Lớp Giáo Lý
Đơn Vị 13: Ngày 4, Mô Si A 25


Đơn Vị 13: Ngày 4

Mô Si A 25

Lời Giới Thiệu

Như đã được ghi trong Mô Si A 25, dân của Lim Hi và các tín đồ của An Ma đi đến Gia Ra Hem La để được đoàn kết một cách an toàn dưới sự cai trị của Vua Mô Si A. Khi những nhóm dân Nê Phi này đến với nhau, họ đã nhận ra lòng nhân từ của Thượng Đế và quyền năng của Ngài để giải thoát cho họ. Họ cũng thiết lập một Giáo Hội thống nhất. Khi học bài học này, các em có thể được hưởng lợi ích từ sự suy nghĩ về việc các em đã thấy lòng nhân từ của Thượng Đế trong cuộc sống của các em như thế nào và các phước lành về việc thuộc vào Giáo Hội chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô.

Mô Si A 25:1–13

Những người quy tụ trong Gia Ra Hem La đoàn kết và bắt đầu được biết đến là dân Nê Phi

Đọc câu chuyện sau đây về một thiếu nữ là người được bảo vệ bằng cách lắng nghe Thánh Linh trong khi đi bộ đường dài với nhóm người trong Hội Thiếu Nữ của mình:

“Trên đường trở về, tôi thuộc vào một nhóm người đi chậm hơn, năm thiếu nữ và người lãnh đạo của chúng tôi. Họ đang bận rộn chụp hình, vì vậy tôi quyết định đi trước. Trong khi đi xuống đồi, tôi nghe tiếng một con bò [có vẻ như nó sắp chết]. Một tiếng nói cảnh báo, vững vàng tuy thầm lặng, nói rằng: ‘Hãy quay trở lại.’ Tôi hầu như làm ngơ tiếng nói đó, nhưng tiếng đó lại đến. Lần này tôi nghe theo và trở lại với nhóm. Khi bắt đầu đi xuống đồi, chúng tôi thấy hai con bò mộng đen to lớn đang đi nhanh lên đồi một cách giận dữ. Con bò lớn nhất bắt đầu cào chân trên mặt đất trong khi nó nhìn chằm chằm vào chúng tôi. … Tâm trí chúng tôi sợ hãi, nhưng vị lãnh đạo chức tư tế của chúng tôi đã làm cho con bò đó phân tâm, và chúng tôi đã có thể leo qua hàng rào an toàn.

“Khi chúng tôi trở vào trại, tôi nhận biết rằng nếu không nghe theo lời cảnh báo của Thánh Linh, thì tôi đã có thể bị thương nặng hoặc thậm chí còn bị chết nữa. Tôi biết rằng Cha Thiên Thượng quan tâm đến cá nhân tôi và đã giữ tôi được an toàn. Tôi rất biết ơn Chúa vì lời cảnh báo đó. Kinh nghiệm này đã củng cố chứng ngôn của tôi và mang đến cho tôi một tình yêu mến lớn lao hơn đối với Chúa” (Marissa W., “Turn Back,” New Era, tháng Mười Một năm 2010, 47).

Việc nghe hay đọc về những kinh nghiệm của người khác để minh họa lòng nhân từ và quyền năng của Thượng Đế trong cuộc sống của họ giúp củng cố các em như thế nào?

Hình Ảnh
sơ đồ các cuộc hành trình

Khi dân của Lim Hi và dân của An Ma đoàn kết với dân ở Gia Ra Hem La, Vua Mô Si A ra lệnh cho đọc các biên sử cho tất cả mọi người nghe (xin xem Mô Si A 25:1–6). Tra cứu Mô Si A 25:7 về cách dân của Vua Mô Si A đáp ứng khi họ nghe những truyện ký về những giao tiếp của Thượng Đế với những người này.

  1. Đối với mỗi câu trong bốn câu này trong Mô Si A 25:8–11, hãy ghi lại trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em phản ứng của những người dân này khi họ nghe truyện ký về các anh em của mình. Ví dụ, trong Mô Si A 25:8, khi họ thấy những người đã được giải thoát khỏi ách nô lệ của dân La Man, thì dân chúng “tràn đầy sự vui mừng lớn lao.”

    1. Mô Si A 25:8

    2. Mô Si A 25:9

    3. Mô Si A 25:10

    4. Mô Si A 25:11

Hãy cân nhắc việc viết nguyên tắc sau đây ở ngoài lề trang của thánh thư của các em bên cạnh Mô Si A 25:8–11: Bằng cách nghiên cứu các biên sử về những mối giao tiếp của Thượng Đế với những người khác, chúng ta có thể cảm thấy niềm vui và lòng biết ơn về lòng nhân từ của Thượng Đế.

Hãy suy nghĩ về những nguồn gốc có thể có mà từ đó các em có thể học về những người đã cảm nhận được lòng nhân từ của Thượng Đế. Những nguồn gốc này có thể gồm có thánh thư, lịch sử Giáo Hội, các tạp chí Giáo Hội, các bài nói chuyện trong đại hội trung ương, các hồ sơ lịch sử gia đình của các em, các buổi họp chứng ngôn, và các lớp Trường Chủ Nhật và chức tư tế hay Hội Thiếu Nữ. Hãy nghĩ về một thời kỳ mà các em đã học được về lòng nhân từ của Thượng Đế từ các nguồn gốc này. Sau đó suy ngẫm về các câu trả lời của các em cho các câu hỏi sau đây:

  • Tôi đã có một kinh nghiệm trong đó việc học hỏi về lòng nhân từ của Thượng Đế đối với những người khác đã giúp tôi cảm thấy được niềm vui hoặc lòng biết ơn chưa?

  • Điều gì có thể có ảnh hưởng lâu dài nếu tôi thường xuyên nghiên cứu những kinh nghiệm về lòng nhân từ của Thượng Đế trong những giao tiếp của Ngài với những người khác—cho dù trong thánh thư hoặc các nguồn gốc khác?

Trong tuần tới, hãy cân nhắc việc tra cứu một trong những nguồn gốc mà các em nghĩ về một câu chuyện về lòng nhân từ của Thượng Đế đã làm tràn đầy lòng các em với vẻ kỳ diệu, ngạc nhiên, niềm vui, hoặc cảm tạ. Các em có thể viết về điều các em đã học được và ảnh hưởng đến các em như thế nào trong nhật ký cá nhân của các em. Các em cũng có thể sử dụng câu chuyện này trong một buổi họp tối gia đình để giảng dạy cho gia đình các em về lòng nhân từ của Thượng Đế, hoặc các em có thể chia sẻ câu chuyện với lớp giáo lý của các em hoặc với một người bạn.

Mô Si A 25:14–24

An Ma thiết lập các giáo hội của Thượng Đế trên toàn lãnh thổ xứ Nê Phi

Sau khi Mô Si A nói xong và đọc xong các biên sử cho dân chúng thì An Ma ngỏ lời với họ. Đọc Mô Si A 25:14–16, và nhận ra điều An Ma đã dạy. Hãy viết các câu trả lời cho các câu hỏi sau đây trong sách học:

  • Điều An Ma đã giảng dạy một bản tóm tắt thích hợp về những kinh nghiệm của dân của Lim Hi cũng như các tín đồ của An Ma là như thế nào?

  • Tại sao các em nghĩ rằng những lời của An Ma là quan trọng đối với dân chúng để nghe sau khi họ đã nghe lịch sử của dân Giê Níp?

Trước khi tiếp tục đọc trongMô Si A 25, hãy suy nghĩ về một thời kỳ khi các em tham dự một tiểu giáo khu hoặc chi nhánh Thánh Hữu Ngày Sau khác chứ không phải tiểu giáo khu hoặc chi nhánh nhà của các em. Hãy suy nghĩ về những điểm tương đồng các em nhận thấy giữa tiểu giáo khu hoặc chi nhánh nhà của các em và một tiểu giáo khu hoặc chi nhánh mà các em đã đến thăm.

Đọc Mô Si A 25:17–22, và tìm kiếm Giáo Hội đã được cai quản như thế nào ở giữa dân Nê Phi trong thời kỳ của An Ma. Việc đề cập đến “các giáo hội” trong Mô Si A 25:21 tương tự như cách chúng ta đề cập đến các tiểu giáo khu và chi nhánh trong Giáo Hội ngày nay. Cũng như trong thời kỳ của An Ma, Thượng Đế kêu gọi các vị lãnh đạo để hướng dẫn Giáo Hội của Ngài ngày nay.

