2007
Ta Sẽ Bổ Sức cho Ngươi; Ta Sẽ Giúp Đỡ Ngươi
Tháng Mười Một năm 2007


Ta Sẽ Bổ Sức cho Ngươi; Ta Sẽ Giúp Đỡ Ngươi

Sự giúp đỡ lớn nhất mà chúng ta sẽ có trong việc củng cố gia đình là biết và tuân theo các giáo lý của Đấng Ky Tô.

Hình Ảnh

Cách đây vài tháng, Chị Beck đã yêu cầu tôi suy nghĩ xem có thể nói chuyện về gia đình và kể một ít về các kinh nghiệm của tôi với gia đình không. Tôi là một phụ nữ độc thân và không có đứa con nào cả. Tôi nghĩ là Chị Beck cho rằng tôi hội đủ điều kiện để nói chuyện về gia đình vì tôi chưa bao giờ lầm lỗi với bất cứ đứa con ruột nào của tôi. Nhiều người phụ nữ không thể nào nói như vậy được.

Tôi là một người làm công tác xã hội chuyên nghiệp và đã làm việc với nhiều gia đình trong nhiều năm—hầu hết với các gia đình đang trải qua những khó khăn hoặc thử thách lớn. Tôi đã thấy được một số tình huống đau lòng nơi mà các trẻ em đã bị tổn thương nặng nề—về phương diện thể xác lẫn tình cảm. Tôi đã thấy các trẻ em bị ruồng bỏ và bị bỏ quên vì sự lạm dụng hoặc nghiện ngập thuốc của cha mẹ chúng. Tôi đã thấy những thanh thiếu niên 18 tuổi từng được nuôi trong nhà của người khác và giờ đây sống một mình mà không có sự hỗ trợ của một gia đình yêu thương để giúp đỡ chúng.

May thay, đa số chúng ta không có sự lạm dụng hay bỏ bê trong gia đình của mình, nhưng mỗi gia đình sẽ trải qua một số thử thách—sự đau ốm, chết chóc, sự bất tuân, những vấn đề tài chính, và vân vân.

Những vấn đề này nêu lên một số câu hỏi quan trọng. Điều gì đang xảy ra cho gia đình? Sự khác biệt giữa một gia đình ổn định với một gia đình bất ổn là gì? Một số điều đơn giản nào sẽ giúp đỡ gia đình được? Và ai có thể mang đến sự giúp đỡ cho gia đình?

Hôm nay tôi muốn nói vắn tắt về những câu hỏi này và đưa ra cho các chị em vài sự nhận xét mà tôi đã có trong những năm qua với hy vọng rằng những điều này có thể giúp đỡ phần nào.

Điều Gì Đang Xảy Ra cho Gia Đình?

Sa Tan đang cố gắng rất nhiều để tấn công gia đình. Nó bảo chúng ta rằng hôn nhân thì không quan trọng, rằng con cái không cần cha mẹ, và rằng gia đình vững mạnh thì không quan trọng. Nó bảo chúng ta rằng các giá trị đạo đức thì lỗi thời và lố bịch. Khi những thử thách đến, thì Sa Tan bảo chúng ta hãy bỏ rơi tín ngưỡng của chúng ta và đi theo đường lối của thế gian. Nó dụ dỗ chúng ta bằng danh lợi và nói cho chúng ta biết nơi nào có cuộc sống dễ dàng. Nó tấn công đức tin của chúng ta nơi Thượng Đế và cố gắng làm nản lòng ngay cả những gia đình vững mạnh và yêu thương nhau nhiều nhất. Sa Tan rất vui mừng khi chúng ta bỏ cuộc—ngay cả chỉ một chút thôi.

Sự Khác Biệt Giữa một Gia Đình Ổn Định và Một Gia Đình Bất Ổn Là Gì?

Những người trong một gia đình ổn định biết họ là ai, họ biết nơi nào họ đang đi và điều họ muốn hoàn thành. Những người trong một gia đình bất ổn thì không biết mình là ai; họ không có kế hoạch, không có nền tảng, và không có giá trị hoặc tiêu chuẩn đạo đức để định hướng đi.

Một số cha mẹ của các gia đình bất ổn được dạy những giá trị đạo đức tốt nhưng đã đi sai đường bởi vì rượu, ma túy, hoặc những thứ nghiện ngập khác mà đã lấy đi sự suy xét đúng của họ và khả năng để chọn những quyết định đúng. Trong một gia đình ổn định, các bậc cha mẹ nhân từ dạy bằng cách nêu gương chứ không chỉ bảo con cái phải làm một điều gì đó. Họ còn làm điều đó với con cái và chỉ cho con cái thấy mọi việc phải được thực hiện như thế nào.

Một Số Điều Đơn Giản Nào mà Sẽ Giúp Đỡ Được Gia Đình?

Hãy nhớ rằng, các trẻ em đều rất quý báu. Chúng là con cái linh hồn của Thượng Đế. Tôi đã thấy khả năng mau phục hồi của con người biểu lộ vào những lúc tôi không thể hình dung ra được làm thế nào mà một đứa trẻ có thể tồn tại được.

Thưa các chị em, hãy yêu thương và chăm sóc con cái của các chị em. Hãy nói cho chúng biết rằng các chị em yêu thương chúng. Hãy choàng tay ôm chúng. Sự gần gũi ôm ấp thích đáng sẽ đạt được các phép lạ. Hãy bày tỏ những lời tử tế. Cho chúng thấy qua tấm gương cách làm việc. Hãy dạy chúng biết cầu nguyện. Chủ Tịch James E. Faust đã nói: “Việc cùng cầu nguyện chung gia đình là một kinh nghiệm gắn bó. Các trẻ em nhỏ có thể học cách cầu nguyện khi chúng nghe những lời cầu nguyện của cha mẹ và các anh chị của chúng… . Việc cầu nguyện riêng cá nhân và cầu nguyện chung gia đình đều rất cần thiết cho hạnh phúc cá nhân và gia đình.”1

Hãy đọc cho con cái của các chị em nghe. Hãy đọc từ thánh thư. Giúp chúng học biết rằng thánh thư sẽ hướng dẫn chúng trong suốt cuộc sống của chúng. Hãy có buổi họp tối gia đình với chúng. Hãy để cho chúng biết rằng thời gian mà gia đình có với nhau thì rất quan trọng đối với các chị em.

Các trẻ em thường dễ dàng chấp nhận cha mẹ chúng và những lỗi lầm mà cha mẹ làm. Chúng thường tha thứ, quên đi và bỏ qua nhanh hơn người lớn. Đừng cảm thấy có lỗi. Hãy xin lỗi khi các chị em làm một lỗi lầm. Hãy tìm kiếm sự tha thứ của đứa con. Hãy thay đổi đường lối của mình và tiếp tục tiến bước.

Hãy nhớ rằng cần phải có nhiều kiên nhẫn để nuôi dạy một đứa con. Mặc dù chúng rất quý báu nhưng con cái cũng có thể làm bực tức, gây bực dọc, và đôi khi nghịch ngợm. Điều này cần phải có nhiều kiên nhẫn và sự kiềm chế nhằm tránh làm hay nói những điều khiến chúng ta sẽ hối tiếc về sau. Đôi khi cha mẹ cần phải tránh mặt con cái một thời gian để tránh làm những lỗi lầm nghiêm trọng. Việc đi ra khỏi phòng trong một phút để lấy lại sự bình tĩnh thường rất hữu ích.

Không có một lời khuyên nào tốt hơn lời khuyên dạy đưa ra trong “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới.”2 Hãy đọc bản tuyên ngôn này. Hãy nghiên cứu nó. Hãy dùng nó làm tiêu chuẩn đạo đức cho gia đình mình. Hãy dùng nó làm đề tài trong một số bài học buổi họp tối gia đình để không một ai trong gia đình có bất cứ sự hiểu lầm nào về cách sinh hoạt trong gia đình của các chị em.

Ai Có Thể Mang Đến Sự Giúp Đỡ cho Gia Đình?

Hiển nhiên, trách nhiệm đầu tiên để giảng dạy con cái và củng cố gia đình thuộc vào cha mẹ. Tuy nhiên, có nhiều người khác cũng có thể giúp đỡ. Tôi có hai bậc cha mẹ tuyệt vời, nhưng họ không một mình nuôi dạy tôi.

Tôi đang ngồi trong Đại Thính Đường khi Chủ Tịch Hinckley lần đầu tiên đưa ra bản tuyên ngôn về gia đình tại buổi họp Hội Phụ Nữ trung ương vào tháng Chín năm 1995. Đó là một cơ hội lớn lao. Tôi cảm nhận được ý nghĩa của sứ điệp đó. Tôi cũng thấy mình suy nghĩ rằng: “Đây là một sự hướng dẫn quan trọng cho cha mẹ. Đó cũng là một trách nhiệm nặng nề cho cha mẹ.” Tôi nghĩ trong một chốc lát rằng điều đó thật sự không liên quan quá nhiều đến tôi vì tôi không lập gia đình và không có con cái. Nhưng hầu như ngay sau đó tôi lại nghĩ: “Điều đó có liên quan đến tôi chứ. Tôi là một người có gia đình. Tôi là một đứa con gái, một người chị, một người dì, một người chị em họ, một đứa cháu bà con, và một đứa cháu gái. Tôi cũng có những trách nhiệm—và các phước lành—vì tôi là một người trong gia đình. Cho dù tôi là một người còn sống duy nhất trong gia đình mình, thì tôi cũng vẫn là một người trong gia đình của Thượng Đế, và tôi có trách nhiệm để giúp củng cố các gia đình khác.”

