2010–2019
Chúa Đi Đâu Tôi Sẽ Theo Đó
tháng mười 2014


Chúa Đi Đâu Tôi Sẽ Theo Đó

Chúa mời gọi chúng ta bằng cách dùng các động từ khác nhau: “Hãy đến cùng ta”, “Hãy theo ta,” “Hãy đi cùng với ta.” Trong mỗi trường hợp, đó là một lời mời để hành động.

“Và này, Chúa đã ban cho tất cả mọi quốc gia, với những người cùng chung một nước và chung một ngôn ngữ, được giảng dạy lời của Ngài.”1 Ngày hôm nay, một lần nữa câu thánh thư này đã được ứng nghiệm vì tôi đã được ban cho cơ hội để bày tỏ những cảm nghĩ của mình bằng tiếng mẹ đẻ.

Đó là năm 1975, lúc đó tôi đang phục vụ trong Phái Bộ Truyền Giáo Uruguay Paraguay với tư cách là một người truyền giáo trẻ tuổi. Trong tháng đầu tiên phục vụ truyền giáo, những người lãnh đạo khu bộ truyền giáo đã tổ chức một buổi sinh hoạt để cho thấy một nguyên tắc phúc âm. Mỗi người truyền giáo trong khu bộ đó được bịt mắt lại, và chúng tôi được cho biết rằng chúng tôi phải đi theo một con đường dẫn đến hội trường văn hóa. Chúng tôi phải đi theo tiếng nói của một người lãnh đạo đặc biệt, một tiếng nói mà chúng tôi đã nghe trước khi bắt đầu bước đi. Tuy nhiên, chúng tôi được báo trước rằng trong chuyến đi này, chúng tôi sẽ nghe một vài tiếng nói khác cố gắng làm cho chúng tôi hoang mang và đưa chúng tôi đi lạc ra khỏi con đường đó.

Sau một vài phút nghe tiếng động, tiếng nói chuyện, và—ở giữa tất cả những tiếng đó—thì có một tiếng nói: “Hãy đi theo tôi,” tôi cảm thấy tự tin khi đi theo tiếng nói đúng. Khi đến hội trường văn hóa của giáo đường, những người lãnh đạo đã yêu cầu chúng tôi cởi khăn bịt mắt ra. Lúc đó tôi nhận ra rằng có hai nhóm và tôi đang ở trong nhóm đi theo tiếng nói sai. Tôi tự nhủ: “Tiếng nói đó nghe rất giống như tiếng nói đúng.”

Kinh nghiệm đó của 39 năm trước đã có một ảnh hưởng lâu dài đối với tôi. Tôi đã tự nhủ: “Đừng bao giờ đi theo tiếng nói sai nữa.” Rồi tôi tự nhủ: “Chúa đi đâu tôi sẽ theo đó.”

Tôi muốn liên kết kinh nghiệm này với lời mời dịu dàng của Đấng Cứu Rỗi cho chúng ta:

“Ta là người chăn hiền lành, ta quen chiên ta. …

“Chiên ta nghe tiếng ta, ta quen nó, và nó theo ta.”2

Lời mời gọi “đi theo Ngài” là lời mời gọi giản dị, trực tiếp và hùng hồn nhất mà chúng ta có thể nhận được. Lời mời này đến từ một tiếng nói rõ ràng không thể bị nhầm lẫn được.

Chúa mời gọi chúng ta bằng cách dùng các động từ khác nhau: “Hãy đến cùng ta”, “Hãy theo ta,” “Hãy đi cùng với ta.” Trong mỗi trường hợp, đó không phải là một lời mời thụ động, mà là một lời mời để hành động. Lời mời này được Đấng Tiên Tri của các vị tiên tri, Đức Thầy của các vị thầy, Vị Nam Tử của Thượng Đế, Đấng Mê Si nói cùng tất cả nhân loại.

Lời mời gọi “Hãy đến cùng ta”

“Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.”3

Các bạn chưa phải là tín hữu của Giáo Hội sẽ nhận được lời mời này qua tiếng nói của những người truyền giáo với những lời như: “Bạn chịu đọc Sách Mặc Môn không? Bạn chịu cầu nguyện không? Bạn chịu đi nhà thờ không? Bạn chịu noi theo gương của Chúa Giê Su Ky Tô và chịu phép báp têm bởi những người có thẩm quyền không?”4 Bạn sẽ đáp ứng với lời mời gọi này như thế nào hôm nay?5

Tôi mời các bạn hãy lắng nghe và chấp nhận sứ điệp này bằng cách nói rằng: “Vâng, thưa Chúa, Chúa đi đâu tôi sẽ theo đó!”

Ở Minas, Uruguay, Badiola và gia đình của anh gặp những người truyền giáo. Vì các anh cả đặt ra rất nhiều câu hỏi trong bài học nên họ đã quyết định mời một người hàng xóm ngoại đạo là Norma 14 tuổi để giúp họ trả lời. Norma là một nữ sinh trung học tận tụy đang học Kinh Thánh ở trường năm đó, vậy nên khi những người truyền giáo đặt ra câu hỏi, Norma đã trả lời. Em ấy là một người tầm đạo sáng giá. Bài học hôm đó là về Lời Thông Sáng.

Khi em ấy trở về nhà sau bài học với những người truyền giáo, Norma biết điều em phải làm. Em nói với mẹ em rằng: “Mẹ ơi, từ bây giờ mẹ đừng làm cà phê sữa cho con nữa nghe. Chỉ sữa thôi.” Cách đáp ứng đó cho thấy rõ ước muốn của em để chấp nhận lời mời đi theo Đấng Ky Tô khi được những người truyền giáo đưa ra lời mời.

Cả Carlos Badiola lẫn Norma đều chịu phép báp têm. Về sau, tiếp theo tấm gương của Norma, cha mẹ và anh chị em của em cũng chịu phép báp têm. Norma và tôi đã cùng lớn lên với nhau trong chi nhánh nhỏ bé nhưng mạnh mẽ đó. Về sau, khi tôi trở về từ công việc phục vụ truyền giáo, chúng tôi đã kết hôn với nhau. Tôi luôn luôn biết rằng việc noi theo Đấng Cứu Rỗi sẽ dễ dàng hơn với vợ tôi ở bên cạnh.

Một người là tín hữu của Giáo Hội và đã chấp nhận lời mời gọi này tái lập lời cam kết của mình mỗi tuần bằng cách dự phần Tiệc Thánh.6 Một phần của sự cam kết đó là tuân giữ các giáo lệnh; khi làm như vậy, các anh chị em nói, “Vâng, thưa Chúa, Chúa đi đâu tôi sẽ theo đó!”7

Lời Mời Gọi “Hãy Đến Mà Theo Ta”

“Hãy theo ta,” là lời mời gọi của Chúa dành cho người thanh niên quyền quý. Người quyền quý này đã tuân giữ các giáo lệnh trong suốt cuộc sống của mình. Khi hỏi là anh ta có thể làm gì thêm nữa, thì anh ta nhận được một câu trả lời với một lời mời rõ ràng: “Hãy đến mà theo ta.”8 Tuy nhiên, mặc dù lời mời rất giản dị, những đó không phải là không có sự hy sinh. Lời mời này đòi hỏi nỗ lực—cùng với quyết định và hành động.

Tiên tri Nê Phi mời chúng ta tự xét mình khi ông đặt câu hỏi: “Và [Chúa Giê Su] đã phán với con cái loài người rằng: Các ngươi hãy theo ta. Vậy nên, hỡi đồng bào yêu dấu của tôi, chúng ta có thể đi theo Chúa Giê Su được chăng, trừ phi chúng ta sẵn lòng tuân giữ các lệnh truyền của Đức Chúa Cha?”9

Lời mời gọi “hãy đến cùng ta,” để lắng nghe tiếng nói của Ngài, và đi theo tiếng nói đó là sứ điệp của những người truyền giáo từ lúc ban đầu, và đã giúp rất nhiều người thay đổi cuộc sống của họ mãi mãi.

Cách đây năm mươi năm, những người truyền giáo bước vào cửa hàng đồng hồ của cha tôi, để lại một cái đồng hồ để sửa. Khi những người truyền giáo hiền lành làm như vậy, thì họ đã tận dụng cơ hội để nói chuyện với cha mẹ tôi về phúc âm. Cha tôi chấp nhận những người truyền giáo, và mẹ tôi chấp nhận sứ điệp và lời mời gọi để noi theo Đấng Ky Tô. Từ ngày đó đến nay, mẹ tôi vẫn còn tích cực trong Giáo Hội. Bà nói: “Vâng, thưa Chúa, Chúa đi đâu tôi sẽ theo đó!”

Khi cố gắng đến cùng Ngài, thì ta sẽ đạt được khả năng để giảm bớt gánh nặng của cuộc sống, cho dù về mặt thể chất hoặc tinh thần, và cảm thấy một sự thay đổi tích cực ở bên trong, mà sẽ giúp các anh chị em được hạnh phúc hơn.

Lời mời “Hãy Đi Cùng với Ta”

Hê Nóc được kêu gọi để thuyết giảng phúc âm cho một dân tộc khó khăn, cứng lòng. Ông không cảm thấy xứng đáng. Ông đã có những nghi ngờ về việc liệu ông có thể làm việc đó được không. Chúa trấn an những nỗi nghi ngờ của ông và củng cố đức tin của ông qua lời mời gọi “Hãy đi cùng với ta”—một lời mời mà có thể hướng dẫn những bước chân của một người bước đi không vững, giống như cây gậy của một người mù hoặc cánh tay của một người bạn. Bằng cách nắm lấy cánh tay của Đấng Cứu Rỗi và bước đi với Ngài, Hê Nóc đã thấy rằng bước đi của ông đã trở nên vững vàng và ông trở thành một người truyền giáo tài giỏi và vị tiên tri.10

Quyết định “hãy đến cùng ta” và “đi theo ta” là quyết định riêng tư. Khi chúng ta chấp nhận lời mời gọi này, thì mức độ cam kết của chúng ta được gia tăng, và chính là lúc đó chúng ta có thể “bước đi với Ngài.” Mức độ này thiết lập một mối quan hệ gần gũi hơn với Đấng Cứu Rỗi—là kết quả của việc chúng ta chấp nhận lời mời gọi đầu tiên.

Norma và tôi mỗi người đều đã chấp nhận lời mời “hãy đến cùng ta” và “hãy đi theo ta.” Sau đó, cùng với nhau và hỗ trợ lẫn nhau, chúng tôi đã học được cách bước đi với Ngài.

Nỗ lực và quyết tâm để tìm kiếm Ngài và đi theo Ngài sẽ được tưởng thưởng với phước lành chúng ta cần.

Đó là trường hợp của người phụ nữ, với nhiều nỗ lực đã cố gắng sờ vào áo của Đấng Cứu Rỗi11 hoặc như người mù Ba Ti Mê mà quyết tâm của người ấy là một yếu tố quan trọng trong phép lạ đã xảy ra trong cuộc sống của người ấy.12 Trong cả hai trường hợp này, họ đã được ban cho sự chữa lành về thể xác và tinh thần.

Hãy giơ tay của các anh chị em ra, chạm vào áo Ngài, chấp nhận lời mời của Ngài, và nói: “Vâng, thưa Chúa, Chúa đi đâu tôi sẽ theo đó!”—và bước đi cùng Ngài.

“Hãy đến cùng ta,” “Hãy đi theo ta,” và “Hãy bước đi với ta,” là những lời mời gọi vốn đã chứa đựng quyền năng–cho những người chấp nhận những lời mời này—để phát triển một sự thay đổi trong lòng mình để dẫn các anh chị em đến việc nói: “[Tôi] không còn ý muốn làm điều tà ác nữa, mà chỉ muốn luôn luôn làm điều thiện.”13

Như là một biểu hiện bên ngoài của sự thay đổi đó, các anh chị em sẽ cảm nhận được ước muốn mạnh mẽ để “cứu giúp kẻ yếu, nâng đỡ những bàn tay rũ rượi, và làm vững mạnh những đầu gối suy nhược.”14

Chúng ta có thể thực hiện các bước nào ngày hôm nay để “bước đi với Ngài”?

  1. Củng cố ước muốn để làm một tín đồ tốt hơn của Đấng Ky Tô.15

  2. Hãy cầu nguyện cho ước muốn này để đức tin của các anh chị em nơi Ngài có thể phát triển.16

  3. Đạt được sự hiểu biết từ thánh thư, chiếu rọi con đường và củng cố ước muốn của các anh chị em để thay đổi.17

  4. Hãy quyết định ngay bây giờ để hành động và nói: “Vâng, thưa Chúa, Chúa đi đâu tôi sẽ theo đó!” Chỉ cần biết lẽ thật không thôi sẽ không thay đổi thế giới của các anh chị em trừ khi các anh chị em biến sự hiểu biết thành hành động.18

  5. Hãy kiên trì trong quyết định các anh chị em đã chọn bằng cách sử dụng các nguyên tắc này hàng ngày.19

Cầu xin cho những lời của vị tiên tri yêu dấu của chúng ta, Chủ Tịch Thomas S. Monson, thúc đẩy chúng ta hành động theo ước muốn của mình để chấp nhận lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi. Chủ Tịch Monson nói: “Ai là Vua vinh hiển, là Chúa muôn quân? Ngài là Đức Thầy của chúng ta. Ngài là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta? Ngài là Vị Nam Tử của Thượng Đế. Ngài là Cội Rễ của Sự Cứu Rỗi cho chúng ta. Ngài ra hiệu: ‘Hãy theo ta.’ Ngài chỉ thị: ‘Hãy đi, làm theo như vậy.’ Ngài khẩn nài: ‘Giữ gìn các điều răn ta.’”20

Cầu xin cho chúng ta có thể đưa ra quyết định để gia tăng mức độ thờ phượng và cam kết của mình đối với Thượng Đế, và cầu xin cho những gì chúng ta đáp ứng với lời mời gọi của Ngài đều được nghe thấu và rõ ràng: “Vâng, thưa Chúa, Chúa đi đâu tôi sẽ theo đó!”21 Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.