2010–2019
Tiệc Thánh và Sự Chuộc Tội
tháng mười 2014


Tiệc Thánh và Sự Chuộc Tội

Giáo lễ Tiệc Thánh cần phải trở nên thánh thiện và thiêng liêng hơn đối với mỗi người chúng ta.

Vào đêm trước các biến cố ở Vườn Ghết Sê Ma Nê và Đồi Sọ, Chúa Giê Su đã quy tụ Các Sứ Đồ của Ngài lại để cùng nhau thờ phượng lần cuối cùng. Địa điểm là căn phòng trên lầu trong nhà của một môn đồ ở Giê Ru Sa Lem, và đó là mùa lễ Vượt Qua.1

Trước mắt họ là bữa ăn lễ Vượt Qua truyền thống gồm có thịt chiên thiêu là của lễ hy sinh, rượu vang và bánh không men, là những biểu tượng về sự giải cứu dân Y Sơ Ra Ên thời xưa khỏi ách nô lệ và cái chết2 và về một sự cứu chuộc trong tương lai chưa được thực hiện3 Khi bữa ăn sắp kết thúc, Chúa Giê Su lấy bánh, ban phước bánh và rồi bẻ ra,4 đưa cho Các Sứ Đồ của Ngài, và phán rằng: “Hãy lấy ăn đi.”5 “Nầy là thân thể ta, đã vì các ngươi mà phó cho; hãy làm sự nầy để nhớ đến ta.”6 Trong một cách tương tự, Ngài lấy chén rượu, ban phước rượu, và đưa cho những người xung quanh Ngài, phán rằng: “Chén nầy là giao ước mới trong huyết ta,”7 “huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội.”8 “Hãy làm sự nầy để nhớ đến ta.”9

Trong cách giản dị nhưng sâu sắc này, Chúa Giê Su đã thiết lập một giáo lễ mới cho dân giao ước của Thượng Đế. Với dự đoán về một sự hy sinh cứu chuộc của Đấng Ky Tô là Đấng sẽ hiện đến một ngày nào đó, máu động vật không còn bị đổ ra hoặc thịt động vật không còn được ăn nữa.10 Thay vì thế, các biểu tượng về thịt bị tan nát và máu đổ ra của Đấng Ky Tô là Đấng đã đến sẽ được nhận lấy và ăn để tưởng nhớ đến sự hy sinh chuộc tội của Ngài.11 Việc tham dự vào giáo lễ mới này sẽ cho thấy rằng mọi người long trọng chấp nhận Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô đã được hứa và sẵn sàng hết lòng để noi theo Ngài và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài. Đối với những người cho thấy rằng họ chấp nhận và sẵn lòng sống cuộc sống của họ theo như điều họ đã chấp nhận và sẵn lòng để làm, thì cái chết thuộc linh sẽ “vượt qua” họ, và cuộc sống vĩnh cửu sẽ được bảo đảm cho họ.

Trong thời gian sau đó, Chúa Giê Su vào Vườn Ghết Sê Ma Nê, bị giải đến đồi Sọ, và đắc thắng rời khỏi ngôi mộ ở A Ri Ma Thê. Sau khi Ngài thăng thiên, các môn đồ trung tín của Chúa Giê Su ở Giê Ru Sa Lem và gần đó đã cùng nhau nhóm lại vào ngày đầu tiên trong tuần để “bẻ bánh”12 và họ đã làm như vậy một cách “bền lòng.”13 Chắc chắn là họ đã không làm như vậy chỉ để tưởng nhớ tới Chúa là Đấng không còn ở đó nữa mà còn để bày tỏ lòng biết ơn và đức tin nơi Sự Chuộc Tội kỳ diệu của Ngài dành cho họ.

Một cách có ý nghĩa, khi Chúa Giê Su đã hiện đến cùng các môn đồ của Ngài ở châu Mỹ, Ngài cũng thiết lập Tiệc Thánh ở giữa họ.14 Khi làm như vậy, Ngài phán: “Các ngươi phải luôn luôn làm đúng theo điều này”15 và “việc làm đó sẽ là một lời chứng với Đức Chúa Cha rằng, các ngươi luôn luôn tưởng nhớ tới ta.”16 Một lần nữa, ngay từ ngày đầu của Sự Phục Hồi, Chúa đã thiết lập giáo lễ Tiệc Thánh, ban những chỉ dẫn cho chúng ta tương tự như Ngài đã ban cho các môn đồ đầu tiên của Ngài.17

Giáo lễ Tiệc Thánh đã được gọi là “một trong các giáo lễ thánh thiện và thiêng liêng nhất trong Giáo Hội.”18 Giáo lễ này cần phải trở nên thánh thiện và thiêng liêng hơn đối với mỗi người chúng ta. Chính Chúa Giê Su Ky Tô đã thiết lập giáo lễ này để nhắc nhở chúng ta về điều Ngài đã làm để cứu chuộc chúng ta và dạy chúng ta cách tận dụng Sự Chuộc Tội của Ngài và nhờ đó sống với Thượng Đế một lần nữa.

