2010–2019
Tự Mình Biết Được Những Điều Này
tháng mười 2014


Tự Mình Biết Được Những Điều Này

Việc tự mình biết được rằng phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô là chân chính có thể là một trong những kinh nghiệm lớn nhất và vui nhất trong cuộc đời.

Các anh em thân mến, chúng ta tiếp tục được soi dẫn bởi tấm gương cá nhân và sự phục vụ chức tư tế của Chủ Tịch Thomas S. Monson. Gần đây, một người nào đó đã hỏi một số thầy trợ tế: “Các em ngưỡng mộ điều gì nhất ở Chủ Tịch Monson?” Một thầy trợ tế nhắc lại việc Chủ Tịch Monson, khi còn nhỏ, đã tặng đồ chơi của ông cho những người bạn túng thiếu như thế nào. Một thầy trợ tế khác đề cập đến cách Chủ Tịch Monson đã chăm sóc cho nhiều góa phụ trong tiểu giáo khu của ông. Một thầy trợ thế thứ ba nói rằng ông đã được kêu gọi với tư cách là một Sứ Đồ khi còn rất trẻ và đã ban phước cho những người khác trên khắp thế giới. Rồi một thiếu niên nói: “Điều mà tôi ngưỡng mộ nhất ở Chủ Tịch Monson là chứng ngôn mạnh mẽ của ông.”

Quả thật, chúng ta đều cảm thấy được lời chứng đặc biệt của vị tiên tri của chúng ta về Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô và lòng cam kết của ông để luôn luôn tuân theo những thúc giục của Thánh Linh. Với mỗi kinh nghiệm ông chia sẻ, Chủ Tịch Monson mời gọi chúng ta nên sống theo phúc âm một cách trọn vẹn hơn và tìm kiếm cùng củng cố chứng ngôn riêng của chúng ta. Hãy nhớ điều ông đã nói từ bục giảng này chỉ cách đây một vài đại hội: “Để được vững mạnh và chống lại mọi lực lượng lôi kéo chúng ta đi sai hướng … , thì chúng ta cần phải có chứng ngôn của mình. Cho dù các anh em 12 hay 112 tuổi—hoặc thuộc lứa tuổi nào đó ở giữa hai tuổi này—thì các anh em cũng có thể tự mình biết rằng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là chân chính.”1

Mặc dù sứ điệp của tôi buổi tối hôm nay là nhắm vào những người 12 tuổi hơn là 112 tuổi, nhưng các nguyên tắc tôi chia sẻ đều áp dụng cho mọi người. Để đáp lại lời nói của Chủ Tịch Monson, tôi sẽ hỏi: Mỗi người chúng ta có tự mình biết rằng phúc âm là chân chính không? Chúng ta có thể nói một cách quả quyết rằng chứng ngôn của chúng ta thực sự là của riêng mình không? Để trích dẫn lời của Chủ Tịch Monson một lần nữa: “Tôi cho rằng một chứng ngôn vững mạnh về Đấng Cứu Rỗi và về phúc âm của Ngài sẽ bảo vệ các anh em khỏi tội lỗi và điều xấu xung quanh mình. … Nếu các anh em chưa có một chứng ngôn về những điều này, thì hãy làm điều cần thiết để đạt được một chứng ngôn. Các anh em cần phải có chứng ngôn của riêng mình vì chứng ngôn của những người khác chỉ có thể giúp đỡ các anh em đến một mức giới hạn nào đó mà thôi.”2

Tự Mình Biết Được Những Điều Này

Việc tự mình biết được rằng phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô là chân chính có thể là một trong những kinh nghiệm lớn nhất và vui nhất trong cuộc đời. Chúng ta có thể phải bắt đầu bằng cách dựa vào chứng ngôn của những người khác—nói như các chiến sĩ trẻ tuổi đã nói: “Chúng tôi không nghi ngờ gì về việc mẹ chúng tôi đã biết như vậy.”3 Đây là một cách hay để bắt đầu chứng ngôn của mình, nhưng chúng ta cần phải xây đắp chứng ngôn của mình từ đó. Để được vững mạnh trong việc sống theo phúc âm, thì không có điều gì quan trọng hơn là tiếp nhận và củng cố chứng ngôn của chúng ta. Chúng ta có thể nói như An Ma đã nói: “Tự mình biết được những điều này.”4

An Ma nói tiếp: “Các người có cho rằng làm sao tôi biết chắc về những điều này không? Này, tôi nói cho các người hay rằng, những điều này đã được Đức Thánh Linh của Thượng Đế biểu lộ cho tôi biết. Này, tôi đã nhịn ăn và cầu nguyện nhiều ngày để tự mình biết được những điều này. Và bây giờ tôi tự biết rằng những điều này là thật.”5

Con Mong Muốn Thấy Những Điều Cha Con Đã Thấy.

Giống như An Ma, Nê Phi cũng tiến đến việc tự mình biết được lẽ thật. Sau khi nghe cha mình nói về nhiều kinh nghiệm thiêng liêng của ông, Nê Phi muốn biết điều cha mình đã biết. Điều này còn hơn là chỉ tò mò—đó là điều mà ông khao khát. Mặc dù ông “hãy còn trẻ lắm,” nhưng ông cũng “có khát vọng lớn lao muốn biết về những điều kín nhiệm của Thượng Đế.”6 Ông ước ao được “nghe thấy và biết những điều này nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh.”7

Trong khi Nê Phi “đang ngồi suy tư trong lòng,” thì ông được “Thánh Linh của Chúa … đưa đến một ngọn núi rất cao,” ở đó ông được hỏi: “Này, ngươi mong muốn điều chi?” Câu trả lời của ông rất giản dị: “Con mong muốn thấy những điều cha con đã thấy.”8 Nhờ vào lòng tin chắc và các nỗ lực siêng năng của ông mà Nê Phi đã được ban phước với một kinh nghiệm tuyệt vời. Ông đã nhận được một lời chứng về việc Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô sắp giáng sinh, cuộc đời của Ngài, và việc Ngài bị đóng đinh; ông đã thấy được sự ra đời của Sách Mặc Môn và Sự Phục Hồi của phúc âm trong những ngày sau—tất cả đều là kết quả từ ước muốn chân thành của ông để tự mình biết được.”9

Những kinh nghiệm cá nhân này với Chúa đã chuẩn bị Nê Phi cho nghịch cảnh và những thử thách mà ông sẽ sớm phải gặp. Những kinh nghiệm này làm cho ông đứng vững mặc dù những người khác trong gia đình ông đều đang gặp khó khăn. Ông có thể làm điều này vì ông đã tự mình học được và ông đã tự mình biết được. Ông đã được ban phước với chứng ngôn của mình.

Hãy Cầu Xin Thượng Đế

Giống như Nê Phi, Tiên Tri Joseph Smith cũng “hãy còn trẻ lắm” khi “tâm trí [ông] băn khoăn” về những lẽ thật thuộc linh. Đối với Joseph, đó là lúc “bất ổn trầm trọng,” vì bị bao vây bởi các sứ điệp đầy mâu thuẫn và hoang mang về tôn giáo. Ông muốn biết giáo hội nào là đúng.10 Vì được soi dẫn bởi những lời này trong Kinh Thánh: “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời,”11 ông đã tự mình hành động để tìm ra câu trả lời. Vào một buổi sáng đẹp trời mùa xuân năm 1820, ông đã vào khu rừng và quỳ xuống cầu nguyện. Nhờ vào đức tin của ông và vì Thượng Đế có một công việc đặc biệt cho ông để làm, nên Joseph nhận được một khải tượng vinh quang về Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, và tự mình biết được điều ông phải làm.

Các anh em có thấy trong kinh nghiệm của Joseph một mẫu mực mà các anh em có thể áp dụng để đạt được hoặc củng cố chứng ngôn của mình không? Joseph đã để cho thánh thư ảnh hưởng đến lòng mình. Ông hết lòng suy ngẫm và áp dụng thánh thư vào hoàn cảnh riêng của ông. Sau đó, ông hành động theo điều ông đã học được. Kết quả là Khải Tượng Thứ Nhất đầy vinh quang—và tất cả những gì diễn ra sau đó. Giáo Hội này thật sự được thành lập trên nguyên tắc rằng bất cứ ai—kể cả một thiếu niên nhà quê 14 tuổi—cũng có thể “cầu xin Đức Chúa Trời” và nhận được sự đáp ứng cho lời cầu nguyện của mình.

Vậy Thì Chứng Ngôn Là Gì?

Chúng ta thường nghe các tín hữu của Giáo Hội nói rằng chứng ngôn của họ về phúc âm là tài sản mà họ quý trọng nhất. Đó là một ân tứ thiêng liêng từ Thượng Đế đến với chúng ta nhờ vào quyền năng Đức Thánh Linh. Đó là một sự chắc chắn, thanh thản, vững vàng mà chúng ta nhận được khi chúng ta học hỏi, cầu nguyện và sống theo phúc âm. Đó là cảm giác về Đức Thánh Linh làm chứng cho tâm hồn chúng ta rằng điều chúng ta đang học và làm là đúng.

Một số người nói về chứng ngôn như là một điều gì mình có hoặc không có—cũng giống như một cái công tắc đèn được bật lên hay tắt đi. Trong thực tế, chứng ngôn giống như một cái cây trải qua các giai đoạn tăng trưởng và phát triển khác nhau. Một số cây cao nhất trên mặt đất được tìm thấy tại Công Viên Quốc Gia Redwood ở miền Tây Hoa Kỳ. Khi ta đứng ở chân các cây cổ thụ này thì thật là kinh ngạc khi nghĩ rằng mỗi cái cây này mọc lên từ một hạt giống nhỏ. Điều đó cũng như vậy đối với chứng ngôn của chúng ta. Mặc dù chúng có thể bắt đầu với một kinh nghiệm thuộc linh duy nhất, nhưng chứng ngôn tăng trưởng và phát triển theo thời gian qua sự nuôi dưỡng liên tục và những kinh nghiệm thuộc linh thường xuyên.

Vậy thì không có gì đáng ngạc nhiên khi tiên tri An Ma giải thích cách chúng ta phát triển một chứng ngôn, ông nói về một hạt giống mọc lên thành một cái cây. Ông nói: “Nếu các người chừa một chỗ để cho hạt giống có thể được trồng trong tim các người, này, nếu quả đó là một hạt giống chân thật hay một hạt giống tốt, nếu các người không liệng hạt giống ấy ra ngoài vì lòng không tin tưởng, … hạt giống ấy sẽ bắt đầu nẩy nở trong lồng ngực các người; và khi các người cảm thấy sự nẩy nở ấy đang tiến triển thì các người sẽ bắt đầu tự nhủ với mình rằng—Chắc đây phải là một hạt giống tốt, hay là lời của Thượng Đế tốt, vì nó bắt đầu mở rộng tâm hồn ta; phải, vì nó bắt đầu soi sáng sự hiểu biết của ta; phải, nó bắt đầu trở thành ngon ngọt đối với ta.”12

Đây thường là cách bắt đầu một chứng ngôn: với những cảm nghĩ thiêng liêng, soi sáng, bảo đảm mà cho chúng ta thấy rằng lời của Thượng Đế là chân chính. Tuy nhiên, cho dù những cảm nghĩ này có tuyệt vời đến đâu thì những cảm nghĩ đó cũng chỉ là khởi đầu. Công việc của các anh em để phát triển chứng ngôn của mình chưa hoàn tất—giống như không thể nói rằng công việc trong một cây gỗ đỏ được hoàn tất khi mầm nhỏ đầu tiên mọc ra khỏi mặt đất. Nếu chúng ta bỏ qua hoặc xao lãng những thúc giục thuộc linh đầu tiên này, nếu chúng ta không nuôi dưỡng chúng bằng cách tiếp tục học thánh thư, cầu nguyện và tìm kiếm nhiều kinh nghiệm hơn với Thánh Linh, thì những cảm nghĩ của chúng ta sẽ mờ dần và chứng ngôn của chúng ta sẽ giảm bớt.

Như An Ma đã nói: “Nhưng nếu các người xao lãng và không chăm lo nuôi dưỡng cây, này, nó sẽ chẳng mọc được rễ; và khi ánh nắng mặt trời chiếu xuống và thiêu đốt nó, thì nó sẽ héo khô đi vì không có rễ, và các người sẽ nhổ nó lên mà liệng đi.”13

Trong hầu hết các trường hợp, chứng ngôn của chúng ta sẽ tăng trưởng theo cùng một cách như khi một cái cây mọc lên: dần dần, theo cách gần như không thể nhận thấy được, vì chúng ta liên tục chăm sóc và bỏ ra các nỗ lực siêng năng. An Ma đã hứa: “nhưng nếu các người biết nuôi dưỡng lời của Thượng Đế, phải, biết nuôi dưỡng cây từ lúc nó vừa mới bắt đầu mọc lên, với đức tin của mình, với sự chuyên tâm lớn lao, và sự kiên nhẫn trong niềm hy vọng trông chờ thành quả của nó, thì nó sẽ mọc rễ; và này, nó sẽ trở thành một cây lớn mạnh cho tới cuộc sống vĩnh viễn.”14

Bây Giờ Đã Đến Lúc; Chính Là Hôm Nay Đây

Chứng ngôn của tôi bắt đầu khi tôi học và suy ngẫm những lời giảng dạy được tìm thấy trong Sách Mặc Môn. Khi tôi quỳ xuống để cầu xin Thượng Đế trong lời cầu nguyện khiêm nhường, thì Đức Thánh Linh làm chứng cho tâm hồn tôi rằng điều tôi đang đọc là chân chính. Lời chứng đầu tiên này đã dẫn dắt tôi đến chứng ngôn của tôi về nhiều lẽ thật phúc âm khác, vì như Chủ Tịch Monson đã dạy: “Khi biết Sách Mặc Môn là chân chính, thì chúng ta cũng biết rằng Joseph Smith quả thật là vị tiên tri, và ông đã trông thấy Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Rồi sau đó chúng ta cũng biết rằng phúc âm được phục hồi trong những ngày sau này qua Joseph Smith—kể cả sự phục hồi của Chức Tư Tế A Rôn lẫn Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc.”15 Kể từ ngày đó, tôi đã có nhiều kinh nghiệm thiêng liêng với Đức Thánh Linh mà đã tái khẳng định với tôi rằng phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô là chân chính. Với An Ma, tôi có thể nói chắc chắn rằng tôi tự mình biết được những điều này.

Các bạn trẻ của tôi, bây giờ là lúc và hôm nay là ngày để tự mình tìm hiểu hoặc tái khẳng định rằng phúc âm là chân chính. Mỗi người chúng ta có một công việc quan trọng phải làm. Để thực hiện công việc đó, chúng ta phải có đức tin như của An Ma, Nê Phi, và thiếu niên Joseph Smith để đạt được và phát triển chứng ngôn của mình.

Cũng giống như thầy trợ tế trẻ tôi đã nói lúc ban đầu, tôi ngưỡng mộ Chủ Tịch Monson về chứng ngôn của ông. Chứng ngôn này tăng trưởng mạnh mẽ giống như một cái cây cổ thụ, tuy nhiên chứng ngôn của Chủ Tịch Monson vẫn còn phải tăng trưởng và phát triển theo thời gian. Chúng ta đều có thể tiến đến việc tự mình biết được, cũng giống như Chủ Tịch Monson đã làm như vậy, rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của thế gian, Joseph Smith là vị tiên tri của Sự Phục Hồi, kể cả sự phục hồi của chức tư tế của Thượng Đế. Chúng ta mang chức tư tế thánh. Cầu xin cho chúng ta có thể học được và tự mình biết được những điều này là lời cầu nguyện khiêm nhường của tôi trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.