2010–2019
Cuốn Sách
tháng mười 2014


Cuốn Sách

Công việc lịch sử gia đình và công việc đền thờ phải là một phần thờ phượng thường xuyên của cá nhân chúng ta.

Khi còn là một Hướng Đạo Sinh 12 tuổi, tôi nhận được một món quà tôi rất muốn là một dụng cụ Hướng Đạo. Đó là một cái rìu nhỏ với một cái bao bằng da dày! Vào chuyến đi cắm trại qua đêm sau đó, chúng tôi đến trại sau khi trời tối, bị ướt và lạnh vì trận tuyết lớn trên con đường mòn. Tôi chỉ có thể nghĩ đến việc nhóm lên một ngọn lửa trại lớn. Ngay lập tức tôi bắt đầu bổ củi với cái rìu mới của mình. Trong khi đang bổ củi, tôi thấy bực bội vì dường như nó không chặt được tốt lắm. Vì bực bội, tôi đã cố gắng nhiều hơn. Tôi thất vọng trở về trại với chỉ một vài khúc củi. Bên ánh lửa của một người khác, tôi phát hiện ra vấn đề. Tôi đã không lấy cái rìu ra khỏi bao. Tuy nhiên, tôi có thể báo cáo rằng cái bao bằng da dày đó đã bị cắt nhỏ ra từng mảnh. Bài học là tôi trở nên xao lãng với những điều khác.

Khi cố gắng hướng tới sự tôn cao, thì chúng ta phải cố gắng làm theo tất cả những điều kiện đòi hỏi và không trở nên xao lãng bằng cách tập trung vào một hoặc hai điều kiện hoặc những điều không liên quan khác. Việc tìm kiếm vương quốc của Thượng Đế dẫn đến niềm vui và hạnh phúc.1 Nếu cần thiết, chúng ta phải sẵn lòng thay đổi. Những sửa đổi nhỏ thường xuyên thì ít đau đớn và phiền phức hơn những sửa đổi lớn.

Cách đây không lâu, Chị Packer và tôi đi đến một số nước ngoài. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn quyển hộ chiếu và các giấy tờ khác. Chúng tôi có được đầy đủ các điều kiện về tiêm chủng, khám sức khỏe, thị thực và con dấu. Khi đến nơi, giấy tờ của chúng tôi đã được xem xét, và khi tất cả những điều kiện đã được đáp ứng, chúng tôi được phép vào nước đó.

Việc hội đủ điều kiện cho sự tôn cao cũng giống như việc chuẩn bị vào một quốc gia khác. Mỗi chúng ta phải có quyển hộ chiếu thuộc linh của mình. Chúng ta không quy định những điều kiện, nhưng mỗi cá nhân chúng ta phải đáp ứng tất cả những điều kiện đó. Kế hoạch cứu rỗi chứa đựng tất cả các giáo lý, luật pháp, giáo lệnh, và các giáo lễ cần thiết cho tất cả mọi người để hội đủ điều kiện cho sự tôn cao.2 Rồi sau đó, “nhờ Sự Chuộc Tội của Chúa [Giê Su] Ky Tô, tất cả nhân loại có thể được cứu rỗi.”3 Giáo Hội giúp đỡ nhưng không thể làm điều đó thay cho chúng ta. Việc hội đủ điều kiện cho sự tôn cao trở thành mục tiêu mà chúng ta cố gắng đạt được trong suốt cuộc đời.

Đấng Ky Tô tổ chức Giáo Hội của Ngài để giúp đỡ chúng ta. Ngài đã kêu gọi 15 người nam mà chúng ta tán trợ với tư cách là các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải để hướng dẫn Giáo Hội và giảng dạy các tín hữu. Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn4 và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ5 có quyền năng và thẩm quyền ngang bằng6 với Vị Sứ Đồ trưởng được chỉ định với tư cách là Chủ Tịch của Giáo Hội. Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi được kêu gọi để phụ giúp.7 Thượng Đế quy định những điều kiện cho sự tôn cao chứ không phải các vị lãnh đạo này! Các vị lãnh đạo này được kêu gọi để giảng dạy, giải nghĩa, khuyên nhủ, và thậm chí còn cảnh báo để cho chúng ta vẫn ở trên con đường của Chúa.8

Như đã được giải thích trong sách hướng dẫn của Giáo Hội: “Trong việc làm tròn mục đích của mình để giúp các cá nhân và gia đình hội đủ điều kiện cho sự tôn cao, Giáo Hội tập trung vào các trách nhiệm đã được Chúa chỉ định. Những trách nhiệm này gồm có việc giúp các tín hữu sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, quy tụ Y Sơ Ra Ên qua công việc truyền giáo, chăm sóc cho người nghèo khó và túng thiếu, và tạo điều kiện cho sự cứu rỗi người chết bằng cách xây cất đền thờ và thực hiện các giáo lễ thay cho người chết.”9 Bốn điều tập trung này và tất cả các luật pháp, lệnh truyền, và giáo lễ khác đều là cần thiết chứ không phải tùy chọn. Qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và bằng cách làm mỗi điều này, chúng ta có thêm con dấu cần thiết trong quyển hộ chiếu thuộc linh của mình.