Với bánh bẻ nát, chúng ta cho thấy rằng chúng ta tưởng nhớ đến thể xác của Chúa Giê Su Ky Tô—một thể xác bị bầm dập với đủ loại đau đớn, buồn phiền, và cám dỗ,19 một thể xác mang gánh nặng thống khổ đủ để chảy máu ở tất cả các lỗ chân lông,20 một thể xác có da thịt bị rách nát và quả tim ngừng đập khi Ngài bị đóng đinh.21 Chúng ta cho thấy niềm tin của chúng ta rằng mặc dù cùng một thể xác đó được chôn cất khi chết, thì thể xác đó đã sống lại từ nấm mồ, và sẽ không bao giờ biết bệnh tật, thối rữa, hoặc cái chết nữa.22 Và khi tự mình ăn bánh, chúng ta thừa nhận rằng, giống như thể xác hữu diệt của Đấng Ky Tô, thể xác của chúng ta sẽ được giải thoát khỏi những dây trói buộc của sự chết, đắc thắng sống dậy từ mộ phần, và được phục hồi cho linh hồn vĩnh cửu của chúng ta.23

Với một chén nước nhỏ, chúng ta cho thấy rằng chúng ta tưởng nhớ đến máu của Chúa Giê Su đã đổ ra và nỗi đau đớn tinh thần Ngài đã chịu đựng cho tất cả nhân loại. Chúng ta tưởng nhớ đến nỗi thống khổ mà làm cho những giọt máu lớn rơi xuống trong Vườn Ghết Sê Ma Nê.24 Chúng ta tưởng nhớ tới những vết bầm tím và vết roi đánh mà Ngài đã chịu đựng dưới bàn tay của những kẻ bắt Ngài.25 Chúng ta tưởng nhớ đến máu Ngài đã đổ ra từ tay, chân và hông Ngài, trong khi ở tại Đồi Sọ.26 Và chúng ta tưởng nhớ đến ý nghĩ riêng của Ngài về nỗi đau khổ của Ngài: “Lớn lao đến mức nào ngươi đâu biết được, cùng cực ra sao ngươi đâu biết được, phải, gánh chịu khổ sở ra sao ngươi đâu biết được.”27 Bằng cách dự phần nước, chúng ta thừa nhận rằng máu và nỗi đau khổ của Ngài chuộc tội lỗi của chúng ta và rằng Ngài sẽ trả giá tội lỗi của chúng ta khi chúng ta sẵn lòng tuân theo và chấp nhận các nguyên tắc và giáo lễ của phúc âm Ngài.

Như vậy, với bánh và nước, chúng ta được nhắc nhở về Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô cho chúng ta khỏi cái chết và tội lỗi. Thứ tự bánh trước rồi nước sau là rất quan trọng. Khi ăn bánh, chúng ta được nhắc nhở về sự phục sinh cuối cùng của mình bao gồm nhiều hơn cả sự phục hồi thể xác và linh hồn. Nhờ quyền năng của Sự Phục Sinh, tất cả chúng ta sẽ được phục hồi nơi hiện diện của Thượng Đế.28 Sự việc đó làm cho chúng ta phải đối phó với câu hỏi quan trọng nhất của cuộc sống. Câu hỏi cơ bản trước mặt tất cả chúng ta không phải là chúng ta có sống không mà là chúng ta sẽ sống với ai sau khi chết. Mặc dù mỗi người chúng ta sẽ trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế nhưng không phải bất cứ ai trong chúng ta cũng sẽ ở lại với Ngài.

Qua cuộc sống trần thế, mỗi người chúng ta trở nên nhơ bẩn vì tội lỗi và sự phạm giới.29 Chúng ta sẽ có những ý nghĩ, lời nói, và việc làm mà không có đạo đức.30 Nói tóm lại, chúng ta sẽ bị ô uế. Và Chúa Giê Su đã nói rõ về hậu quả của sự ô uế nơi hiện diện của Thượng Đế rằng: “Không có một vật ô uế nào có thể ở trong … chốn hiện diện của Ngài.”31 Thực tế đó đã được làm sáng tỏ cho An Ma Con, là người khi giáp mặt với một thiên sứ, đã bị hành hạ, ray rứt, và dày vò bởi sự ô uế của mình đến nỗi ông muốn trở nên “bị lưu đày và tắt lịm đi, cả tâm hồn lẫn thể xác, để [ông] khỏi bị dẫn đến đứng trước sự hiện diện của Thượng Đế.”32

Trong khi dự phần Tiệc Thánh với nước, chúng ta được dạy cách để được thanh sạch khỏi tội lỗi và sự phạm giới và do đó đứng ở nơi hiện diện của Thượng Đế. Bởi sự đổ máu vô tội của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô đã đáp ứng những đòi hỏi của công lý cho mọi tội lỗi và sự phạm giới. Sau đó, Ngài đã đề nghị làm cho chúng ta được trong sạch nếu chúng ta chịu có đức tin nơi Ngài đủ để hối cải; chấp nhận tất cả các giáo lễ và các giao ước của sự cứu rỗi, bắt đầu bằng phép báp têm; và tiếp nhận Đức Thánh Linh. Sau khi nhận được Đức Thánh Linh, chúng ta được làm cho trong sạch và thanh khiết. Chúa Giê Su đã nói rất rõ về giáo lý này:

“Không một vật gì ô uế có thể vào được vương quốc của [Thượng Đế]; … không một ai có thể bước vào chốn an nghỉ của Ngài nếu người đó không tẩy sạch y phục của mình bằng máu của ta… .

“Này, đây là lệnh truyền: Hãy hối cải, hỡi các ngươi ở các nơi tận cùng của trái đất, hãy đến cùng ta và chịu phép báp têm trong danh ta, ngõ hầu các ngươi có thể được thánh hóa nhờ thụ nhận Đức Thánh Linh, để các ngươi có thể đứng không tì vết trước mặt ta vào ngày sau cùng.”33

Đây là giáo lý của Đấng Ky Tô.34 Khi nhận được giáo lý này và sống cuộc sống của mình theo đúng như vậy thì quả thật chúng ta đang được tẩy sạch bằng máu của Đấng Ky Tô và được làm cho trong sạch.35

Qua những lời cầu nguyện Tiệc Thánh, chúng ta bày tỏ rằng mình chấp nhận giáo lý này của Đấng Ky Tô và cam kết để sống theo giáo lý đó. Trong lời cầu nguyện lên Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, chúng ta nói rằng chúng ta sẽ “luôn luôn tưởng nhớ” tới Vị Nam Tử yêu quý của Ngài. Trước hết, chúng ta làm chứng “sự sẵn lòng” của mình để tưởng nhớ. Sau đó chúng ta làm chứng rằng chúng ta “quả thật” tưởng nhớ. Khi làm như vậy, chúng ta đang lập cam kết long trọng để sử dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và nơi Sự Cứu Chuộc của Ngài cho chúng ta khỏi cái chết và tội lỗi.

Chúng ta tiếp tục nói rằng chúng ta sẽ “tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.” Đó là một lời cam kết long trọng để hối cải. Nếu những ý nghĩ, lời nói, hoặc hành động của chúng ta chưa được như kỳ vọng, thì chúng ta tái cam kết sẽ sửa đổi cuộc sống của mình theo ý muốn của Ngài trong những ngày sắp tới.

Kế đến, chúng ta nói rằng chúng ta “tình nguyện mang danh của Vị Nam Tử.”36 Đó là một lời cam kết long trọng để tuân phục theo thẩm quyền của Ngài và làm công việc của Ngài, mà gồm có việc tự mình tiếp nhận mọi giáo lễ cứu rỗi và giao ước.37

Khi tự mình cam kết với những nguyên tắc này, chúng ta được hứa trong lời cầu nguyện Tiệc Thánh rằng chúng ta sẽ “có được Thánh Linh của Ngài ở cùng [chúng ta].”38 Việc tiếp nhận một lần nữa Thánh Linh là một phước lành cao quý vì Thánh Linh là Đấng làm sạch và thanh tẩy chúng ta khỏi tội lỗi và sự phạm giới.39

Thưa các anh chị em, sự kiện quan trọng nhất trong thời tại thế và thời vĩnh cửu là Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài là Đấng thực hiện Sự Chuộc Tội đã ban cho chúng ta giáo lễ Tiệc Thánh để giúp chúng ta không những tưởng nhớ mà còn thỉnh cầu các phước lành của hành động tột bậc đầy ân điển này nữa. Việc tham dự thường xuyên và nghiêm túc vào giáo lễ thiêng liêng này giúp chúng ta tiếp tục tiếp nhận và sống theo giáo lý của Đấng Ky Tô sau khi chịu phép báp têm và bằng cách đó theo đuổi và hoàn tất tiến trình thánh hóa. Quả thật vậy, giáo lễ Tiệc Thánh giúp chúng ta trung thành và kiên trì đến cùng và nhận được trọn vẹn vinh quang và phước lành của Đức Chúa Cha trong cùng một cách như Chúa Giê Su đã làm, từ ân điển này đến ân điển khác.40

Tôi làm chứng về quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô để cứu chuộc tất cả chúng ta khỏi cái chết và tội lỗi và về quyền năng của các giáo lễ của chức tư tế của Ngài, kể cả Tiệc Thánh, để chuẩn bị cho chúng ta “có thể thấy mặt Thượng Đế, tức là Đức Chúa Cha, mà còn sống.”41 Cầu xin cho chúng ta nhận Tiệc Thánh vào tuần tới, và mỗi tuần sau đó, với ước muốn sâu sắc hơn và với mục đích nghiêm túc hơn, tôi cầu nguyện trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.