2007
Hãy Chăn Chiên Ta
Tháng Mười Một năm 2007


“Hãy Chăn Chiên Ta”

Qua những cuộc thăm viếng đều đặn hằng tháng của chúng ta với các chị em phụ nữ, chúng ta có thể tạo ra mối ràng buộc yêu thương, tình bằng hữu và sự tin cậy

Hình Ảnh

Tôi khiêm tốn với cơ hội được đứng trước các chị em và chia sẻ những cảm nghĩ của lòng mình. Tôi là một phụ nữ rất bình thường, nhỏ bé và tầm thường theo như tiêu chuẩn của thế gian, nhưng Chúa, trong lòng thương xót vô biên của Ngài, đã luôn luôn ban phước cho tôi với các cơ hội độc đáo và một ân tứ rất quý báu: Tôi đã nhận được ân tứ về lẽ trung thực của phúc âm này và sự xác thật về Chúa Giê Su Ky Tô và sự hy sinh chuộc tội của Ngài. Tôi đã cảm nhận được ảnh hưởng hướng dẫn của Đức Thánh Linh từ lúc tôi mới được 14 tuổi, khi lần đầu tiên tôi lắng nghe những người truyền giáo và đọc Sách Mặc Môn. Chứng ngôn của tôi luôn luôn hừng hực trong lòng, và đức tin của tôi thì vững vàng. Ân tứ về đức tin và chứng ngôn đã ban phước cho cuộc sống của tôi rất dồi dào.

Hôm nay tôi đứng giữa những người phụ nữ tốt lành và quý báu nhất trên thế gian, và tôi cảm thấy sức nặng của trách nhiệm lớn lao đang đặt trên tôi vào lúc này đây. Tôi đã cầu nguyện, học hỏi, và suy ngẫm thánh thư để tìm kiếm sự soi dẫn nhằm nói lên điều mà Chúa muốn tôi nói với các chị em vào dịp này.

Là chủ tịch đoàn trung ương Hội Phụ Nữ, chúng tôi đã học hỏi và suy ngẫm về lịch sử và mục đích của Hội Phụ Nữ—tổ chức độc nhất vô nhị này đã được tổ chức một cách thiêng liêng bởi một vị tiên tri của Thượng Đế để phục vụ và ban phước cho các phụ nữ trong Giáo Hội. Nguồn gốc đầy soi dẫn này đến để đáp ứng những ước muốn dịu dàng của tấm lòng các phụ nữ vào lúc ấy. Hội Phụ Nữ được tổ chức với hai mục đích rất rõ ràng: cứu giúp người nghèo khổ và cứu vớt các linh hồn.1

Chị Beck đã đề cập đến một điều mà các phụ nữ của Giáo Hội này nên làm và có thể làm nhất là cứu giúp.

Hãy suy nghĩ về nguyên tắc đã được giảng dạy trong Giăng 21:15–17. Chúa đã hỏi Phi E Rơ: “Ngươi yêu ta chăng … ?” Phi E Rơ đáp: “Lạy Chúa, phải, Chúa biết rằng tôi yêu Chúa.” Và Chúa đáp: “Hãy chăn chiên ta.” Chúa lại hỏi ông lần thứ nhì: “Ngươi yêu ta chăng?” Phi E Rơ đáp lần nữa: “Lạy Chúa, phải, Chúa biết rằng tôi yêu Chúa.” Chúa phán cùng Phi E Rơ: “Hãy chăn chiên ta.” Chúa lại hỏi lần thứ ba: “Ngươi yêu ta chăng?” Phi E Rơ đáp: “Lạy Chúa, Chúa biết hết mọi việc; Chúa biết rằng tôi yêu Chúa.” Chúa Giê Su phán cùng ông: “Hãy chăn chiên ta.”

Là môn đồ của Đấng Ky Tô, chúng ta cũng tuyên bố rằng chúng ta yêu thương Ngài. Vậy chúng ta đi chăn chiên Ngài như thế nào?

Một trong những cách mà các chị em Hội Phụ Nữ có thể chăn chiên Ngài là qua việc thăm viếng giảng dạy. “Mục đích của việc thăm viếng giảng dạy là xây đắp mối quan hệ ân cần với mỗi chị em phụ nữ và mang đến sự giúp đỡ, an ủi và tình bạn.”2 Để làm tròn các mục đích này, các giảng viên thăm viếng phải làm những điều sau đây:

  1. Thăm viếng đều đặn mỗi chị em phụ nữ mà mình đã được chỉ định (tại nơi mà có thể thực hiện được, tại nhà của người ấy, vào mỗi tháng).

  2. “Biết về những nhu cầu tinh thần và vật chất của người chị em phụ nữ ấy và gia đình của người ấy.”

  3. “Giúp đỡ một cách thích đáng.”

  4. “Đưa ra lời giảng dạy thuộc linh qua một sứ điệp hằng tháng.”3

Chúa đã ban phước cho các chị em phụ nữ với các thuộc tính thiêng liêng về tình yêu thương, lòng trắc ẩn, lòng nhân từ và lòng bác ái. Qua những cuộc viếng thăm hằng tháng của mình với tư cách là các giảng viên thăm viếng, chúng ta có được quyền năng để ban phước cho mỗi chị em phụ nữ khi chúng ta nới rộng vòng tay yêu thương và lòng nhân từ của mình và mang đến các ân tứ về lòng trắc ẩn và lòng bác ái. Bất luận hoàn cảnh của chúng ta ra sao đi nữa thì chúng ta đều có cơ hội để gây dựng và chăm sóc những người khác.

Tôi đã sống trong nhiều quốc gia ở Trung và Nam Mỹ, và ở vùng Caribbean và Tây Ban Nha. Tôi đã thấy việc thăm viếng giảng dạy được thực hiện một cách trung tín bởi các chị em phụ nữ mà đã đi bộ những khoảng đường ngắn hay dài, hoặc đi xe buý t, xe điện ngầm hay xe lửa. Bạn của tôi, Ana, một người mẹ trẻ ở Costa Rica, là người đã đi thăm viếng giảng dạy một cách trung tín mỗi tháng, bước đi nhiều lần dưới những cơn mưa lớn. Ba mươi năm sau, giờ đây đã là một người bà, chị vẫn tiếp tục làm một người giảng viên thăm viếng trung tín. Chị đã ban phước cho rất nhiều người.

Qua những cuộc thăm viếng đều đặn hằng tháng của chúng ta với các chị em phụ nữ của mình, chúng ta có thể tạo ra mối ràng buộc yêu thương, tình bằng hữu và sự tin cậy. Nếu chúng ta nghe theo những thúc giục của Thánh Linh, thì chúng ta sẽ gia tăng ý thức của mình đối với nhu cầu của những người khác. Nếu chúng ta hành động theo những thúc giục thiêng liêng đó, thì chúng ta có thể là một phước lành đối với những người đang gặp hoạn nạn. Nhưng chúng ta phải sẵn lòng ban phát—của cải và thời giờ của mình. Thước đo thật sự của cuộc sống chúng ta không phải là việc chúng ta nhận được bao nhiêu mà là việc chúng ta ban phát được bao nhiêu. Việc giảng dạy tại gia cung ứng những cơ hội để ban phát khi chúng ta phục vụ cho những nhu cầu vật chất, tinh thần và tình cảm của nhau.

Trong khi sống ở Cộng Hòa Dominic, tôi đã đi thăm một chị phụ nữ mới vừa về nhà từ bệnh viện sau khi sinh đứa con thứ ba của chị. Tôi rất ngạc nhiên thấy chị trông khỏe mạnh và điềm tĩnh biết bao. Hai đứa con kia của chị vẫn còn rất nhỏ! Sau một vài phút chuyện trò giữa chúng tôi, chị chia sẻ với tôi về sự bình an mà chị cảm thấy được vì các chị em trong Hội Phụ Nữ đã ghi danh để đến giúp chị mỗi ngày trong mấy ngày sau. Chị cảm thấy được yêu thương.

Các giảng viên thăm viếng của tôi luôn luôn là những người đầu tiên đến thăm tôi và mang thức ăn đến sau khi tôi về nhà với mỗi đứa con sơ sinh của tôi ở San Jose, Costa Rica.

Chủ Tịch Boyd K. Packer nói rằng sự phục vụ trong Hội Phụ Nữ “làm vinh hiển và thánh hóa mỗi chị em phụ nữ,” và ông đã khuyên dạy chúng ta phải “phục vụ trong Hội Phụ Nữ trước tất cả mọi câu lạc bộ và đoàn thể xã hội nào khác giống như vậy.”4

Việc thăm viếng giảng dạy cũng là một công cụ rất hữu hiệu trong nỗ lực giữ chân các tín hữu và làm cho họ tích cực lại. Một chị độc thân trẻ tuổi đã chia sẻ những điều sau đây: “Trong khi đọc sứ điệp của Đệ Nhất Chủ Tịch đoàn từ tạp chí Ensign, tôi được nhắc nhở về nhiệm vụ thăm viếng giảng dạy của mình. Người bạn đồng hành của tôi là một người bạn tốt, nhưng dường như chúng tôi luôn luôn có những thời khóa biểu khác nhau. Vào buổi sáng đó, tôi đã quyết định chỉ gọi điện thoại cho các chị phụ nữ mà chúng tôi được chỉ định thăm viếng, hẹn giờ đến thăm, và hy vọng rằng mọi việc sẽ phù hợp với thời khóa biểu của người bạn đồng hành của tôi. Rủi thay, người bạn đồng hành của tôi không thể đi được. Tôi mời hai người bạn ở chung nhà với tôi cùng đi với tôi, nhưng không một ai rảnh cả. Vì biết rằng việc một mình đi thăm viếng giảng dạy thì không phải là điều lý tưởng, nên tôi nghĩ đến việc gọi điện thoại xin hủy bỏ cái hẹn, nhưng tôi đã quyết định rằng việc một mình đi thăm viếng thì vẫn tốt hơn là để một tháng trôi qua mà không thăm viếng các chị em phụ nữ của chúng tôi.

“Tôi đến nhà của Alejandra và hồi hộp bước đến cửa nhà chị, vì không biết là tôi sẽ nhận ra chị hay không. Chị rất thân thiện qua điện thoại nên tôi hình dung ra một chị phụ nữ mà tôi thấy ở nhà thờ. Alejandra chào tôi với một cái ôm niềm nở và một nụ cười thật tươi. Chị là một khuôn mặt mới! Trong lúc chúng tôi chuyện trò, Alejandra chia sẻ với tôi về ước muốn của chị để bắt đầu đi nhà thờ lại và nói rằng chị đã hy vọng có được một sự thăm viếng trong vài tháng qua. Chị nói rằng đây là lần đầu tiên chị tiếp một giảng viên thăm viếng. Chúng tôi nói chuyện về một số nguyên tắc phúc âm và chia sẻ cảm tưởng của nhau về Sứ Điệp Thăm Viếng giảng dạy của tháng đó. Chị cam kết sẽ đi nhà thờ vào tuần đó. Quả vậy, chị đã đi nhà thờ (chị còn mang theo người bạn trai của chị nữa)!

“Kể từ lúc đó, Alejandra và tôi đã trở thành đôi bạn thân. Tôi không còn là giảng viên thăm viếng của chị nữa, nhưng chúng tôi thăm viếng nhau nhiều hơn một lần trong một tháng. Alejandra tham dự đều đặn nhà thờ và buổi họp tối gia đình và hiện đang theo học viện giáo lý .

“Giờ đây tôi có được một chứng ngôn vững mạnh về việc thăm viếng giảng dạy hơn bao giờ hết. Tôi biết ơn sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh và sự thúc giục tinh tế của Đức Thánh Linh mà đã đưa tôi đến với một người bạn tử tế và đáng yêu như Alejandra. Chúng tôi đều được củng cố như nhau từ kinh nghiệm này, và cả hai chúng tôi đều cần kinh nghiệm này cho sự tiến triển thuộc linh của mình.”5

Khi một người chăn chiên biết quan tâm, thì nhiều người đang lạc đường vẫn có thể được giác ngộ. Họ có thể đáp ứng một lời mời gọi để trở về với Giáo Hội.

Trong Mô Rô Ni 6:4 chúng ta được khuyên nhủ phải nhớ đến và chăm sóc những người chịu phép báp têm vào Giáo Hội của Đấng Ky Tô.

Sứ điệp hằng tháng về phúc âm mà chúng ta chia sẻ trong những lần thăm viếng đó xây đắp đức tin và chứng ngôn. Cả người cho lẫn người nhận đều được gây dựng khi họ chia sẻ những sự hiểu biết và những kinh nghiệm cá nhân trong khi thảo luận về các nguyên tắc phúc âm, thánh thư và những lời giảng dạy của các vị tiên tri của chúng ta.

Có một phước lành thêm nữa là tình bạn thân thiết và sự gây dựng có được giữa hai chị phụ nữ đồng hành trong công việc này. Chúng ta học hỏi lẫn nhau, và chúng ta yêu thương lẫn nhau khi chúng ta cùng nhau phục vụ.

Chúng ta có thể và cần phải hết sức mình mang đến sự cứu giúp. Chúng ta có triển vọng về phúc âm trong cuộc sống của mình. Chúng ta có được những thúc giục thiêng liêng để khuyến khích mình làm điều thiện. Chúng ta hãy cam kết để được hữu hiệu trong việc thăm viếng giảng dạy. Chúng ta có thể cung cấp sự chăm sóc vật chất và thuộc linh. Chúng ta có thể và cần phải hết sức hiểu biết và giảng dạy giáo lý . Chúng ta có thể cứu giúp sự đói khát phần thuộc linh và chăn chiên của Chúa. Việc chăn chiên của Chúa có thể có nghĩa là củng cố và chăm sóc các tín hữu mới, các tín hữu kém tích cực hoặc ngay cả các tín hữu hoàn toàn tích cực.

Sự phục vụ của chúng ta cần phải vị tha, thầm lặng và được thực hiện một cách sẵn lòng, với tấm lòng của chúng ta tràn đầy tình yêu thương Thượng Đế và con cái của Ngài. Cần phải có một mối quan tâm thật sự để chăn bầy chiên, để giúp mời gọi họ đến cùng Đấng Ky Tô.

Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ cam kết nhiều hơn để nới rộng vòng tay yêu thương và trắc ẩn của mình nhằm ban phước, giúp đỡ và củng cố lẫn nhau khi chúng ta đi làm công việc thăm viếng giảng dạy của mình với một tấm lòng sẵn sàng và hân hoan. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô. A Men.

Notes

  1. Xin xem History of the Church, 5:25.

  2. “Relief Society,” phần 3 của Church Handbook of Instructions, Quyển 2: Priesthood and Auxiliary Leaders (1998), 202.

  3. Church Handbook of Instructions, Quyển 2, 203.

  4. “The Circle of Sisters,” Ensign, tháng Mười Một năm 1980, 110, 111.

  5. Thư riêng.