Anh Cả Robert D. Hales đã nói: “Việc củng cố gia đình là bổn phận thiêng liêng của chúng ta với tư cách là cha mẹ, con cái, bà con quyến thuộc, người lãnh đạo, giảng viên và tín hữu của Giáo Hội.”3

Là các chị em trong Hội Phụ Nữ, chúng ta có thể giúp nhau củng cố gia đình. Chúng ta được ban cho cơ hội để phục vụ trong nhiều khả năng. Chúng ta luôn luôn tiếp xúc với các trẻ em và thanh thiếu niên là những người có thể chỉ cần điều mà chúng ta có thể cung cấp. Các chị em lớn tuổi hơn có nhiều lời khuyên và kinh nghiệm tốt để chia sẻ với những người mẹ trẻ tuổi hơn. Đôi khi một người lãnh đạo Hội Thiếu Nữ hoặc người giảng viên Hội Thiếu Nhi nói hoặc làm một điều gì đó nhằm củng cố điều mà một người cha hay mẹ đang cố gắng giảng dạy. Và hiển nhiên, chúng ta không cần bất cứ sự kêu gọi đặc biệt nào để tìm đến giúp đỡ một người bạn hay người láng giềng.

Sự giúp đỡ lớn nhất mà chúng ta sẽ có trong việc củng cố gia đình là biết và tuân theo các giáo lý của Đấng Ky Tô và trông cậy Ngài giúp đỡ chúng ta. Thường thường, khi làm việc với các gia đình có vấn đề, tôi mong muốn rằng những gia đình này biết về Đấng Cứu Rỗi và giảng dạy con cái họ về các giáo lý của Chúa Giê Su Ky Tô.

“Và trông kìa, Ngài sẽ phải chịu đựng những cám dỗ, nỗi đau đớn của thể xác, sự đói khát, sự mệt nhọc, ngay cả hơn những gì loài người có thể chịu đựng được, trừ cái chết.”4

Đấng Ky Tô đã chịu đau đớn mọi điều mà chúng ta khó có thể tưởng tượng được. Ngài biết những cảm nghĩ của chúng ta. Ngài thông hiểu. Ngài sẽ giúp đỡ.

Thánh thư đầy dẫy những tấm gương về cách mà Đấng Ky Tô đã giúp đỡ và sẽ giúp đỡ. Một số câu thánh thư ưa thích của tôi là:

“Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.”5

“Kẻ nào tin cậy nơi Thượng Đế thì sẽ được nâng đỡ trong những thử thách, trong những khó khăn và những thống khổ của mình, và sẽ được nâng cao vào ngày sau cùng.”6

“Ngươi hãy khiêm nhường; rồi Chúa Thượng Đế của ngươi sẽ nắm tay dẫn dắt ngươi và sẽ đáp lại những lời cầu nguyện của ngươi.”7

“Vì ngươi đã cầu vấn ta, và này đã bao lần ngươi cầu vấn, ngươi đều nhận được sự chỉ dẫn từ Thánh Linh của ta.”8

“Hãy trung thành và chuyên tâm tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế, rồi ta sẽ ôm ngươi vào vòng tay thương yêu của ta.”9

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley nói rằng: “Điều bắt buộc là các [anh] chị em không được bỏ bê gia đình của mình. Không có một điều gì mà các [anh] chị em có được là quý báu hơn… . Cuối cùng, chính là mối quan hệ gia đình mà chúng ta sẽ mang với mình vào cuộc sống mai sau.”10

Hãy nhớ tới tình yêu thương lớn lao của Đấng Cứu Rỗi. Ngài phán trong Ê Sai 41:10: “Đừng sợ, vì ta ở với ngươi; Chớ kinh khiếp, vì ta là Đức Chúa Trời ngươi! Ta sẽ bổ sức cho ngươi; phải, ta sẽ giúp đỡ ngươi.” Rồi trong câu 13 Ngài lại phán: “Ta sẽ giúp đỡ ngươi.” Và một lần nữa trong câu 14 Ngài phán: “Ta sẽ giúp đỡ ngươi.”

Hãy tin nơi Đấng Cứu Rỗi. Ngài sẽ giúp đỡ chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta. Ngài muốn chúng ta được hạnh phúc.

Tôi làm chứng rằng Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta hằng sống. Tôi làm chứng rằng Ngài sẽ giúp đỡ chúng ta! Ngài đã giúp đỡ tôi rất nhiều lần, và Ngài sẽ giúp đỡ các chị em! Tôi biết điều này. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. “Challenges Facing the Family,” Buổi Họp Huấn Luyện Giới Lãnh Đạo Toàn Cầu, Ngày 10 tháng Giêng năm 2004, 2.

  2. Xin xem Liahona, tháng Mười năm 2004, 49.

  3. “Strengthening Families: Our Sacred Duty,” Liahona, tháng Bảy năm 1999, 37.

  4. Mô Si A 3:7.

  5. Ma Thi Ơ 11:28.

  6. An Ma 36:3.

  7. GLGƯ 112:10.

  8. GLGƯ 6:14.

  9. GLGƯ 6:20.

  10. “Rejoicing in the Privilege to Serve,” Buổi Họp Huấn Luyện Giới Lãnh Đạo Toàn Cầu, ngày 21 tháng Sáu năm 2003, 22.