Trong đại hội này, chúng ta được giảng dạy về những thay đổi mà sẽ giúp tất cả chúng ta chuẩn bị kỹ hơn.

Gia đình là trọng tâm của kế hoạch cứu rỗi và có lẽ là lý do tại sao gia đình cũng được gọi là “kế hoạch hạnh phúc vĩ đại”.10 Chủ Tịch Boyd K. Packer đã nói: “Tất cả các sinh hoạt trong Giáo Hội đều có một mục đích tột bậc là một người đàn ông và vợ con của họ có thể được hạnh phúc ở trong nhà.”11

Chủ Tịch Spencer W. Kimball nói: “Thành công của chúng ta, riêng cá nhân cũng như chung một Giáo Hội, chủ yếu sẽ được xác định bởi việc chúng ta tập trung một cách trung tín như thế nào vào việc sống theo phúc âm trong nhà.”12 Đền thờ và công việc lịch sử gia đình là một phần của việc sống theo phúc âm ở nhà, cần phải là một sinh hoạt gia đình nhiều hơn là một sinh hoạt trong Giáo Hội.

Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai đã từng tái nhấn mạnh về công việc lịch sử gia đình và công việc đền thờ.13 Sự đáp ứng của các anh chị em với điều được nhấn mạnh này sẽ gia tăng niềm vui và hạnh phúc của cá nhân và gia đình các anh chị em.

Chúng ta đọc từ Giáo Lý và Giao Ước: “Này, ngày vĩ đại của Chúa đã đến gần. … Vậy chúng ta, là những Thánh Hữu Ngày Sau, là một giáo hội và một dân tộc, hãy dâng của lễ lên Chúa trong sự ngay chính; và chúng ta hãy trình lên Ngài trong đền thờ thánh của Ngài, … một cuốn sách chứa đựng lý lịch của những người chết của chúng ta, đó là một vật rất xứng đáng cho mọi sự chấp nhận.”14

“Cuốn sách” này sẽ được chuẩn bị bằng cách sử dụng các hồ sơ trong cơ sở dữ liệu FamilyTree (Cây Gia Hệ) của Giáo Hội.

Tôi đang kiểm lại và bổ sung các hồ sơ cho cơ sở dữ liệu này vì tôi muốn tên của tất cả những người tôi yêu mến phải được gồm vào trong cuốn sách này. Các anh chị em cũng muốn như vậy chứ?

Chúng ta đọc trong Giáo Lý và Giao Ước, tiết 128: “Vì không có [các tổ tiên của mình] thì chúng ta không thể đạt đến sự hoàn hảo, mà không có chúng ta thì họ cũng không thể đạt đến sự hoàn hảo được.”15

Lịch sử gia đình còn quan trọng hơn là gia phả, các điều lệ, tên tuổi, ngày tháng, và địa điểm. Nó không chỉ tập trung vào quá khứ. Lịch sử gia đình cũng bao gồm cả hiện tại khi chúng ta viết tiểu sử của mình. Lịch sử gia đình bao gồm cả tương lai khi chúng ta phát triển lịch sử trong tương lai qua con cháu của chúng ta. Ví dụ, một người mẹ trẻ chia sẻ những câu chuyện và hình ảnh của gia đình mình với con cái của mình tức là người mẹ ấy đang làm công việc lịch sử gia đình.

Giống như việc dự phần Tiệc Thánh, tham dự các buổi họp, đọc thánh thư, và cầu nguyện riêng, thì công việc lịch sử gia đình và công việc đền thờ phải là một phần thờ phượng thường xuyên của cá nhân chúng ta. Sự đáp ứng của giới trẻ của chúng ta và những người khác đối với lời mời gọi của vị tiên tri đều đã được soi dẫn và chứng tỏ rằng công việc này có thể và nên được tất cả các tín hữu đủ mọi lứa tuổi thực hiện.

Như Anh Cả Quentin L. Cook đã giải thích: “Chúng ta [hiện] có giáo lý, đền thờ, và công nghệ.”16 Bây giờ, công việc lịch sử gia đình dễ làm hơn nhiều và chỉ bị giới hạn bởi số tín hữu đặt công việc này làm ưu tiên. Công việc này vẫn cần có thời gian và sự hy sinh, nhưng tất cả mọi người đều có thể làm công việc này, và tương đối dễ dàng so với cách đây chỉ một vài năm.

Để phụ giúp các tín hữu, Giáo Hội đã thu thập các hồ sơ và cung cấp các công cụ để nhiều công việc có thể được thực hiện tại nhà riêng của chúng ta hoặc trong các tòa nhà của tiểu giáo khu và đền thờ. Hầu hết những trở ngại đã được loại bỏ. các anh chị em đã từng nghĩ như thế nào đi nữa, thì công việc lịch sử gia đình bây giờ đã khác rồi!

Tuy nhiên, có một trở ngại mà Giáo Hội không thể loại bỏ được. Đó là một cá nhân còn do dự để làm công việc này. Chỉ cần có một quyết định và một chút nỗ lực. Công việc này không đòi hỏi nhiều thời gian. Chỉ cần một chút thời gian với lòng kiên định thì sẽ mang lại niềm vui đến công việc này. Hãy quyết định để bắt đầu, để tìm hiểu và yêu cầu người khác giúp đỡ các anh chị em. Họ sẽ giúp đỡ! Những cái tên mà các anh chị em tìm thấy và mang đến đền thờ sẽ trở thành các hồ sơ cho “cuốn sách đó.”17

Mặc dù với các tín hữu tham gia nhiều hơn một cách đáng kể, nhưng chúng tôi cũng nhận thấy rằng có tương đối rất ít tín hữu của Giáo Hội thường xuyên tham gia vào việc tìm kiếm và làm giáo lễ đền thờ cho gia đình của họ.18 Tình trạng này cần phải thay đổi trong các ưu tiên của chúng ta. Đừng chống lại sự thay đổi mà hãy chấp nhận nó! Thay đổi là một phần của kế hoạch hạnh phúc vĩ đại.

Công việc này cần phải được thực hiện, không phải vì lợi ích của Giáo Hội mà là vì lợi ích của những người chết và của chúng ta. Chúng ta và các tổ tiên đã qua đời của mình cần những con dấu trong quyển hộ chiếu thuộc linh của mình.

Mối “liên kết”19 của gia đình chúng ta suốt các thế hệ chỉ có thể xảy ra trong đền thờ nhờ vào các giáo lễ gắn bó. Các bước thực hiện rất giản dị: chỉ cần tìm ra tên của tổ tiên đã chết và mang vào đền thờ. Theo thời gian, các anh chị em sẽ có thể giúp những người khác cũng làm công việc đó.

Với một vài ngoại lệ, mọi người—mọi người—đều có thể làm được công việc này!

Có các phước lành thực sự liên quan đến công việc này. Nhiều bậc cha mẹ và các vị lãnh đạo đã quan tâm đến tình trạng thế giới hiện nay và ảnh hưởng của điều này đối với các gia đình và giới trẻ.

Anh Cả David A. Bednar đã hứa: “Tôi xin mời gọi những người trẻ tuổi của Giáo Hội học hỏi và cảm nhận Thần của Ê Li. … Tôi hứa [rằng] các em sẽ được bảo vệ chống lại ảnh hưởng dữ dội của kẻ nghịch thù. Khi tham gia và yêu thích công việc thiêng liêng này, các em sẽ được giữ gìn trong tuổi trẻ và trong suốt cuộc sống của mình.”20

Thưa các anh chị em, đã đến lúc phải loại bỏ những trở ngại của chúng ta để đi làm công việc lịch sử gia đình. Chúng ta hãy đừng hy sinh sự tôn cao của mình hoặc của gia đình mình vì các vấn đề ít quan trọng hơn.

Đây là công việc của Thượng Đế, được các tín hữu lẫn những người không phải là tín hữu, già lẫn trẻ, cả nam và nữ thực hiện.

Tôi kết thúc với câu đầu của bài thánh ca trang 324, chỉ thay có một từ:

“Hãy đứng lên, hỡi [Các Thánh Hữu] của Thượng Đế!

Hãy từ bỏ những điều kém quan trọng.

Với tâm hồn, tâm trí và sức mạnh

Để phục vụ Vua của Các Vua.21

Chúa Giê Su Ky Tô chính là Vị Vua đó! Tôi làm chứng về Ngài trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.