2018
Con Đường Dẫn Đến Hạnh Phúc Đích Thực
April 2018


Con Đường Dẫn Đến Hạnh Phúc Đích Thực

Từ một bài nói chuyện tại lễ phát bằng tốt nghiệp, “Paths for Happiness,” đưa ra tại trường Brigham Young University–Hawaii vào ngày 8 tháng Sáu năm 2017.

Cầu mong mỗi người chúng ta chọn yêu mến Chúa và tuân theo con đường dẫn đến hạnh phúc của Ngài.

Hình Ảnh
couple standing outside the Oakland California Temple

Hơn bất cứ điều gì khác, Cha Thiên Thượng mong muốn chúng ta có được hạnh phúc đích thực và lâu dài.

“Hạnh phúc của chúng ta là mục đích của tất cả các phước lành Ngài ban cho chúng ta—những lời giảng dạy của phúc âm, các giáo lệnh, các giáo lễ chức tư tế, các mối quan hệ gia đình, các vị tiên tri, đền thờ, những vẻ đẹp của sự sáng tạo, và thậm chí cả cơ hội để trải qua nghịch cảnh. … Ngài gửi Con Trai Yêu Dấu của Ngài để thực hiện Sự Chuộc Tội để chúng ta có thể được hạnh phúc trong cuộc sống này và nhận được niềm vui trọn vẹn trong suốt thời vĩnh cửu.”1

Ở khắp mọi nơi, người ta đều đang tìm kiếm một thứ gì đó. Trong cách riêng của họ, điều họ thực sự đang tìm kiếm là hạnh phúc. Tuy nhiên, như với chính lẽ thật, nhiều người đang bị ngăn cản khỏi hạnh phúc “vì họ không biết tìm thấy lẽ thật đâu cả” (GLGƯ 123:12).

Vì họ không biết tìm thấy hạnh phúc đích thực và lâu dài ở đâu, nên họ tìm nó trong những điều mà thực ra mang đến niềm vui thích tạm thời mà thôi—chẳng hạn như mua đồ, tìm kiếm danh dự và lời tán dương của thế gian qua hành vi không thích đáng, hoặc chú tâm vào vẻ đẹp và sự quyến rũ bề ngoài.

Niềm vui thích thường bị nhầm lẫn với hạnh phúc. Dường như khi người ta càng tìm kiếm niềm vui thích tạm thời, thì họ càng cảm thấy ít hạnh phúc hơn. Thường thường, niềm vui thích chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn ngủi mà thôi.

Như Chủ Tịch David O. McKay (1873–1970) nói: “Anh chị em có thể có được niềm vui nhất thời đó, vâng, nhưng anh chị em không thể tìm thấy niềm hân hoan, anh chị em không thể tìm thấy niềm hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ có thể được tìm thấy dọc trên con đường mòn đó, con đường hẹp và thẳng, mà dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu.”2

Rủi thay, đối với nhiều người, hạnh phúc thật khó có được. Các nhà khoa học biết rằng “hơn cả tâm trạng tích cực, hạnh phúc là một trạng thái an lạc mà bao gồm việc sống một cuộc sống tốt lành—nghĩa là, với một ý thức rằng mình có ý nghĩa và có cảm giác thỏa mãn sâu sắc.”3

Nghiên cứu cho thấy rằng hạnh phúc không phải là kết quả của việc nhảy từ một kinh nghiệm này sang kinh nghiệm khác. Thay vì thế, việc có được hạnh phúc thường bao gồm một nỗ lực bền bỉ lâu dài cho một điều gì đó quan trọng hơn trong cuộc sống. Hạnh phúc được xác định bởi thói quen, hành vi, và những mẫu mực của ý nghĩ mà chúng ta có thể trực tiếp điều khiển với hành động có chủ ý. Phần lớn hạnh phúc của chúng ta thực sự “nằm trong sự điều khiển của cá nhân.”4

Chúng ta hãy cân nhắc tầm quan trọng của một số con đường dẫn đến hạnh phúc được tìm thấy trong thánh thư và được các vị tiên tri và sứ đồ thời hiện đại giảng dạy. Việc trung tín và kiên định đưa ra những lựa chọn đúng đắn sẽ cho phép chúng ta hưởng được hạnh phúc trong cuộc hành trình trước mắt.

Đức Hạnh

Con đường đầu tiên trong số những con đường này là đức hạnh, tức là một mẫu mực của ý nghĩ và hành vi dựa trên các tiêu chuẩn đạo đức cao. Nó bao gồm sự trinh khiết và trong sạch về mặt đạo đức, mà làm cho các em hội đủ điều kiện bước vào đền thờ thánh của Chúa. Người có đạo đức tốt có một phẩm giá và sức mạnh nội tâm thầm kín. Họ tự tin bởi vì họ xứng đáng nhận được và được hướng dẫn bởi Đức Thánh Linh. Đức hạnh bắt đầu trong tấm lòng và trong tâm trí, và nó là sự tích lũy của hàng ngàn những quyết định và hành động nhỏ bé mỗi ngày.

“Hãy để cho đức hạnh của ngươi làm đẹp tư tưởng của ngươi luôn luôn; rồi thì niềm tin của ngươi sẽ vững mạnh trong sự hiện diện của Thượng Đế; và giáo lý của chức tư tế sẽ nhỏ giọt xuống tâm hồn ngươi như những hạt sương từ thiên thượng.

“Đức Thánh Linh sẽ là người bạn đồng hành luôn luôn ở bên ngươi, và vương trượng của ngươi là một vương trượng bất di bất dịch của sự ngay chính và lẽ thật; và quyền thống trị của ngươi sẽ là quyền thống trị vĩnh viễn, và không có cách gì cưỡng chế được, nó sẽ chan hòa trong ngươi mãi mãi và đời đời” (GLGƯ 121:45–46).

Chủ Tịch Thomas S. Monson (1927–2018) dạy rằng “sẽ không có tình bạn nào quý báu hơn lương tâm trong sáng của [các em], sự trong sạch về mặt đạo đức—và thật là một cảm nghĩ vinh quang biết bao để biết rằng [các em] đang được trong sạch đứng nơi được chỉ định của mình và với sự tin tưởng rằng [các em] xứng đáng để làm như vậy.”5

Sự Liêm Khiết

Con đường thứ hai dẫn đến hạnh phúc là sự liêm khiết. Anh Cả Richard G. Scott (1928–2015) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

“Việc nhận ra rằng hạnh phúc bền vững đến từ con người của [các] em, chứ không phải từ những gì [các] em có.

“Niềm vui thực sự đến từ đức tính ngay chính, và từ một mẫu mực của những quyết định đúng đắn một cách kiên định. … Những quyết định ngay chính của [các] em định đoạt con người của [các] em và điều gì là quan trọng đối với [các] em. Chúng làm cho việc làm những điều ngay chính được dễ dàng hơn. Để có được hạnh phúc bây giờ và trong suốt cuộc đời [các] em, hãy kiên định vâng lời Chúa.”6

Khi chúng ta học thánh thư, chúng ta học được rằng những lời hứa mà Chúa đưa ra cho chúng ta đều khuyến khích cuộc sống ngay chính. Những lời hứa đó nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta, mang hy vọng đến cho chúng ta bằng cách khuyến khích chúng ta không bỏ cuộc, thậm chí trong khi chúng ta đang đối phó với những thử thách hàng ngày của mình khi sống trong một thế giới mà các giá trị đạo đức và luân lý đang dần dần biến mất. Vì thế, chúng ta cần phải chắc chắn rằng ý nghĩ, lời nói, và hành động của chúng ta đều dẫn dắt chúng ta dọc trên con đường trở về với Cha Thiên Thượng của mình.

Sự Trung Tín

Con đường thứ ba dẫn đến hạnh phúc là sự trung tín. Là điều cơ bản để hiểu rằng Thượng Đế ban phước cho chúng ta tùy thuộc vào đức tin của chúng ta, mà chính là nguồn gốc của việc sống với mục đích thiêng liêng và quan điểm vĩnh cửu. Đức tin là một nguyên tắc thiết thực mà soi dẫn sự siêng năng. Đức tin được thể hiện trong thái độ tích cực và mong muốn của chúng ta để sẵn sàng làm tất cả mọi điều mà Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô đòi hỏi nơi chúng ta. Đức tin là điều mà làm cho chúng ta quỳ xuống để cầu khẩn Chúa để được hướng dẫn và khuyến khích chúng ta trỗi dậy và hành động với sự tin tưởng để đạt được những sự việc phù hợp với ý muốn của Ngài.

Khi tiến bước trong cuộc hành trình của mình, các em sẽ được thử thách để xem liệu các em sẽ làm theo tất cả những gì Chúa, Thượng Đế của các em sẽ truyền lệnh cho mình không (xin xem Áp Ra Ham 3:25). Đây là một phần của kinh nghiệm trần thế. Nó sẽ đòi hỏi các em tiến tới với một sự trì chí trong Đấng Ky Tô, được Thánh Linh hướng dẫn, và tin cậy rằng Thượng Đế sẽ chu cấp cho nhu cầu của các em.

Hãy nhớ rằng các em không được cho phép đức tin của mình suy giảm—thậm chí trong những lúc gặp nhiều khó khăn. Nếu các em kiên định, Chúa sẽ gia tăng khả năng của các em để vượt qua những thử thách của cuộc đời. Các em sẽ có được khả năng để đánh bại những thôi thúc tiêu cực, và các em sẽ phát triển khả năng để khắc phục thậm chí những điều có vẻ là chướng ngại vật mạnh mẽ.

Sự Thánh Thiện

Hình Ảnh
young adults walking toward the Provo City Center Temple

Sự thánh thiện, một con đường khác dẫn đến hạnh phúc, có liên quan tới sự hoàn hảo về mặt thuộc linh và đạo đức. Sự thánh thiện ám chỉ sự trong sạch về tấm lòng và chủ ý. Làm thế nào chúng ta có thể lao nhọc mỗi ngày để nuôi dưỡng bản thân mình về phần thuộc linh để chúng ta có thể phát triển đức tính tin kính như vậy?

Chủ Tịch Harold B. Lee (1899–1973) trả lời rằng: “Chúng ta phát triển phần thuộc linh của riêng mình bằng cách thực hành. … Chúng ta cần phải luyện tập linh hồn của mình hằng ngày bằng sự cầu nguyện, bằng cách làm những việc tốt lành hằng ngày, bằng cách chia sẻ với người khác. Chúng ta cần phải nuôi dưỡng linh hồn của mình hằng ngày bằng cách học thánh thư mỗi ngày, bằng [buổi họp tối gia đình], bằng cách tham dự các buổi họp nhà thờ, bằng cách dự phần Tiệc Thánh. …

“Người ngay chính cố gắng hết sức để cải thiện bản thân vì biết rằng mình cần phải hối cải hằng ngày.”7

Một yếu tố quan trọng khác của sự thánh thiện có liên quan tới việc lập và tuân giữ các giao ước trong đền thờ. Nếu chúng ta trung tín, các giao ước này có thể nâng chúng ta lên khỏi các giới hạn của quyền năng và quan điểm của chúng ta. Tất cả các phước lành đã được hứa của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đều có thể thuộc về chúng ta qua việc chúng ta trung tín tuân theo các giáo lễ và giao ước chúng ta lập trước mắt Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô trong đền thờ. Một phần của khuôn mẫu của việc sống “trong hạnh phúc” bao gồm xây cất một đền thờ để thờ phượng và lập giao ước với Chúa trong đó (xin xem 2 Nê Phi 5:16, 27).

Điều quan trọng đế nhớ về con đường này là chúng ta cần phải rất thận trọng để phát triển phần thuộc linh và trở nên trong sạch về mặt đạo đức.

Sự Vâng Lời

Việc tuân giữ tất cả các giáo lệnh của Thượng Đế có liên quan đến các con đường khác dẫn đến hạnh phúc. Sau khi dân Nê Phi đã tách rời khỏi dân La Man, họ vô cùng thịnh vượng khi họ tuân giữ các mạng lệnh, các luật lệ, và các lệnh truyền “của Chúa trong mọi sự việc đúng theo luật pháp Môi Se” (2 Nê Phi 5:10). Khuôn mẫu này là một yếu tố quan trọng khác của việc sống “trong hạnh phúc”

Chủ Tịch Monson đã dạy: “Khi chúng ta tuân giữ các giáo lệnh, cuộc sống của chúng ta sẽ được hạnh phúc hơn, mãn nguyện hơn, và ít phức tạp hơn. Những thử thách và vấn đề của chúng ta sẽ dễ chịu đựng hơn, và chúng ta sẽ nhận được các phước lành đã được hứa [của Thượng Đế].”8 Ông cũng nói rằng: “Sự hiểu biết mà chúng ta tìm kiếm, các câu trả lời mà chúng ta mong muốn, và sức mạnh mà chúng ta ao ước ngày nay để đối phó với những thử thách của một thế giới phức tạp và luôn thay đổi, có thể thuộc vào chúng ta khi chúng ta sẵn lòng tuân theo các lệnh truyền của Chúa.”9

Đấng Cứu Rỗi khuyên bảo chúng ta:

“Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta. …

“Ai có các điều răn của ta và vâng giữ lấy, ấy là kẻ yêu mến ta; người nào yêu mến ta sẽ được Cha ta yêu lại, ta cũng sẽ yêu người, và tỏ cho người biết ta” (Giăng 14:15, 21).

Lòng Vị Tha và Tình Yêu Thương

Cách tốt nhất để có được hạnh phúc là lòng vị tha và tình yêu thương—tình yêu thương mà lo lắng, quan tâm, và có một phần nào lòng bác ái cho mọi linh hồn sống. Tình yêu thương là con đường thẳng dẫn đến hạnh phúc, mà sẽ làm phong phú và ban phước cuộc sống của chúng ta và cuộc sống của những người khác. Điều đó có nghĩa là, như Đấng Cứu Rỗi đã phán, các em cho thấy tình yêu thương thậm chí đối với kẻ thù nghịch mình (xin xem Ma Thi Ơ 5:44).

Khi làm như vậy, các em sẽ làm tròn lệnh truyền to lớn hơn để yêu mến Thượng Đế. Các em sẽ có khả năng để bỏ qua những khó khăn sẽ xảy đến—những điều xấu xa, những điều mang đến thất bại, và những điều khó chịu. Hạnh phúc đích thực và lâu dài chỉ đến khi chúng ta chọn “hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi.” (Ma Thi Ơ 22:37; xin xem thêm Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:5; Mác 12:30; Lu Ca 10:27).

Cầu xin mỗi chúng ta hãy chọn yêu mến Chúa và tuân theo con đường của Ngài để dẫn đến hạnh phúc, tức là “mục tiêu và mục đích của sự tồn tại của chúng ta.”10

Ghi Chú

  1. “Happiness,” Gospel Topics, topics.lds.org.

  2. David O. McKay, trong Conference Report, Oct. 1919, 180.

  3. “Happiness,” Psychology Today, psychologytoday.com/basics/happiness.

  4. “Happiness,” Psychology Today.

  5. Thomas S. Monson, “Những Tấm Gương Ngay Chính,” Liahona, tháng Năm năm 2008, trang 65.

  6. Richard G. Scott, “Making the Right Choices,” Ensign, May 1991, 34.

  7. Teachings of Presidents of the Church: Harold B. Lee (2000), 176178.

  8. Thomas S. Monson, “Tuân Giữ Các Giáo Lệnh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 83.

  9. Thomas S. Monson, “Sự Vâng Lời Mang Đến Các Phước Lành,” Liahona, tháng Năm năm 2013, trang 92.

  10. Joseph Smith, trong History of the Church, 5:134.