Lớp Giáo Lý
Đơn Vị 17: Ngày 1, An Ma 17–18


Đơn Vị 17: Ngày 1

An Ma 17–18

Lời Giới Thiệu

An Ma 17–18 chứa đựng điều mà Mặc Môn đã viết về sứ mệnh của các con trai của Mô Si A đối với dân La Man. Những câu chuyện này đưa ra tấm gương về việc những người truyền giáo ngày nay cần phải chuẩn bị và phục vụ như thế nào. Các con trai của Mô Si A đã tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa khi họ chuẩn bị để thuyết giảng phúc âm cho dân La Man. Khi họ chia tay nhau, Chúa đã an ủi họ và hứa rằng họ sẽ mang những người khác đến cùng Ngài. Am Môn đi đến xứ Ích Ma Ên và bắt đầu giảng dạy bằng cách phục vụ một ông vua La Man tên là La Mô Ni. Vua La Mô Ni ngạc nhiên trước sức mạnh của Am Môn khi ông bảo vệ đàn gia súc của nhà vua. Sự phục vụ này làm mềm lòng nhà vua và dân của ông để nghe lời giảng dạy của Am Môn về Thượng Đế và kế hoạch cứu rỗi. Vua La Mô Ni tin điều Am Môn giảng dạy, thừa nhận rằng mình cần một Đấng Cứu Rỗi, kêu cầu lên Chúa xin được thương xót, và được Thánh Linh chế ngự.

An Ma 17:1–18

Các con trai của Mô Si A chuẩn bị để thuyết giảng phúc âm cho dân La Man

Hãy nghĩ về khoảng thời gian các anh cả và các chị truyền giáo phục vụ truyền giáo ngày nay. Đọc An Ma 17:4, và gạch dưới con số các năm mà các con trai của Mô Si A giảng dạy phúc âm ở giữa dân La Man.

Khi An Ma hành trình đến xứ Man Ti, ông gặp các con trai của Mô Si A khi họ trở về nhà sau công việc truyền giáo lâu năm của họ và tất cả họ đều vui mừng. Đọc An Ma 17:2–4và tô đậm màu những từ và cụm từ mô tả loại người truyền giáo nào của các con trai Mô Si A.

  1. Xem lại An Ma 17:2–4. Làm điều sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Liệt kê điều mà các con trai của Mô Si A đã làm để chuẩn bị làm những người truyền giáo hữu hiệu, và mô tả các kết quả của sự chuẩn bị của họ.

    2. Chọn một số điều nào đó những người truyền giáo này đã làm mà các em muốn làm hay hơn trong cuộc sống của mình, hoặc một đặc điểm mà các em muốn phát huy một cách trọn vẹn hơn. Viết một đoạn văn về cách các em có thể làm điều này.

Suy ngẫm về mức độ thường xuyên của việc các em cầu nguyện và tìm kiếm thánh thư riêng cá nhân và chung với gia đình mình, và nghĩ về những cơ hội các em có để nhịn ăn. Về những phương diện nào các lối thực hành này đã giúp các em trở nên “mạnh mẽ trong sự hiểu biết lẽ thật” (An Ma 17:2)?

Từ tấm gương của các con trai của Mô Si A, chúng ta học được nguyên tắc này: Qua việc dò tìm thánh thư, cầu nguyện, và nhịn ăn, chúng ta có thể nhận được Đức Thánh Linh và giảng dạy với quyền năng.Bằng cách nhận được Đức Thánh Linh, chúng ta có thể sẵn sàng hơn để chia sẻ phúc âm với những người khác.

Đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, trong đó ông đã giảng dạy cho những người trẻ tuổi cách chuẩn bị để làm những người truyền giáo. Hãy tìm kiếm những cách thức cụ thể mà các em có thể tự chuẩn bị bản thân mình để chia sẻ phúc âm như các con trai của Mô Si A đã làm.

Hình Ảnh
Anh Cả David A. Bednar

″Các em có thể gia tăng ước muốn của mình để phục vụ Thượng Đế (xin xem GLGƯ 4:3), và các em có thể bắt đầu suy nghĩ như người truyền giáo suy nghĩ, đọc những thứ mà người truyền giáo đọc, cầu nguyện như người truyền giáo cầu nguyện và cảm nhận như người truyền giáo cảm nhận. Các em có thể tránh các ảnh hưởng nào của thế gian khiến cho Đức Thánh Linh phải rút lui, và các em có thể đạt được sự tin tưởng trong việc nhận biết và đáp ứng theo sự thúc giục của Thánh Linh. Từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một, nơi này một ít, nơi kia một ít, các em có thể dần dần trở thành người truyền giáo mà các em hy vọng sẽ trở thành và người truyền giáo mà Đấng Cứu Rỗi kỳ vọng. …

″Việc rao giảng phúc âm … không phải chỉ là một sinh hoạt mà chúng ta tham gia vào trong một thời gian giới hạn hoặc một sự chỉ định mà chúng ta phải hoàn tất với tư cách là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Đúng hơn, công việc truyền giáo là một cách biểu lộ về chân tính và di sản thuộc linh của chúng ta” (“Trở Thành một Người Truyền Giáo,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2005, 46–47).

