Lớp Giáo Lý
Đơn Vị 24: Ngày 4, 3 Nê Phi 11:1–17


Đơn Vị 24: Ngày 4

3 Nê Phi 11:1–17

Lời Giới Thiệu

Một thời gian tiếp theo sự hủy diệt lớn lao và ba ngày tối tăm, khoảng 2.500 người đàn ông, phụ nữ và trẻ em quy tụ xung quanh đền thờ trong xứ Phong Phú (xin xem 3 Nê Phi 17:25). Họ nghe một tiếng nói, mà lúc đầu họ đã không hiểu. Khi cố gắng lắng nghe, thì họ hiểu rằng đó là tiếng nói của Cha Thiên Thượng đang giới thiệu Con Trai của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Đấng Cứu Rỗi của thế gian hiện đến. Chúa Giê Su Ky Tô đã mời dân chúng từng người một đích thân chứng kiến rằng Ngài đã bị giết chết vì tội lỗi của thế gian bằng cách sờ tay vào vết thương ở hông Ngài cũng như những dấu đinh ở tay và chân của Ngài.

3 Nê Phi 11:1–7

Dân chúng nghe tiếng nói của Đức Chúa Cha loan báo sự hiện đến của Vị Nam Tử

Đi ra ngoài với một cây bút chì và sách hướng dẫn học tập này, và lắng nghe trong 60 giây. Viết xuống càng nhiều tiếng động càng tốt trong khoảng trống được chừa ra:

Bây giờ hãy vẽ một ngôi sao bên cạnh mỗi tiếng động mà các em nghĩ rằng sẽ rất khó để nhận ra hoặc là các em sẽ không thể nhận thấy nếu không cố gắng lắng nghe. Sau đó, trở vào trong.

Ngay sau khi sự hủy diệt lớn lao và bóng tối báo hiệu cái chết của Chúa Giê Su Ky Tô, dân chúng quy tụ lại tại đền thờ trong xứ Phong Phú. Trong khi họ đang thảo luận về điều đã xảy ra, thì một kinh nghiệm tuyệt vời đã diễn ra mà lúc đầu họ không thể hiểu được. Đọc 3 Nê Phi 11:1–3, và tìm kiếm điều mà dân chúng thấy khó để hiểu. Các em có thể muốn đánh dấu tiếng nói của Thượng Đế được mô tả như thế nào và ảnh hưởng của tiếng nói đó đối với những người đã nghe nó.

Dành ít phút để suy nghĩ về những đặc điểm của tiếng nói dân chúng đã nghe thì giống như sự thúc giục mà chúng ta nhận được từ Đức Thánh Linh như thế nào. Lẽ thật nào các em có thể học được từ 3 Nê Phi 11:1–3 về cách Chúa và Đức Thánh Linh thường nói với chúng ta? Một giáo lý chúng ta có thể thấy đã được minh họa trong những câu này là: Đức Thánh Linh thường nói với chúng ta bằng một tiếng nói êm ái nhỏ nhẹ mà chúng ta cảm thấy trong lòng mình.

Chủ Tịch Boyd K. Packer, Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, đã giải thích tiếng nói của Chúa, qua Đức Thánh Linh, tác động đến tâm trí của chúng ta như thế nào:

Hình Ảnh
Chủ Tịch Boyd K. Packer

″Có lẽ điều vĩ đại nhất tôi học được từ việc đọc Sách Mặc Môn là tiếng nói của Thánh Linh đến như là một cảm nghĩ thay vì một âm thanh. Các em sẽ học được, như tôi đã học được, cách “lắng nghe” tiếng nói đó để cảm nhận thay vì nghe được. …

″Ân tứ Đức Thánh Linh sẽ hướng dẫn và bảo vệ các em thậm chí còn sửa đổi hành động của các em. Đó là tiếng nói của Thánh Linh đến với tâm trí như là một ý nghĩ hay một cảm nghĩ đặt vào tâm hồn các em” (“Lời Khuyên cho Giới Trẻ,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2011, 17–18).

  1. Hãy nghĩ về một thời gian mà các em đã cảm nhận được tiếng nói của Chúa hoặc các ấn tượng của Thánh Linh đi vào tâm trí của mình. Viết trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em về kinh nghiệm của các em và cảm nghĩ của các em về kinh nghiệm đó.

Dân Nê Phi nghe tiếng nói đó hai lần và không hiểu. Đọc 3 Nê Phi 11:4–7, và tìm kiếm điều dân Nê Phi đã làm khác trong lần thứ ba để hiểu được tiếng nói đó. Các em nghĩ việc những người mở ″hết tai ra để nghe″ tiếng nói có nghĩa là gì? 3 Nê Phi 11:5).

Chủ Tịch Boyd K. Packer đã đưa ra lời khuyên dạy sau đây về điều chúng ta cần phải làm để lắng nghe và hiểu được tiếng nói của Chúa qua Đức Thánh Linh. Gạch dưới các từ hoặc cụm từ mà giúp các em biết phải làm điều gì, hoặc phải tránh điều gì, để nghe rõ hơn tiếng nói của Chúa qua Đức Thánh Linh.

″Thánh Linh không làm cho chúng ta chú ý bằng cách la hét. Thánh Linh không bao giờ lắc chúng ta với một bàn tay nặng nề. Thánh Linh thì thầm mách bảo. Thật vậy, Thánh Linh vuốt ve nhẹ nhàng đến nỗi nếu chúng ta đang bận rộn, thì chúng ta không thể cảm nhận được Thánh Linh đâu.

″Thỉnh thoảng, Thánh Linh sẽ chỉ thúc đẩy đủ mạnh hoặc vừa đủ để chúng ta chú ý; nhưng từ kinh nghiệm của tôi, thì hầu như lúc nào, nếu chúng ta không lưu ý đến cảm giác nhẹ nhàng, nếu chúng ta không lắng nghe với những cảm nghĩ đó, thì Thánh Linh sẽ rút lui và chờ cho đến khi chúng ta đến tìm kiếm và lắng nghe, theo cách thức và cách biểu lộ của chúng ta” (“How Does the Spirit Speak to Us?” New Era, tháng Hai năm 2010, 3).

Các em có thể muốn viết nguyên tắc sau đây trong thánh thư của các em bên cạnh 3 Nê Phi 11:5–6 và trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em: Khi chúng ta học cách lắng nghe tiếng nói của Chúa qua Đức Thánh Linh, thì chúng ta sẽ có thể hiểu được sự truyền đạt Ngài ban cho chúng ta.

  1. Trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Điều gì giúp các em chuẩn bị tâm trí mình để nghe và hiểu được tiếng nói của Chúa?

    2. Có khi nào các em hiểu được sự truyền đạt từ Chúa mà các em có thể đã bỏ lỡ nếu không cố gắng lắng nghe?

    3. Có khi nào các em đã nhận được một sự thúc giục từ Đức Thánh Linh nhiều hơn một lần trước khi hiểu và tuân theo không?

3 Nê Phi 11:8–17

Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến và mời gọi dân chúng, từng người một, đến sờ tay vào các vết thương của Ngài

Hình Ảnh
Chúa Giê Su Ky Tô Hiện đến cùng Dân Nê Phi

Hãy cố gắng hình dung các sự kiện của 3 Nê Phi 11:8–10 khi các em đọc.

  1. |Khi các em suy xét việc chứng kiến sự hiện đến của Chúa Giê Su Ky Tô phục sinh cùng dân chúng trong Sách Mặc Môn có thể như thế nào, thì hãy viết trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em những ý nghĩ và cảm tưởng các em có thể đã trải qua nếu có mặt ở đó.

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói về tầm quan trọng của sự hiện đến của Đấng Cứu Rỗi cùng dân Nê Phi:

″Sự hiện đến và lời tuyên bố đó tạo thành trung tâm điểm, thời điểm quan trọng nhất, trong toàn thể lịch sử của Sách Mặc Môn. Đó là sự biểu hiện và sắc lệnh mà đã báo tin và soi dẫn cho mỗi vị tiên tri người Nê Phi trong sáu trăm năm trước, chưa kể tổ tiên Y Sơ Ra Ên và Gia Rết của họ trong hàng ngàn năm trước đó.

″Mọi người đã nói về Ngài, hát về Ngài, mơ về Ngài, và cầu nguyện cho Ngài hiện đến—nhưng Ngài đã thực sự đến đây. Cái ngày trong những ngày đó! Thượng Đế là Đấng biến mỗi đêm tối thành ánh sáng ban mai đã đến” (Christ and the New Covenant: The Messianic Message of the Book of Mormon [1997], 250–51).

Hãy nhớ rằng dân Nê Phi và dân La Man còn lại mới vừa trải qua cảnh hủy diệt khủng khiếp và ba ngày hoàn toàn tối tăm. Đọc 3 Nê Phi 11:10–12, và tìm kiếm điều Chúa Giê Su Ky Tô muốn dân chúng biết về Ngài và về điều Ngài đã làm trong thời gian giáo vụ trên trần thế của Ngài. Các em nghĩ lời phán nào trong số những lời phán của Đấng Cứu Rỗi sẽ an ủi cho các em nhiều nhất nếu các em có mặt ở đó? Suy ngẫm lý do tại sao lời phán đó sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với các em. Các em có thể muốn đánh dấu cụm từ nào có ý nghĩa nhiều nhất đối với các em trong thánh thư của mình.

Đọc 3 Nê Phi 11:13–15, và đánh dấu điều mà Chúa Giê Su Ky Tô đã mời gọi mọi người phải làm để nhận được sự hiểu biết cá nhân mà Ngài muốn họ có về Ngài. Hãy nghĩ về các câu trả lời cho các câu hỏi sau đây: Theo 3 Nê Phi 11:14, Đấng Cứu Rỗi muốn mọi người phải biết điều gì từ kinh nghiệm này? Hãy suy xét rằng có khoảng 2.500 người có mặt vào lúc đó (xin xem 3 Nê Phi 17:25), vậy điều này có thể phải mất bao lâu? Điều này dạy cho các em biết gì về Đấng Cứu Rỗi?

Hình Ảnh
Từng Người Một
  1. Trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Các em nghĩ tại sao Chúa muốn ″từng người một″ nhìn thấy và sờ tay vào Ngài? (3 Nê Phi 11:15).

    2. Việc sờ tay vào các vết thương của Đấng Cứu Rỗi trong khi chuộc tội lỗi của các em sẽ ảnh hưởng đến các em như thế nào?

Hãy cân nhắc việc viết lẽ thật sau đây trong thánh thư của các em bên cạnh 3 Nê Phi 11:11–15 hoặc trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em: Chúa Giê Su Ky Tô mời gọi tôi nhận được chứng ngôn cá nhân rằng Ngài là Đấng Cứu Rỗi của tôi.

  1. Trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Các em cảm thấy chứng ngôn cá nhân của mình mạnh mẽ như thế nào về Đấng Cứu Rỗi? Chứng ngôn này đã tăng trưởng và trở nên mạnh mẽ như thế nào trong thời gian vừa qua?

    2. Những kinh nghiệm nào đã dẫn các em đến việc đạt được chứng ngôn cá nhân về Đấng Cứu Rỗi, hoặc điều các em có thể làm để đạt được một lời chứng mạnh mẽ hơn?

    3. Làm thế nào các em có thể biết rằng Đấng Cứu Rỗi biết rõ mỗi người các em?

Đọc 3 Nê Phi 11:16–17, và tìm kiếm điều dân chúng đã làm sau khi họ đã có kinh nghiệm cá nhân này với Đấng Cứu Rỗi. Có thể là điều hữu ích để hiểu rằng ″Hô Sa Na″ là một lời ngợi khen Chúa.

Hãy xem xét kỹ hơn 3 Nê Phi 11:15, và nhận ra điều dân chúng đã làm sau khi họ đích thân sờ tay vào các vết thương của Đấng Cứu Rỗi. Vì các em không ở đó để đích thân sờ tay vào các vết thương của Đấng Cứu Rỗi, như những người được viết trong 3 Nê Phi, thì làm thế nào các em có thể biết được rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô? (Xin xem Giăng 20:30–31; Mô Rô Ni 10: 3–7; GLGƯ 46:13–14 để có thể có được một số câu trả lời).

Để áp dụng 3 Nê Phi 11:15 cho bản thân mình, hãy hoàn tất lời phát biểu sau đây: Khi nhận được một chứng ngôn cá nhân về Chúa Giê Su Ky Tô, thì tôi có trách nhiệm để .

Hãy nghĩ về những cách mà một người có chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô có thể ″làm chứng″ về Ngài.

Chủ Tịch Boyd K. Packer đã dạy điều sau đây về các chứng ngôn: ″Các em không thể ép buộc những sự việc thuộc linh. Các em không bị bắt phải nhận một chứng ngôn ; chứng ngôn phát triển. Và một chứng ngôn là một chứng ngôn, và nó phải được tôn trọng, cho dù đó là chứng ngôn nhỏ hay lớn. Chúng ta trở nên cao hơn trong chứng ngôn của mình giống như chúng ta tăng trưởng về tầm vóc cơ thể và hầu như không biết điều đó đang xảy ra, vì điều đó đến bằng sự tăng trưởng” (“How Does the Spirit Speak to Us?” 3).

  1. Kết thúc bài học này bằng cách viết chứng ngôn của các em về Chúa Giê Su Ky Tô trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em. Các em có thể muốn gồm vào điều các em đã làm để đạt được chứng ngôn của mình hoặc điều các em hoạch định để làm nhằm củng cố chứng ngôn đó. Nếu được Thánh Linh thúc giục, thì hãy đọc chứng ngôn đó cho một người khác nghe hoặc mời một người nào đó đọc chứng ngôn đó.

  2. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập cho ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học 3 Nê Phi 11:1–17 và hoàn tất bài học này vào (ngày).

    Các câu hỏi, những suy nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi: