn an toàn đến nơi ẩn náu

Nơi đây tất cả những ai tin cậy nơi Ngài có thể nghỉ ngơi.

Hãy đến cùng Chúa Giê Su; Ngài sẽ luôn luôn lưu tâm đến bạn,

Mặc dù trong bóng tối bạn đang đi lạc lối.

Tình yêu của Ngài sẽ tìm thấy bạn và nhẹ nhàng dẫn bạn

Từ đêm đen tối nhất để bước vào ngày.

Hãy đến cùng Chúa Giê Su; Ngài sẽ chắc chắn nghe thấy bạn,

Nếu bạn cầu xin một cách nhu mì tình yêu thương của Ngài.

Ôi, bạn không biết rằng các thiên sứ đang ở gần bạn

Từ các gian nhà sáng rực nhất trên cao sao?1

Cùng với Các Anh Em Sứ Đồ khác, tôi xin nói rằng tôi là một nhân chứng đặc biệt của Chúa Giê Su Ky Tô. Lời chứng đó đã được tái xác nhận mỗi lần tôi cảm thấy trong lòng mình và nơi những người khác kết quả thanh tẩy của sự hy sinh thiêng liêng của Ngài. Lời chứng của tôi và của Các Anh Em Sứ Đồ khác, là chân chính. Chúng tôi biết Chúa. Ngài không xa lạ gì đối với các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải của Ngài.

Tôi hiểu rằng các em không hoàn hảo nhưng các em đang tiến bước trên con đường đó để hướng tới sự hoàn hảo. Hãy can đảm. Hãy biết rằng bất cứ người nào có được một thể xác đều có quyền năng đối với người không có thể xác.2 Sa Tan không được ban cho một thể xác; vậy nên nếu các em gặp cám dỗ, hãy biết rằng các em vượt qua tất cả các cám dỗ đó nếu các em chịu sử dụng quyền tự quyết ban cho A Đam và Ê Va trong khu vườn và truyền giao lại cho chính thế hệ này đây.

Và nếu các em mong đợi với hy vọng và ước muốn để làm điều Chúa muốn các em làm—thì đó là tất cả những gì được kỳ vọng.

Ghi Chú

  1. Xin xem “Come unto Jesus,” Hymns, số 117.

  2. Xin xem Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (2007), 211.