Lớp Giáo Lý
Đơn Vị 12: Ngày 4, Mô Si A 15–17


Đơn Vị 12: Ngày 4

Mô Si A 15–17

Lời Giới Thiệu

Phần ghi chép lời thuyết giảng của tiên tri A Bi Na Đi cho Vua Nô Ê và các thầy tư tế của ông ta tiếp tục trong Mô Si A 15–17. Ông làm chứng về vai trò của Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Chuộc. Một trong các thầy tư tế của Nô Ê là An Ma đã tin A Bi Na Đi. Vua Nô Ê đuổi An Ma ra khỏi cung vua của mình và ra lệnh thiêu A Bi Na Đi đến chết. A Bi Na Đi trung thành với Thượng Đế trong mọi hoàn cảnh.

Mô Si A 15–16

A Bi Na Đi giảng dạy về vai trò của Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Chuộc

Dành ra một vài phút để tìm và khoanh tròn những từ cứu chuộc, được cứu chuộc,sự cứu chuộc trong Mô Si A 15–16. Việc lặp lại một từ trong một nhóm câu thánh thư thường cho thấy một điểm quan trọng trong sứ điệp của người viết. Khi các em học ngày hôm nay, hãy để ý xem A Bi Na Đi đã dạy điều gì về việc được cứu chuộc.

Để giúp các em hiểu được vai trò của Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Chuộc, hãy xem xét sơ đồ sau đây:

Hình Ảnh
Stick Figure

Hãy tưởng tượng rằng các em vi phạm một luật pháp và đã bị kết án với hình phạt khắc nghiệt nhất mà pháp luật cho phép. Có lẽ sự trừng phạt bao gồm số tiền phạt lớn, thời gian ở tù, hoặc thậm chí còn là cái chết nữa. Các em cảm thấy như thế nào khi chịu các hình phạt như vậy? Các em có thể nghĩ ra cách nào hợp pháp và chân thật để thoát khỏi những sự trừng phạt này không?

Viết Tôi dưới từ Người phạm tộiCông lý dưới từ Sự trừng phạt trong sơ đồ. Chúng ta đều đã vi phạm các luật pháp của Thượng Đế vào một thời điểm nào đó và phải đáp ứng các đòi hỏi của công lý. Công lý đòi hỏi mỗi người phạm tội phải nhận sự trừng phạt liên quan đến tội lỗi đó.

Hình Ảnh
Anh Cả Richard G. Scott

Đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Richard G. Scott thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, và gạch dưới hai hậu quả của việc vi phạm luật pháp của Thượng Đế: “Công lý … đòi hỏi mỗi luật pháp bị vi phạm phải được thỏa mãn. Khi tuân theo các luật pháp của Thượng Đế thì các anh chị em được phước, nhưng không có sự đền bù thêm nào có thể được để dành nhằm thỏa mãn cho các luật pháp khác mà các anh chị em vi phạm. Nếu không được giải quyết, những sự vi phạm luật pháp có thể làm cho cuộc sống của các anh chị em trở nên khổ sở và sẽ ngăn cản các anh chị em trở về cùng Thượng Đế” (“Sự Chuộc Tội Có Thể Bảo Đảm Sự Bình An và Hạnh Phúc của Các Anh Chị Em,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2006, 42).

Các hậu quả của việc vi phạm luật pháp của Thượng Đế bao gồm nỗi đau khổ và không thể sống với Thượng Đế. Đọc Mô Si A 15:1, 7–9, và đánh dấu các cụm từ cho thấy Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi thỏa mãn những đòi hỏi của công lý như thế nào.

Sử dụng một quyển tự điển để tìm định nghĩa cho những từ sau đây:

Cứu chuộc (Mô Si A 15:1)

Sự can thiệp (Mô Si A 15:8)

Trung gian (Mô Si A 15:9)

Các em có thể muốn viết một phần các định nghĩa này bên cạnh các câu thánh thư.