Hình Ảnh
giới trẻ đọc cuốn sách nhỏ về Joseph Smith

Đọc An Ma 17:9, và gạch dưới điều mà các con trai của Mô Si A đã cầu nguyện để có được khi họ chuẩn bị để phục vụ. Đọc An Ma 17:11, và suy ngẫm điều Chúa phán bảo họ về cách làm một công cụ trong tay Ngài. Những câu này giảng dạy nguyên tắc: Bằng cách nêu gương sáng, nhất là khi đau khổ, Chúa có thể làm cho chúng ta trở thành một công cụ trong tay Ngài.

  1. Viết vào nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em về một tình huống trong đó các em cảm thấy mình có thể là một tấm gương sáng. Hãy nghĩ về các bối cảnh trường học, các tình huống ở nhà với gia đình các em hoặc với bà con thân quyến, và các môi trường xã hội trực tiếp hoặc trực tuyến. Hãy mô tả việc các em sẽ cho thấy một tấm gương sáng như thế nào trong tình huống đó.

Việc nêu gương sáng trong một số tình huống thì khó hơn trong các tình huống khác. Hãy xem cách những người dân La Man được mô tả như thế nào trong An Ma 17:12–16, và hãy suy nghĩ về lý do tại sao các con trai của Mô Si A đã phải khó khăn để giảng dạy trong tình huống này.

Các em nghĩ tại sao các con trai của Mô Si A sẵn lòng chịu thống khổ để giúp đỡ một dân tộc đang ghét dân Nê Phi? Để giúp các em hiểu điều mà các con trai của Mô Si A đã hy vọng để hoàn thành, hãy điền vào chỗ trống với một từ từ An Ma 17:16: Các con trai của Mô Si A muốn dân La Man được đem đến , vì họ muốn dân La Man biết được kế hoạch cứu chuộc.

Để giúp các em hiểu cách làm tấm gương sáng cho những người khác, hãy điền vào phần chỉ định này trong vòng một vài ngày tới: Yêu cầu một người trong gia đình hoặc một người bạn nói cho các em biết về tấm gương của một người nào đó giống như Đấng Ky Tô đã tạo ra một sự khác biệt như thế nào trong cuộc sống của người đó.

An Ma 17:19–39

Am Môn trở thành tôi tớ của Vua La Mô Ni và bảo vệ đàn gia súc của vua

Trong khi các em đọc An Ma 17:19–39, hãy tìm kiếm cách Am Môn đã phục vụ Vua La Mô Ni và các tôi tớ của nhà vua. Hãy nghĩ về sự phục vụ của Am Môn đã giúp chuẩn bị cho dân La Man như thế nào để nhận được phúc âm. Hoạch định để chia sẻ câu chuyện về việc Am Môn đã bảo vệ đàn gia súc của nhà vua với một người trong gia đình hoặc người bạn. Nhấn mạnh lẽ thật sau đây trong khi các em chia sẻ câu chuyện này: Qua sự phục vụ, chúng ta có thể giúp chuẩn bị những người khác để chấp nhận phúc âm. Thảo luận với người đó về một người mà các em muốn giúp trở nên vững mạnh hơn về phần thuộc linh. Hãy nghĩ về cách mà các em có thể phục vụ người này, và quyết định cách các em có thể phục vụ.

An Ma 18

Lòng trung tín của Am Môn làm Vua La Mô Ni cảm kích, và Am Môn giảng dạy phúc âm cho nhà vua.

Các tôi tớ của Vua La Mô Ni nói cho nhà vua biết điều Am Môn đã làm để bảo vệ đàn gia súc của nhà vua. Đọc An Ma 18:4–6, và tìm kiếm phản ứng của nhà vua đối với điều Am Môn đã làm.

Khi nhà vua hỏi các tôi tớ của mình là Am Môn đang ở đâu, thì họ nói với ông rằng Am Môn đang làm theo lời yêu cầu trước đó của nhà vua để chuẩn bị các con ngựa của nhà vua cho một cuộc hành trình đến xứ Nê Phi, nơi vua cha đang sống. Đọc An Ma 18:12–15, và tìm hiểu xem sự phục vụ của Am Môn đã có ảnh hưởng như thế nào đối với Vua La Mô Ni.

Hình Ảnh
Am Môn Bảo Vệ Đàn Gia Súc của Vua La Mô Ni

Đọc An Ma 18:16–21, và tìm kiếm bằng chứng rằng Chúa đang hướng dẫn Am Môn trong khi ông giảng dạy cho Vua La Mô Ni. Trong khoảng trống, hãy viết Thánh Linh của Thượng Đế đã giúp đỡ Am Môn trong tình huống này như thế nào.

