2010–2019
Hãy Đến Xem
tháng mười 2014


Hãy Đến Xem

Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô đã và sẽ luôn luôn là một giáo hội với các tín hữu là những người tham gia vào công việc truyền giáo.

Sứ điệp của tôi cụ thể là nhắm vào những người không phải là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi sẽ đề cập đến một câu hỏi cơ bản mà nhiều người trong số các bạn có thể có: “Tại sao Các Thánh Hữu Ngày Sau quá thiết tha để nói cho tôi biết về điều họ tin và mời tôi tìm hiểu về giáo hội của họ vậy?”

Tôi cầu nguyện Thánh Linh của Chúa sẽ giúp tôi truyền đạt một cách hiệu quả, và giúp các bạn hiểu rõ câu trả lời của tôi cho câu hỏi quan trọng này.

Một Nhiệm Vụ Thiêng Liêng

Các môn đồ tận tụy của Chúa Giê Su Ky Tô đã và sẽ luôn luôn là những người truyền giáo dũng cảm. Một người truyền giáo là một tín đồ của Đấng Ky Tô, là người làm chứng về Ngài là Đấng Cứu Chuộc và rao truyền các lẽ thật về phúc âm của Ngài.

Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô đã và sẽ luôn luôn là một giáo hội với các tín hữu là những người tham gia vào công việc truyền giáo. Mỗi tín hữu của Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi đã chấp nhận nghĩa vụ long trọng để phụ giúp trong việc làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng do Chúa ban cho Các Sứ Đồ của Ngài, như đã được ghi trong Kinh Tân Ước:

“Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp têm cho họ

“Dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế. [A Men]” (Ma Thi Ơ 28:19–20).

Các Thánh Hữu Ngày Sau rất nghiêm túc với trách nhiệm này để giảng dạy cho tất cả mọi người ở mọi quốc gia về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài. Chúng tôi tin rằng cùng một giáo hội do Đấng Cứu Rỗi thành lập ở thời xưa nay đã được Ngài thiết lập lại trên thế gian trong những ngày sau. Giáo lý, các nguyên tắc, thẩm quyền chức tư tế, các giáo lễ, và các giao ước của phúc âm Ngài đều hiện có trong Giáo Hội của Ngài.

Khi chúng tôi mời các bạn đi nhà thờ với chúng tôi hoặc học hỏi với những người truyền giáo toàn thời gian, thì không phải là chúng tôi đang cố gắng bán cho các bạn một sản phẩm. Là tín hữu của Giáo Hội, chúng tôi không nhận được phần thưởng hay danh tiếng gì trong một cuộc thi đua thuộc linh. Chúng tôi không tìm cách chỉ để gia tăng con số tín hữu trong Giáo Hội. Và quan trọng nhất, chúng tôi không cố gắng ép buộc các bạn tin tưởng giống như chúng tôi. Chúng tôi mời các bạn nghe các lẽ thật phục hồi của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô để các bạn có thể nghiên cứu, suy ngẫm, cầu nguyện, và tự mình tiến đến việc biết là những điều chúng tôi đang chia sẻ với các bạn có chân chính không.

Một số các bạn có thể trả lời: “Nhưng tôi đã tin nơi Chúa Giê Su và tuân theo những lời dạy của Ngài rồi,” hoặc “Tôi không chắc là Thượng Đế có thực sự hiện hữu hay không.” Lời mời của chúng tôi với các bạn không phải là một nỗ lực để làm giảm giá trị truyền thống tôn giáo hoặc kinh nghiệm về cuộc sống của các bạn. Hãy giữ lại với các bạn mọi điều mà các bạn biết là đúng, tốt, và đáng khen—và thử nghiệm sứ điệp của chúng tôi. Giống như Chúa Giê Su đã mời gọi hai môn đồ của Ngài “hãy đến xem” (Giăng 1:39), chúng tôi cũng khuyến khích các bạn đến xem coi phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô có bổ sung và phong phú hóa những điều mà các bạn đã tin là chân chính rồi không.

Quả thật, chúng tôi cảm thấy có một trách nhiệm long trọng để mang sứ điệp này đến mọi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ, và dân tộc. Và điều đó hoàn toàn đúng với điều chúng tôi đang làm với một lực lượng hiện nay của hơn 88.000 người truyền giáo toàn thời gian đang lao nhọc tại hơn 150 quốc gia độc lập trên thế giới. Những người nam và người nữ phi thường này giúp các tín hữu của Giáo Hội của chúng tôi làm tròn trách nhiệm cá nhân đã được Chúa chỉ định cho mỗi người chúng tôi để rao truyền phúc âm vĩnh viễn của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem GLGƯ 68:1).

Còn Hơn một Bổn Phận Tinh Thần

Nhưng tấm lòng tha thiết của chúng tôi để công bố sứ điệp này không phải chỉ là kết quả của một ý thức về bổn phận tinh thần. Thay vì thế, ước muốn của chúng tôi để chia sẻ phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô với các bạn là một cách biểu lộ rằng các lẽ thật này là quan trọng biết bao đối với chúng tôi. Tôi tin rằng tôi có thể mô tả rõ nhất lý do tại sao chúng tôi rất thẳng thắn trong việc tìm cách giải thích niềm tin của chúng tôi với các bạn qua một kinh nghiệm của vợ chồng tôi cách đây nhiều năm với hai đứa con trai của chúng tôi.

Một buổi chiều nọ, Susan và tôi đứng bên cửa sổ trong nhà chúng tôi và xem hai đứa con trai nhỏ của chúng tôi chơi ở bên ngoài. Trong lúc chúng đang chơi, thì đứa nhỏ nhất trong hai đứa đó đã bị thương nhẹ. Chúng tôi nhanh chóng nhận ra rằng nó đã không bị thương nặng, và chúng tôi quyết định không giúp đỡ ngay lập tức. Chúng tôi muốn quan sát và để xem nếu có bất cứ cuộc thảo luận nào trong gia đình chúng tôi về lòng tốt của anh em có giúp đỡ cho hai đứa bé này học hỏi nguyên tắc đó không. Điều xảy ra sau đó rất thú vị và để làm bài học có tác dụng giáo dục.

Thằng anh an ủi và cẩn thận giúp em nó trở vào nhà. Susan và tôi đứng ở gần nhà bếp nên chúng tôi có thể thấy được điều đã diễn ra tiếp theo, và chúng tôi đã chuẩn bị để can thiệp ngay lập tức nếu có thêm thương tích gì nữa.

Thằng anh kéo một chiếc ghế đến bồn rửa trong nhà bếp. Nó leo lên trên ghế, giúp em của nó leo lên ghế, mở nước ra, và tiếp tục đổ một đống xà phòng rửa chén vào cánh tay trầy xước của em trai nó. Nó đã cố gắng nhẹ nhàng hết sức để rửa sạch đất. Phản ứng của thằng em trước những cử chỉ này chỉ có thể được mô tả một cách chính xác bằng cách sử dụng lời lẽ từ thánh thư: “Và chúng sẽ có lý do để gào thét, khóc than, rên rỉ và nghiến răng” (Mô Si A 16:2). Và chắc chắn là đứa bé trai này đã gào thét vì đau đớn!

Sau khi rửa tay kỹ xong, nó đã lau cho tay em nó thật khô bằng một cái khăn. Cuối cùng thì em nó cũng hết la hét. Kế đó, thằng anh leo lên tủ bếp, mở tủ ra, và tìm thấy một ống thuốc mỡ mới. Mặc dù các vết trầy xước của em nó không lớn, nhưng thằng anh đã thoa gần hết cái ống thuốc mỡ cho cả cánh tay bị thương. Thằng em không còn la hét nữa, vì rõ ràng là nó thích tác dụng giảm đau của thuốc mỡ nhiều hơn là biết ơn về tác dụng rửa sạch của xà phòng rửa chén.

Một lần nữa, thằng anh trở lại cái tủ đựng đồ, nó tìm thấy thuốc mỡ và một cái hộp đựng băng vô trùng mới. Sau đó nó tháo các miếng băng ra và dán đầy lên cánh tay của em nó—từ cổ tay đến khuỷu tay. Khi đã băng bó cho em nó xong, và với bong bóng xà phòng, thuốc mỡ và giấy gói băng nằm lung tung khắp trong nhà bếp, hai đứa trẻ nhảy xuống khỏi ghế với nụ cười rạng rỡ và khuôn mặt vui vẻ.