Đôi khi người ta nhầm lẫn vì điều mô tả của A Bi Na Đi về Chúa Giê Su Ky Tô trong Mô Si A 15:2–5 là (1) Con Trai của Thượng Đế Đức Chúa Cha, và (2) là Đức Chúa Cha. Lời tuyên bố sau đây của Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ giải thích về thiên tính của Chúa Giê Su Ky Tô theo cách này: “Như A Bi Na Đi dạy, Đấng Ky Tô đã được ‘sinh ra bởi quyền năng của Thượng Đế’ (Mô Si A 15:3) và do đó có các quyền năng của Đức Chúa Cha bên trong Ngài. Ngoài mối quan hệ trực hệ thiêng liêng đó ra, Đấng Ky Tô còn hành động như Đức Chúa Cha trong ý nghĩa rằng Ngài là Đấng Sáng Tạo trời và đất [xin xem Mô Si A 15:4], là cha của sự tái sinh phần thuộc linh và sự cứu rỗi của chúng ta, và trung tín trong việc tôn vinh—và do đó nhận quyền năng của—ý muốn của Đức Chúa Cha ở bên trên ý muốn của chính Ngài” (Christ and the New Covenant [1997], 183–84).

Học Mô Si A 15:5–7, suy nghĩ về cái giá mà Chúa Giê Su Ky Tô đã trả để cứu chuộc các em, hoặc đứng trung gian giữa các em và những đòi hỏi của công lý. Trong sơ đồ ở trên, hãy viết Chúa Giê Su Ky Tô ở giữa Người phạm tộiSự trừng phạt.

Là điều quan trọng để hiểu rằng Đấng Cứu Rỗi không loại bỏ những đòi hỏi của công lý mà Ngài đứng ở giữa công lý và chúng ta. Nếu chúng ta hối cải, Ngài sẽ làm thỏa mãn những đòi hỏi của công lý bằng cách nhận sự trừng phạt thay cho chúng ta.

  1. Hoàn tất các sinh hoạt sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Viết Những Người Chọn để Được Cứu Chuộc (Mô Si A 15:11–12; 16:13). Sau đó tra cứu Mô Si A 15:11–12; 16:13, tìm kiếm những người sẽ được cứu chuộc. Mô tả điều các em đã tìm thấy.

    2. Viết Những Người Từ Chối Không Muốn Được Cứu Chuộc (Mô Si A 15:26–27; 16:2–5, 12). Sau đó tra cứu Mô Si A 15:26–27; 16:2–5, 12, tìm kiếm lý do tại sao một số người sẽ không được cứu chuộc. Mô tả điều các em đã tìm thấy.

  2. Bằng cách sử dụng điều các em đã học được trong bài tập trước, hãy trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Điều gì quyết định người nào sẽ được cứu chuộc khỏi tội lỗi của họ?

    2. Các em học được gì từ sự tương phản của “ý muốn” của Chúa Giê Su Ky Tô trong Mô Si A 15:7 và “ý muốn” của những người làm điều ác trong Mô Si A 16:12?

Chúa Giê Su Ky Tô làm thỏa mãn những đòi hỏi của công lý cho tất cả những người chịu hối cải. Cái giá mà Đấng Cứu Rỗi đã trả cho chúng ta là một ân tứ rất riêng tư cho bất cứ người nào chọn hối cải và làm theo ý muốn của Đức Chúa Cha. Đọc Mô Si A 15:10, và gạch dưới cụm từ “Ngài sẽ thấy dòng dõi của Ngài.”

Hình Ảnh
Anh Cả Merrill J. Bateman

Đọc {Mô Si A 15:10–12 và lời phát biểu sau đây của Anh Cả Merrill J. Bateman, một thành viên danh dự của Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi:

“Tiên tri A Bi Na Đi … nói rằng ‘khi mà tâm hồn Ngài được hiến dâng làm của lễ chuộc tội, thì Ngài sẽ thấy dòng dõi của Ngài’ (Mô Si A 15:10). Rồi A Bi Na Đi nhận ra dòng dõi của Đấng Cứu Rỗi là các vị tiên tri và những người đi theo họ. Trong nhiều năm, tôi đã suy nghĩ về kinh nghiệm của Đấng Cứu Rỗi trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên cây thập tự là những chỗ mà một khối lượng tội lỗi chồng chất lên Ngài. Tuy nhiên, qua những lời của An Ma, A Bi Na Đi, Ê Sai và các vị tiên tri khác, quan điểm của tôi đã thay đổi. Thay vì một khối lượng tội lỗi không thuộc cá nhân, mà thuộc vào rất nhiều người, vì Chúa Giê Su đã cảm nhận ‘sự yếu đuối của chúng ta’ (Hê Bơ Rơ 4:15), ‘đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta … [và] đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết’ (Ê Sai 53:4–5).

“Sự Chuộc Tội là một kinh nghiệm riêng tư, cá nhân trong đó Chúa Giê Su đã tiến đến việc biết cách giúp đỡ mỗi người chúng ta” (“Một Mẫu Mực cho Tất Cả,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2005, 75–76).

Hình Ảnh
Đấng Ky Tô trong Vườn Ghết Sê Ma Nê
  1. Trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Các em nghĩ việc trở thành dòng dõi của Chúa Giê Su Ky Tô là gì? (xin xem Mô Si A 15:12).

    2. Các em đang làm gì để chắc chắn rằng các em được tính vào trong số dòng dõi của Chúa Giê Su Ky Tô?

Các em có thể cá nhân hoá Mô Si A 15:10 bằng cách viết tên của các em thay vào các từ “dòng dõi của Ngài” trong phần của câu mà các em đã gạch dưới. Suy ngẫm trong giây lát về ý nghĩa của việc có được một Đấng Cứu Chuộc đã thấy và biết rõ cá nhân của các em.

Hậu quả của việc một người nào đó từ chối không muốn được cứu chuộc là gì? Xem lại một lần nữa Mô Si A 16:5. Điều gì xảy ra trong sơ đồ đã được cho thấy trước đó trong bài học này nếu người phạm tội vẫn còn sống trong tội lỗi và từ chối hối cải? Đọc Giáo Lý và Giao Ước 19:16–17 để khám phá ra điều sẽ xảy ra cho những người từ chối chấp nhận hành động cứu chuộc của Đấng Cứu Rỗi qua sự hối cải.

A Bi Na Đi dạy rằng sự cứu chuộc của Chúa Giê Su Ky Tô không chỉ bao gồm một sự giải cứu khỏi tội lỗi mà còn khỏi cái chết nữa. Mọi người sẽ được phục sinh; Tuy nhiên, có một số nguời sẽ được phục sinh trước những người khác. A Bi Na Đi sử dụng từ “sự phục sinh lần thứ nhất” để giải thích rằng người ngay chính và vô tội sẽ được phục sinh trước kẻ phản nghịch (xin xem Mô Si A 15:21–22). Người ngay chính sẽ được cứu chuộc khỏi cái chết trong sự phục sinh lần thứ nhất và kẻ tà ác phải chờ đợi để được phục sinh cho đến sau khi Thời Kỳ Ngàn Năm (xin xem GLGƯ 76:85, 106).

  1. Suy ngẫm về những câu mà các em đã học trong Mô Si A 15. Hãy tưởng tượng rằng các em có cơ hội được một sứ giả trao cho sứ điệp từ các em lên Đấng Cứu Rỗi. Ghi lại điều các em sẽ viết trong sứ điệp đó, dựa vào điều Ngài đã làm cho các em.

Đấng Cứu Rỗi muốn mang chúng ta trở lại nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng. Ngài cầu nguyện thay, làm trung gian, và khẩn cầu thay cho chúng ta. Đấng Cứu Rỗi đã trả những đòi hỏi của công lý cho chúng ta nếu chúng ta chịu hối cải.