Trong khi các em đọc An Ma 18:22–32, hãy tìm kiếm các lẽ thật cụ thể của phúc âm mà Am Môn đã dạy cho La Mô Ni. Các em có thể muốn đánh dấu các lẽ thật này trong thánh thư của mình hoặc viết các lẽ thật này vào nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em. Trong khi Am Môn giảng dạy, ông đã xây đắp trên niềm tin mà ông và La Mô Ni đã chia sẻ. La Mô Ni đã tin vào một thượng đế—mà ông gọi là Vị Thần Vĩ Đại— nhưng ông đã không hiểu tính chất đích thật của Thượng Đế.

Đọc An Ma 18:33–35, và tìm hiểu xem Am Môn đã trả lời như thế nào khi nhà vua hỏi ông có phải được Thượng Đế gửi tới hay không.

  1. Từ việc các em nghiên cứu An Ma 17–18, hãy viết một đoạn ngắn trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em có tóm lược những điều Am Môn đã có thể làm ở giữa dân La Man với sự giúp đỡ của Thượng Đế.

Các em có thể muốn viết nguyên tắc sau đây trong thánh thư của mình gần An Ma 18:35: Khi chúng ta phục vụ Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, thì hai Ngài sẽ gia tăng khả năng chúng ta làm công việc của hai Ngài.

  1. Hãy trả lời cho một hoặc cả hai câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Nguyên tắc trước sẽ giúp đỡ các em như thế nào trong các trách nhiệm hiện tại và tương lai của các em trong Giáo Hội?

    2. Các em có thể phục vụ Chúa một cách trung tín hơn như thế nào để Ngài có thể gia tăng khả năng của các em để làm công việc của Ngài?

Vì tấm gương trung tín và sự phục vụ của Am Môn nên ông đã có thể giảng dạy cho La Mô Ni về kế hoạch cứu chuộc của Cha Thiên Thượng. Hãy nhớ rằng La Mô Ni đã cảm thấy tội lỗi vì tội giết người mà ông đã phạm (xin xem An Ma 18:4–6). Đọc An Ma 18:36–43, và tìm hiểu xem Am Môn đã giảng dạy kế hoạch cứu chuộc cho La Mô Ni và cách La Mô Ni đã đáp ứng với những lời giảng dạy này như thế nào.

  1. Hãy trả lời câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em: Các em nghĩ tại sao Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là quan trọng đặc biệt đối với Vua La Mô Ni để hiểu?

Hãy cân nhắc cách học hỏi về các giáo lý về Sự Sáng Tạo, Sự Sa Ngã, và Sự Chuộc Tội có thể đã giúp La Mô Ni nhận ra mình đang cần một Đấng Cứu Rỗi như thế nào. Anh Cả Bruce R. McConkie thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giảng dạy về tầm quan trọng của Sự Sáng Tạo, Sự Sa Ngã, và Sự Chuộc Tội:

Hình Ảnh
Anh Cả Bruce R. McConkie

″Ba sự kiện thiêng liêng này—ba cột trụ vĩnh cửu—đã bện chặt với nhau thành một tấm thảm lớn được biết đến là kế hoạch cứu rỗi vĩnh cửu. Chúng ta xem sự chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô là trung tâm, nòng cốt và trọng tâm của tôn giáo đã được mặc khải. Sự chuộc tội này mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu của loài người. Sự cứu rỗi là ở trong Đấng Ky Tô.

″Nhưng nếu không có sự sa ngã, thì có lẽ đã không có sự chuộc tội. Sự sa ngã của A Đam mang cái chết thể xác và thuộc linh vào thế gian, và chính là từ những cái chết này mà con người và tất cả các hình thức của cuộc sống được chuộc qua sự chuộc tội do Chúa Giê Su Ky Tô thực hiện. A Đam mang đến sự hữu diệt; Đấng Ky Tô mang đến sự bất diệt. Sự cứu rỗi đến vì sự sa ngã và sự chuộc tội.

″Nhưng nếu thế gian và con người cùng tất cả các sinh vật đã không được tạo ra trong trạng thái thể chất và thiêng liêng của họ, trong một trạng thái bất tử, thì có lẽ đã không có sự sa ngã. … Do đó sự cứu rỗi đã được tạo ra sẵn trong, qua và vì sự sáng tạo của các tầng trời và đất và tất cả những gì ở trong và ở trên đó. Sự cứu rỗi đến vì sự sáng tạo, sự sa ngã, và sự chuộc tội; ba điều này là một phần của một kế hoạch thiêng liêng” (A New Witness for the Articles of Faith [1985], 81–82).

Từ kinh nghiệm của La Mô Ni, chúng ta có thể học được lẽ thật này: Khi hiểu được rằng mình cần đến Đấng Cứu Rỗi thì chúng ta sẽ có ước muốn để hối cải.

Kết thúc bài học ngày hôm nay bằng cách suy ngẫm xem các em có thể làm điều gì để giúp các em ghi nhớ rằng mình cần có Đấng Cứu Rỗi.

  1. Viết điều sau đây ở dưới cùng của phần chỉ định trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em ngày hôm nay:

    Tôi đã học xong An Ma 17–18 và hoàn tất bài học này vào (ngày, tháng, năm).

    Tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi những câu hỏi, ý nghĩ, và những sự hiểu biết thêm: