2007
Tay Trong Sạch và Lòng Thanh Khiết
Tháng Mười Một năm 2007


Tay Trong Sạch và Lòng Thanh Khiết

Mục đích thuộc linh của chúng ta là khắc phục tội lỗi lẫn ước muốn phạm tội, sự đồi bại lẫn sức chi phối của tội lỗi.

Hình Ảnh

Tôi có những kỷ niệm thân ái thời thơ ấu về mẹ tôi khi bà đọc những câu chuyện trong Sách Mặc Môn cho tôi nghe. Bà có cách làm cho những câu chuyện thánh thư trở nên sống động trong trí tưởng tượng trẻ thơ của tôi, và tôi tin chắc là mẹ tôi đã có một sự làm chứng về lẽ trung thật của biên sử thiêng liêng đó. Đặc biệt tôi nhớ lời mô tả của bà về việc Đấng Cứu Rỗi đến viếng thăm lục địa Mỹ Châu tiếp theo sự phục sinh của Ngài và về những lời giảng dạy của Ngài đối với những người dân tại xứ Phong Phú. Qua sự kiên trì giản dị của tấm gương và chứng ngôn của bà, mẹ tôi đã khơi dậy nơi tôi những cảm nghĩ đầu tiên về đức tin nơi Đấng Cứu rỗi và nơi Giáo Hội ngày sau của Ngài. Tôi tự mình tiến đến việc biết rằng Sách Mặc Môn là một chứng thư khác về Chúa Giê Su Ky Tô và chứa đựng phúc âm trọn vẹn trường cửu của Ngài (xin xem GLGƯ 27:5).

Hôm nay tôi muốn ôn lại với các anh chị em một trong những sự kiện ưa thích nhất của tôi trong Sách Mặc Môn, sự hiện đến của Đấng Cứu Rỗi trong tân thế giới, và thảo luận lời chỉ dạy của Ngài cho đám đông về quyền năng thánh hóa của Đức Thánh Linh. Tôi cầu nguyện có được sự hướng dẫn của Thánh Linh cho tôi và cho các anh chị em.

Giáo Vụ của Đấng Cứu Rỗi trong Tân Thế Giới

Trong thời gian giáo vụ ba ngày của Chúa trong Tân Thế Giới, Ngài đã giảng dạy giáo lý của Ngài, cho phép các môn đồ của Ngài thực hiện các giáo lễ của chức tư tế, chữa lành người bệnh, cầu nguyện cho dân chúng, và trìu mến ban phước cho các trẻ em. Khi thời gian của Đấng Cứu Rỗi dành cho dân chúng ở đó sắp chấm dứt, Ngài đã vắn tắt tóm lược các nguyên tắc cơ bản của phúc âm Ngài.

Ngài phán: “Này, đây là lệnh truyền: Hãy hối cải, hỡi các ngươi ở các nơi tận cùng của trái đất, hãy đến cùng ta và chịu phép báp têm trong danh ta, ngõ hầu các ngươi có thể được thánh hóa nhờ thụ nhận Đức Thánh Linh, để các ngươi có thể đứng không tì vết trước mặt ta vào ngày sau cùng” (3 Nê Phi 27:20).

Các nguyên tắc cơ bản đã được Đức Thầy vạch ra trong thánh thư là thiết yếu cho chúng ta để hiểu và áp dụng trong cuộc sống của mình. Thứ nhất là sự hối cải, sự “hướng tấm lòng và ý muốn đến Thượng Đế, và một sự từ bỏ tội lỗi” (Bible Dictionary, “Repentance,” 760). Khi chúng ta tìm kiếm một cách thích đáng và nhận được ân tứ thuộc linh về đức tin nơi Đấng Cứu Chuộc, thì lúc ấy chúng ta hướng và trông vậy vào công lao, lòng thương xót và ân điển của Đấng Mê Si Thánh (xin xem 2 Nê Phi 2:8). Sự hối cải là kết quả tuyệt vời phát sinh từ đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi và gồm có việc hướng đến Thượng Đế và tránh xa tội lỗi.

Kế đó Chúa phục sinh giải thích về tầm quan trọng của việc đến cùng Ngài. Đám đông mà cùng nhau tụ tập tại đền thờ đã được thật sự mời đến cùng Đấng Cứu Rỗi “từng người một” (3 Nê Phi 11:15) để rờ vào những dấu đinh đóng trên tay và chân của Đức Thầy và để rờ tay vào hông Ngài. Mỗi người mà có được kinh nghiệm này đều “biết một cách chắc chắn và làm chứng rằng Ngài chính là” (câu 15), Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng đã đến.

Đấng Cứu Rỗi cũng đã giảng dạy cho dân chúng đến cùng Ngài qua các giao ước thiêng liêng, và Ngài đã nhắc họ nhớ rằng họ là “con cái của giao ước” (3 Nê Phi 20:26). Ngài đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng vĩnh cửu của các giáo lễ báp têm (xin xem 3 Nê Phi 11:19–39) và của việc tiếp nhận Đức Thánh Linh (xin xem 3 Nê Phi 11:35–36; 12:6; 18:36õ38). Trong một cách thức tương tự, các anh chị em và tôi đã được khuyên bảo nên hướng đến và học hỏi từ Đấng Ky Tô, và đến cùng Ngài qua các giao ước và các giáo lễ của phúc âm phục hồi của Ngài. Khi làm như vậy, cuối cùng chúng ta sẽ tiến đến việc biết Ngài (xin xem Giăng 17:3), “vào thời kỳ riêng của Ngài, và trong cách thức riêng của Ngài, và theo ý muốn riêng của Ngài” (GLGƯ 88:68), như những người dân trong xứ Phong Phú.

Việc hối cải và đến cùng Đấng Ky Tô qua các giao ước và các giáo lễ cứu rỗi là điều tiên quyết và một sự chuẩn bị để được thánh hóa bởi sự tiếp nhận Đức Thánh Linh và đứng không tì vết trước mặt Thượng Đế vào ngày sau cùng. Giờ đây tôi muốn tập trung sự chú ý của chúng ta vào ảnh hưởng thánh hóa mà Đức Thánh Linh có thể có trong cuộc sống của chúng ta.

Cuộc Hành Trình Thuộc Linh của Chúng Ta

Cổng báp têm dẫn đến con đường chật và hẹp và đến đích là nơi từ bỏ con người tự nhiên và trở thành một thánh hữu qua Sự Chuộc Tội của Chúa Ky Tô (xin xem Mô Si A 3:19). Mục đích của cuộc sống trần thế của chúng ta không phải chỉ quan sát vu vơ trên thế gian hoặc tận dụng thời gian đã định cho mình vào những mưu cầu cho bản thân mình; thay vì thế, chúng ta phải “sống trong đời mới” (Rô Ma 6:4), để trở nên thánh hóa bằng cách hiến dâng lòng mình lên Thượng Đế (xin xem Hê La Man 3:35), và nhận được “ý của Đấng Ky Tô” (1 Cô Rinh Tô 2:16).

Chúng ta được truyền lệnh và được chỉ thị phải sống theo cách mà bản tính bất toàn của mình phải thay đổi qua quyền năng thánh hóa của Đức Thánh Linh. Chủ Tịch Marion G. Romney đã dạy rằng phép báp têm bằng lửa bởi Đức Thánh Linh “cải đổi [chúng ta] từ trạng thái trần tục đến trạng thái thuộc linh. Phép báp têm này thanh tẩy, chữa lành và làm thanh khiết tâm hồn… Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, sự hối cải, và phép báp têm bằng nước đều là điều sơ bộ và tiên quyết cho phép báp têm bằng lửa bởi Đức Thánh Linh, nhưng [phép báp têm bằng lửa] là sự sau cùng. Muốn nhận được [phép báp têm bằng lửa] thì một người phải được tuyên bố là vô tội nhờ vào máu cứu chuộc của Chúa Giê Su Ky Tô” (Learning for the Eternities, do George J. Romney biên soạn [1977], 133; xin xem thêm 3 Nê Phi 27:19–20).

Do đó, khi chúng ta được sinh lại và cố gắng có được Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta, thì Đức Thánh Linh thánh hóa và cải tiến tâm hồn của chúng ta thể như bằng lửa (xin xem 2 Nê Phi 31:13–14, 17). Cuối cùng, chúng ta phải đứng không tì vết trước mặt Thượng Đế.

Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô bao gồm nhiều điều hơn là việc tránh xa, khắc phục và được thanh tẩy tội lỗi và các ảnh hưởng xấu trong cuộc sống của chúng ta, mà về cơ bản còn đòi hỏi việc làm điều thiện, sống thiện lành và trở nên tốt hơn. Việc hối cải các tội lỗi của chúng ta và tìm kiếm sự tha thứ là cần thiết về phương diện thuộc linh, và chúng ta cần phải luôn luôn làm như vậy. Nhưng sự xá miễn các tội lỗi không phải là mục tiêu duy nhất hay tột bực của phúc âm. Việc có được Đức Thánh Linh thay đổi tấm lòng chúng ta để “chúng [ta] không còn ý muốn làm điều tà ác nữa, mà chỉ muốn luôn luôn làm điều thiện” (Mô Si A 5:2), như dân của Vua Bên Gia Min, là trách nhiệm mà chúng ta đã chấp nhận qua giao ước. Sự thay đổi lớn lao này không phải chỉ là kết quả của việc cố gắng nhiều hơn hoặc phát triển kỷ luật tự giác cá nhân nhiều hơn. Đúng hơn, đó là kết quả của một sự thay đổi cơ bản trong ước muốn, động cơ và bản tính của chúng ta mà có thể trở thành hiện thực nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Ky Tô. Mục đích thuộc linh của chúng ta là khắc phục cả tội lỗi lẫn ước muốn phạm tội, cả sự đồi bại lẫn sức chi phối của tội lỗi.

Các vị tiên tri trong suốt các thời đại đã nhấn mạnh đến hai điều kiện của việc (1) tránh xa và khắc phục điều xấu và (2) làm điều thiện và trở nên tốt hơn. Hãy suy nghĩ về những câu hỏi sâu sắc do Tác Giả Thi Thiên đặt ra:

“Ai sẽ được lên núi Đức Giê Hô Va? Ai sẽ được đứng nổi trong nơi thánh của Ngài?

“Ấy là người có tay trong sạch và lòng thanh khiết, chẳng hướng linh hồn mình về sự hư không, cũng chẳng thề nguyện giả dối” (Thi Thiên 24:3–4).

Thưa các anh chị em, chúng ta có thể có được tay trong sạch nhưng lại không có lòng thanh khiết. Xin hãy lưu ý rằng cần phải có tay trong sạch lẫn lòng thanh khiết để đi lên đồi của Chúa và đứng nơi chốn thánh của Ngài.

Tôi xin đề nghị rằng tay cần phải được trong sạch qua tiến trình từ bỏ con người tự nhiên và bằng cách khắc phục tội lỗi và các ảnh hưởng xấu xa trong cuộc sống của chúng ta qua Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi. Lòng được làm cho thanh khiết khi chúng ta nhận được quyền năng củng cố của Ngài để làm điều thiện và trở nên tốt hơn. Tất cả những ước muốn xứng đáng và làm điều thiện của chúng ta, luôn luôn là cần thiết, có thể không bao giờ đưa đến tay trong sạch và lòng thanh khiết. Chính là Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô mới cung ứng quyền năng thanh tẩy lẫn cứu chuộc mà giúp chúng ta khắc phục tội lỗi và một quyền năng thánh hóa và đầy củng cố mà giúp chúng ta trở nên tốt hơn khả năng của chúng ta để sống tốt hơn bằng cách chỉ trông cậy vào sức mạnh của mình. Sự Chuộc Tội vô hạn là dành cho người phạm tội lẫn người thánh thiện trong mỗi người chúng ta.

Trong Sách Mặc Môn, chúng ta tìm thấy những lời giảng dạy đầy quyền năng của Vua Bên Gia Min về sứ mệnh và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Giáo lý giản dị mà ông giảng dạy đã khiến cho giáo đoàn ngã xuống đất. “Và họ tự nhận thấy bản thân họ trong trạng thái trần tục còn kém hơn cả bụi đất thế gian. Và tất cả đồng cất tiếng kêu to lên mà rằng: Xin hãy thương xót, và hãy áp dụng máu chuộc tội của Đấng Ky Tô để chúng tôi có thể nhận được sự tha thứ tội lỗi của chúng tôi, trái tim chúng tôi có thể được thanh tẩy; vì chúng tôi tin ở Chúa Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế, Đấng đã sáng tạo ra trời đất và vạn vật; là Đấng sẽ đến giữa con cái loài người” (Mô Si A 4:2; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Một lần nữa trong câu này chúng ta thấy được phước lành gồm có hai phần, phước lành của sự tha thứ tội lỗi, ám chỉ tay trong sạch, và sự biến đổi bản tính của chúng ta, có nghĩa là có lòng thanh khiết.

Khi Vua Bên Gia Min kết thúc lời chỉ dạy của mình, ông đã lặp lại tầm quan trọng của hai khía cạnh cơ bản này về sự phát triển thuộc linh.

“Và này, vì những lời tôi vừa nói với các người—có nghĩa là để hằng ngày gìn giữ sự xá miễn các tội lỗi cho các người ngõ hầu các người có thể trở nên vô tội khi các người bước đi trước mặt Thượng Đế—tôi mong rằng các người nên san sẻ những của cải của mình cho người nghèo khó” (Mô Si A 4:26; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Ước muốn chân thành của chúng ta cần phải có tay trong sạch lẫn lòng thanh khiết—sự xá miễn các tội lỗi hằng ngày bước đi vô tội trước mặt Thượng Đế. Chỉ có tay trong sạch không thôi thì sẽ không đủ khi chúng ta đứng trước Ngài là Đấng thanh khiết, và là Đấng với “huyết của chiên con không lỗi không vít” (1 Phi E Rơ 1:19), đã sẵn lòng hy sinh huyết quý báu của Ngài cho chúng ta.

Từng Hàng Chữ Một

Một số người nghe hay đọc sứ điệp này có thể nghĩ rằng sự tiến triển thuộc linh mà tôi đang mô tả thì không thể đạt được trong cuộc sống của họ. Chúng ta có thể tin rằng các lẽ thật này áp dụng cho những người khác chứ không phải cho chúng ta.

Chúng ta sẽ không đạt được tình trạng toàn hảo trong cuộc sống này, nhưng chúng ta có thể và cần phải tiến tới với một đức tin nơi Đấng Ky Tô lần theo con đường chật và hẹp và có được sự tiến bộ đều đặn hướng đến số mệnh vĩnh cửu của mình. Mẫu mực của Chúa cho sự phát triển thuộc linh là “từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một, nơi này một ít, nơi kia một ít” (2 Nê Phi 28:30). Những sự tiến bộ thuộc linh nhỏ, đều đặn, càng ngày càng gia tăng là những bước mà Chúa muốn chúng ta có. Việc chuẩn bị bước đi vô tội trước mặt Thượng Đế là một trong những mục đích chính yếu của cuộc sống trần thế và sự theo đuổi suốt đời chứ không phải là những nỗ lực rời rạc của sinh hoạt thuộc linh mạnh mẽ mà ra.

Tôi làm chứng rằng Đấng Cứu Rỗi sẽ củng cố và phụ giúp chúng ta để thực hiện sự tiến bộ được duy trì liên tục và đều đặn. Tấm gương trong Sách Mặc Môn của “rất đông, hết sức đông” (An Ma 13:12) những người trong Giáo Hội thời xưa, họ là những người thanh khiết và không tì vết trước mặt Thượng Đế, là một nguồn khích lệ và an ủi cho tôi. Tôi nghĩ rằng các tín hữu đó của Giáo Hội thời xưa là những người đàn ông và những phụ nữ bình thường giống như các anh chị em và tôi. Những người này không thể nhìn đến tội lỗi nữa trừ phi với một cái nhìn đầy ghê tởm, và họ “làm nên thanh khiết và được bước vào chốn an nghỉ của Chúa, Thượng Đế của họ” (câu 12). Và các nguyên tắc này và tiến trình của sự tiến bộ thuộc linh này áp dụng đồng đều và thường xuyên cho mỗi người chúng ta.

Lời Mời Gọi Kết Thúc của Mô Rô Ni

Điều kiện đòi hỏi để từ bỏ con người tự nhiên và trở thành một thánh hữu, tránh xa và khắc phục điều xấu và làm điều thiện và trở nên tốt, có được tay trong sạch và lòng thanh khiết, là một đề tài được lặp đi lặp lại trong suốt Sách Mặc Môn. Quả vậy, lời mời gọi kết thúc của Mô Rô Ni vào cuối quyển sách này là phần tóm lược của đề tài này.

“Phải, hãy đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài, và hãy chối bỏ tất cả mọi sự không tin kính; và nếu các người chối bỏ tất cả mọi sự không tin kính cùng yêu mến Thượng Đế với tất cả năng lực, tâm trí và sức mạnh, thì ân điển của Ngài sẽ đủ cho các người, để nhờ ân điển của Ngài mà các người sẽ có thể được toàn thiện trong Đấng Ky Tô …

“Và lại nữa, nếu nhờ ân điển của Thượng Đế mà các người trở nên toàn thiện trong Đấng Ky Tô, và không chối bỏ quyền năng của Ngài, thì lúc đó, các người sẽ được thánh hóa trong Đấng Ky Tô nhờ ân điển của Thượng Đế, qua sự đổ máu của Đấng Ky Tô, mà điều này nằm trong giao ước của Đức Chúa Cha để xá miễn tội lỗi các người, ngõ hầu các người được trở nên thánh thiện và không có tì vết” (Mô Rô Ni 10:32-33, sự nhấn mạnh được thêm vào).

Cầu xin cho các anh chị em và tôi hối cải với lòng chân thành và thật sự đến cùng Đấng Ky Tô. Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ cố gắng nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi để có được tay trong sạch lẫn lòng thanh khiết, để chúng ta có thể trở nên thánh thiện, không tì vết. Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Ngài là Đấng không tì vết và cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi và củng cố chúng ta để làm điều thiện và trở nên tốt hơn. Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.