Hình Ảnh
Lễ Tiệc Thánh

Trong Mô Si A 23:16 các em biết rằng An Ma “là thầy tư tế thượng phẩm của họ” và “là người sáng lập ra giáo hội của họ” (Mô Si A 23:16). Chủ Tịch Joseph Fielding Smith giải thích: “Nhóm dân Nê Phi chính vẫn còn nguyên vẹn ở xứ Gia Ra Hem La, dưới triều Vua Mô Si A đệ nhị. Câu này nói rằng An Ma là người sáng lập giáo hội của họ chỉ đề cập đến những người tị nạn đã chạy trốn khỏi xứ thừa hưởng đầu tiên của dân Nê Phi. Sau một thời gian họ tìm thấy con đường trở lại với nhóm chính của Giáo Hội và An Ma đã được sắc phong là thầy tư tế thượng phẩm trong Giáo Hội ở khắp các xứ do dân Nê Phi chiếm cứ (Answers to Gospel Questions, do Joseph Fielding Smith Jr. biên soạn, 5 tập. [1957–66], 3:39-40).

  1. Viết câu trả lời ngắn cho mỗi câu hỏi trong số các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Trong những phương diện nào Giáo Hội Nê Phi giống với Giáo Hội ngày nay?

    2. Tại sao các em nghĩ việc các vị lãnh đạo được An Ma, là người có thẩm quyền từ Thượng Đế, kêu gọi là điều quan trọng?

    3. Tại sao là điều quan trọng cho các vị lãnh đạo phải giảng dạy những lẽ thật giống nhau cho tất cả các tín hữu của Giáo Hội trên toàn thế giới?

Khi các em đọc Mô Si A 25:23–24, hãy tìm kiếm các cụm từ mô tả những người gia nhập Giáo Hội của Đấng Ky Tô và cũng mô tả các tín hữu của Giáo Hội của Chúa ngày nay. Một nguyên tắc chúng ta học được từ những câu này là: Khi chúng ta chịu mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô và sống theo danh đó, thì Chúa sẽ trút Thánh Linh của Ngài lên chúng ta.

  1. Viết những câu trả lời cho các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Các cụm từ trong Mô Si A 25:23–24 có mô tả các tín hữu Nê Phi của Giáo Hội cũng được áp dụng cho các tín hữu của Giáo Hội ngày nay như thế nào?

    2. Việc ghi nhớ rằng các em đã mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô có thể tạo ra một sự khác biệt trong những suy nghĩ và điều lựa chọn hàng ngày của các em như thế nào?

Hãy lưu ý rằng trong Mô Si A 25:24 “Chúa đã trút Thánh Linh của Ngài” lên dân chúng. Anh Cả Joseph B. Wirthlin thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nhấn mạnh giá trị của ân tứ Đức Thánh Linh cho các tín hữu của Giáo Hội:

Hình Ảnh
Anh Cả Joseph B. Wirthlin

“Ân tứ Đức Thánh Linh, tức là quyền nhận được Đức Thánh Linh với tư cách là một người bạn đồng hành thường xuyên, chỉ đạt được với điều kiện phải có đức tin nơi Đấng Ky Tô, sự hối cải, phép báp têm bằng cách được dìm mình xuống nước, và phép đặt tay bởi các tôi tớ có thẩm quyền đã được ban cho Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Đó là một ân tứ quý báu nhất chỉ có sẵn cho các tín hữu xứng đáng của Giáo Hội của Chúa.

“… Đó là nguồn chứng ngôn và các ân tứ thuộc linh. Ân tứ này soi sáng tâm trí, làm tràn đầy tâm hồn chúng ta với niềm vui, dạy chúng ta tất cả mọi điều, và mang lại sự hiểu biết về những điều đã quên đến với trí nhớ của chúng ta. Đức Thánh Linh cũng ‘sẽ chỉ dẫn cho [chúng ta] tất cả mọi việc [chúng ta] phải nên làm’ [2 Nê Phi 32:5]” (“The Unspeakable Gift,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2003, 26).

  1. Trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Trong những phương diện nào sự tham gia của các em vào Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô giúp các em cảm nhận được Thánh Linh?

    2. Các em có thể làm điều gì để gia tăng lòng trung thành và các hành động ngay chính để có thể cảm thấy gần gũi với Thánh Linh hơn?

Hãy tìm kiếm một cơ hội để chia sẻ với một người nào đó về ân tứ Đức Thánh Linh đã ban phước cho cuộc sống của các em như thế nào. Các phước lành các em đã có được qua Đức Thánh Linh có thể gia tăng khi các em cố gắng để được xứng đáng với sự đồng hành của Ngài.

  1. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập cho ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học Mô Si A 25 và hoàn tất bài học này vào (ngày).

    Các câu hỏi, những suy nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi: