2007
Đừng Hoãn Lại Cho Đến Ngày Mai Việc Mình Có Thể Làm Hôm Nay
Tháng Mười Một năm 2007


Đừng Hoãn Lại Cho Đến Ngày Mai Việc Mình Có Thể Làm Hôm Nay

Bây giờ là lúc để thực hiện các bổn phận về gia đình mà đã được Thượng Đế ban cho.

Hình Ảnh

Vào ngày 23 tháng Chín năm 1995, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giới thiệu cùng Giáo Hội và thế giới một tài liệu tên là “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới.” Tôi xin trích dẫn từ đoạn nói rằng “Người chồng và người vợ có một trách nhiệm trọng đại là phải yêu thương và chăm sóc lẫn nhau và cho con cái của mình.”1 Chúng ta sống trong một thời kỳ và thời đại mà trong đó lời khuyên dạy này quả thật rất quan trọng. Nhiều cha mẹ cho rằng họ không có thời giờ cho gia đình mình. Lối sống cuồng vội của thời đại và số công việc làm quá đáng đang hạn chế sự chú ý của cha mẹ về điều quan trọng nhất: hy sinh thời giờ, hy sinh bản thân cho gia đình mình.

Chúa đã dạy rằng mỗi người đàn ông có trách nhiệm để cấp dưỡng cho gia đình mình,2 nhưng điều đó không có nghĩa là chỉ chất đầy nhà thức ăn và những thứ khác được cần đến hoặc mong muốn. Chúng ta cũng cần phải có thời giờ để cung ứng cho gia đình mình những lời giảng dạy. Chúng ta cần phải giảng dạy điều gì?

Cha Thiên Thượng của chúng ta đã dạy chúng ta rằng cha mẹ có bổn phận phải giảng dạy phúc âm cho con cái mình.3 Tiên tri Lê Hi đã hiểu rõ trách nhiệm của mình để giảng dạy cho con cái của ông. Nê Phi nói rằng ông đã được giảng dạy theo “những kiến thức của cha [ông].”4

Chúa đã chỉ thị cho chúng ta cách chăm sóc gia đình mình khi Ngài phán bảo cùng chúng ta qua các vị tiên tri của Ngài trong bản tuyên ngôn cùng thế giới: “Cha mẹ có bổn phận thiêng liêng là nuôi nấng con cái mình trong tình thương và sự ngay chính, cung cấp những nhu cầu vật chất và thuộc linh cho chúng, dạy dỗ chúng biết yêu thương và phục vụ lẫn nhau, tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế và là những công dân biết tuân theo các luật pháp ở bất cứ nơi nào chúng sinh sống.”5

Chúng ta biết rằng Thượng Đế đã giảng dạy chúng ta trong nhiều thế kỷ cách bảo vệ và chăm sóc gia đình mình. Chúng ta cũng biết và có thể thấy rằng kẻ nghịch thù đang tấn công gia đình. Bây giờ là lúc để sử dụng tất cả những lời giảng dạy đó. Bây giờ là lúc để thực hiện các bổn phận về gia đình mà đã được Thượng Đế ban cho.

Chủ Tịch James E. Faust đã cho chúng ta ba điều chính yếu mà chúng ta có thể làm để bảo vệ và củng cố gia đình mình:

  1. Cầu nguyện chung gia đình: Cha mẹ cần phải giảng dạy cho con cái của mình biết rằng chúng là con cái của Thượng Đế, và do đó chúng cần phải cần nguyện lên Ngài hằng ngày.

  2. Buổi họp tối gia đình: Như Chủ Tịch Faust đã dạy chúng ta, buổi họp tối gia đình là dành cho tất cả chúng ta bất luận chúng ta đang ở trong giai đoạn nào của cuộc sống. Chúng ta phải dành những buổi tối thứ Hai để không bận rộn với tất cả các sinh hoạt khác mà có thể ngăn cản chúng ta không được họp mặt với gia đình.

  3. Học thánh thư riêng cá nhân và chung gia đình: Chúng ta cần giúp con cái mình củng cố đức tin và chứng ngôn của chúng qua thói quen cơ bản này.6

Khi tuân theo lời khuyên dạy khôn ngoan của Chủ Tịch Faust, chúng ta sẽ bảo vệ gia đình chống lại những sự tấn công của Sa Tan cũng như củng cố đức tin và chứng ngôn của gia đình mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Trong bản tuyên ngôn về gia đình, chúng ta cũng học biết rằng “Qua kế hoạch thiêng liêng, những người cha phải chủ tọa gia đình mình trong tình thương yêu và sự ngay chính và có trách nhiệm cung ứng những nhu cầu cần thiết của cuộc sống và bảo vệ cho gia đình mình. Những người mẹ có trách nhiệm chính yếu để nuôi dưỡng con cái mình. Trong các trách nhiệm thiêng liêng này, những người cha và người mẹ có bổn phận giúp đỡ lẫn nhau với tư cách là những người bạn đời bình đẳng.”7

Chính là trong nhà mà gia đình học hỏi và áp dụng các nguyên tắc phúc âm. Tình yêu thương lớn lao rất cần thiết để giảng dạy và hướng dẫn một gia đình. Những người cha và những người mẹ nhân từ sẽ dạy cho con cái mình biết thờ phượng Thượng Đế trong nhà mình. Khi một thái độ và tinh thần thờ phượng đuợc tìm thấy trong nhà thì thái độ và tinh thần đó lan truyền đến cuộc sống của mỗi người trong gia đình. Điều này sẽ chuẩn bị cho họ có bất cứ sự hy sinh cần thiết nào để có thể trở về nơi hiện diện của Thượng Đế và cùng sống chung với nhau với tính cách là gia đình trong suốt vĩnh cửu.

Bản tuyên ngôn về gia đình giúp chúng ta hiểu nhiều về tình yêu thương mà Đấng Cứu Rỗi đã nói đến khi Ngài phán bảo chúng ta phải “yêu thương lẫn nhau.”8 Ngài ban cho chúng ta tấm gương yêu thương cao quý khi Ngài phán rằng “chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình.”9 Về sau Ngài cứu chuộc tất cả tội lỗi của chúng ta, và cuối cùng phó mạng sống của Ngài cho tất cả chúng ta.

Chúng ta có thể hy sinh mạng sống của mình cho những người mà chúng ta yêu thương không phải bằng cách chết cho họ, mà đúng hơn là sống cho họ—hy sinh thời giờ của chúng ta, luôn luôn hiện diện trong cuộc sống của họ, phục vụ họ, luôn luôn nhã nhặn, biểu lộ sự trìu mến, và cho thấy tình yêu thương thật sự đối với những người trong gia đình của chúng ta, và đối với tất cả mọi người—như Đấng Cứu Rỗi đã dạy.

Chúng ta không biết điều gì có thể xảy ra cho chúng ta vào ngày mai, và đó là lý do tại sao hôm nay là lúc để bắt đầu cho thấy tình yêu thương của chúng ta qua những cử chỉ nhỏ nhặt chẳng hạn như một cái ôm, và nói “anh yêu em và các con” cùng vợ con mình, và những người chung quanh mình.

Tôi mới vừa đọc một bài viết nói về sự khẩn cấp của việc không hoãn lại cho đến ngày mai việc mà mình có thể làm hôm nay. Vào tháng Bảy năm nay, Brazil đã chứng kiến tai nạn phi cơ tàn khốc nhất trong lịch sử của họ. Đã có 199 người chết kể cả hành khách, nhân viên hãng hàng không, phi hành đoàn và những người có mặt tại địa điểm đó khi tai nạn xảy ra. Người ta nói rằng bài viết mà tôi đề cập đến đã được niêm yết trên bảng thông tin của hãng hàng không bởi người chồng của một chiêu đãi viên hàng không mà đã chết trong tai nạn đó. Bài viết có tựa đề là “Ngày Mai Không Bao Giờ Đến” và được dựa vào một bài thơ của Norma Cornett Marek.

Nếu anh biết đây là lần cuối anh nhìn em ngủ,

Thì anh sẽ ôm em chặt hơn, anh sẽ khẩn cầu lên Chúa để bảo vệ em.

Nếu anh biết đây là lần cuối anh nhìn em bước ra khỏi cửa,

Thì anh sẽ ôm hôn em, và gọi em trở lại để ôm hôn em thêm lần nữa.

Nếu anh biết đây là lần cuối anh sẽ nghe tiếng em cầu nguyện,

Thì anh sẽ ghi lại mỗi động tác, mỗi cái nhìn, mỗi nụ cười, mỗi một lời nói của em,

Để anh có thể lắng nghe lời nói đó về sau, từng ngày một.

Nếu anh biết đây là lần cuối,

Thì anh sẽ dành ra thêm một, hai phút nữa để nói với em là “Anh yêu em” thay vì cho rằng em đã biết điều đó.

Nếu anh biết đây là lần cuối cùng của chúng ta, giây phút cuối cùng của chúng ta,

Thì anh sẽ ở bên em, dành một ngày cho em thay vì nghĩ rằng

“Không sao, chắc sẽ có những cơ hội khác nên mình có thể đợi ngày khác.”

Dĩ nhiên sẽ có một ngày để duyệt xét lại những sự việc,

Và chúng ta sẽ có một cơ hội thứ nhì để làm đúng những sự việc.

Ồ, dĩ nhiên sẽ có một ngày khác cho chúng ta để nói “anh yêu em/em yêu anh.”

Và chắc chắn sẽ có một dịp khác để nói với nhau “Anh/em có thể giúp được gì không?”

Nhưng trong trường hợp của anh, thì không còn dịp nào khác!

Anh không có em ở đây với anh, và hôm nay là ngày cuối cùng chúng ta cólời từ giã.

Do đó anh muốn nói rằng anh yêu em biết bao

Và anh hy vọng em sẽ không bao giờ quên điều đó.

Không một ai, trẻ hay già, được hứa rằng họ sẽ sống để thấy ngày mai.

Hôm nay có thể là cơ hội cuối cùng của ta để nắm chặt lấy bàn tay của người mình yêu và cho thấy hết cảm nghĩ của mình.

Nếu ta đang chờ ngày mai đến thì tại sao lại không làm điều đó ngày hôm nay?

Vì nếu ngày mai không bao giờ đến, thì chắc chắn ta sẽ hối tiếc suốt phần đời còn lại của mình

Đã không dành ra thêm thời giờ nữa cho một nụ cười, một cuộc chuyện trò, một cái ôm, một nụ hôn,

Vì ta quá bận rộn để mang đến cho người đó điều mà rốt cuộc là ước muốn cuối cùng của người ấy.

Vậy thì, hôm nay hãy ôm chặt người mà ta yêu thương, bạn bè, gia đình mình

Và thì thầm trong tay họ là ta yêu thương họ biết bao, và muốn họ gần gũi với ta.

Hãy dùng thời giờ của mình để nói

“Tôi xin lỗi”

“Làm ơn”

“Xin tha lỗi cho tôi”

“Cám ơn”

Hoặc ngay cả

“Không có chi”

“Được rồi”

Vì nếu ngày mai không bao giờ đến, thì ta sẽ không phải hối tiếc hôm nay.

Quá khứ không trở lại, và tương lai có thể không đến!10

Hôm nay chúng ta hãy bày tỏ tình yêu thương của mình với người phối ngẫu và con cái của mình, và với các anh chị em của mình. Tôi biết Thượng Đế hằng sống. Tôi biết Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của chúng ta. Tôi biết rằng Joseph Smith là vị tiên tri của Chúa, và rằng Gordon B. Hinckley là vị tiên tri tại thế của Thượng Đế. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Liahona, tháng Mười năm 2004, 49.

  2. Xin xem GLGƯ 75:28.

  3. Xin xem GLGƯ 68:25.

  4. 1 Nê Phi 1:1.

  5. Liahona, tháng Mười năm 2004, 49.

  6. Xin xem “Challenges Facing the Family,” Worldwide Leadership Training Meeting, ngày 10 tháng Giêng năm 2004, 2–3.

  7. Liahona, tháng Mười năm 2004, 49.

  8. Giăng 13:34.

  9. Giăng 15:13.

  10. Xin xem www.heartwhispers.net; in ra với sự cho phép.