Chuyện xảy ra tiếp theo thật là quan trọng. Thằng em bị thương gom lại những miếng băng còn lại, và ống thuốc mỡ gần hết, và trở ra ngoài. Nó nhanh chóng tìm những đứa bạn của nó và bắt đầu thoa kem thuốc và dán băng lên cánh tay của chúng. Susan và tôi đều kinh ngạc trước lòng chân thành, nhiệt tình và phản ứng nhanh chóng của nó.

Tại sao đứa bé đó làm điều nó đã làm? Xin lưu ý rằng ngay lập tức và một cách tự nhiên, nó đã muốn cho bạn bè của nó có cùng một thứ mà đã giúp đỡ nó khi nó bị thương. Đứa bé đó không cần phải được khuyến khích, yêu cầu, thúc giục hoặc ép buộc để hành động. Ước muốn của nó để chia sẻ là kết quả tự nhiên về một kinh nghiệm cá nhân rất hữu ích và có lợi.

Nhiều người trong chúng ta là những người lớn cư xử theo đúng như vậy khi chúng ta tìm thấy một phương pháp điều trị hoặc loại thuốc nào làm giảm bớt nỗi đau đớn mà chúng ta từ lâu đã phải chịu đựng, hoặc khi chúng ta nhận được lời khuyên làm cho chúng ta có khả năng đối phó với những thử thách bằng lòng can đảm và những điều rắc rối khó hiểu bằng lòng kiên nhẫn. Việc chia sẻ với những người khác những điều có ý nghĩa nhất đối với chúng ta hoặc đã giúp đỡ chúng ta thì không phải là không bình thường gì cả.

Mẫu mực này là đặc biệt hiển nhiên trong các vấn đề quan trọng về mặt tinh thần và có kết quả lớn lao. Ví dụ, một câu chuyện trong một quyển thánh thư được gọi là Sách Mặc Môn dạy về một giấc mơ do một vị tiên tri và vị lãnh đạo thời xưa tên là Lê Hi đã nhận được. Đặc điểm chính trong giấc mơ của Lê Hi là cây sự sống—tức là tượng trưng cho “tình thương yêu của Thượng Đế … được hấp dẫn hơn hết thảy mọi vật khác” và “là niềm vui sướng nhất cho tâm hồn” (1 Nê Phi 11:22–23; xin xem thêm 1 Nê Phi 8:12, 15).

Lê Hi giải thích:

“Và chuyện rằng, cha liền bước đến hái một trái ăn; cha nhận thấy trái cây ấy có một hương vị ngọt ngào hơn hết tất cả những trái cây khác mà cha đã từng nếm. Phải, cha thấy trái ấy có một màu trắng toát, trắng hơn hết tất cả những màu trắng cha đã được trông thấy từ trước tới giờ.

Và khi ăn trái cây ấy, nó làm cho tâm hồn cha chan hòa một niềm hân hoan cực độ; vậy nên, cha bèn muốn cho cả gia đình mình cũng được nếm trái ấy” (1 Nê Phi 8:11–12; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Cách thể hiện vĩ đại nhất về tình yêu thương của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài là giáo vụ trên trần thế, sự hy sinh chuộc tội, và Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô. Trái trên cây ấy có thể được coi là biểu tượng cho các phước lành về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi.

Phản ứng ngay lập tức của Lê Hi để dự phần vào trái cây đó và cảm nhận niềm vui lớn lao là một ước muốn gia tăng để chia sẻ trái cây đó với gia đình ông và phục vụ gia đình của ông. Vì vậy, khi tìm đến Đấng Ky Tô, ông cũng tìm đến những người khác bằng cách yêu thương và phục vụ họ.

Một sự kiện quan trọng khác trong Sách Mặc Môn mô tả điều đã xảy ra cho một người tên là Ê Nót sau khi Thượng Đế đã nghe và đáp ứng cho lời cầu nguyện khẩn thiết của ông.

Ông nói:

“Và tâm hồn tôi tràn đầy sự khao khát; tôi bèn quỳ xuống trước Đấng Sáng Tạo tôi, và tôi kêu cầu Ngài với lời cầu nguyện và khẩn cầu mãnh liệt cho tâm hồn tôi; và tôi đã kêu cầu Ngài suốt ngày; phải, và khi đêm đến, tôi vẫn còn cất cao lời van xin để cho những lời của tôi thấu đến các tầng trời.

“Và thế rồi, một tiếng nói vọng đến tai tôi mà rằng: Ê Nót, ngươi đã được tha tội, và ngươi sẽ được phước.

“Và tôi, Ê Nót, biết rằng Thượng Đế không thể nói dối được; vậy nên tội lỗi của tôi đã được tẩy sạch.

“Và tôi thưa rằng: Lạy Chúa, làm sao điều này lại có thể xảy ra được

“Và Ngài phán cùng tôi rằng: Vì đức tin của ngươi nơi Đấng Ky Tô, là Đấng mà ngươi chưa từng nghe hay thấy. … Vậy nên, hãy đi, đức tin của ngươi làm cho ngươi được trọn lành.

Giờ đây, chuyện rằng, khi tôi nghe được những lời như vậy, tôi bắt đầu cảm thấy ước mong cho sự an lạc của đồng bào tôi, là dân Nê Phi; vậy nên, tôi đã đem hết tâm hồn mình dâng lên Thượng Đế vì họ” (Ê Nót 1:4–9; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Khi Ê Nót tìm đến Chúa “một cách hết lòng” (2 Nê Phi 31:13), thì mối quan tâm của ông về sự an lạc của gia đình, bạn bè, và những người cộng sự của ông đồng thời cũng gia tăng.

Bài học lâu dài chúng ta học được từ hai câu chuyện này là tầm quan trọng của việc cảm nhận được trong cuộc sống cá nhân của chúng ta các phước lành về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô trước khi chúng ta có thể phục vụ chân thành và thành thật vượt quá việc chỉ “làm một cách máy móc.” Giống như Lê Hi, Ê Nót, và đứa con trai nhỏ của chúng tôi trong câu chuyện tôi đã kể lại, chúng tôi là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đã cảm nhận được nỗi đau đớn liên quan đến nỗi ngờ vực về tinh thần và tội lỗi. Chúng tôi cũng đã kinh nghiệm được việc thanh tẩy, sự bình an của lương tâm, sự chữa lành và đổi mới phần thuộc linh, và hướng dẫn mà chỉ nhận được bằng cách học hỏi và sống theo các nguyên tắc phúc âm của Đấng Cứu Rỗi.

Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô mang đến quyền năng thanh tẩy cần thiết để được làm cho tinh khiết và trong sạch, liều thuốc giảm đau để chữa lành vết thương tinh thần và loại bỏ cảm giác tội lỗi, và sự bảo vệ làm cho chúng tôi có khả năng trung thành trong lúc vui lẫn lúc buồn.

Lẽ Thật Tuyệt Đối Hiện Hữu

Cùng các bạn là những người trong gia đình và bạn bè không phải là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi đã cố gắng để giải thích các lý do chủ yếu tại sao chúng tôi là những người truyền giáo.

Lẽ thật tuyệt đối hiện hữu trong một thế giới càng ngày càng khinh thị và bác bỏ những điều xác thực. Trong một ngày trong tương lai, “mọi đầu gối … [sẽ] đều quì xuống” và “mọi lưỡi [sẽ] đều xưng Giê Su Ky Tô là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha” (Phi Líp 2:10–11). Chúa Giê Su Ky Tô đích thực là Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu. Là tín hữu của Giáo Hội của Ngài, chúng tôi làm chứng rằng Ngài hằng sống và Giáo Hội của Ngài đã được phục hồi trọn vẹn trong những ngày sau này.

Những lời mời của chúng tôi đưa ra cho các bạn để tìm hiểu và thử nghiệm sứ điệp của chúng tôi là kết quả của những ảnh hưởng tích cực mà phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã có trong cuộc sống của chúng tôi. Đôi khi chúng tôi có thể vụng về hoặc đường đột hay thậm chí dai dẳng trong các nỗ lực của mình. Ước muốn giản dị của chúng tôi là chia sẻ với các bạn các lẽ thật có giá trị lớn nhất đối với chúng tôi.

Là một trong Các Sứ Đồ của Chúa, và với tất cả tấm lòng nhiệt thành của, tôi làm chứng về thiên tính và sự thực tế của Ngài. Và tôi xin mời các bạn “hãy đến xem” (Ga 1:39) trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.