2007
Có Quyền Nhận Những Lời Hứa Rất Quý Rất Lớn
Tháng Mười Một năm 2007


Có Quyền Nhận Những Lời Hứa Rất Quý Rất Lớn

Chúa đưa ra những lời hứa rộng lượng, và Ngài đảm bảo rằng Ngài sẽ làm tròn những lời hứa này.

Hình Ảnh

Tôi mang đến cho các anh chị em tình yêu thương và lời chào hỏi của Các Thánh Hữu trung tín ở Nam Thái Bình Dương.

Nguyên tắc phúc âm đầu tiên là đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Nguyên tắc này gồm có đức tin nơi sự giáng sinh thiêng liêng của Ngài và di sản thuộc thiên thượng và đức tin rằng, dưới sự hướng dẫn của Cha Ngài, Ngài đã sáng tạo thế gian và vạn vật ở trên đó (xin xem Giăng 1:10; Mô Si A 3:8). Trọng tâm của đức tin của chúng ta nơi Đấng Ky Tô là sự bảo đảm rằng qua sự hy sinh chuộc tội của Ngài, dù cho tội của chúng ta như hồng điều, thì cũng sẽ trở nên trắng như tuyết (xin xem Ê Sai 1:18).

Đức tin nơi Đấng Ky Tô gồm có sự hiểu biết rằng sau khi bị đóng đinh, Ngài đã sống lại từ mộ phần, và Sự Phục Sinh của Ngài đã làm cho tất cả nhân loại có thể sống lại (xin xem 1 Cô Rinh Tô 15:21–23). Đức tin nơi Đấng Ky Tô là sự bảo đảm rằng Ngài và Cha Thiên Thượng của Ngài đã hiện đến cùng thiếu niên Joseph Smith, để chuẩn bị con đường cho Sự Phục Hồi vạn vật trong gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn. Chúa Giê Su Ky Tô đứng đầu Giáo Hội mang danh thánh của Ngài.

Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô là hiển nhiên khi chúng ta tin những lời giảng dạy của Ngài và “có quyền nhận lời hứa rất quý rất lớn” của Ngài và trở nên “người dự phần bổn tính Đức Chúa Trời” (2 Phi E Rơ 1:4). Vô số lời hứa đã được các vị tiên tri của Ngài công bố, và Chúa quả quyết với chúng ta rằng: “Lời ta sẽ không qua đâu mà sẽ được ứng nghiệm, dẫu bằng chính tiếng nói của ta hoặc bằng tiếng nói của các tôi tớ ta thì cũng như nhau” (GLGƯ 1:38).

Trong những ngày sau này, Chúa đã mặc khải rằng “khi chúng ta nhận được bất cứ một phước lành nào từ Thượng Đế, thì đó là vì chúng ta tuân theo luật pháp mà phước lành này được căn cứ vào đó” (GLGƯ 130:20–21). Chúa đưa ra những lời hứa rộng lượng, và Ngài đảm bảo rằng Ngài sẽ làm tròn những lời hứa này, vì Ngài phán: “Ta, là Chúa, bị ràng buộc khi các ngươi làm theo những điều ta phán; nhưng khi các ngươi không làm theo những điều ta phán thì các ngươi chẳng được lời hứa hẹn nào cả” (GLGƯ 82:10).

Những Lời Hứa Rất Quý Rất Lớn

Vô số những lời hứa rất quý rất lớn của Chúa gồm có sự tha thứ các tội lỗi của chúng ta khi chúng ta “thú tội và từ bỏ những tội lỗi đó” (GLGƯ 58:43; xin xem thêm 1:32). Mở các cửa sổ trên trời là một lời hứa đã nhận được bởi những người đóng tiền thập phân một cách trung tín (xin xem Ma La Chi 3:10), và việc tìm thấy “những kho tàng hiểu biết lớn lao” đến với những người tuân giữ Lời Thông Sáng (GLGƯ 89:19).

Việc giữ cho mình khỏi tì vết của thế gian là một lời hứa dành cho những người giữ ngày Sa Bát được thánh (xin xem GLGƯ 59:9; Xuất Ê Díp Tô Ký 31:13). Sự hướng dẫn và soi dẫn thiêng liêng được hứa ban cho những người “nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô” (2 Nê Phi 32:3) và những người “muốn áp dụng các thánh thư” cho họ (1 Nê Phi 19:23).

Chúa cũng hứa rằng “bất cứ điều gì ngay chính mà các ngươi sẽ cầu xin Đức Chúa Cha trong danh ta, và tin tưởng rằng các ngươi sẽ nhận được, này, điều ấy sẽ được ban cho các ngươi” (3 Nê Phi 18:20). Chúng ta cũng được hứa rằng Đức Thánh Linh sẽ là người bạn đồng hành thường xuyên của chúng ta khi chúng ta “để cho đức hạnh [của mình] làm đẹp tư tưởng [của mình] luôn luôn” (xin xem GLGƯ 121:45–46). Chúng ta cũng có thể có quyền xin lời hứa giải phóng phần thuộc linh về sự nhịn ăn mà sẽ nới ra ”những xiềng hung ác,” “mở những trói của ách,” “thả cho kẻ bức hiếp được tự do” và giúp chúng ta “bẻ gãy mọi ách” (Ê Sai 58:6).

Những người được làm lễ gắn bó trong đền thờ thánh và là những người trung tín tuân giữ các giao ước của mình, thì sẽ nhận được vinh quang của Thượng Đế tức là “sự trọn vẹn và sự tiếp nối dòng dõi mãi mãi và đời đời” (GLGƯ 132:19).

Đôi khi, trong sự thiếu kiên nhẫn của loài người, chúng ta có thể không thấy những lời hứa quý báu của Chúa và chúng ta quên rằng việc ứng nghiệm những lời hứa này tùy thuộc vào sự vâng lời của chúng ta. Chúa đã phán:

“Ta là ai, lời Chúa phán, mà đã hứa hẹn rồi không giữ trọn lời hứa?

“Ta truyền lệnh nhưng loài người không tuân theo; ta hủy bỏ và rồi chúng chẳng nhận được phước lành.

“Rồi chúng tự nhủ trong lòng: Đây không phải là công việc của Chúa, vì lời hứa của Ngài không được làm tròn. Nhưng khốn thay cho những kẻ đó, vì phần thưởng của chúng nằm đợi chúng từ dưới chớ không phải từ trên cao” (GLGƯ 58:31–33).

Trông Thấy Những Lời Hứa Từ Đằng Xa.

Các thành phần quan trọng của đức tin là sự kiên nhẫn, nhịn nhục và kiên trì đến cùng. Sứ Đồ Phao Lô kể lại đức tin của A Bên, Hê Nóc, Nô Ê, Áp Ra Ham và Sa Ra, và kết luận rằng “hết thảy những người đó đều chết trong đức tin, chưa nhận lãnh những điều hứa cho mình; chỉ trông thấy và chào mừng những điều đó từ đằng xa, xưng mình là kẻ khách và bộ hành trên đất” (xin xem Hê Bơ Rơ 11:13). Các Thánh Hữu trung tín này biết rằng cuộc sống trần thế này là một cuộc hành trình chứ không phải là điểm tới cuối cùng của họ.

Khi Áp Ra Ham được 75 tuổi thì Chúa hứa với ông rằng: “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn”—vào lúc ấy ông và Sa Rai chưa có con (Sáng Thế Ký 12:2). Ông được 86 tuổi khi người hầu gái của Sa Rai là A Ga “sinh Ích Ma Ên cho Áp Ram” (Sáng Thế Ký 16:16).

Và Chúa đổi tên Áp Ram là Áp Ra Ham và Sa Rai là Sa Ra, và khi ông gần một trăm tuổi và bà được 90 tuổi thì họ được hứa rằng Sa Ra sẽ sinh một con trai đặt tên là Y Sác (xin xem Sáng Thế Ký 17:17, 19). Trước sự không tin của họ, Chúa đã hỏi: “Há có điều chi Đức Giê Hô Va làm không được chăng?” (Sáng Thế Ký 14). Và “Sa Ra thọ thai, sinh một con trai cho Áp Ra Ham trong khi tuổi đã già” (Sáng Thế Ký 21:2), và Chúa đã hứa: “Ta sẽ ban phước cho ngươi, thêm dòng dõi ngươi nhiều như sao trên trời, đông như cát bờ biển” (Sáng Thế Ký 22:17).

Thiếu niên Y Sác trưởng thành và khi ông được 40 tuổi, ông kết hôn với Rê Be Ca. “Y Sác khẩn cầu Đức Giê Hô Va cho vợ mình, vì nàng son sẻ. Đức Giê Hô Va cảm động lời khẩn cầu đó, nên cho Rê Be Ca thọ thai” và sinh đôi, Ê Sau và Gia Cốp, khi cha của họ đã 60 tuổi (Xin xem Sáng Thế Ký 25:20–26).

Khi Gia Cốp lớn lên và đến tuổi trưởng thành, thì cha mẹ của ông sai ông đi đến nhà của La Ban, nơi mà ông sẽ gặp hai người con gái của La Ban là Lê A và Ra Chên. Gia Cốp thưa cùng La Ban: “Vì nàng Ra Chên, con út cậu, tôi sẽ giúp việc trong bảy năm… . Vậy, Gia Cốp vì Ra Chên, phải giúp việc trong bảy năm: nhưng bởi yêu nàng, nên coi bảy năm bằng chừng đôi ba bữa” (Sáng Thế Ký 29:18, 20).

Các anh chị em sẽ nhớ lại cách mà La Ban gạt thiếu niên Gia Cốp để kết hôn với Lê A trước và rồi sau đó với Ra Chên. “Đức Giê Hô Va thấy Lê A bị ghét, bèn cho nàng sinh sản; còn Ra Chên lại son sẻ” (Sáng Thế Ký 29:31). Và Lê A sinh Ru Bên, rồi Si Mê Ôn, rồi Lê Vi và Giu Đa. Trong khi đó, Ra Chên vẫn không có con (xin xem Sáng Thế Ký 29:32–35).

Với sự ganh tị ngày càng gia tăng và nỗi tuyệt vọng ngút ngàn, một ngày nọ, Ra Chên đòi hỏi mãnh liệt nơi Gia Cốp: “Hãy cho tôi có con, bằng không tôi chết” (Sáng Thế Ký 30:1). Rồi sau đó, Lê A sinh thêm hai con trai và một con gái.

Chúa Không Chậm Trễ Về Lời Hứa của Ngài.

Sứ Đồ Phi E Rơ đã làm chứng rằng “Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục” đối với chúng ta (2 Phi E Rơ 3:9). Trong thời đại mà việc giặt khô chỉ cần một giờ đồng hồ và những cơ sở kinh doanh thức ăn nhanh chỉ trong một phút thì đôi khi, dường như đối với một số chúng ta thể như Cha Thiên Thượng nhân từ đã bỏ quên những lời hứa quý báu của chúng ta hoặc Ngài trì hoãn hoặc ban cho một người khác những phước lành đó. Đó là cảm nghĩ của Ra Chên.

Nhưng, với thời gian trôi qua, chúng ta đọc được bảy chữ tuyệt diệu nhất trong Kinh Thánh: “Đức Chúa Trời nhớ lại Ra Chên” (Sáng Thế Ký 30:22). Và bà được ban phước với sự ra đời của Giô Sép và sau đó của Bên Gia Min. Có hằng triệu người trên thế gian ngày nay là con cháu của Giô Sép, là những người đã chấp nhận trọn vẹn lời hứa ban cho Áp Ra Ham rằng qua các nỗ lực của họ “tất cả các gia đình trên thế gian sẽ được ban phước, ngay cả với những phước lành của Phúc Âm, là những phước lành cứu rỗi, tức là cuộc sống vĩnh cửu” (Áp Ra Ham 2:11).

Dù những lời hứa của thiên thượng đôi lúc dường như trông như xa vời, nhưng tôi cầu nguyện rằng mỗi người chúng ta sẽ chấp nhận trọn vẹn những lời hứa rất lớn rất quý này và chớ bao giờ quên những lời hứa này. Và cũng giống như Thượng Đế đã nhớ lại Ra Chên, thì Thượng Đế cũng sẽ nhớ lại các anh chị em. Tôi làm chứng như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô. A Men.