2007
Đức Tin, Gia Đình, Những Dữ Kiện, và Kết Quả
Tháng Mười Một năm 2007


Đức Tin, Gia Đình, Những Dữ Kiện, và Kết Quả

Sự phát triển nổi bật của Giáo Hội và sự gia tăng tìm hiểu của những người khác tạo cho chúng ta những cơ hội lớn lao để xây đắp nhịp cầu, kết bạn, chia sẻ thông tin chính xác.

Hình Ảnh

Thưa các anh chị em, kể từ ngày lễ kỷ niệm 150 năm trong năm 1997, đã có một sự gia tăng vượt bực số người tìm hiểu về Giáo Hội trên toàn cầu. Mối quan tâm đang gia tăng này được thúc đẩy bởi sự phát triển nhanh chóng của chúng ta, bởi những sự kiện như kỳ Thế Vận Hội Mùa Đông ở Thành Phố Salt Lake, và bởi địa vị nổi bật trong nghề nghiệp đã chọn của nhiều tín hữu của chúng ta.

Tôi chắc chắn rằng những thắc mắc này không những đưa ra cho Giáo Hội mà còn đưa ra cho các anh chị em là các tín hữu. Đây không phải là dễ dàng để giải thích một điều gì đó bao quát như Giáo Hội hay điều kỳ diệu như phúc âm phục hồi cho những người biết rất ít, hoặc không biết gì về chúng ta. Ngay cả những thắc mắc về một khía cạnh cụ thể cũng có thể rất khó giải đáp vì mỗi thắc mắc dường như lúc nào cũng liên kết với các thắc mắc khác. Một lời yêu cầu thông thường nhất mà chúng ta nghe thường là khá giản dị giống như sau: “Xin nói cho tôi nghe một ít về Giáo Hội của bạn.” Từ then chốt ở đây là “một ít.” Họ không nói rằng: “Xin nói cho tôi biết tất cả những gì bạn biết và rồi sau đó gửi những người khác đến nói cho tôi biết tất cả những điều khác.”

Dĩ nhiên chúng ta hân hạnh được công chúng quan tâm đến, và có nhiều người sẽ muốn được giảng dạy thêm về giáo lý và tín ngưỡng của chúng ta. Chính vì vậy chúng ta có hơn 53.000 người truyền giáo trọn thời gian đang phục vụ trên toàn thế giới với phí tổn tự trả.

Nhưng chúng ta phải nhớ rằng có sự khác biệt giữa mối quan tâm thật sự và một chút tò mò. Đôi khi người ta chỉ muốn biết Giáo Hội là gì. Đối với những người hiếu kỳ, thì nói chung, họ cần có thông tin rõ ràng và chính xác từ chúng ta là các tín hữu để họkhông phải dựa vào những câu trả lời không đầy đủ, chỉ đúng có một nửa, hoặc sai lạc từ giới truyền thông hoặc từ các tổ chức hay những người ở bên ngoài Giáo Hội. Nhiều sự hiểu lầm và thông tin sai lạc về Giáo Hội một phần là vì lỗi của chính chúng ta đã không giải thích rõ ràng về việc chúng ta là ai và điều mà chúng ta tin.

Ủy Ban Ngoại Vụ mà tôi đang phục vụ đã biết rằng chúng ta rất cần có những lời rõ ràng, giản dị để trình bày cho những người hiếu kỳ biết những điều căn bản về giáo hội hiện nay. Tôi xin chia sẻ với các anh chị em một số điều mà chúng tôi thấy là hữu ích. Các anh chị em cũng nên tự chuẩn bị một bản liệt kê những đề tài thảo luận mà sẽ giúp các anh chị em giải thích điều chúng ta tin cho bạn bè và những người quen biết thuộc vào tôn giáo khác. Việc có sẵn một trang giấy có ghi xuống một vài sự kiện về Giáo Hội hiện nay để đưa cho họ cùng với một bản Những Tín Điều có thể giúp ích cho các anh chị em cũng như nó đã giúp ích cho tôi.

Đây là bốn đề tài mà sẽ giúp cho một người nào đó ngày nay có được một sự hiểu biết cơ bản về Giáo Hội. Dưới mỗi tiêu đề trong số bốn đề tài ấy, thì có một số lời phát biểu giản dị mà tôi thấy rất hữu ích. Hãy thử tưởng tượng những câu này sẽ được nghe hay đọc bởi một người hầu như không biết gì hết về chúng ta. Bốn đề tài chính đó đề cập đến những dữ kiện, đức tin, gia đình và kết quả của phúc âm phục hồi.

Dữ Kiện

Một số dữ kiện có thể gồm có:

  • Thứ nhất, “Mặc Môn” là biệt danh của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Các tín hữu thường được gọi là “Người Mặc Môn”, hoặc “Các Thánh Hữu Ngày Sau”. Từ “Thánh Hữu” đồng nghĩa với từ “tín hữu.”

  • Thứ nhì, Giáo Hội được phục hồi vào năm 1830 tại miền bắc New York với Joseph Smith là vị tiên tri và chủ tịch đầu tiên. Ngày nay trụ sở Giáo Hội tọa lạc tại Thành Phố Salt Lake, với Chủ Tịch Gordon B. Hinckley là vị tiên tri hiện nay.

  • Thứ ba, hiện nay, có hơn 13 triệu tín hữu trong 176 quốc gia và lãnh thổ. Có khoảng 6 triệu tín hữu sống ở Hoa Kỳ, nên chúng ta là khối Ky Tô giáo lớn hàng thứ tư ở Châu Mỹ. Là một trong số Ky Tô giáo tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, chúng ta hoàn tất một giáo đường mới mỗi ngày làm việc. Các tín hữu đóng tiền thập phân, tức là 10 phần trăm thu nhập của họ, giúp cho chương trình xây cất này và các chương trình khác có thể thực hiện được.

  • Thứ tư, các giáo đoàn địa phương được lãnh đạo bởi các tín hữu tình nguyện không lương. Cả hai phái nam và nữ đều được kêu gọi để phục vụ trong những địa vị lãnh đạo.

  • Và thứ năm, Người Mặc Môn đại diện khá nhiều trong các tổ chức chính trị và chính quyền. (Chẳng hạn như ở Hoa Kỳ, có 16 tín hữu trong Quốc Hội, từ cả hai chính đảng.) Các tín hữu cũng phục vụ trong nhiều địa vị có trách nhiệm cao trên toàn thế giới trong các ngành kinh doanh, y tế, luật, giáo dục, truyền thông, thể thao, và giải trí.

Đức Tin

Kế đến, người ta cần biết một điều về đức tin của chúng ta là các Ky Tô hữu với truyền thống giá trị đạo đức vững mạnh. Cùng với Những Tin Điều, chúng ta cũng phải nhấn mạnh rằng:

  • Chúng ta tin vào sự vĩnh cửu của linh hồn, rằng Thượng Đế là Cha linh hồn của chúng ta, và chúng ta có thể trở về với Ngài sau khi chết.

  • Chúng ta tin rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của cá nhân chúng ta, và chúng ta cố gắng sống theo tấm gương và sự giảng dạy của Ngài. Chúng ta tưởng nhớ đến sự hy sinh cứu chuộc của Đấng Ky Tô trong các buổi lễ thờ phượng vào ngày Chúa Nhật, tương tự như việc rước lễ của các giáo hội khác. Chúng ta chấp nhận tất cả những người tin rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế và là Đấng Cứu Rỗi của nhân loại đều là các Ky Tô hữu như chúng ta. Có nhiều Ky Tô hữu không hiểu rằng chúng ta có rất nhiều điểm tương đồng với họ. Joseph Smith đã dạy rằng Chúa Giê Su Ky Tô là trọng tâm của tín ngưỡng của chúng ta, và mọi điều khác chỉ là phần phụ mà thôi (xin xem Elders’ Journal, tháng Bảy năm 1838, 44). Tên của Giáo Hội là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Chúng ta tin rằng giáo hội nguyên thủy mà Chúa Giê Su thiết lập đã bị thất lạc và đã được phục hồi lại trong thời kỳ của chúng ta. Chức tư tế, thẩm quyền được ban cho loài người để hành động trong danh của Thượng Đế, dưới sự lãnh đạo của các sứ đồ và một vị tiên tri, đã được phục hồi cũng như tất cả các giáo lễ cứu rỗi thiết yếu.

  • Chúng ta tin và sử dụng Kinh Thánh, cả Kinh Cựu Ước lẫn Kinh Tân Ước.

  • Và chúng ta tin vào Sách Mặc Môn và các thánh thư khác mà hỗ trợ và xác nhận Kinh Thánh cùng làm chứng về giáo vụ và thiên tính của Đấng Ky Tô và sự mặc khải liên tục của Thượng Đế cho loài người. Quả thật vậy, Sách Mặc Môn là “Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô.”

Gia Đình

Điều rất tốt kế tiếp để cho người khác biết là giáo lý và lối sống của chúng ta chú trọng vào gia đình như thế nào. Một lần nữa, những lời phát biểu giản dị giúp ích cho một người nào đó không am hiểu nhưng tò mò muốn biết về tầm quan trọng mà chúng ta đặt vào gia đình.

  • Người Mặc Môn đặc biệt đặt tầm quan trọng vào gia đình là đơn vị cơ bản của Giáo Hội và của xã hội. Chúng ta có một sự cam kết sâu đậm đối với hôn nhân (được định nghĩa là sự kết hợp giữa một người nam với một người nữ). Tục đa thê, một tập tục giới hạn trong thời kỳ tiền phong của Giáo Hội đã bị bãi bỏ vào năm 1890, khoảng 117 năm trước đây.

  • Các gia đình và các cá nhân, bất luận có thuộc vào tín ngưỡng của chúng ta hay không, đều có thể tham dự các buổi lễ vào ngày Chúa Nhật tại các giáo đường của chúng ta. Nơi đây chúng ta cùng nhau thờ phượng, chỉ dẫn cho nhau từ các thánh thư.

  • Các gia đình Thánh Hữu Ngày Sau được khuyến khích nên có buổi họp tối gia đình hằng tuần, thường là vào tối thứ Hai. Việc này cung ứng một thời gian thường xuyên, chuẩn bị trước cho cha mẹ để giảng dạy các giá trị đạo đức cho con cái mình và để có thời giờ chung vui với nhau. Chúng ta mời những người không cùng tín ngưỡng với chúng ta nên áp dụng sự thực hành này với gia đình của họ.

  • Giáo Hội có các chương trình bổ trợ cho phụ nữ, thanh thiếu niên, và thiếu nhi để hỗ trợ gia đình. Các chương trình này cung cấp những điều như sự chỉ dẫn về tôn giáo, các cơ hội phục vụ của người Ky Tô hữu, thể thao, kịch nghệ, âm nhạc, và Hội Hướng Đạo.

  • Và cũng có nhiều sự chú trọng vào gia đình họ hàng, gia phả, và lịch sử gia đình cá nhân, để cung ứng cho cả người già lẫn trẻ một ý thức mạnh mẽ hơn về cội nguồn, gốc tích, và mối quan hệ của mình. Các giáo lễ cao quý và thiêng liêng nhất của tôn giáo chúng ta đều liên hệ đến gia đình của chúng ta, cả về người sống lẫn người chết, và một số các giáo lễ này được thực hiện trong các đền thờ của chúng ta.

Kết Quả

Giờ đây, ngay khi có một số người bắt đầu hiểu được một vài dữ kiện về chúng ta và bắt đầu biết chúng ta một cách chính xác bởi đức tin của chúng ta và tầm quan trọng của gia đình, thì chính Đấng Cứu Rỗi đã phán rằng: “các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được” (Ma Thi Ơ 7:20; sự nhấn mạnh được thêm vào). Một giáo hội, hay bất cứ một lối sống nào đó, cần phải được xét đoán bởi kết quả hay thành quả mà nó tạo ra. Đây là một vài ví dụ dựa trên con số thống kê ở Hoa Kỳ. Nhưng những con số thống kê này cũng giống nhau trên khắp thế giới trong số những người Mặc Môn tích cực (có nghĩa là những người đi nhà thờ và đền thờ thường xuyên):

  • Một trong những kết quả là tuổi thọ cao hơn. Có những cuộc nghiên cứu cho thấy rằng những người Mặc Môn tích cực thì khỏe mạnh hơn và do đó sống lâu hơn tỷ lệ trung bình của quốc gia. Trong năm 1833, Chúa mặc khải cho Joseph Smith về Lời Thông Sáng đó, là cách sống để có thể vui hưởng được một cuộc sống thọ và khỏe mạnh.

  • Thứ nhì, những người nào kết hôn trong đền thờ và đi đền thờ thường xuyên thì có tỷ lệ ly dị rất thấp so với tỷ lệ của quốc gia và thế giới.

  • Thứ ba, chúng ta đạt được bậc học vấn cao hơn tỷ lệ trung bình của quốc gia.

  • Thứ tư, có hơn 70.000 tín hữu tình nguyện tự trả phí tổn đi phục vụ từ 18 đến 24 tháng trong các nỗ lực nhân đạo, phục vụ những công việc chỉ định của Giáo Hội, và phục vụ truyền giáo trọn thời gian trên khắp thế giới.

  • Và thứ năm, chúng ta đặt tầm quan trọng vào sự tự túc và sự làm việc có lương tâm đạo đức. Chúng ta khuyến khích việc tích cực tham gia vào cộng đồng và phục vụ những người khác. Giáo Hội tiếp tục gửi tặng tiền bạc, sản phẩm, và dịch vụ đáng kể cho các dịch vụ nhân đạo trên khắp thế giới, kể cả vô số giờ làm việc được đóng góp bởi các tín hữu để phụ giúp trong việc thu dọn và cứu trợ trong các thảm họa.

Thưa các anh chị em, trong thế giới bận rộn ngày nay, tôi thấy rằng đa số mọi người sẽ không đọc hay chú tâm đến một vài sự kiện quan trọng cùng một lúc. Bất cứ điều gì các anh chị em chọn sử dụng để nói cho bạn bè và người quen của mình về Giáo Hội, thì hãy viết xuống giấy, kiểm lại cho được chính xác, và giữ cho nó được đơn giản và ngắn gọn.

Sự phát triển nổi bật của Giáo Hội và sự gia tăng tìm hiểu của những người khác tạo cho chúng ta những cơ hội lớn lao để xây đắp nhịp cầu, kết bạn, chia sẻ thông tin chính xác. Nhưng nó cũng có thể tạo ra nhiều sự hiểu lầm hơn và đôi khi còn là thành kiến nữa nếu chúng ta để cho những người khác định nghĩa chúng ta là ai và điều mà chúng ta tin thay vì tự mình trình bày những điều này.

Thông thường, chúng ta không có vấn đề với những người quen biết rõ các tín hữu của chúng ta. Nhưng có hằng triệu triệu người không hề quen biết với bất cứ tín hữu nào trong tôn giáo chúng ta. Tôi hy vọng rằng những người không biết nhiều về Giáo Hội sẽ tìm cách học hỏi thêm về chúng ta. Tôi hy vọng rằng họ sẽ làm quen với các tín hữu của chúng ta thay vì xét đoán chúng ta qua những thông tin sai lạc đưa ra bởi những người không có sự hiểu biết và trong một số trường hợp là do những người cố ý lừa dối hay phỉ báng.

Các anh chị em là các tín hữu có thể giúp vào việc này bằng cách tìm đến chia sẻ với những người khác thông tin cơ bản được tìm thấy trong Những Tín Điều, cùng với những điều như là các dữ kiện, đức tin, gia đình và kết quả của phúc âm.

Chúng ta cũng cần phải nhớ rằng đôi khi cách trả lời hữu hiệu nhất đối với sự quan tâm của những người khác có thể là cách chúng ta sống, cách chúng ta cho thấy niềm vui của phúc âm trong cuộc sống của mình, và cách chúng ta đối xử với những người khác, và cách mà chúng ta chân thành tuân theo lời giảng dạy của Đấng Ky Tô.

Đối với những người mong muốn tìm hiểu nhiều hơn chỉ một vài điều căn bản mà tôi đã thảo luận, thì những người truyền giáo có thể được mời đến để giảng dạy cho họ về giáo lý từ chương 3 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Những người truyền giáo biết nhiều hơn về cách giải đáp các câu hỏi của họ và để đưa họ đến sự cải đạo và phép Báp Têm.

Bây giờ là lúc mà tất cả chúng ta phải tìm đến và nói cho những người khác biết chúng ta là ai. Hãy chuẩn bị một số dữ kiện giản dị như những điều tôi vừa chia sẻ với các anh chị em hôm nay và giúp cho những người tò mò biết một ít về Giáo Hội và rồi sau đó họ muốn biết thêm về Sự Phục Hồi của phúc âm.

Thưa các anh chị em, đừng bao giờ ngần ngại chia sẻ chứng ngôn của mình với lòng chân thành và tình yêu thương. Quyền năng của chứng ngôn cá nhân không thể nào chối cãi được và thường khơi dậy nơi những người khác mối quan tâm để biết thêm. Tôi biết đây là điều chân chính và để lại cho các anh chị em lời chứng xác thực của tôi rằng tôi biết Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là chân chính, và tôi chia sẻ chứng ngôn đó với các anh chị em trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô. A Men.