2007
Sống Bằng Đức Tin Chứ Không Phải Trong Sợ Hãi
Tháng Mười Một năm 2007


Sống Bằng Đức Tin Chứ Không Phải Trong Sợ Hãi

Khi chúng ta chọn để noi theo Đấng Ky Tô trong đức tin hơn là chọn một con đường khác vì sợ hãi, thì chúng ta được ban phước với một kết quả phù hợp với điều lựa chọn của chúng ta.

Hình Ảnh

Thưa các anh chị em, tôi muốn cùng với các anh chị em bày tỏ tình yêu thương và sự tán trợ của tôi đối với Chủ Tịch Eyring và gia đình của ông. Chủ Tịch Hinckley đưa ra lời kêu gọi này cho tôi để phục vụ trong Nhóm Túc Số Mười Hai vào chiều ngày thứ Năm. Tôi không thể nào bày tỏ hết vô số cảm nghĩ tôi đã có kể từ lúc ấy. Đã có những đêm không ngủ và nhiều lời cầu nguyện. Tuy nhiên, tinh thần của tôi đã được nâng cao với sự hiểu biết rằng Chủ Tịch Hinckley là vị tiên tri và rằng các tín hữu của Giáo Hội sẽ cầu nguyện cho tôi và cho gia đình tôi.

Nói rằng tôi cảm thấy không thích đáng là nói quá nhẹ không đúng sự thật. Khi tôi được kêu gọi với tư cách là một Vị Thẩm Quyền Trung Ương vào tháng Tư năm 1996, tôi đã thấy không thích đáng với sự kêu gọi đó. Lúc bấy giờ, Anh Cả Maxwell đã trấn an tôi rằng điều kiện quan trọng nhất để tất cả chúng ta phục vụ trong vương quốc là có thể chia sẻ chứng ngôn về thiên tính của Đấng Cứu Rỗi. Một sự bình an tràn ngập lòng tôi vào lúc đó và đã ở cùng với tôi kể từ khi ấy vì tôi yêu thương Đấng Cứu Rỗi và có được những kinh nghiệm thuộc linh mà cho phép tôi làm chứng về Ngài. Tôi hân hoan trong cơ hội được làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô trên khắp thế giới (xin xem GLGƯ 107:23) bất kể sự không thích đáng của tôi

Trong Giáo Lý và Giao Ước 68, các câu 5 và 6, chúng ta đọc:

“Này, đây là lời hứa của Chúa với các ngươi, hỡi các ngươi là các tôi tớ của ta.

“Vậy nên, hãy vui lên, và chớ sợ hãi, vì ta là Chúa đang ở với các ngươi, và ta sẽ đứng bên các ngươi; và các ngươi phải làm chứng về ta, là Giê Su Ky Tô, rằng ta là Con của Thượng Đế hằng sống, rằng ta đã tồn tại, và ta đang tồn tại và ta sẽ đến.”

Tôi tìm kiếm sự đồng hành của Đức Thánh Linh khi tôi ngỏ lời cùng các anh chị em vào buổi sáng ngày Sa Bát này.

Cảm tưởng mạnh mẽ của tôi khi nhận được sự kêu gọi này là chúng ta phải sống bằng đức tin chứ không phải trong sợ hãi. Trong 2 Ti Mô Thê, Sứ Đồ Phao Lô đã nói đến đức tin của bà nội của Ti Mô Thê tên là Lô Ít và mẹ của Ti Mô Thê tên là Ơ Nít. Phao Lô viết:

“Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ, có tình thương yêu và giè giữ” (2 Ti Mô Thê 1:7).

Trong trường hợp của mình, tôi chân thành biết ơn các tổ tiên đã qua đời là những người đã hy sinh mọi thứ để xây đắp vương quốc của Thượng Đế trên thế gian.

Tôi biết ơn rằng trong suốt cuộc sống của mình tôi đã được sống ở giữa những người yêu mến Đấng Cứu Rỗi. Lòng tôi tràn đầy lòng biết ơn đối với gia đình tôi. Vợ tôi, Mary, là niềm vui của đời tôi. Sức mạnh thuộc linh, tấm gương ngay chính, óc hài hước và sự tán trợ đầy yêu thương của vợ tôi đã ban phước cho tôi trong suốt cuộc sống của mình. Ba đứa con của tôi và những người phối ngẫu của chúng là một nguồn mãn nguyện cá nhân lớn, và cùng với chín đứa cháu, thật là một phước lành cho chúng tôi. Đức tin và những lời cầu nguyện cùng sự thiện lành trong cuộc sống của chúng là nguồn an ủi lớn cho Mary và tôi.

Khi tôi nghĩ lại thời niên thiếu của mình ở Logan, Utah, (thung lũng Cache Valley mà Anh Cả Perry vẫn thường hay kể), tôi nhận thấy rằng tôi đã may mắn biết bao khi được nuôi dạy trong một gia đình nề nếp—có một người mẹ ngay chính, đầy đức tin, một người cha nhân từ, một người anh trai là tấm gương phi thường đối với tôi như một người bạn và một cố vấn, và một người em gái rất đằm thắm và thông cảm. Cũng thật may mắn biết bao khi có các vị lãnh đạo có tài và tận tâm trong Giáo Hội, các giảng viên, các huấn luyện viên thể thao và bạn bè đều là các tấm gương tuyệt vời đối với tôi.

Khi còn là thanh niên, tôi đã có cơ hội phục vụ ở Phái Bộ Truyền Giáo Anh quốc, đó chính là thời gian có ảnh hưởng lớn đến những phát triển về sau, một sự kiện đầy ý nghĩa trong cuộc sống của tôi. Ảnh hưởng của các vị chủ tịch phái bộ truyền giáo dũng cảm là một trong những phép lạ lớn của phúc âm phục hồi. Cách đây một vài tuần, tôi đã nhận được một tấm thiệp chúc mừng sinh nhật tại Trụ Sở Giáo Hội từ một người phụ nữ mà tôi đã giúp giảng dạy ở Gloucester, Anh quốc nhiều năm trước đây. Tôi đã mất liên lạc với chị ấy. Chị ấy cho tôi biết rằng chị và chồng chị cả hai đều là tín hữu tích cực, có 6 người con và 20 người cháu, tất cả đều sinh ra trong giao ước. Đó có thể là tấm thiệp chúc mừng sinh nhật tuyệt vời nhất mà tôi nhận được.

Mary và tôi rời Utah để tôi có thể theo học trường luật ở Palo Alto, California. Chúng tôi dự định trở về Utah sau khi tốt nghiệp, nhưng Thánh Linh đã chỉ thị cho chúng tôi phải ở lại California. Chúng tôi sống ở California trong 33 năm và nuôi dạy con cái ở đó. Cả hai chúng tôi đã có nhiều cơ hội để phục vụ. Chúng tôi yêu thích tính đa dạng của các tín hữu và sự cam kết của họ với phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi sẽ luôn luôn biết ơn Các Thánh Hữu tuyệt vời ở California là những người đã có một ảnh hưởng thật tích cực trong cuộc sống của tôi.

Thời gian 11 năm rưỡi phục vụ này với tư cách là Thầy Bảy Mươi thật sự là thời gian đầy bổ ích. Khi rời nhóm túc số này, tôi muốn các Anh Em đồng sự của tôi biết về tình yêu thương và lòng biết ơn của tôi đối với sự tận tâm và lòng trung thành của họ với vương quốc của Thượng Đế trên thế gian—về sự trung tín và các việc làm tốt lành của họ. Tôi muốn họ biết về niềm vui mà tôi có để phục vụ với họ.

Tôi hết lòng yêu mến Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương mà chúng ta tán trợ là các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải. Tôi đã cố gắng phục vụ một cách nghiêm chỉnh và làm vơi nhẹ trách nhiệm của họ trong bất cứ cách nào tôi có thể làm được. Tôi biết ơn Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai về cuộc sống tốt lành và tấm gương của họ, lòng kiên nhẫn, lời giảng dạy, lòng nhân từ, sự tận tụy của họ đối với Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, và phúc âm phục hồi của Ngài. Tôi biết ơn rằng Thượng Đế đã kêu gọi Joseph Smith làm vị tiên tri mà qua ông phúc âm trọn vẹn đã được phục hồi trên thế gian.

Kinh nghiệm của tôi với tư cách là một Thẩm Quyền Trung Ương đã tràn đầy lòng tôi với lòng biết ơn về đức tin và sự thiện lành của Các Thánh Hữu Ngày Sau trên khắp thế giới. Chúng tôi đã phục vụ hai năm ở Philippine. Vào tháng Tư năm 1961, Chủ Tịch Hinckley, lúc bấy giờ là Phụ Tá cho Nhóm Túc Số Mười Hai, đã gửi những người truyền giáo đầu tiên đến Manila. Lúc đó chỉ có một người Philippine độc nhất nắm giữ chức tư tế ở Philippine. Ngày nay đã có gần 600.000 tín hữu. Cuộc sống của họ không dễ dàng và thiếu thốn vật chất, nhưng họ yêu thương Đấng Cứu Rỗi. Phúc âm có một ảnh hưởng rộng lớn trong việc cải tiến cuộc sống của họ. Thật là một phước lành để được phục vụ ở giữa họ.

Chúng tôi cũng đã phục vụ ba năm ở Các Quần Đảo Thái Bình Dương. Điều đáng kể là gần một phần tư dân số người Polynesia trên khắp thế giới là tín hữu của Giáo Hội. Đức tin và nếp sống thuộc linh của họ thật là kỳ diệu. Chị Cook và tôi đến Vava’u trong các hải đảo Tonga vào một dịp nọ. Tôi mới vừa nói đến việc tuân theo vị tiên tri trong phiên họp chung của đại hội giáo khu. Vào bữa ăn trưa sau đại hội, tôi ngồi cạnh một vị tộc trưởng lớn tuổi khả kính. Ông cho biết ông rất biết ơn đã nghe được điều mà vị tiên tri đang giảng dạy. Ông kể cho tôi nghe câu chuyện sau đây. Vava’u là một hòn đảo khá nhỏ thường có đủ mưa, nhưng cũng có những cơn hạn hán trầm trọng định kỳ. Hòn đảo đó có những con lạch hoặc vịnh, gần giống như eo biển, uốn mình quanh đảo dưới những ngọn đồi có dốc đứng. Khi cơn hạn hán làm cho ngôi làng kiệt cạn nước, thì chỉ có một cách duy nhất để họ có được nước ngọt và để sống còn. Trong nhiều thế kỷ , họ đã biết được rằng nước ngọt chảy xuống qua ghềnh đá bên trong núi và chảy ra một vài chỗ ngoài biển.

Những người đàn ông Tonga thường thả những chiếc thuyền nhỏ của họ với một ông lão giàu kinh nghiệm đứng ở một đầu thuyền để tìm đúng chỗ. Các thanh niên khỏe mạnh đứng sẵn sàng trên thuyền với những cái thùng để lặn sâu dưới biển. Khi họ đến đúng chỗ, ông lão giàu kinh nghiệm sẽ giơ cả hai tay lên trời. Đó là hiệu lệnh. Các thanh niên khỏe mạnh lặn xuống càng sâu càng tốt và múc đầy nước ngọt vào thùng. Vị tộc trưởng lớn tuổi này so sánh truyền thống cứu mạng này với nước sự sống của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, và người giàu kinh nghiệm đó với vị tiên tri của Thượng Đế trên thế gian này đây. Ông giải thích rằng nước rất trong và sạch và trong tình trạng hạn hán của họ, thì đó là nước cứu mạng. Nhưng không dễ dàng để tìm ra. Nước đó không thể thấy được dưới con mắt chưa thạo. Vị tộc trưởng này muốn biết mọi điều mà vị tiên tri đang giảng dạy.

Chúng ta sống trong một thời gian bấp bênh. Thế giới đang vô cùng cần đến nguồn nước ngọt, tức là phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta cần phải chú tâm lắng nghe vị tiên tri khi chúng ta chọn quyết định. Những điều tôi ghi xuống vội cho thấy rằng Chủ Tịch Hinckley đã thường xuyên nhấn mạnh về đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Điều đó đã được tiếp theo bởi sự nhấn mạnh của ông về việc củng cố gia đình và gia đình tuân theo đạo lý trong nhà. Ông đã nhiều lần nói cho chúng ta biết rằng nếu chúng ta chịu sống theo một nguyên tắc, thì chúng ta sẽ nhận được một chứng ngôn về lẽ trung thực của nguyên tắc đó, mà đổi lại sẽ gia tăng đức tin của chúng ta.

Tôi biết rằng nhiều người chúng ta đang lo lắng về việc nuôi dạy con cái trong những lúc đầy khó khăn này và việc gia tăng đức tin của chúng. Khi vợ tôi và tôi bắt đầu có con cái ở Vùng Vịnh San Francisco, thì chúng tôi cũng có nỗi lo lắng như vậy. Vào một thời điểm quan trọng, các tín hữu trong giáo khu của chúng tôi được Anh Cả Harold B. Lee, lúc bấy giờ là một thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai, khuyên bảo rằng chúng tôi có thể nuôi dạy gia đình mình trong sự ngay chính nếu chúng tôi chịu:

  1. Tuân theo vị tiên tri.

  2. Tạo ra tinh thần chân chính của phúc âm trong lòng và trong nhà chúng ta.

  3. Làm một ánh sáng cho những người đang sống chung.

  4. Chú trọng vào các giáo lễ và các nguyên tắc đã được giảng dạy trong đền thờ. (Xin xem GLGƯ 115:5; Harold B. Lee, “Your Light to Be a Standard unto the Nations,” Ensign, tháng Tám năm 1973, 3–4.)

Khi chúng ta tuân theo lời khuyên dạy này, thì đức tin của chúng ta gia tăng và nỗi sợ hãi của chúng ta giảm bớt. Tôi tin rằng chúng ta có thể nuôi dạy con cái ngay chính ở bất cứ nơi nào trên thế gian nếu chúng được giảng dạy về các nguyên tắc đạo lý trong nhà.

Một lãnh vực mà các tín hữu có thể sống bằng đức tin chứ không phải trong sợ hãi là trong nỗ lực truyền giáo của chúng ta. Trước khi tôi được kêu gọi vào Chủ Tịch Đoàn Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi vào ngày 1 tháng Tám năm nay, tôi đã phục vụ trong Sở Truyền Giáo được sáu năm, ba năm cuối với tư cách là Giám Đốc Quản Trị dưới quyền của Anh Cả M. Russell Ballard, là người đã phục vụ với tư cách là Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Truyền Giáo.

Một số chủ tịch truyền giáo nói cho chúng tôi biết rằng có nhiều tín hữu tuyệt vời đang che giấu tư cách tín hữu Giáo Hội của họ với những người hàng xóm và các bạn đồng nghiệp của họ. Họ không để cho người ta biết họ là ai và họ tin vào điều gì. Chúng ta cần nhiều tín hữu hơn cùng tham gia trong việc chia sẻ sứ điệp về Sự Phục Hồi. Rô Ma 10, câu 14, đã đặt điều này theo triển vọng của nó:

“Nhưng họ chưa tin Ngài (nói về Đấng Cứu Rỗi) thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thế nào mà tin? Nếu chẳng ai rao giảng, thì nghe làm sao?”

Câu 15 chép lại sứ điệp tuyệt vời được nói đến trong Ê Sai:

“Những bàn chân kẻ rao truyền tin lành là tốt đẹp biết bao” (xin xem thêm Ê Sai 52:7).

Người ta đã nhận thấy rằng các tín hữu đang chuẩn bị bắt tay hành động và cất lên tiếng nói nếu họ muốn nhận được phước lành này.

Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn cho Việc Phục Vụ Truyền Giáo, đã được giới thiệu lần đầu tiên vào tháng Mười năm 2004. Chủ Tịch Hinckley đã khởi đầu nỗ lực này khi ông kêu gọi những người truyền giáo phải học giáo lý và giảng dạy các nguyên tắc bằng Thánh Linh. Mỗi thành viên trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai đều đã tham gia với một mức độ đáng kể. Anh Cả Ballard và tôi cảm thấy rằng các cửa sổ trên trời đã được mở ra và sự soi dẫn của Chúa đã trút xuống để cho ra đời nguồn tài liệu tuyệt diệu này. Hơn 1 triệu rưỡi quyển Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta đã được các tín hữu của Giáo Hội tìm mua. Đó là một nền tảng kỳ diệu, và những người truyền giáo là các giảng viên có sức mạnh thuộc linh. Tuy nhiên, nếu chúng ta phải thực hiện điều mà Chủ Tịch Hinckley đòi hỏi, thì các tín hữu, là những người sống bằng đức tin chứ không phải trong sợ hãi, cần phải chia sẻ phúc âm với bạn bè và những người cộng sự của mình.

Trong những sự kêu gọi riêng của mình, chúng ta cần có đức tin chứ không sợ hãi.

Con gái của chúng tôi, Kathryn, đang phục vụ với tư cách là chủ tịch Hội Thiếu Nhi trong tiểu giáo khu của nó ở Thành Phố Salt Lake. Vợ tôi và tôi đã tham dự buổi họp trong tiểu giáo khu của nó Chúa Nhật vừa qua để xem phần trình bày của Hội Thiếu Nhi trong Buổi Lễ Tiệc Thánh, với đề tài “Em Sẽ Tuân Theo Ngài trong Đức Tin.” Tôi rất thích nghe các em thiếu nhi đọc các câu thánh thư và các câu chuyện kèm theo với các bài hát chú trọng vào đức tin nơi Đấng Ky Tô.

Sau buổi lễ, tôi đã hỏi con gái tôi về sự kêu gọi của nó. Nó nói rằng thoạt đầu, sự kêu gọi là một gánh nặng cho nó. Nhiều thời giờ đã được bỏ ra để tìm hiểu các vấn đề. Rồi chủ tịch đoàn quyết định nhấn mạnh đến tình yêu thương, đức tin, và sự cầu nguyện. Đột nhiên, những ấn tượng thuộc linh đến với tâm trí về một đứa trẻ hoặc gia đình đặc biệt nào đó. Sự bất hòa được thay thế bằng tình yêu thương. Con gái tôi nói cho tôi biết rằng khi họ hành động theo những thúc giục của Thánh Linh thì Hội Thiếu Nhi cho thấy một sự nghiêm trang và bình an, và đã có được một sự học hỏi phúc âm thật sự.

Chính là đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô đã giúp đỡ chúng ta trong thời gian khủng hoảng của cuộc sống. Đó là nguyên tắc phúc âm đầu tiên. Nếu không có nguyên tắc phúc âm này, thì chúng ta sẽ không đạt được thành công, và sẽ bỏ ra nhiều thời giờ quý báu của mình nhưng chẳng đi đến đâu cả. Chính Đấng Ky Tô đã đưa ra lời mời gọi tuân theo Ngài để đưa gánh nặng của chúng ta cho Ngài và gánh lấy ách của Ngài; “vì ách [Ngài] dễ chịu và gánh [Ngài] nhẹ nhàng” (Ma Thi Ơ 11:30).

Không có một danh hiệu nào khác được ban ra dưới gầm trời này mà nhờ đó loài người có thể được cứu (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12). Chúng ta cần phải mang lấy danh Ngài và thụ nhận hình ảnh của Ngài trong sắc mặt mình để khi Ngài đến thì chúng ta sẽ được giống như Ngài hơn (xin xem 1 Giăng 3:2; An Ma 5:14). Khi chúng ta chọn để noi theo Đấng Ky Tô trong đức tin hơn là chọn một con đường khác vì sợ hãi, thì chúng ta được ban phước với một kết quả phù hợp với điều lựa chọn của chúng ta (xin xem GLGƯ 6:34–36).

Cầu xin cho chúng ta đều nhận biết và cảm tạ ân tứ độc nhất vô nhị của cuộc sống mà mỗi người chúng ta đang hưởng nhận và về hơi thở mà Ngài đã ban cho chúng ta hằng ngày. Cầu xin cho chúng ta chọn để có được sự tin chắc vào những lúc khó khăn trong cuộc đời và sử dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Lời cầu nguyện của tôi là chúng ta sẽ sống bằng đức tin chứ không phải trong sợ hãi. Tôi làm chứng về Thượng Đế, là Cha Thiên Thượng của chúng ta, và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng đã chuộc tội lỗi của chúng ta, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.