Mô Si A 17

An Ma tin A Bi Na Đi và bị đuổi đi; A Bi Na Đi bị giết chết

Các em có bao giờ chứng kiến một người nào đó đứng lên bênh vực cho điều đúng khi rất khó để người ấy làm như vậy không? Kết quả là gì?

Khi A Bi Na Đi kết thúc sự điệp của ông, một trong số các thầy tư tế, tên là An Ma, đã cố gắng thuyết phục nhà vua rằng A Bi Na Đi đã nói lên sự thật và cần phải được thả ra. Nhà vua đã đuổi An Ma ra và sai các tôi tớ đuổi theo giết ông. An Ma ẩn núp và viết xuống những lời của A Bi Na Đi.

Sự cải đạo của An Ma thật là đầy ý nghĩa. Vì ông đã ghi lại những lời của A Bi Na Đi, nên nhiều thế hệ và nhiều người đã được ban phước. Các kết quả cải đạo của An Ma sẽ được thấy rõ ràng hơn khi các em học các chương sắp tới. Nhà vua và các các thầy tư tế của ông ta cùng nhau hội ý trong ba ngày trước khi tuyên án xử tử A Bi Na Đi (xin xem Mô Si A 17:1–6, 13).

  1. Mô Si A 17:7–10Mô Si A 17:11–12 so sánh những lựa chọn của A Bi Na Đi và Vua Nô Ê. Sau khi nghiên cứu những câu này, hãy đưa ra những câu trả lời vắn tắt cho các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    1. Những lời cuối cùng nào của A Bi Na Đi đã gây ấn tượng cho các em nhất?

    2. Tại sao các em nghĩ những lời của A Bi Na Đi đã ảnh hưởng đến Vua Nô Ê theo cách như vậy?

    3. Các thầy tư tế đã có những ảnh hưởng gì đối với Vua Nô Ê?

    4. Bằng cách nào tấm gương của A Bi Na Đi đã giúp soi dẫn cho các em để trung thành với Thượng Đế trong mọi hoàn cảnh?

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã tuyên bố: “Hãy mạnh mẽ—trong việc đứng lên bênh vực cho điều đúng. Chúng ta sống trong một thời kỳ của sự thỏa hiệp và mặc nhiên chấp thuận. Trong các tình huống phải đối phó hàng ngày, chúng ta biết điều gì là đúng, nhưng dưới áp lực từ bạn bè và những tiếng nói dụ dỗ của những người thuyết phục chúng ta, thì chúng ta đầu hàng. Chúng ta thỏa hiệp. Chúng ta mặc nhiên chấp thuận. Chúng ta nhượng bộ, và chúng ta xấu hổ về bản thân mình. … Chúng ta phải trau dồi sức mạnh để đi theo lòng tin chắc của mình” (“Building Your Tabernacle,” Ensign, tháng Mười Một năm 1992, 52).

Viết Tôi có thể trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh vào thánh thư của các em bên cạnh Mô Si A 17:9–12.

  1. Để cá nhân hóa lòng can đảm đạo đức và lòng tin chắc của cá nhân A Bi Na Đi, hãy đọc Mô Si A 17:20 và hoàn tất câu sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em: Tôi cần phải trung thành với Thượng Đế khi …

Khi các em kết thúc bài học hôm nay, hãy nghĩ về một người trong gia đình hoặc một người bạn nào có thể được hưởng lợi từ việc nghe điều các em đã học được và cảm thấy ngày hôm nay. Nếu có thể, chia sẻ với người này điều các em đã học được và ước muốn của các em để được trung thành với Chúa trong những lúc khó khăn.

  1. Viết điều sau đây ở dưới cùng của bài tập cho ngày hôm nay trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của các em:

    Tôi đã học Mô Si A 15–17 và hoàn tất bài học này vào (ngày).

    Các câu hỏi, những suy nghĩ, và những hiểu biết sâu sắc bổ sung tôi muốn chia sẻ với giảng viên của tôi: