2010–2019
Sự Mặc Khải Liên Tục
tháng mười 2014


Sự Mặc Khải Liên Tục

Óc xét đoán và lối suy nghĩ hợp lý của con người sẽ không đủ để nhận được câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng nhất trong cuộc đời. Chúng ta cần sự mặc khải từ Thượng Đế.

Ngày hôm nay tôi hy vọng là chúng ta đều có thể cảm thấy tình yêu thương và ánh sáng từ Thượng Đế. Có rất nhiều người đang lắng nghe hôm nay và cảm thấy một nhu cầu cấp bách để có phước lành của sự mặc khải cá nhân từ Cha Thiên Thượng nhân từ của chúng ta.

Đối với các chủ tịch phái bộ truyền giáo, đó có thể là một lời cầu nguyện khẩn thiết để biết cách khuyến khích một người truyền giáo đang gặp khó khăn. Đối với một người cha hay một người mẹ ở một nơi trên thế giới đang có chiến tranh tàn phá, đó sẽ là một nhu cầu thiết yếu để biết là phải di chuyển gia đình đến nơi an toàn hay là ở lại nơi họ đang ở. Hàng trăm chủ tịch giáo khu và giám trợ hiện đang cầu nguyện để biết cách giúp Chúa giải cứu các tín hữu bị lầm đường lạc lối. Và đối với một vị tiên tri, thì đó sẽ là để biết điều gì Chúa muốn ông nói chuyện cùng Giáo Hội và cùng một thế giới đang trong cảnh hỗn loạn.

Chúng ta đều biết rằng óc xét đoán và lối suy nghĩ hợp lý của con người sẽ không đủ để nhận được câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng nhất trong cuộc đời. Chúng ta cần sự mặc khải từ Thượng Đế. Và chúng ta sẽ không phải chỉ cần một điều mặc khải trong một thời gian căng thẳng, mà cần một loạt mặc khải liên tục. Chúng ta không phải chỉ cần một ánh sáng lóe lên và giây phút an ủi ngắn ngủi, mà chúng ta cần phước lành liên tục trong việc giao tiếp với Thượng Đế.

Sự tồn tại của Giáo Hội bắt nguồn từ một thiếu niên biết điều đó là sự thật. Thiếu niên Joseph Smith biết rằng ông không thể tự mình biết được giáo hội nào để gia nhập. Vì vậy, ông cầu vấn Thượng Đế như sách Gia Cơ đã cho ông biết là ông có thể làm như vậy. Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử yêu dấu của Ngài đã hiện đến trong một khu rừng cây. Hai Ngài đã trả lời câu hỏi vượt quá khả năng của Joseph để giải đáp.

Sau đó, không những ông được Thượng Đế kêu gọi thiết lập Giáo Hội chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô, mà còn đi kèm theo việc đó, là quyền để cầu xin Đức Thánh Linh cũng được phục hồi để sự mặc khải từ Thượng Đế có thể tiếp tục.

Chủ Tịch Boyd K. Packer đã mô tả rằng việc nhận ra dấu hiệu của Giáo Hội chân chính theo cách này: “Sự mặc khải tiếp tục trong Giáo Hội: vị tiên tri nhận được sự mặc khải cho Giáo Hội; chủ tịch nhận mặc khải cho giáo khu, phái bộ truyền giáo, hoặc nhóm túc số của mình; vị giám trợ nhận mặc khải cho tiểu giáo khu của mình; người cha nhận mặc khải cho gia đình mình; cá nhân nhận được mặc khải cho chính mình.”1

Tiến trình tuyệt vời đó của sự mặc khải bắt đầu, kết thúc, và tiếp tục khi chúng ta nhận được sự mặc khải cá nhân. Chúng ta hãy lấy ví dụ về Nê Phi cao cả, con trai của Lê Hi. Cha ông đã có một giấc mơ. Những người khác trong gia đình của Nê Phi xem giấc mơ của Lê Hi như là bằng chứng của bệnh rối loạn tâm thần. Giấc mơ bao gồm một lệnh truyền từ Thượng Đế cho các con trai của Lê Hi phải liều mình trở lại Giê Ru Sa Lem để lấy các bảng khắc có chứa đựng lời của Thượng Đế để họ có thể mang theo các bảng khắc này trong cuộc hành trình của họ đến vùng đất hứa.

Chúng ta thường trích dẫn lời tuyên bố dũng cảm của Nê Phi khi cha ông yêu cầu họ quay trở lại Giê Ru Sa Lem. Các anh chị em có biết những lời này: “Con sẽ đi và làm những gì Chúa đã truyền lệnh.”2

Khi Lê Hi nghe Nê Phi nói những lời đó, thì thánh thư nói rằng ông “rất đỗi vui mừng.”3 Ông vui mừng vì biết rằng Nê Phi đã được ban phước với điều mặc khải xác nhận rằng giấc mơ của cha ông là một sự giao tiếp chân chính từ Thượng Đế. Nê Phi đã không nói: “Tôi sẽ đi và làm những gì cha tôi bảo tôi phải làm.” Thay vì thế, ông nói, “Con sẽ đi và làm những gì Chúa đã truyền lệnh.”

Từ kinh nghiệm của các anh chị em trong gia đình của mình, các anh chị em cũng biết lý do tại sao Lê Hi “rất đỗi vui mừng.” Niềm vui của ông đến từ việc biết rằng Nê Phi đã nhận được điều mặc khải xác nhận.

Nhiều bậc cha mẹ đã đề ra các điều lệ trong gia đình để một đứa con vị thành niên phải trở về nhà vào lúc nào buổi tối. Nhưng hãy nghĩ đến niềm vui của người cha hay mẹ, như đã xảy ra cách đây vài tuần, khi biết được rằng một đứa con mới vừa dọn ra khỏi nhà đã không những đề ra giờ giấc phải trở về nhà vào ban đêm cho mình mà còn tuân giữ ngày Sa Bát như nó đã được dạy khi còn sống ở nhà. Sự mặc khải của một người cha hay mẹ có ảnh hưởng lâu dài trong sự mặc khải cá nhân mà sẽ tiếp tục ở đứa con.

Mẹ tôi chắc hẳn đã hiểu nguyên tắc đó của sự mặc khải. Khi còn niên thiếu, tôi thường đóng cánh cửa sau nhà rất nhẹ nhàng khi tôi về nhà muộn vào buổi tối. Tôi đã phải đi qua phòng ngủ của mẹ tôi để đến phòng tôi. Cho dù tôi có nhón gót đi nhẹ nhàng đến mấy đi nữa thì ngay khi tôi vừa đi đến cánh cửa khép nửa, tôi cũng thường nghe mẹ tôi gọi tên tôi, bao giờ cũng nhỏ nhẹ: “Hal, hãy vào đây một chút.”

Tôi đi vào và ngồi bên mép giường của bà. Căn phòng thường là tối. Nếu lắng nghe, thì ta có thể nghĩ rằng đó chỉ là một cuộc chuyện trò thân thiện về cuộc sống. Nhưng cho đến ngày nay, tôi có thể nhớ rõ điều bà đã nói, cùng với sức mạnh tôi cảm thấy khi tôi đọc bản phước lành tộc trưởng của tôi.

Tôi không biết bà đã cầu xin điều gì trong lời cầu nguyện trong khi bà chờ tôi vào những đêm đó. Tôi nghĩ rằng điều đó chắc hẳn một phần là vì sự an toàn của tôi. Nhưng tôi chắc chắn rằng bà đã cầu nguyện như là một tộc trưởng cầu nguyện trước khi ban ra một phước lành. Ông cầu nguyện để những lời của ông sẽ đến với người nhận phước lành là những lời của Thượng Đế, chứ không phải là lời của ông. Những lời cầu nguyện của mẹ tôi để được nói với tôi bằng những lời của Thượng Đế đã được đáp ứng trong khi bà nói chuyện với tôi. Bà đã ở trong thế giới linh hồn được hơn 40 năm rồi. Tôi chắc chắn rằng bà rất đỗi vui mừng là tôi đã được phước khi bà cầu xin vì tôi đã nhận ra những lệnh truyền của Thượng Đế trong những điều bà nói. Và tôi đã cố gắng để đi và làm như bà đã hy vọng là tôi sẽ đi và làm.

Tôi cũng đã thấy cùng một phép lạ đó về sự mặc khải được tiếp tục ở các chủ tịch giáo khu và giám trợ trong Giáo Hội. Và cũng đúng như thế với sự mặc khải cho những người lãnh đạo gia đình, sự mặc khải chỉ có giá trị nếu những người được dẫn dắt nhận được sự mặc khải xác nhận rằng đây là ý muốn của Thượng Đế.

Tôi thấy phép lạ đó của sự mặc khải sau khi thiệt hại gây ra vì đập Teton bị vỡ ở Idaho vào năm 1976. Nhiều người trong số các anh chị em biết câu chuyện về điều đã xảy ra. Nhưng tấm gương về sự mặc khải liên tục do một chủ tịch giáo khu nhận được có thể ban phước cho tất cả chúng ta trong những ngày sắp tới.

Hàng ngàn người đã được di tản sau khi nhà của họ bị tàn phá. Một chủ tịch giáo khu ở địa phương, một nhà nông, đều đã được giao cho trách nhiệm hướng dẫn các nỗ lực cứu trợ. Tôi đang ở trong một lớp học tại trường Ricks College chỉ một vài ngày sau khi thảm họa xảy ra. Một vị lãnh đạo của cơ quan cứu trợ thảm họa liên bang đã đến. Ông và các phụ tá giám đốc của ông đến căn phòng lớn là nơi vị chủ tịch giáo khu đã tụ họp các giám trợ lại và thậm chí còn có cả một số giáo sĩ thuộc các tôn giáo khác tại địa phương nữa. Tôi có mặt ở đó vì nhiều người sống sót đang được chăm sóc và nằm trong khuôn viên của trường đại học nơi tôi làm chủ tịch.

Khi buổi họp bắt đầu, người đại diện của cơ quan cứu trợ thảm họa liên bang đứng dậy và bắt đầu nói với giọng nói đầy uy quyền về điều cần phải làm. Sau khi liệt kê ra mỗi nhiệm vụ trong số năm hoặc sáu nhiệm vụ mà ông nói là thiết yếu thì vị chủ tịch giáo khu thì thầm trả lời: “Chúng tôi đã làm xong điều đó rồi.”

Sau một vài phút, người của cơ quan cứu trợ thảm họa liên bang nói: “Tôi nghĩ rằng tôi nên ngồi xuống và quan sát trong một lát.” Sau đó, ông và các đại biểu của mình lắng nghe khi các giám trợ và các chủ tịch nhóm túc số các anh cả báo cáo điều họ đã làm. Họ mô tả sự hướng dẫn nào họ đã nhận được và tuân theo từ các vị lãnh đạo của họ. Họ cũng nói rằng họ đã được soi dẫn để làm khi họ nhận được chỉ dẫn để tìm các gia đình và giúp đỡ họ. Lúc đó đã muộn rồi. Họ đều quá mệt mỏi để cho thấy cảm xúc, ngoại trừ tình yêu thương của họ đối với dân chúng.

Vị chủ tịch giáo khu đã đưa ra một vài hướng dẫn cuối cùng cho các giám trợ, và ông loan báo về giờ giấc cho buổi họp báo cáo tiếp theo vào sáng sớm hôm sau.

Sáng hôm sau, người lãnh đạo của đội liên bang đến 20 phút trước khi buổi họp báo cáo và phân công nhiệm vụ được dự định bắt đầu. Tôi đứng gần bên. Tôi nghe ông ta nói nhỏ với vị chủ tịch giáo khu: “Thưa chủ tịch, chủ tịch muốn tôi và các đội viên của tôi phải làm gì?”

Điều mà người ấy nhìn thấy thì tôi đã thấy trong những lúc đau khổ và thử thách trên toàn thế giới rồi. Chủ Tịch Packer nói đúng. Sự mặc khải tiếp tục đến với chủ tịch giáo khu để nâng họ lên cao hơn sự khôn ngoan và khả năng của họ. Và hơn nữa, Chúa còn ban cho những người mà vị chủ tịch hướng dẫn một lời chứng xác nhận rằng lệnh của vị này đến từ Thượng Đế qua Đức Thánh Linh tới một người phàm không hoàn hảo.

Rất nhiều lần trong cuộc sống, tôi đã được phước để được kêu gọi tuân theo các vị lãnh đạo đầy soi dẫn. Khi còn là thanh niên, tôi đã được kêu gọi với tư cách là cố vấn cho một chủ tịch nhóm túc số các anh cả. Về sau, tôi là cố vấn cho hai chủ tịch giáo hạt, và cho một Vị Giám Trợ Chủ Tọa của Giáo Hội, là một thành viên trong Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, và là cố vấn cho hai Vị Chủ Tịch Giáo Hội. Tôi đã chứng kiến sự mặc khải được ban cho họ và sau đó được xác nhận cho những người tuân theo họ.

Sự mặc khải cá nhân đó về sự chấp nhận mà chúng ta đều mong muốn, không đến một cách dễ dàng, cũng như không đến chỉ vì đơn giản là cầu xin. Chúa ban cho sự hướng dẫn sau đây để giúp chúng ta nhận được những lời chứng như vậy từ Thượng Đế. Đây là một lời hướng dẫn cho bất cứ ai đang tìm kiếm sự mặc khải cá nhân, là điều mà chúng ta đều cần phải làm.

“Cũng hãy có đầy lòng bác ái đối với mọi người và đối với toàn thể các tín đồ, và hãy để cho đức hạnh của ngươi làm đẹp tư tưởng của ngươi luôn luôn; rồi thì niềm tin của ngươi sẽ vững mạnh trong sự hiện diện của Thượng Đế; và giáo lý của chức tư tế sẽ nhỏ giọt xuống tâm hồn ngươi như những hạt sương từ thiên thượng.

“Đức Thánh Linh sẽ là người bạn đồng hành luôn luôn ở bên ngươi.”4

Sứ điệp mà tôi nhận được từ đó áp dụng cho tất cả chúng ta. Đừng xem nhẹ cảm nghĩ các anh chị em nhận được về tình yêu mến đối với vị tiên tri của Thượng Đế. Bất cứ nơi nào tôi đi trong Giáo Hội, bất cứ người nào là vị tiên tri lúc bấy giờ, các tín hữu đều sẽ hỏi: “Khi nào trở về Trụ Sở Giáo Hội, xin ông hãy nói cho vị tiên tri biết là chúng tôi yêu mến vị tiên tri biết bao nhé?”

Điều đó còn vượt xa hơn nhiều so với việc tôn thờ một người anh hùng hoặc những cảm nghĩ mà đôi khi chúng ta có về việc ngưỡng mộ những nhân vật anh hùng. Đó là một ân tứ từ Thượng Đế. Với ân tứ đó, các anh chị em sẽ dễ dàng nhận được nhiều hơn ân tứ của sự mặc khải xác nhận khi ông nói với tư cách là vị tiên tri của Chúa. Tình yêu thương các anh chị em cảm nhận được là tình yêu thương mà Chúa có cho bất cứ ai là người phát ngôn của Ngài.

Đó không phải là điều dễ dàng để liên tục cảm nhận vì Chúa thường phán bảo Các Vị Tiên Tri của Ngài phải đưa ra lời khuyên bảo mà rất khó để cho người khác chấp nhận. Kẻ thù của linh hồn chúng ta sẽ cố gắng để dẫn dắt chúng ta đến việc phạm tội và nghi ngờ lời kêu gọi của vị tiên tri của Chúa.

Tôi đã thấy cách Đức Thánh Linh có thể soi dẫn một tấm lòng đã được xoa dịu để bảo vệ một môn đồ khiêm nhường của Chúa Giê Su Ky Tô với sự mặc khải xác nhận.

Vị tiên tri đã gửi tôi đến truyền giao quyền năng gắn bó thiêng liêng cho một người nọ trong một thành phố nhỏ ở rất xa. Chỉ có vị tiên tri của Thượng Đế mới có các chìa khóa để quyết định ai sẽ là người nhận được quyền năng thiêng liêng mà đã được Chúa ban cho Phi E Rơ, là Vị Sứ Đồ trưởng. Tôi đã nhận được cùng quyền năng gắn bó đó, nhưng chỉ dưới sự hướng dẫn của Chủ Tịch Giáo Hội tôi mới có thể truyền giao cho một người khác.

Vì vậy, tại một căn phòng trong một giáo đường ở rất xa Salt Lake City, Utah, tôi đã đặt tay lên đầu của một người đàn ông đã được vị tiên tri chọn để nhận được quyền năng gắn bó. Hai bàn tay của ông đã cho thấy dấu hiệu của một cuộc đời cày xới đất đai để kiếm sống một cách ít ỏi. Người vợ nhỏ nhắn của ông ngồi gần ông. Bà cũng cho thấy dấu hiệu của nhiều năm lao động khó nhọc bên cạnh chồng.

Tôi đã nói những lời do vị tiên tri đưa ra: “Được ban cho thẩm quyền và trách nhiệm từ,” và sau đó là tên của vị tiên tri, “là người nắm giữ tất cả các chìa khóa của chức tư tế trên thế gian vào lúc này, tôi truyền giao quyền năng gắn bó cho,” và tôi đưa ra tên của ông rồi sau đó là tên của ngôi đền thờ nơi ông sẽ phục vụ với tư cách là một người làm lễ gắn bó.

Ông khóc. Tôi thấy vợ ông cũng khóc. Tôi đợi cho họ bình tĩnh lại. Bà vợ đứng dậy và bước về phía tôi. Bà nhìn lên và rồi rụt rè nói rằng bà vui mừng nhưng cũng buồn. Bà nói rằng bà thích đi đến đền thờ với chồng, nhưng bây giờ bà cảm thấy rằng bà không nên đi với ông ấy vì Thượng Đế đã chọn ông cho sự tin cậy đầy vinh quang và thiêng liêng như vậy. Rồi bà nói rằng bà cảm thấy không thích đáng để làm người đồng hành đến đền thờ với ông vì bà không biết đọc cũng không biết viết.

Tôi bảo đảm với bà rằng chồng của bà sẽ được vinh hiển bởi sự đồng hành của bà trong đền thờ nhờ vào sức mạnh thuộc linh tuyệt vời của bà. Cũng như tôi có thể hiểu rất ít ngôn ngữ của bà, tôi nói với bà rằng Thượng Đế đã mặc khải cho bà những điều vượt xa tất cả sự giáo dục của trần thế.

Bà ấy biết rằng nhờ vào ân tứ của Thánh Linh mà Thượng Đế đã ban cho qua vị tiên tri của Ngài một sự tin cậy thiêng liêng cho người chồng yêu dấu của bà. Bà ấy tự mình biết được rằng các chìa khóa của quyền năng gắn bó đó đã được một người mà bà chưa bao giờ gặp nắm giữ và chính bà cũng chưa biết đó là vị tiên tri tại thế của Thượng Đế. Bà ấy biết, mà không cần được bất cứ nhân chứng sống nào nói cho biết, rằng vị tiên tri đã cầu nguyện về tên của chồng bà. Bà tự mình biết rằng Thượng Đế đã đưa ra sự kêu gọi đó.

Bà ấy cũng biết rằng các giáo lễ mà chồng mình thực hiện sẽ ràng buộc mọi người trong thời vĩnh cửu trên thượng thiên giới. Bà ấy đã được xác nhận trong tâm trí của mình rằng lời hứa mà Chúa đã ban cho Phi E Rơ vẫn còn tiếp tục trong Giáo Hội: “Hễ điều gì mà ngươi buộc dưới đất, thì cũng sẽ buộc ở trên trời.”5 Bà ấy đã tự mình biết điều đó bởi sự mặc khải từ Thượng Đế.

Chúng ta nên nhớ lại câu trích dẫn tôi đã sử dụng vào lúc bắt đầu bài nói chuyện này. “Sự mặc khải tiếp tục trong Giáo Hội: vị tiên tri nhận được sự mặc khải cho Giáo Hội; chủ tịch nhận mặc khải cho giáo khu, phái bộ truyền giáo, hoặc nhóm túc số của mình; vị giám trợ nhận mặc khải cho tiểu giáo khu của mình; người cha nhận mặc khải cho gia đình mình; cá nhân nhận được mặc khải cho chính mình.”6

Tôi chia sẻ chứng ngôn của tôi với các anh chị em rằng điều đó có thật. Cha Thiên Thượng nghe lời cầu nguyện của các anh chị em, Ngài yêu thương các anh chị em. Ngài biết tên của các anh chị em. Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế, và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Ngài yêu thương các anh chị em vượt quá khả năng thấu hiểu của các anh chị em.

Thượng Đế trút xuống sự mặc khải cho con cái của Ngài, qua Đức Thánh Linh. Ngài phán bảo cùng vị tiên tri của Ngài trên thế gian, ngày nay vị ấy là Thomas S. Monson. Tôi làm chứng rằng ông nắm giữ và sử dụng tất cả các chìa khóa của chức tư tế trên thế gian.

Trong khi các anh chị em lắng nghe trong đại hội này lời của những người mà Thượng Đế đã kêu gọi để nói thay cho Ngài, tôi cầu nguyện rằng các anh chị em sẽ nhận được sự mặc khải xác nhận cần có để tìm kiếm con đường của mình trong cuộc hành trình trở về nhà một lần nữa, để ở với Ngài trong một gia đình được làm lễ gắn bó vĩnh viễn. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.